#5. Lão già
“Thằng ăn hại đó đi một ngày mà chưa thấy về” - lão chửi thầm trong bụng, máu điên đã hơi nổi lên với thằng con. Lão đưa cho nó năm...
“Thằng ăn hại đó đi một ngày mà chưa thấy về” - lão chửi thầm trong bụng, máu điên đã hơi nổi lên với thằng con. Lão đưa cho nó năm chục ngàn bảo nó đi mua đồ nhang đèn về sắp cái bàn thờ đã một tiếng đồng hồ trước, mà mặt trời đã lên, rọi vô mặt lão làm lão lấm tấm mồ hôi mà thằng con vẫn chưa về. Thằng chó mất dạy đó, lão nghĩ, cả ngày chỉ biết nằm ngửa ra trên cái xe wave tàu chờ thời trước bệnh viện, ngày được mấy cuốc thì nướng hết vô chiếu bạc mấy cuốc. Con với cái không nhờ cậy gì được hết, chỉ có ăn tàn phá hại là giỏi. “Cũng tại con mẹ nó hết” – lão chửi ra miệng – “chiều nó quá rồi để nó không còn coi ai ra gì hết, đúng là con hư tại mẹ”. Vợ lão ngày trước cưng thằng con này như vàng, chuyện gì cũng bênh nó chằm chặp. Tới lúc bà già nghe tin nó đi tù, bả chịu không nổi nằm lăn ra đó, bỏ ông nhà lại với cái nhà ngày càng bụi bặm và hôi hám. Lão già ngày trước ăn xong chỉ cần nằm ra cái phản hút thuốc, chớ hề rớ tay vô chuyện gì trong nhà. Giờ không còn bà già nữa, cái nhà càng ngày càng không giống chỗ người ở.
Nhưng mấy ngày khốn khổ sắp qua rồi. Đợt này chỉ cần đòi được tiền thì lão sẽ đổi đời. Đời chẳng còn bao nhiêu năm nữa, lão thì đã chịu khổ đủ lắm rồi. Tụi kia muốn bán đất này để kiếm tiền, thì lão nhất quyết không cho tụi nó ăn được dễ dàng. Hôm trước có một đám người lố nhố xuống đây bảo rằng nếu lão vẫn không chịu đi, chúng nó sẽ cưỡng chế giải tỏa nhà của lão. Cái gì mà cưỡng chế giải tỏa, lão không sợ. Lão đã quyết rồi, lão sẽ chơi với tụi nó, chơi tới cùng.
Lão đưa tay mân mê cái huy chương đã sờn cài trên ngực áo, bộ quần áo bộ đội cũng đã cũ sờn. Nhờ bộ quần áo này và cái huy chương này, từ ngày đi K về, lão không còn biết sợ ai ở cái đất này nữa. Ngày còn nằm viện, lão đã được mấy thằng nằm gần giường bảo: “Mày là thương binh, đổ máu cho bọn nó, mày sợ cái gì? Mày cứ quậy đi, không ai dám làm gì mày hết”. Lão lấy đó làm đúng, nên từ đó đến giờ vẫn ngang tàng không sợ trời đất. Dân trong ấp thấy thương binh cũng sợ phiền phức, còn chính quyền thì không ai dám mạnh tay, nên mấy lần lão làm càn đều không hề hấn gì. Lần này lão cũng bổn cũ soạn lại, đã quyết ý thằng nào dám đụng tới mình thì lão sẽ lăn ra đất mà giãy, để xem đứa nào dám láo lếu với thương binh không. Lão cau mày tự diễn đi diễn lại cảnh đó trong đầu, đang tính tới đoạn sẽ tri hô sao cho thiệt là lâm li thì nghe tiếng xe máy xịch xịch. À, thằng con lão đã lết được cái xác nó về rồi đây.
- Nè ông già - thằng con vừa đá chống xe cái cạch, thảy mấy đồ nhang đèn lên cái bàn vuông đã kê sẵn ngoài hè.
