VỐN LƯU ĐỘNG TRONG KINH DOANH


Thời gian Covid vừa rồi, ngày nào sếp mình cũng nhận được rất nhiều liên hệ của các bên về việc sang nhượng cổ phần, hay kêu gọi đầu tư thêm.
Phần nhiều, là những đối tác mới, được giới thiệu. Một phần là những bên trước đó không để ý đến offer bên mình.
Vừa qua, trong 103 cơ hội đầu tư nhưng chỉ có xấp xỉ 1% con số đó được nhận đầu tư và hơn 60% doanh nghiệp trong số đó đã đều phải đóng cửa khi không được nhận thêm vốn. Dù đa phần những doanh nghiệp này đều có giá trị cốt lõi khá mạnh.
Tại sao, những doanh nghiệp có giá trị cốt lõi, thậm chí là có thị phần khá tốt vẫn phải chịu thảm cảnh này?
Một công ty khi thông báo phá sản sẽ thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:
1. Mô hình kinh doanh không có lãi ( trường hợp hiếm hoi khi người chủ đủ tỉnh táo và thành thật thừa nhận thất bại, giữ lại được uy tín và tài sản cho những cơ hội sau).
2. Hết vốn lưu động ( trường hợp xảy ra khi (1) người chủ cố chấp chịu lỗ hoặc (2) đầu tư phát triển quá nhiều).
Ở trường hợp (2), doanh nghiệp vẫn có lãi thậm chí lãi nhiều. Nhưng chỉ cần một giai đoạn khó khăn, là đủ làm cạn nguồn tiền.
Và khó khăn thì chẳng chừa một ai, ngân hàng, trường học, quán cafe, phòng tập gym,... tất cả đều có thể gặp khủng hoảng. Chẳng ai có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra. Mà nếu có đoán được cũng khó có thể tránh được.
Rất nhiều công ty đã tập trung quá nhiều vào sự tối ưu, đẩy mạnh việc tái đầu tư, mở rộng kinh doanh, tập trung vào phát triển, mà quên đi điều quan trọng nhất đó chính là “sự tồn tại”.
Chính vì lẽ đó mặc dù đang là một trong những công ty chiếm thị phần cũng như có lợi thế cạnh tranh lớn nhưng vẫn không thể thoát ra được cánh cửa “ tử thần” trong thời gian vừa qua (có thể kể đến hàng loạt công ty nhiều năm tuổi đã đệ đơn xin phá sản gần đây như: Thai Airways International, JCPenney,...)

Đã có nhiều nhà lãnh đạo các công ty đã đưa ra nhận định “cần phải sống sót và qua giai đoạn này (dịch covid) trước khi nghĩ đến việc thực hiện chiến lược tăng trưởng và phát triển”.
Nhưng điều đó nên được thực hiện song hành khi tối ưu chứ không phải khi khó khăn ập đến chúng ta mới nghĩ đến việc cần phải sống sót. Mặc dù các công ty đều có bộ phận phân tích và quản trị rủi ro nhưng có những rủi ro mà chúng ta không thể dự đoán được.
Sự an toàn và khả năng sốt sót nên là điều được nghĩ đến trước tiên. Nó là yếu tố tối thiểu trong việc hình thành và phát triển doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể liên tục phát triển trong một thời gian dài, rồi vẫn có thể sụp đổ trong một lần duy nhất khi phải đối diện với những rủi ro “hiếm gặp” vì sự vận hành của nền kinh tế là không thể dự đoán trước.
Quan sát thực tế 
Trong quá trình làm việc, mình được quan sát anh sếp tư vấn cho một doanh nghiệp.
Mô tả: 
+ Nguồn doanh thu: Các máy gắp thú, chơi game ( tiền mặt)
+ Địa điểm: Tại các trung tâm thương mại tại miền Bắc
+ Hình thức: Doanh thu của mỗi máy được thu lại vào cuối ngày
+ Chi phí bao gồm: Tiền thuê mặt bằng, quà đặt trong máy, nhân viên kỹ thuật,...
Chi phí/tháng/máy : 6 triệu (đồng)
Doanh thu/tháng/máy: 15 triệu (đồng)
Ở mô hình kinh doanh này doanh thu đều là tiền mặt.
Doanh nghiệp cần để ra số tiền lớn hơn 6 triệu đồng để phòng các trường hợp rủi ro cho mỗi máy. Có thể là ( hỏng hóc, bảo dưỡng, quà tặng khách hàng,....).
Phần tiền còn lại ( còn dư) để đầu tư máy mới và phát triển kinh doanh.
Thực tế chủ doanh nghiệp đã...
Vì doanh thu hàng tháng lớn hơn chi phí hàng tháng khá nhiều nên anh chủ doanh nghiệp đã tái đầu tư 80% doanh thu cho việc mở rộng kinh doanh ( mua thêm máy mới, đàm phán thuê địa điểm mới, marketing,...).
Và đây là sai lầm tai hại...
Quyết định này có thể là sáng suốt khi tối ưu được dòng tiền doanh nghiệp. Cách này sẽ thành công trong 99% các trường hợp có thể xảy ra.
Nhưng chỉ 1% kia xảy ra, là sẽ không còn gì cả. Và điều gì có thể xảy ra sẽ xảy ra.
Trong giai đoạn vừa rồi – cách ly xã hội , nghiêm cấm tụ tập nơi đông người, nên mọi người không đến các TTTM. Vì vậy không có doanh thu trong khi chi phí vẫn phát sinh nên anh chủ doanh nghiệp đã thanh lý và đóng cửa công ty này.
Vậy làm thế nào?
Doanh nghiệp cần xác định được ba mốc quan trọng:
1. Mốc an toàn: Là số tiền cần có để duy trì doanh nghiệp trong một thời gian nhất định ( 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hay thậm chí là một năm) – Tùy quy mô của từng doanh nghiệp.
2. Mốc biến động: Là số tiền để doanh nghiệp vượt qua các biến động định kỳ của ngành ( tùy ngành).
3. Mốc thời cơ: Là số tiền dự trữ để sẵn sàng bắt đầu những cơ hội siêu tốt ( hiệu quả > 150% hiệu quả hoạt động hiện tại).
Tất cả những khoản vốn nhiều hơn khoản này, mới nên đem đi đầu tư, phát triển doanh nghiệp, chiếm thị phần.
Có những phản ứng như sau:
“ Nhưng nếu vậy thì không tối ưu” – Chưa sử dụng hiệu quả số tiền đang nắm giữ
“ Đợi đến lúc đủ tiền thì thằng khác đã đi trước rồi”, “ đến lúc đấy thì vay ngân hàng”.
Hay “ Không thể đánh mất cơ hội tốt này”.
Nhưng dù có cơ hội có tốt cỡ nào cũng luôn có rủi ro đi kèm, có thể xảy ra trường hợp khi bước vào khó khăn “việc vay ngân hàng gặp vấn đề” thì liệu rằng nó có còn là cơ hội  “tốt” nữa không?
Chính vì thế “ Phải sống đã rồi làm gì thì làm”
Việc tối ưu chỉ có thể thực hiện khi đảm bảo được các yếu tố tối thiểu ( không thể giảm, không thể thay thế).
Vậy có cách nào để tối ưu mà vẫn đảm bảo sự an toàn cho công ty?