Vài hôm trước mình gửi cho KiKi ảnh một tấm thiệp mình chụp từ một cửa hàng lưu niệm. Mình bảo nhìn tấm thiệp này mình lại nghĩ đến KiKi. Tất nhiên không phải với cái váy màu xanh và mái tóc dài kia. Nhưng mình vẫn thấy giống.
Đó là cách mình luôn tưởng tượng và nghĩ về mọi người xung quanh. Ví như nhìn thấy màu vàng và ukelele, mình sẽ nghĩ về KiKi; nhìn thấy thiệp mình sẽ nghĩ về Sai và Shoutbox.
Đó là thói quen từ những ngày xưa cũ, khi bọn mình còn mê mẩn những thứ dễ thương như thiệp. Trên giá sách của mình lúc nào cũng có sẵn vài cái thiệp của Blue Angel, để viết vài lời lăng quăng tặng bạn bè. Giờ thì phòng mình thường không còn sẵn những thứ như vậy nữa. Nhưng với những người quan trọng trong cuộc sống, mình vẫn luôn cố viết vài lời chỉn chu trước khi tặng họ quà. Như mấy hôm trước mình mò mẫm trong đống thiệp ở cửa hàng để tìm cái thiệp cho Mon. Hôm đó, mình nhớ mình đã trích dẫn câu nói kinh điển của Monica với Rachel: “Welcome to the world, it sucks. You’re gonna love it” để chúc mừng Mon ra đời. Dù mình biết mẹ của Mon vẫn chưa hề xem Friends. Nhưng thôi, không làm sao hết, mình vẫn luôn tự thấy thú vị một mình với những thứ lãng xẹt như thế.
Mi Jeong của My liberation notes có nói đại ý thế này: “Mỗi ngày chỉ cần 5 phút thôi. Cứ góp nhặt 5 phút vui vẻ mỗi ngày, để giữ cho bản thân mình sống tiếp”. Mình thấy đây là một ý nghĩ hoàn toàn hay ho và thú vị. 5’ mỗi ngày tưởng bé xíu nhưng với những ai kiên trì, chắc sẽ trở thành một thứ gì đó thật lớn lao. Đại loại, nếu mỗi ngày mình được cho 5k thôi, chục năm nữa có lẽ nhờ nó mình sẽ được lọt vào nhóm người giàu. (Mấy tụi tài chính cá nhân hay dạy vậy).Ngày hôm nay thì mình góp nhặt được hơn hẳn 5′. Như sáng nay đi làm, trời mát quá, sau một đêm mưa to kinh hoàng và sau một ngày trời oi bức muốn phát điên. Mình vừa đi đường vừa lẩm nhẩm “Tàn phai” của Nguyên Hà. Đến khi ‘sợt’ lại, mới nhận ra mình đã xuyên tạc lời bài hát một cách vô cùng có lý. Trong khi Nguyên Hà hát: “Nhớ nghe em sau một đêm xuân”, còn mình thì hát: “Nhớ nghe em sau một đêm mưa”. Chỉ vậy thôi mà thấy vui cả buổi sáng.Tối qua mưa to thật sự. Lâu lắm rồi không thấy Hà Nội mưa to và nhiều như năm nay. Dù mình luôn thích mùa hè nhưng cái oi bức của những ngày sắp mưa luôn làm mình phát điên. Lẽ thường, trừ những cơn mưa rào đột ngột xối xả và ngắn cũn, những cơn mưa dầm dề thường bắt đầu một cách chậm rãi và từ tốn hơn nhiều so với cơn mưa hôm qua. Không biết có phải ông Trời đang bực bội với giá xăng không mà trút một cơn giận to đến thế.
Bình chẹp miệng bảo: “Tôi đã nói rồi, cái gì dính đến đàn bà đều không có gì tốt đẹp cả”. Tất cả cũng chỉ vì bọn mình vừa phóng xe ra khỏi nhà, mưa đã ào ào trút xuống. Và ‘mụ đàn bà’ kia chính là mình!Mặc dù mưa to ồn ào quá không ai nghe thấy ai nói gì. Nhưng ngồi quán bia ven đường nghe tiếng mưa rơi thấy cũng vui vui.
Lẽ thường bọn mình sẽ nhậu nhẹt ở nhà. Dạo này chúng nó bỗng nhiên dở chứng lại thích kéo nhau ra quán. Duy bảo: “Ra quán ồn ào, mỗi đứa nói một kiểu chẳng ai nghe ai nói gì mới vui. Ngày mai tất cả lại quên sạch đêm qua nói gì.”
Ơ, kể cũng đúng. Cả tối qua nghe chúng nó lảm nhảm mà sáng ra thì mình quên sạch, không nhớ tối qua cả đám nói chuyện gì. Chỉ nhớ lúc về thì mưa đã tạnh, đường cũng chỉ ngập chút chút.
Hôm nay nói chuyện với Long về vụ nhà văn. Đại loại ông Nguyễn Quang Thiều nói nhà văn không phù hợp để được xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. “Nhà văn không phải nghệ sĩ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng ‘nhà văn’ là cao quý, thiêng liêng”.”. Vậy như nào thì được gọi là nhà văn? Đại loại nhà báo thì sẽ được cấp thẻ nhà báo, vậy nhà văn thì chắc cũng được cấp thẻ nhà văn không nhỉ?
Long bảo: “Văn học hay ở chỗ bản chất nó là hư cấu, công chúng cũng biết nó là hư cấu và thừa nhận sự hư cấu đó. Báo chí thì cũng hư cấu, nhưng công chúng ít khi biết nó hư cấu như nào và ko muốn chấp nhận sự hư cấu ấy.” Làm nhà văn vì thế theo Long sẽ dễ hơn nhà báo, vì làm báo bị giằng xé đạo đức hơn.
Long lúc nào cũng có những suy nghĩ và quan điểm sâu sắc. Mình nghĩ vậy. Thêm cả cái tính châm biếm hài hước đôi lúc không áp dụng được cho đám đông nữa. Những câu hỏi của Long lúc nào cũng khiến mình phải suy nghĩ về câu trả lời.
Đại loại như câu hỏi này: “Giơ thẻ nhà văn ra có đc cảnh sát giao thông cho đi ko, chứ giơ thẻ nhà báo là cho đi đấy.”, thì mình chịu. Mình không biết câu trả lời.