Ông già không thèm đếm xỉa thằng con mà quay qua sắp mớ nhang đèn. Ban đầu lão tính chỉ mặc bộ đồ này thôi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy như vậy chưa đủ làm bọn nó sợ, lão mới nghĩ ra thêm trò bày bàn thờ bà già ra đây nữa. Bọn nó không sợ lão, dám đụng luôn cả thương binh thì cũng phải biết sợ quỷ thần, sợ hồn ma của bà già về ám bọn nó. Lão sắp bàn thờ, đốt đèn cầy, cắm cây nhang vô bát gạo rồi lầm rầm khấn bà già. Lão xin bà già về phù hộ cho lão, xin bà già vật hết tụi chính quyền dám cướp đất của lão, xin bả vật luôn tụi hàng xóm hèn không chịu cùng lão đòi người ta trả thêm tiền đền bù. Mấy con mẹ hàng xóm hèn nhát, tiền mà chê à, chúng mày làm vậy thì chỉ có ngóc mỏ nhìn tụi nó giàu lên cả đời thôi. Khấn xong, lão quay qua thằng con.
- Mày thắp cho má mày cây nhang đi, rồi đưa tao tiền thối đây.
- Mua hết rồi tiền thối đâu nữa ông già. Đưa có năm chục ngàn mà làm như nhiều lắm. – thằng con lớn tiếng, đặt đít xuống bờ hè ngồi bấm điện thoại.
Lão trừng mắt nhìn nó nhưng không nói gì thêm. Lão đã định chửi nó sau khi thấy chai rượu đế móc ở hông xe rồi, nhưng thôi, giờ không phải là lúc chửi nhau. Ngoài thằng con nghịch tử này ra thì không còn ai chịu đứng về phía lão nữa hết. Mà thằng này nó cũng chi nhăm nhe mớ tiền đền bù nên mới ở đây với lão thôi. Lão biết chứ, nhưng giờ chưa phải là lúc trở mặt với nó.
Hai cha con lão quấn khăn trắng lên đầu, cùng ngồi bệt trước thềm chờ người ta tới. Lão nghe máu nóng chảy hừng hực trong người. Đã bao lâu rồi lão không cảm thấy bồn chồn như lần này, lão cũng không còn nhớ nữa. Từ ngày bà già chết lên cơn giận mà chết, nhà không còn ai chạy chợ nữa, lão đã phải sống khổ sống sở với mấy đồng lương thương binh còm. Hết nước, lão đi bán vé số, cả ngày lăn lộn ngoài đường vừa nắng vừa nhọc. Bán vé số vừa mất mặt vừa không được bao nhiêu đồng, nhưng lão còn biết làm gì nữa? Lão chỉ còn miếng đất này, cái nhà nát này, từ giờ tới cuối đời lão có được sung sướng hay không là trông chờ hết vào lần này. Mất mặt lão cũng chịu, giờ lão cũng không còn mặt mũi gì nữa rồi. Lần quậy cuối này của lão nhất định sẽ phải ra trò, quậy cho lên đài càng tốt, để chúng nó phải chịu thua mà đền tiền cho lão.
Trời đứng bóng hơn, lưng áo của lão đã bắt đầu hơi ướt. “Tụi nó có tới không nhỉ?” - lão mơ màng. Trời nóng và tiếng chim chích kêu sau vườn bắt đầu làm lão thấy lơ mơ buồn ngủ. Hình như cái mảnh đạn găm vào đầu lão ở K cũng vào một buổi trưa thế này, lão cũng lơ mơ nghe chim kêu y hệt. Năm đó không trúng mảnh đạn lão đã được cử đi học sĩ quan rồi, đời lão chắc giờ cũng không khốn nạn đến thế này. Đời lão đã không biết bao nhiêu cái giá như rồi nhỉ? Lão mơ mơ hồ hồ nhớ về những ngày trẻ lão đã tự hào ra sao khi được khen đẹp trai, đã tán tỉnh được bao nhiêu đưa trong ấp trước khi bị động viên đi K, đến lúc nghe thằng con lay vai mới ngẩng đầu lên nhìn thấy tụi công an đang lò dò đi tới.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất