Xin chào một ai đó vô tình nghe hoặc đọc được những dòng này. Dù là bao nhiêu năm sau, xin hãy tin rằng tôi thành tâm chúc bạn có được sự cân bằng trong cảm xúc và mỗi ngày đều kết thúc bằng cảm giác bình yên nhiều hơn, hạnh phúc nhiều hơn.
Tôi viết và thu lại những dòng này vào thời điểm hai sáu tuổi chưa tròn một tháng. Hành trang mang theo gồm có một tấm bằng cử nhân, một công việc kiếm sống tuy hơi stress, bài học từ một mối tình bảy năm đã từng tưởng là dấu chấm than gọn ghẽ của đời mình, một vài sang chấn ấu thơ lẫn một ít triệu chứng của tính hướng ngoại thái quá, cộng với lại - chắc đây là lý do tiên quyết khiến tôi không còn lười viết hôm nay - một cú lừa đảo vào sáng nay, đưa tôi về lại tình cảnh trắng tay kiêm nợ nần sau vài năm đi làm. Bấy nhiêu hẳn là quá dài để mở bài rồi, và nếu bạn vẫn đang đọc hay nghe, thì vâng, tôi không định kết thúc nhân duyên của chúng ta trong khoảnh khắc này bằng mấy bài học kinh nghiệm cá nhân sáo mòn đâu ạ. Hẳn nhiên rồi, xin lỗi bạn vì sự dài dòng này, bạn và tôi đều không phải kẻ cô độc nhất hay xấu số nhất trong giây phút này. Thế nên, vào chủ đề chính nào!
Phương án mà tôi chọn để phát triển bản thân tốt hơn, càng sớm càng tốt - hoặc chẳng sớm nhưng đến lúc nào thích hợp thì biến đổi cũng được - đạt được sự cân bằng trong cảm xúc và mỗi ngày đều kết thúc bằng cảm giác bình yên nhiều hơn, hạnh phúc nhiều hơn ngày hôm qua, đó là đọc sách về tâm lý học và nhìn nhận những vấn đề mình đang vướng phải, từ đó có phương pháp cải thiện thích hợp. Nói đến sách tâm lý, không biết bạn có đang hình dung đến thể loại self-help hay các quyển sách đáng yêu giúp khơi gợi cảm xúc cho bạn trẻ vị thành niên không ạ? Tôi cũng từng đọc qua hai dòng sách trên, và biết ơn cảm xúc, động lực chúng để lại sau khi đọc xong. Tuy nhiên nội dung tôi đang muốn đề cập lúc này không phải dòng sách ấy, mà là sách dịch lẫn sách của tác giả có chuyên môn viết bằng tiếng Việt, về tâm lý học, có thiên hướng vừa học thuật, vừa ứng dụng. Lý do đơn giản là vì chạm đến những vấn đề hiện tại, tôi e là chỉ có hiểu tương đối đúng về cơ chế khoa học may ra mới giúp tôi tìm được phương thức cải thiện thích hợp. Nhưng cũng không quá chuyên sâu nổi, vì lúc viết ra những dòng này tôi chỉ là kẻ tay ngang nhảy vào tìm hiểu, với mục đích gần nhất là để phục vụ nhu cầu của bản thân.
Với tâm thế như vậy, tôi lao vào nhà sách, lao vào các diễn đàn, lao vào các trang tìm kiếm để tìm cho mình những viên gạch đầu tiên trên con đường tìm hiểu tâm lý học. Có thử, có sai, có đúc kết. Xin phép cắt ngang để dành một lời tri ân cho các tác giả, dịch giả cũng như những độc giả đã để lại nhiều bình luận hữu ích. Đến thời điểm hiện tại, nếu hỏi tôi sẽ chọn những quyển nào để giới thiệu cho ai có cùng mục đích khi đọc, câu trả lời của tôi - tạm theo thứ tự khá cảm tính thôi ạ - là:
1. “Giải mã giấc mơ” của Cao Minh
2. “Liệu pháp tâm hồn” của Patricia d’Angeli
3. “Chữa lành sau sang chấn” (How to do the work) của Nicole Lepera
4. “Đi tìm hạnh phúc“ của Frédéric Lenoir
5. “Anh là ai, tôi là ai” của Carl Gustav Jung
6. “Thăm dò tiềm thức” của Carl Gustav Jung
7. “Tâm lý học” của Alan Porter
  0. “Yêu những điều không hoàn hảo” của Hae Min
Thứ tự trên là tôi mạnh dạn đề xuất sau khi đọc xong, theo hướng từ dễ tiếp cận nhất đến cần nhiều thời gian nghiên cứu khi đọc nhất, còn khi tôi thử và sai thì thứ tự đọc lộn xộn hơn nhiều, và cũng có những quyển khác tuy giúp ích cho tôi trong quá trình tìm hiểu, nhưng trộm nghĩ không có chúng xuất hiện, cái hay là bạn lại tiếp cận sớm với quyển gần dòng chảy hơn. Vì lẽ đó tôi không đưa chúng vào danh sách này.
Nói thêm một chút thì quyển áp chót danh sách - Tâm lý học của Alan Porter - khi đi đến đây, tôi đã khá chắn chắn về khả năng sẽ nghiên cứu và học tập về tâm lý học bài bản hơn một chút, thay vì đụng đâu đọc đấy như trước nay, nên tôi chọn quyển sách có phần khái quát về ngành Tâm lý học nói chung này để có một cái nhìn tương đối về chiều rộng, sau khi đọc 6 quyển hơi thiên về phân tâm học, về chữa lành trước đó. Còn quyển tôi nêu ra sau cùng và đánh số là 0 - “Yêu những điều không hoàn hảo” của Hae Min - là quyển sách tôi đặt song hành với bất kỳ quyển nào đang đọc trong danh sách. Để mỗi khi động vào chỗ đau não quá, hoặc tâm trạng, sức khoẻ hôm ấy quả thực không phù hợp để đọc sâu (cái kiểu mà quyển sách với cái đầu biết nói là chúng sẽ chống nạnh nhìn ta, lắc đầu ngao ngán rằng: “Đừng cố nhồi nhét nữa, thật vô nghĩa!” ấy), tôi sẽ buông quyển đang đọc dở để chuyển sang “Yêu những điều không hoàn hảo”, đọc như nghe thầy Hae Min vỗ về, an ủi mình, sau đó buông sách xuống rồi chính tôi cũng tự nói lời an ủi đứa trẻ bên trong mình. Nói gì lúc ấy với tâm trạng thế nào, tôi học được từ quyển thứ 3 - “Chữa lành sau sang chấn”.
Đến đây thì bài chào hỏi đã dài hơn tôi tưởng. Nếu lát nữa, hoặc ngày mai, hoặc một ngày nào đó sau này tôi giữ được tinh thần như tôi mong mỏi của hiện tại, xin hẹn gặp lại bạn ở bài tiếp theo. Tôi mong được chia sẻ nhiều hơn về từng quyển sách đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian qua.
Một lần nữa chúc bạn có được sự cân bằng trong cảm xúc và mỗi ngày đều kết thúc bằng cảm giác bình yên nhiều hơn, hạnh phúc nhiều hơn.
7+1 quyển sách về "cân bằng và trưởng thành cảm xúc" tôi đọc như điểm khởi đầu
7+1 quyển sách về "cân bằng và trưởng thành cảm xúc" tôi đọc như điểm khởi đầu