Nhận thức là chìa khóa dẫn đến sự bền bỉ: Liệu bạn nhìn nhận một biến cố là sang chấn, hay một cơ hội để học tập và phát triển? Tranh minh họa của Gizem Vural
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

Nhận thức là chìa khóa dẫn đến sự bền bỉ: Liệu bạn nhìn nhận một biến cố là sang chấn, hay một cơ hội để học tập và phát triển? Tranh minh họa của Gizem Vural
Norman Garmezy, một nhà tâm lý học về phát triển kiêm bác sĩ lâm sàng tại Đại học Minnesota, đã từng gặp hàng ngàn trẻ trong suốt bốn thập kỷ làm nghiên cứu. Nhưng có một cậu bé đặc biệt khiến ông lưu tâm. Cậu bé chín tuổi, sống cùng một người mẹ nghiện rượu và một ông bố biệt tích. Ngày nào đến trường cậu cũng mang theo đúng một cái bánh kẹp: hai lát bánh mì không kẹp gì ở trong. Ở nhà, cậu không có gì ăn, cũng không có ai nấu gì cho để ăn. Garmezy sau đó nhớ lại, dù chịu khổ nhưng cậu bé vẫn muốn đảm bảo rằng “không ai thương hại cậu và không ai biết đến những thiếu sót của mẹ cậu". Không ngày nào cậu bước vào mà không tươi cười, cùng với món “bánh mì kẹp” giắt trong cặp.
Cậu bé với chiếc bánh mì kẹp thuộc một nhóm trẻ đặc biệt. Cậu được phân vào một nhóm trẻ- nhóm đầu tiên trong nhiều nhóm khác—được Garmezy nhận định là thành công, thậm chí thành công vượt trội, bất chấp nhiều nghịch cảnh. Những đứa trẻ này mang một phẩm chất mà sau đó Garmezy nhận diện là “sự bền bỉ”. (Ông được công nhận rộng rãi như người đầu tiên nghiên cứu khái niệm này qua thí nghiệm.) Qua nhiều năm, Garmezy đến thăm các trường học trên khắp cả nước, tập trung vào những trường nằm trong vùng suy thoái kinh tế, và tuân theo một quy trình tiêu chuẩn. Ông tổ chức gặp mặt với các hiệu trưởng, cùng với một nhân viên xã hội hoặc điều dưỡng của nhà trường, và đặt cùng một câu hỏi: Nhà trường có những đứa trẻ nào có hoàn cảnh ngặt nghèo—có thể sẽ gặp nhiều vấn đề sau này—nhưng rồi lại trở thành niềm tự hào của nhà trường? Trong một cuộc phỏng vấn năm 1999, Garmezy kể lại: “Điều mà tôi hỏi khi đó là, ‘Ông/Bà có thể xác định những đứa trẻ gặp áp lực nhưng lại có thành tích tốt trong trường không?’ Một lúc lâu sau tôi mới nhận được câu trả lời. Nếu tôi hỏi cách khác: “Nhà trường có trẻ gặp vấn đề không?”, chắc hẳn đã không có khoảng lặng như vậy. Nhưng câu hỏi về những trẻ có khả năng thích nghi và ứng xử tốt trong nhà trường cũng như học tập tốt dù hoàn cảnh khắc nghiệt là một kiểu câu hỏi mới. Đó là cách chúng tôi bắt đầu.”
EDITORIAL - Gizem Vural

Tính bền bỉ là một thách thức cho các nhà tâm lý học. Liệu một người có được coi là có tính bền bỉ hay không không phụ thuộc nhiều vào bất cứ bài kiểm tra tâm lý nào, mà phụ thuộc vào việc đời sống của họ mang lại những cơ hội phát triển ra sao. Nếu bạn đủ may mắn để không bao giờ phải trải nghiệm sự khó khăn, chúng tôi sẽ không thể biết được bạn bền bỉ đến mức nào. Chỉ khi bạn phải đối mặt với trở ngại, áp lực, và các mối nguy khác từ môi trường bên ngoài, thì sự bền bỉ, hoặc sự thiếu bền bỉ, mới bộc lộ: Liệu bạn sẽ buông xuôi hay vượt qua?
Các mối nguy từ môi trường xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số đến từ địa vị kinh tế - xã hội thấp và điều kiện sống bất lợi (đây là những mối nguy được phân tích trong nghiên cứu của Garmezy). Thường thì những mối nguy như cha mẹ có vấn đề tâm lý hoặc các vấn đề khác; trẻ phải chịu đựng bạo lực hoặc đối xử tàn tệ; hay cha mẹ ly dị—thường dai dẳng. Nhưng cũng có những mối nguy khác “cấp tính” hơn, chẳng hạn như phải trải qua hoặc chứng kiến cảnh bạo lực gây sang chấn, hoặc bị tai nạn. Sự khác biệt giữa chúng được quyết định bởi cường độ và khoảng thời gian kéo dài của tác nhân gây áp lực. Trong trường hợp của các tác nhân gây áp lực cấp tính, cường độ thường rất cao. Garmezy viết, khó khăn lâu dài có thể mang lại ít áp lực hơn, nhưng lại “ảnh hưởng lặp lại và có hiệu ứng cộng dồn, kéo dài nhiều tháng, và có thể lâu hơn nhiều nữa".
Trước công trình nghiên cứu của Garmezy về sự bền bỉ, phần lớn các nghiên cứu về sang chấn và các biến cố tiêu cực trong cuộc đời tập trung vào hướng ngược lại. Thay vì suy xét các thế mạnh, chúng đi vào các nhược điểm, và nghiên cứu các trải nghiệm khiến con người mẫn cảm với những kết cục không tốt đẹp trong cuộc sống (hay theo cách diễn đạt của Garmezy, là các trải nghiệm khiến trẻ “gặp khó khăn”). Công trình của Garmezy mở ra cánh cửa dẫn đến nghiên cứu về các nhân tố mang tính bảo vệ: các yếu tố thuộc hoàn cảnh cá nhân hay tính cách có thể dẫn đến thành công bất chấp những thách thức gặp phải. Garmezy nghỉ hưu và ngừng nghiên cứu trước khi kịp đi đến bất cứ kết luận cuối cùng nào—chứng Alzheimer khởi phát sớm đã đột ngột chấm dứt sự nghiệp của ông—nhưng những nghiên cứu sinh và hậu bối của ông có thể xác định và chia các yếu tố thành hai nhóm: các nhân tố cá nhân - tâm lý, và các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Nói cách khác, hai nhóm này có thể được nhìn nhận như khuynh hướng ở một bên và may rủi ở bên còn lại.
Morning Commute on Behance

Năm 1989, nhà tâm lý học về phát triển Emmy Werner công bố kết quả của một dự án dài 32 năm ròng. Bà đã theo dõi một nhóm gồm 698 trẻ, ở Kauai, Hawaii, từ trước khi chúng được sinh ra cho đến hết 3 thập kỷ cuộc đời sau đó. Qua quãng thời gian này, bà theo dõi họ và mọi trải nghiệm của họ với áp lực: căng thẳng của người mẹ khi trẻ còn nằm trong tử cung, sự nghèo đói, các vấn đề trong gia đình, vân vân. Một phần ba số trẻ có hoàn cảnh gia đình cơ bản, ổn định, thành công, và hạnh phúc; một phần ba còn lại có hoàn cảnh “có thể gây nguy hại”. Như Garmezy, bà sớm phát hiện ra rằng không phải mọi đứa trẻ khó khăn đều phản ứng với áp lực theo cùng một cách. Một phần ba số trẻ “bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng về học tập hay hành vi ở độ tuổi 10, hoặc phạm pháp, có vấn đề sức khỏe tâm thần, hay mang thai trước tuổi 18”. Nhưng ⅓ còn lại trở thành “những thanh niên tài giỏi, tự tin, và giàu lòng trắc ẩn”. Họ đạt được thành công trong học vấn, gia đình, và xã hội—đồng thời luôn sẵn sàng nắm bắt các cơ hội mới.
Điều gì khiến cho những đứa trẻ có sự bền bỉ khác biệt? Vì những cá thể thuộc tập hợp mẫu của Werner đã được theo dõi và đánh giá đều đặn liên tục trong suốt 3 thập kỷ, bà có được một kho dữ liệu để phân tích và tìm kiếm câu trả lời. Cụ thể, bà tìm được một số yếu tố dự đoán tính bền bỉ. Một số yếu tố là may rủi: một đứa trẻ có sức bền có vẻ như có được sự gắn bó sâu sắc với cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo, hay một người định hướng. Mặt khác, một tập hợp khá lớn những yếu tố khác lại liên quan tới tâm lý, và tới cách trẻ phản ứng với môi trường bên ngoài. Từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ có tính bền bỉ có xu hướng “tiếp cận thế giới theo cách riêng của chúng”. Những đứa trẻ đó tự chủ và độc lập, chịu tìm tòi những trải nghiệm mới, và có “thiên hướng xã hội tích cực”. “Dù không có năng khiếu đặc biệt, những đứa trẻ này sử dụng hiệu quả bất cứ kỹ năng nào chúng có”, Werner viết. Có lẽ điều quan trọng nhất là, những đứa trẻ bền bỉ có được một thứ mà các nhà tâm lý học gọi là “tiêu điểm kiểm soát bên trong” (“internal locus of control”): chúng tin rằng chính bản thân chúng, không phải hoàn cảnh, quyết định thành công. Những trẻ có sức bền nhìn nhận bản thân là những nhạc công chơi bản nhạc số phận của chính mình. Thực tế, trên thang đo tiêu điểm kiểm soát, chúng đạt nhiều hơn 2 điểm lệch chuẩn so với nhóm chuẩn hóa.
Werner còn phát hiện ra rằng tính bền bỉ có thể thay đổi theo thời gian. Một số trẻ có sức bền phải trải qua hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: chúng phải chịu đựng nhiều áp lực trong những thời điểm yếu đuối nhất và sức bền biến mất. Bà giải thích, sức bền cũng giống như một phép tính liên tục: Vế nào của đẳng thức lớn hơn, sức bền bỉ hay nguồn áp lực? Nguồn áp lực có thể dữ dội đến mức áp đảo sức bền. Nói ngắn gọn, hầu hết mọi người đều có điểm giới hạn. Trái lại, một số người không có sức bền khi còn nhỏ lại có thể được dạy các kỹ năng của sự bền bỉ qua thời gian. Họ có thể vượt qua những khó khăn sau này trong cuộc sống và tiếp tục phát triển giống như những người vốn bền bỉ ngay từ đầu. Dĩ nhiên, điều này dẫn đến câu hỏi: tính bền bỉ có thể học được bằng cách nào?
Illustration for NAUTILUS magazine. By Gizem Vural. | Nghệ thuật ...

George Bonanno là một nhà tâm lý học lâm sàng tại Cao đẳng Sư phạm thuộc Đại học Columbia; ông điều phối Phòng Nghiên cứu Sang chấn và Cảm xúc, và đã nghiên cứu về tính bền bỉ gần 25 năm. Garmezy, Werner, và một số nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng một số người có khả năng đương đầu với khó khăn tốt hơn rất nhiều so với những người khác; Bonanno nỗ lực tìm ra nguyên nhân của sự khác biệt đó. Lý thuyết về tính bền bỉ của Bonanno bắt nguồn từ một quan sát: tất cả chúng ta đều sở hữu một hệ thống cơ bản nhằm phản hồi với áp lực giống nhau, đã tiến hóa từ hàng nghìn năm trước, cũng giống như nhiều động vật khác. Hầu hết mọi người đều có khả năng sử dụng tốt hệ thống đó để đương đầu với áp lực. Nhưng với sự bền bỉ, câu hỏi đặt ra là: Vì sao một số người lại có thể sử dụng hệ thống này thường xuyên hơn và hiệu quả hơn người khác rất nhiều?
Một trong những yếu tố chính yếu của sự bền bỉ, như Bonanno phát hiện, là nhận thức: Liệu bạn nhìn nhận một biến cố là sang chấn, hay là một cơ hội để học hỏi và phát triển? “Biến cố không gây ra sang chấn, trừ khi chúng ta coi nó như một sang chấn", Bonanno nói với tôi hồi tháng 12. “Cách gọi ‘biến cố sang chấn’ (ND: traumatic event) gây ra cách hiểu đó”. Ông tạo ra một thuật ngữ khác: PTE (“potentially traumatic event”), biến cố có thể gây sang chấn, thuật ngữ theo ông là chính xác hơn. Lý thuyết của Bonanno rất đơn giản. Mỗi biến cố đáng sợ, dù có vẻ tiêu cực đến mức nào khi nhìn từ bên ngoài, đều có khả năng gây sang chấn hoặc không đối với người trải qua biến cố đó. (Bonanno tập trung vào những biến cố “cấp tính” có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng; còn những nhà nghiên cứu tính bền bỉ khác như Garmezy và Werner lại nhìn rộng hơn). Hãy suy nghĩ về một chuyện tồi tệ, ví dụ như cái chết đột ngột của một người bạn thân. Bạn có thể buồn, nhưng nếu có thể tìm cách phân tích biến cố đó như thể nó hàm chứa một ý nghĩa nào đó—ví dụ như cái chết này sẽ dẫn tới nhận thức tốt hơn về một căn bệnh, hoặc thúc đẩy quan hệ gắn bó hơn với cộng đồng—thì có thể bạn sẽ không coi biến cố đó là sang chấn. (Thật vậy, Werner phát hiện rằng những cá thể có sức bền thường có niềm tin tâm linh và tôn giáo mạnh hơn những người ít sức bền). Trải nghiệm không gắn với biến cố, mà nằm trong sự diễn giải tâm lý về biến cố đó.
Theo Bonanno, chính vì lý do này, bản thân những biến cố “đầy áp lực” và “sang chấn” không có khả năng tiên đoán những kết cục xảy ra trong cuộc sống. “Dữ liệu dịch tễ học cho thấy trải nghiệm PTE không giúp chúng ta tiên đoán cuộc sống sau này của người trải nghiệm", ông nói. “Nó chỉ giúp tiên đoán trong trường hợp có phản ứng tiêu cực". Nói cách khác, việc sống trong khó khăn, dù là do môi trường đặc thù hay biến cố đau thương sâu sắc, không khẳng định rằng bạn sẽ khổ sở trong quãng đời sau này. Điều quan trọng là liệu cơn khốn khó có trở thành sang chấn hay không.
Tin tốt là kỹ năng diễn giải tích cực có thể được dạy. “Chúng ta có thể trở nên yếu đuối hơn hay mạnh mẽ hơn tùy vào cách ta suy nghĩ về mọi thứ”, Bonanno nói. Trong một nghiên cứu tại Columbia, nhà thần kinh học Kevin Ochsner đã chứng minh rằng nếu con người được dạy cách suy nghĩ về các kích thích theo những hướng khác nhau—nhận định chúng là tích cực khi phản ứng ban đầu là tiêu cực, hay bớt cảm xúc đi khi phản ứng ban đầu có quá nhiều xúc cảm—sẽ giúp thay đổi cách ta trải nghiệm và phản ứng với kích thích. Con người có thể luyện tập điều tiết cảm xúc tốt hơn, và việc tập luyện đó cho thấy hiệu quả lâu dài.
A Beautiful Thing Happened When Gizem Vural Swapped Her Graphic ...

Công trình nghiên cứu tương tự cũng đã được thực hiện theo khuynh hướng giải thích—phương pháp giải thích các biến cố. Tôi đã từng viết về nghiên cứu của Martin Seligman, nhà tâm lý học tại Đại học Pennsylvania tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học tích cực: Seligman phát hiện ra rằng việc huấn luyện con người thay đổi cách diễn giải từ nội tại thành ngoại sinh (“Biến cố không may không phải là lỗi của tôi”), từ bao quát thành cụ thể (“Chỉ có một việc này thôi, không phải là một dấu hiệu khổng lồ ngụ ý rằng cuộc đời tôi là một sai lầm”), và từ cố định thành nhất thời (“Tôi có thể thay đổi tình thế, thay vì cho rằng mọi chuyện không thể cứu vãn”) giúp họ ổn định cảm xúc hơn và giảm bớt nguy cơ trầm cảm. Điều tương tự áp dụng với tiêu điểm kiểm soát: không chỉ có tiêu điểm nội tại giúp giảm bớt căng thẳng và làm việc tốt hơn, mà cả việc chuyển tiêu điểm từ ngoại sinh sang nội tại cũng giúp tạo nên các thay đổi tích cực trong trạng thái tâm lý và khả năng lao động. Dường như các kỹ năng nhận thức làm nền móng cho tính bền bỉ có thể dạy được theo thời gian, để giúp cá nhân xây dựng tính bền bỉ từ con số không.
Tuy nhiên, có lẽ điều ngược lại cũng đúng. “Chúng ta có thể trở nên kém bền bỉ, hoặc có xu hướng trở nên kém bền bỉ”, Bonanno nói. “Tâm trí chúng ta có thể tự tạo ra hay phóng đại các tác nhân gây áp lực một cách rất dễ dàng. Đó là mặt trái của khả năng con người”. Con người có khả năng lo lắng và suy tư: chúng ta có thể nghĩ về một điều rất nhỏ, phóng to lên trong đầu, nhai đi nhai lại, và tự khiến mình phát điên cho đến khi điều nhỏ bé đó trở thành thứ đại họa kinh khủng nhất từng xảy ra trên đời. Theo một lẽ nào đó, điều này trở thành “lời tiên tri tự hoàn thành”. Nếu nhận định một khó khăn là thử thách, bạn sẽ trở nên linh hoạt hơn và phát triển được khả năng đương đầu, vượt qua, học hỏi, và trưởng thành. Còn nếu tập trung và nhận định khó khăn như một mối nguy, bạn sẽ biến một PTE trở thành một vấn đề nghiêm trọng; từ đó trở nên kém linh hoạt và dễ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trong tháng 12, Tạp chí Thời báo New York xuất bản một tiểu luận có tiêu đề “Khoảng trống sâu thẳm của ‘sự bền bỉ’”. Bài tiểu luận chỉ ra rằng thuật ngữ này giờ đây bị lạm dụng mọi nơi, làm nó trượt nghĩa và gắn nó với các khái niệm mơ hồ như “tính cách”. Nhưng sức bền bỉ không nhất thiết phải là một khái niệm trống rỗng hay mơ hồ và trên thực tế, hàng thập kỷ nghiên cứu đã cho thấy rõ cách hoạt động của nó. Tiểu luận này cũng chỉ ra rằng tính bền bỉ là một tập hợp các kỹ năng có thể được dạy. Mặc dù những năm gần đây, chúng ta bắt đầu tùy tiện sử dụng thuật ngữ này—nhưng cách dùng từ tùy tiện không có nghĩa nó chưa từng được định nghĩa một cách hữu dụng và chính xác. Đã đến lúc chúng ta phải đầu tư thời gian và năng lượng vào việc hiểu đúng“sự bền bỉ” có nghĩa là thế nào.
Bài viết của Maria Konnikova trên The New Yorker ngày 11/2/2016.
Vũ Quỳnh Anh dịch
__________________________________________________
Bài viết được tài trợ dịch thuật bởi anh Minh Triet Luu, founder Soft Decor với mong muốn đóng góp cho Spiderum những nội dung chất lượng, qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng người trẻ Việt ham học hỏi, văn minh và giàu tri thức.