5 CÁI TÁT LẬT MẶT SINH VIÊN NĂM NHẤT
Lên đại học, mang theo bao ước mơ, hoài bão, bao niềm kỳ vọng của gia đình, thầy cô, bạn bè. Xách vali lên xe tiến thẳng đến thành...
Lên đại học, mang theo bao ước mơ, hoài bão, bao niềm kỳ vọng của gia đình, thầy cô, bạn bè. Xách vali lên xe tiến thẳng đến thành phố trong sự ngưỡng mộ của bà con lối xóm. Đứa nào mà chả thích, đứa nào mà chả tự tin. Nhưng hãy cẩn thận 5 cái tát đánh bay giấc mộng của bất kỳ đứa sinh viên năm nhất nào, mình cũng đã từng trải qua.
Cái tát thứ nhất: Sống tự lập đơn giản
Đây là cái tát đầu tiên ngay thẳng vào mặt mỗi đứa sinh viên năm nhất nào nghĩ rằng sống tự lập là thoải mái, là dễ dàng.
Trong tưởng tượng:
Vậy là cũng đã đến ngày ta được tự do, thoải mái làm những gì mình thích mà không bị ai phàn nàn hay quản thúc. Mình sẽ đến bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mình thấy vui. Đây là giây phút mình tự do.
Nhưng không…Thực tế là:
Đối với sinh viên tỉnh ra thành phố sống, chưa đứa nào vượt quá 3 tuần đầu mà không nhớ nhà cả (Với mình là 2 tuần, mấy đứa khác lì hơn thì thêm vài ngày nữa). Lúc đó lạc lõng, cô đơn là điều tất yếu. Biểu hiện là khóc mếu gọi điện về cho gia đình hoặc không thì cũng than vãn với bạn bè hoặc núp mình ru rú trong phòng. Để rồi mỗi lần về quê bạn sẽ phải thốt lên câu: “Cảm giác ở nhà vẫn là thích nhất”
Chưa hết, cuộc sống tự lập cũng không hề dễ dàng khi bạn sẽ phải tự làm, tự sắp xếp thời gian, công việc cho bản thân. Nếu không thể, bạn không chạy thoát khỏi cuộc sống buông thả và chắc chắn bạn sẽ mắc một trong các vấn đề sau đây hoặc tất cả.
- Ngủ quá nhiều, quá bữa, nhịn ăn mà vẫn thấy bình thường hoặc xử mì gói cho qua ngày đoạn tháng.
- Quần áo không chịu giặt, dồn vào chất thành đống bốc mùi.
- Hết tiền.
- Trở thành 1 người chây ì, tã hơn bao giờ hết. Thật là một khoảng thời gian khó khăn.
Đọc thêm:
Cái tát thứ hai: Kiến thức đại học chỉ chuyên về chuyên ngành
Trong tưởng tượng:
Trước ngày đi học chính thức mình vẫn tưởng tượng những kiến thức mình được học chỉ chuyên áp dụng cho ngành mình theo đuổi, có thể ứng dụng ngay vào thực tế.
Nhưng không...Thực tế là:
Sinh viên năm nhất chưa được học chuyên ngành mà bạn phải dành ra từ 1-2 năm để học các chương trình đại cương. Nhiều khi, ngồi trên lớp bạn vẫn không hiểu những môn mình đang học có liên quan gì đến ngành nghề của mình không.
Ví dụ: Học xong cấp 3, cứ tưởng là sẽ tạm biệt tích phân, đạo hàm. Nhưng không, bạn sẽ gặp lại nó ở cấp độ cao hơn và được gọi là “Toán cao cấp” hoặc "Giải tích". Lại nói đến “Triết” thì đi học với ở nhà chỉ khác nhau chỗ ngủ.
Đọc thêm:
Cái tát thứ ba: Chuyện bạn bè ở đại học
Đây sẽ là cái tát có thể làm bạn choáng váng cả vật chất lẫn tinh thần nếu không đủ tỉnh táo.
Trong tưởng tượng:
Lên đại học mình sẽ kết thêm thật nhiều bạn mới từ nhiều nơi khác nhau, chúng mình sẽ chơi với nhau thật là thân thiết, cùng nhau học tập, cùng nhau vượt qua những rào cản trong cuộc sống.
Nhưng không... Thực tế là:
Đúng thật, nếu bạn có thể tìm cho mình những người bạn như vậy thì thật đáng quý, vì rất hiếm có. Nếu không đủ tỉnh táo bạn sẽ ngay lập tức gặp được những đứa “bạn xấu” sẵn sàng phản bội lại mình để kiếm lợi. Bạn bè trong lớp đều đến từ rất nhiều vùng miền, khá khó nói chuyện, đa phần các mối quan hệ bạn bè ở đại học đều ở mức “xã giao”, nên chơi có chừng mực vẫn hơn.
Cái tát thứ tư: Câu lạc bộ ở đại học
Sinh viên năm nhất nhập trường, các Câu lạc bộ sẽ hoạt động rất mạnh để mong muốn thu hút được nhiều thành viên tham gia. Nên:
Trong tưởng tượng:
Các anh chị trong CLB thật ngầu, năng động, nếu mình được làm một thành viên mình sẽ trở thành một con người khác, mình sẽ phát triển toàn diện kỹ năng mình mong muốn và hoàn thiện bản thân. Ước gì mình được tham gia CLB rồi một ngày mình sẽ giống như họ.
Nhưng không… Thực tế là:
Sẽ đúng như bạn tưởng tượng nếu bạn xác định rõ MỤC TIÊU khi tham gia CLB là gì? Mình sẽ nhận được và cho đi những gì ở CLB? Lúc đó thì bạn cực kỳ ngầu.
Mình đã mắc sai lầm khi không xác định rõ mục tiêu cụ thể. Nên khi tham gia CLB mình bị mất phương hướng, lạc lõng giữa những người ưu tú, đứng hoài một chỗ mà không chịu phát triển, *thở dài*
Nếu đã không biết mình vào CLB để làm gì? Phát triển cái gì? Thì thôi, không nên vào làm gì cả cho đỡ tốn thời gian, kẻo sau này hối hận.
Cái tát thứ năm: Chuyện việc làm
Trong tưởng tượng:
Hồi mới lên, mình nghĩ công việc làm thêm của mình sẽ là những chỗ thuê sinh viên làm ngoài giờ ví dụ: Chạy bàn, phát tờ rơi, phục vụ…Kiếm tiền sẽ đủ trang trải cuộc sống.
Nhưng không...Thực tế là:
Mình, bạn ngoài những công việc trên chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn những công việc liên quan đến ngành học ở những nơi có tuyển dụng sinh viên thực tập, đây sẽ là cơ hội trải nghiệm công việc thực tế. Tận dụng những năm tháng khi còn là sinh viên tích lũy kinh nghiệm, để rồi sau này tự tin đến đập tấm Certificate to đùng vào mặt mấy ông tuyển dụng hay đòi hỏi kinh nghiệm ở sinh viên. Theo đó, bạn phải chấp nhận một mức lương thấp hoặc thậm chí là không có khi mới nhập việc. Sự lựa chọn nằm ở bạn.
Trải qua năm nhất bạn ăn trọn cả 5 cái tát này mà vẫn sống sót trên giảng đường đại học thì xin chúc mừng, bạn đã có một năm nhất tuyệt vời! Và đó mới chỉ là thử thách đầu tiên cho cả chặng đường 4 - 5 năm phía trước...
Xin chào, mình là Đạt!
Đạt Cao.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất