Quản lý tài chính cho vợ chồng trẻ: Quỹ anh, quỹ em, quỹ chúng ta.
‘Khi cưới nhau rồi, tiền bạc sẽ phân chia thế nào?’ Nếu bạn chuẩn bị (hoặc vừa) kết hôn, quản lý tài chính là một trong những thay...
‘Khi cưới nhau rồi, tiền bạc sẽ phân chia thế nào?’
Nếu bạn chuẩn bị (hoặc vừa) kết hôn, quản lý tài chính là một trong những thay đổi lớn nhất so với cuộc sống độc thân. Đã quá quen với việc tự kiếm tiền – tự tiêu tiền, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ cảm thấy bối rối khi bắt đầu chia sẻ tài khoản riêng tư của mình với một người khác.
Một người giữ tất (OKA)
Ở Việt Nam, rất có thể bạn sẽ đưa toàn bộ tiền cho một bên vợ hoặc chồng giữ, như các bậc cha ông ta vẫn hay làm. Phương pháp này, tạm gọi là OKA (One Keeps All), cho phép toàn bộ tài chính của gia đình được quản lý tập trung. Tập trung, thông thường sẽ đi đôi với hiệu quả…
… hay là không?
Bởi vì sớm hay muộn, các câu hỏi sau sẽ dễ dàng xuất hiện:
- Vì sao tiền tôi làm ra bao nhiêu đưa hết bấy nhiêu, mà [cô/anh] cứ than thiếu tiền?
- Vì sao tiền của tôi làm ra, nhưng tôi lại không được chi tiêu cho thứ mình thích? Vì sao không thể tiết kiệm, hoặc đầu tư theo ý tôi?
- Vì sao muốn gửi tiền cho bố mẹ tôi chữa bệnh, giúp đỡ các em tôi, lại phải ngửa tay xin [cô/anh]?
- Vì sao hôm trước [cô/anh] cho nhà của mình XYZ, mà nay tôi muốn đưa ABC lại bị phàn nàn?
Trong một thế giới hoàn hảo, người chồng / vợ có thể hoàn toàn tin tưởng vào người giữ tiền sẽ đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn, hoặc đặt lợi ích của gia đình lên hàng đầu. Nhưng chúng ta đều biết thế giới này không hề hoàn hảo… Và do đó, một phương pháp hiện đại hơn đang dần trở nên phổ biến:
Quỹ anh, quỹ em, quỹ chúng ta (SIT)
Thay vì chỉ có một quỹ gia đình (và một số ‘quỹ đen’), có 3 cấu phần chính trong phương pháp quản lý SIT:
- Quỹ Chung (Shared Budget): Đây là quỹ được đóng góp và sử dụng chung bởi cả hai vợ chồng. Quỹ này dành riêng cho những việc liên quan đến cả gia đình, bao gồm nhưng không giới hạn ở: chi phí ăn uống và mua sắm chung, phí dịch vụ điện nước, mua sắm nội thất, mua sắm nhu yếu phẩm, tiền học, tiền mua sắm cho con… Tất nhiên nếu một trong hai đảm nhận việc chi tiêu chung của cả gia đình, quỹ chung sẽ do người đó sử dụng. Quỹ chung sẽ luôn được ưu tiên đổ đầy.
- Quỹ Riêng (Individual Budget): Đây là quỹ riêng của mỗi người, và không (bắt buộc) chia sẻ với vợ/chồng mình. Quỹ riêng được tùy ý sử dụng cho bất cứ mục đích cá nhân nào, bao gồm tiêu xài hoặc đầu tư, mà cá nhân mong muốn. Không có ngoại lệ. Thứ gì nằm trong quỹ riêng là bất khả xâm phạm.
- Công cụ Theo dõi Chi tiêu (Expense Tracker): Thật ra đây là một công cụ không thể thiếu trong quản lý tài chính cá nhân, và càng quan trọng hơn với sự tồn tại của Quỹ Chung. Tất cả mọi chi tiêu của Quỹ chung đều phải được ghi nhận lại trong công cụ theo dõi này, dù nhỏ hay lớn, và cả hai vợ chồng đều có thể dễ dàng theo dõi.
Nguyên tắc của SIT chính là: Tiền trong quỹ chung càng nhiều, tiền trong quỹ riêng càng ít và ngược lại.
Các bước thiết lập SIT
Bước 1: Ước tính số tiền Quỹ chung sẽ dùng mỗi tháng
- Liệt kê các chi tiêu được xem là chung của gia đình. Mục đích không phải là ra một danh sách cố định, mà là để vợ chồng cùng suy nghĩ về chi tiêu chung của mình.
- Dựa trên danh sách trên, và lịch sử chi tiêu của cả hai, cùng ước lượng ra một con số cần cho quỹ chung mỗi tháng. Đừng quá quan tâm việc đúng sai, vì mỗi tháng con số này đều có thể thay đổi tùy ý.
Ví dụ nếu mỗi tháng cá nhân cả hai vợ chồng cộng lại sẽ dùng khoảng 15 triệu, vậy hãy để quỹ chung cho tháng đầu là 2/3 của số đó (10 triệu).
Bước 2: Quyết định tỷ lệ đóng góp vào Quỹ chung
- Cả hai có thể dựa trên tương quan thu nhập của mình để định ra mức này.
Ví dụ nếu vợ thu nhập 10 triệu đồng, và chồng thu nhập 8 triệu đồng, bạn có thể đóng góp theo tỷ lệ vợ 55% (10/18), chồng 45% (8/18). Nếu quỹ chung là 10 triệu, như vậy mỗi tháng vợ sẽ đóng vào 5,5 triệu, và chồng đóng vào 4,5 triệu đồng.
- Việc thống nhất tỷ lệ là tùy thuộc vào sự đồng thuận của vợ chồng. Bạn có thể chia 50/50, hoặc một người đóng góp 99% cho Quỹ chung. Miễn sao cả hai đều thoải mái với tỷ lệ này thì sẽ không có vấn đề gì.
- Một khi tỷ lệ (và số tiền) đã được thống nhất, vợ chồng cần cam kết đóng góp đầy đủ vào quỹ, trừ phi tài chính của một trong hai thay đổi. Lúc này tỷ lệ đóng góp cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp.
Bước 3: Lập một tài khoản ngân hàng dành cho Quỹ chung (Optional)
- Mặc dù quỹ chung có thể được quản lý bằng tài khoản ngân hàng của một trong hai người, sẽ tốt hơn nếu bạn có một tài khoản ngân hàng chung (Joint account). Tất cả tiền quỹ sẽ được chuyển vào đây, và cả hai đều có thể sử dụng mà không ảnh hưởng đến dòng tiền trong quỹ riêng của mình.
- Hãy chọn một ngân hàng khác với ngân hàng mà cả hai đang sử dụng, để có thể dùng riêng Internet Banking trên di động của mình, đồng thời cũng tách bạch với tài khoản riêng.
Bước 4: Thiết lập công cụ theo dõi chi tiêu
- Mục đích chính của công cụ là giúp việc chi tiêu của Quỹ chung rõ ràng, minh bạch, cũng như hiệu quả hơn. Khi bạn biết mình tiêu tiền cho việc gì, bạn có thể điều chỉnh cho hợp lý cách chi tiêu, hoặc số tiền trong Quỹ chung.
- Dù khá khuyến khích các công cụ điện tử như Money Lover (bạn có thể xem đánh giá 1 số công cụ ở đây), tôi tin rằng việc sử dụng công cụ quan trọng hơn bản thân công cụ đó. Do đó, một cuốn sổ, một tấm bảng và giấy dính sticky note, một file excel… tất cả đều có thể trở thành công cụ theo dõi chi tiêu của hai vợ chồng. Quy tắc ở đây là công cụ phải được tiếp cận dễ dàng bởi một trong hai. Đừng cất sổ vào ngăn bàn khóa chặt, đừng đặt mật khẩu cho excel, đừng chỉ cho một mình bạn đăng nhập vào tài khoản Money Lover.
- Tập thói quen ghi chú mọi chi tiêu của quỹ chung. Cho dù là bó rau, cuộn giấy vệ sinh, hay tiền gửi xe khi đi chợ… hãy đảm bảo rằng:
Tổng Chi tiêu ghi nhận + Số tiền còn lại cuối tháng = Số tiền đóng góp vào quỹ chung hằng tháng
- Gợi ý cho việc theo dõi chi tiêu là phân các chi tiêu thành 2 cấp bậc.
Ví dụ: ‘Tiền chợ’ sẽ chi tiêu thuộc về nhóm ‘Ăn uống’. Nhóm ‘Ăn uống’ sẽ có các loại chi tiêu khác như ‘Ăn ngoài’, ‘Ăn vặt’… Việc này sẽ giúp bạn thống kê và cân nhắc chi tiêu hợp lý hơn.
Bước 5: Cân chỉnh quỹ chung phù hợp mỗi tháng
Việc sử dụng quỹ chung như thế nào là tùy thuộc nhu cầu mỗi tháng, do đó nếu có sự bất thường (quỹ chung cạn trước khi hết tháng, hoặc sau mỗi tháng quỹ chung còn dư quá nhiều), cả hai có thể cùng ngồi lại xem xét và điều chỉnh.
- Nếu quỹ chung cạn sớm: Trước hết, mỗi người cần đóng góp vào quỹ chung thêm một phần cho tháng đó, tùy theo tỷ lệ định trước. Ví dụ nếu mới ngày 20, mà quỹ 10 triệu VND đã cạn tiền, vậy cần đóng thêm khoảng 5 triệu vào, giả sử tỷ lệ là 4/6, thì vợ sẽ đóng vào 2 triệu, chồng 3 triệu. Sau đó, dùng công cụ theo dõi chi tiêu để biết nguyên nhân tại sao ước tính vào đầu tháng lại không chính xác. Nếu là một mua sắm đột suất (ad-hoc), như tiền ốm đau, sửa chửa máy móc… thì chỉ cần tăng nhẹ quỹ chung cho tháng sau (10%). Trái lại, nếu có nhiều chi tiêu mà vợ chồng nhận ra rằng sẽ tiếp tục xuất hiện sau này, nên tăng quỹ chung tương ứng dành cho các chi tiêu đó. Ít nhất cần tăng bằng mức bị hụt của tháng này.
- Nếu quỹ chung còn dư quá nhiều (trên 50%): đây là lúc bạn có thể nghĩ đến mở một tài khoản tiết kiệm chung dành cho quỹ chung. Hãy quy định rằng bất cứ khoản dư nào cuối tháng của quỹ chung đều sẽ đặt vào tài khoản tiết kiệm này, mở đầu bằng số dư lần này. Như vậy bạn sẽ không cần thay đổi quỹ chung, mà vẫn có động lực tiết kiệm cho gia đình. Ngược lại, vợ chồng có thể thống nhất giảm quỹ chung xuống, đồng nghĩa với việc quỹ riêng của mỗi người sẽ rộng ra.
- Khi thu nhập của hai vợ chồng tăng lên, bạn có thể điều chỉnh quỹ chung tương ứng, thường là một năm một lần (nếu trong năm đó quỹ chung vẫn hoạt động ổn thỏa mỗi tháng).
Bước 6: Tận hưởng quỹ riêng của mình
Với việc có quỹ chung để lo cho gia đình, bạn có thể thoải mái sử dụng quỹ riêng của mình theo cách mà bạn muốn. Tất nhiên bạn sẽ phải làm tốt việc quản lý tài chính cá nhân của mình, và đó là lý do bạn cần đọc thêm nhiều bài viết khác tại trang này.
- Hãy nhớ rằng, dù là quỹ chung hay riêng, bạn giờ đã là một phần của một gia đình thống nhất. Về mặt pháp luật, tất cả tài sản đều thuộc về cả hai người. Do đó đừng quên những quy tắc căn bản của gia đình, ví dụ như bàn bạc trước với nhau trước khi mua sắm một món lớn hay đầu tư một thương vụ rủi ro, ngay cả khi bạn đang dùng quỹ riêng của mình. Quỹ riêng chỉ cho phép bạn quản lý tài chính một cách thuận lợi và không gò bó, không có nghĩa là bạn không còn trách nhiệm đối với gia đình mình.
- Đừng quá cứng nhắc việc dùng quỹ chung hay riêng trong cuộc sống thường ngày. Nếu gia đình bạn cần một chiếc máy lạnh mới, bạn có thể dùng quỹ riêng của mình để mua, hoặc đóng tiền học tháng này cho con, hoặc ăn một bữa ngon lành tại nhà hàng. Việc dùng tiền trong quỹ riêng để gửi về cho bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ sẽ là một món quà đáng quý của bạn đấy. Vì quỹ riêng là để chi tiêu theo ý chí của bạn, bạn hoàn toàn có quyền dùng nó cho việc chung của gia đình. Hãy nhớ lại những ngày trước khi cưới, chẳng phải bạn và người yêu cũng đã từng chia sẻ tài chính với nhau, ví dụ như bạn chịu tiền vé máy bay, người kia chịu tiền khách sạn đó sao? Điều quan trọng là đừng để việc tài chính trở thành gánh nặng hoặc kìm kẹp, do đó hãy cứ linh hoạt khi cần thiết.
- Hãy nhớ, quỹ chung sẽ ưu tiên được bơm đầy trước khi tới quỹ riêng. Do đó nếu gia đình có nhiều kế hoạch cho tương lai, ví dụ như mua nhà, đi du lịch nước ngoài… Quỹ chung sẽ là nơi để bàn bạc và trù tính. Trong trường hợp cực đoan nhất, toàn bộ thu nhập sẽ dành cho quỹ chung, và quỹ riêng sẽ trống rỗng trong một thời gian. Và điều đó hoàn toàn bình thường. Dù sao đi nữa, gia đình vẫn là trên hết mà.
Quản lý tài chính vẫn sẽ luôn là một trách nhiệm (lẫn quyền lợi) to lớn cho vợ chồng trẻ. Đừng để gánh nặng kinh tế làm ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, và hãy luôn nhớ rằng, với quỹ chung, quỹ riêng, và công cụ theo dõi (SIT), bạn sẽ luôn an tâm kiếm tiền (và tiêu tiền) cho tổ ấm của mình.
Xem bài viết gốc tại:
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất