Mình có đang sống một cuộc đời hạnh phúc không?
Mình có đang mơ về một giấc mộng địa đàng?
...
Bạn có đang kẹt trong một cuộc sống chỉ có những tất bật của khổ đau, bị nuôi dạy bởi một thế hệ hậu chiến nơi mà con chữ là bài học vỡ lòng cho những cảm xúc tiêu cực. Bạn có đang bị đầu độc bởi sự bất hạnh của tri thức, khi "trí tuệ" trở thành thước đo của phẩm giá, và xã hội trọng dụng những ai biết đạp trên kẻ khác để vùng lên.
Bạn có ôm ấp một cơn mơ nơi mà mọi giáo điều và bất công đều biến mất, nơi mà không có khổ đau hay bất hạnh, nơi mà con người không cần nỗ lực để sinh tồn.
Điều đổi lại là phải sống như một kẻ ngu dốt.
Bạn sẽ được sở hữu một căn nhà kiên cố tới mức không một thiên tai hay hoả hoạn nào có thể nhấn vỡ nó, chạy trong những chiếc xe công nghệ với vận tốc cao tới mức người ta phải làm những biển quảng cáo dài 60m dọc đường để có thể... quảng cáo, bạn sẽ có những "bức tường" chiếu phim ngay trong phòng khách - mang đến những bản tin không hề có lấy một sự bi kịch nào, sống trong một thế giới nơi không có những phiền ưu riêng; nơi mà khổ đau không còn trong sách vở, nơi mà tri thức chẳng còn sức để thét gào.
Bạn có nghĩ đó là Địa đàng không?
Ray Bradbury đã mở ra một thế giới nơi mà những tri thức được ru ngủ rồi bị treo lên đoạn đầu đài, một thế giới nơi đã tước đi quyền độc lập trí tuệ của nhân loại, và thôi miên nhau bằng lý tưởng về một cuộc sống không muộn phiền, để rồi sau cùng, cái chết trở thành thứ đáng mong chờ nhất của rất nhiều con người trên thế giới.
Những chàng lính phóng hoả, sau lớp áo đồng phục và huy hiệu của "kẻ đốt sách", giờ đây châm lên những ngọn đuốc "cứu khổ" cho nhân loại khi triệt tiêu đi ngọn nguồn của khổ đau, dèm xuống những văn minh và tư tưởng "hủ lậu" sau những tro tàn của ngọn lửa 451 độ F.
Đây là một câu chuyện, được xếp loại là “Phản địa đàng” [Dystopia], nhưng có lẽ nếu chúng ta có một khởi đầu khác, trước thời đại của nhân vật Guy Montag, trước khi xã hội kịp chuyển giao sang một thời kỳ “không tri thức”, thì có lẽ lý tưởng về một đời sống nơi mà chiến tranh, nạn đói, nghèo khổ không còn chỗ để đặt chân - chính là một giấc mộng tươi đẹp về một Địa đàng [Utopia] đích thực.
Hoặc hiểu theo một cách dễ nuốt hơn, Utopia và Dystopia chỉ là hai mặt của một vấn đề trong xã hội, nó thể hiện rõ một ý nghĩa rằng mọi tiện nghi đều đến cùng một cái giá, mọi sự mâu thuẫn sẽ luôn tồn tại cùng nhau, bản chất của khổ đau vẫn là như thế dẫu nó tới dưới dáng hình khác và con người sẽ phải chọn cho mình rằng họ muốn sống “đau khổ” theo cách nào.
Xã hội trong 451 độ F không tự dưng mà trở thành kẻ thù của tri thức, mà là từng bước, từng bước trượt dài trên hành trình tiến hóa ngược.
Hậu giai đoạn tôn sùng những nhà học giả, con người đã phát triển vượt bậc về trình độ công nghệ, nhưng hệ quả cho một nỗ lực cải thiện cuộc sống vật chất chính là sự dung túng và biến chất của con người.
Họ trở nên lười biếng hơn trong việc chủ động tiếp cận thông tin hay tiêu thụ thông tin, họ ưu tiên hơn với những hình thức chuyển đổi thông tin từ dài thành ngắn, từ con chữ sang hình ảnh, để đến cuối cùng, thông tin bị tối ưu hóa hết mức đến nỗi người ta tẩy chay cả tri thức.
Bạn sẽ thấy đâu đấy cái hiện tượng này đang trôi nổi trong xã hội thực tế của nhân loại, chỉ mới ngày hôm nay thôi, có khi bạn đã lướt qua một bài viết sau khi đọc được ba câu đầu chỉ vì nó “dài quá, lười đọc.” Vậy thì hẳn là bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng 451 độ F đã được ra mắt từ cách đây 100 năm, một sự tiên báo quá tuyệt vời và chính xác.
Một xã hội không tri thức không phải là một xã hội kém phát triển, ngược lại, nó mang mọi hình thái của một thời đại tân tiến, với mọi tiện ích đủ đầy và một tinh thần kiệt quệ sống bên dưới cái thân xác trống không. Những con chó máy không sống cũng không chết, những chiếc tai nghe vỏ sò ầm ĩ âm nhạc hàng đêm, những màn hình chiếu phim to khổng lồ trong phòng khách cùng những tin tức giải trí lấp liếm cho thông báo về chiến tranh, ôi những tiện nghi hết sức “Thiên Đàng” và tràn đầy sợ hãi.
Họ sợ hãi tri thức như thể đó là mầm bệnh – mặc dù theo một cách nào đó thì nó cũng giống lắm, họ sợ hãi cách nó sẽ “đầu độc” vào đầu mình những câu hỏi và tư tưởng về tự do, họ sợ hãi cách nó sẽ lan truyền trong cộng đồng, tạo ra những cá nhân với sắc màu cá tính riêng, từ đó gây nên sự hỗn loạn trong xã hội. Rồi họ lại chạy trốn khỏi lý do thực sự mang đến những đau khổ đó.

Là Con Người. Con người chính là nguồn cơn của mọi sự bất hạnh trên thế giới.

Con người mang tới chiến tranh và đói nghèo, mang tới những tàn phá thiên nhiên cùng biến đổi môi trường, mang tới những sự phát triển và thoái hóa trong cuộc sống. Người ta không lo sợ trí thức, người ta lo sợ rằng tri thức sẽ khiến họ phải đối mặt với bản án của bản thân.
Dĩ nhiên đó chỉ là một nhánh nhỏ trong nguyên do vì sao, nếu phải liệt kê hết hẳn là sẽ quá dài. Nhưng cũng giống như có bằng ấy lý do để người ta yêu con chữ, thì cũng sẽ có bằng ấy lý do để người ta ghét nó vậy. Nguyên nhân lớn nhất có lẽ là để phục vụ cho tư tưởng phản tự do trong bối cảnh câu chuyện.
Nếu như các bạn không biết, thì trên thế giới đã từng xuất hiện một thí nghiệm gọi là “Thành phố chuột” – hay có tên gọi khác là Thiên đường của chuột.
Hậu Thế chiến thứ hai, trong sự cuốn hút về luận văn "Nguyên tắc dân số" hay còn được gọi là "Cạm bẫy Malthus" – lý giải về những giả thuyết xoay quanh hậu quả của bùng nổ dân số, John B. Calhoun, một chuyên gia người Mỹ chuyên nghiên cứu tập tính học và hành vi con người đã bắt tay vào một thí nghiệm được gọi là “Thành phố chuột”. Nơi đây dài khoảng 4.5m và rộng 3m, với bốn khu vực được ngăn cách bởi hàng rào điện, cùng nguồn thức ăn và nước uống không giới hạn, Calhoun đã sử dụng chuột để thí nghiệm xem hậu quả từ bùng nổ dân số sẽ diễn ra như thế nào và nó sẽ tồi tệ ra sao.
Dầu cho sự bùng nổ dân số đã thực sự xảy ra, nhưng Calhoun lại chứng kiến nhiều hệ quả còn khủng khiếp hơn thế.
Vì bị giới hạn hoạt động trong một khu vực nhất định, cộng với sự thay đổi trong phương thức kiếm ăn, rất nhiều tập tính của loài chuột đã thay đổi, bao gồm hành vi ăn uống, đối tượng giao phối, sự phân cấp trong đàn và tập tính sinh hoạt, Calhoun gọi hình mẫu này là "behavioural sink" (tạm dịch là "hành vi tha hóa"). Chịu tác động của hành vi này, chuột cái gia tăng tương tác xã hội và giảm khả năng chăm con, thậm chí bỏ rơi con non, cộng với ảnh hưởng của androgen (nội tiết tố nam) lên chuột đực dẫn tới hành vi giết con non, tỷ lệ tử vong của chuột con có lúc lên đến 96%, khiến cả đàn rơi vào tình cảnh đối mặt với nguy cơ suy giảm cá thể.
Sau đó Calhoun đã thực hiện nhiều thí nghiệm tương tự nhưng kết quả mang lại chỉ có một, đàn chuột đều chết. Thậm chí sau sáu lần thí nghiệm thất bại, Calhoun tiếp tục dành ra 11 năm cho thí nghiệm tương tự mang tên "Vũ trụ số 25", nhưng cũng chỉ mang lại cho ông thêm một cú ngã như những lần trước, sự tha hóa trong hành vi của bầy chuột luôn xuất hiện khi chúng đạt tới một mật độ dân số nhất định.
Từ đây có thể thấy, xã hội trong 451 độ F cũng giống như một phiên bản khác của “Thành phố chuột”, khi những “con chuột” bị bắt nhốt trong một khu vực nhất định, không cần lo về việc sinh tồn hay kiếm ăn, họ bắt đầu xuất hiện những hành vi bất thường.
Truyền thông lên ngôi, công nghệ trở thành nguồn lực chính cho xã hội, con người bắt đầu hạn chế tương tác với nhau, không ai muốn bước chân ra đường để dạo phố - hoặc nếu có sẽ bị cho là “bất thường”, cảnh sát tuần tra để bắt giữ bất kỳ ai có biểu hiện kỳ lạ, và hành vi tìm đến cái chết trở thành một hiện tượng thường nhật. Không một ai, kể cả những người thân cận nhất với người tự sát từng đặt ra câu hỏi “Vì sao?”, vì sao con người lại tìm đến lối thoát đó. Sự vô cảm trước cái chết trở thành một làn sóng thần chậm rì nuốt trọn mọi người.
Chính bản thân nhân vật Guy Montag, dưới lớp áo đồng phục của lính phóng hỏa, những mũi kiếm đi đầu cho tư tưởng “đốt sách” cũng từ lâu nhận ra cuộc sống mình chẳng mấy trọn vẹn đến thế.
“Chẳng ai còn lắng nghe nữa. Tôi không thể nói chuyện với những bức tường vì chúng thét lác với tôi, tôi không thể nói chuyện với vợ tôi; cô ấy lắng nghe những bức tường. Tôi chỉ muốn ai đó lắng nghe những gì tôi nói. Và có lẽ tôi nói đủ lâu thì mọi chuyện sẽ thông suốt.”
Và chỉ bằng một lần gặp gỡ, Clarisse McClellan đã mở ra cho anh một thế giới kỳ quặc nơi có sương đọng trên lá vào buổi sáng, nơi nước mưa có vị của rượu vang, nơi mà ngôi nhà tràn ngập ánh đèn và tiếng nói cười.
“Hay là nói chuyện về thế giới này kỳ lạ ra sao. Ở bên người khác cũng tốt thôi. Nhưng em không nghĩ rằng hòa đồng có nghĩa là cho một tốp người ngồi lại với nhau rồi thì không cho họ nói chuyện, anh thấy có đúng không? Một tiết học truyền hình, một giờ bóng rổ hay bóng chày hay chạy bộ, thêm một giờ học sử qua các bản ghi âm hay tranh vẽ, lại thêm giờ thể thao, nhưng anh có biết không, tụi em chẳng bao giờ đặt câu hỏi, hay ít nhất là hầu hết không đặt câu hỏi; họ cứ đổ tràn câu trả lời lên ta, bing, bing, bing, rồi lại ngồi thêm 4 giờ học về điện ảnh. Với em đấy chả phải là hòa đồng xã hội gì hết. Chỉ là một lô những cái phễu và rất nhiều nước được trút vào miệng phễu rồi chảy xuống dưới đáy. Thế mà họ bảo ta đó là rượu vang trong khi đó có phải là rượu vang đâu.”
Guy Montag bắt đầu hoài nghi về giá trị cuộc sống, về kẻ thù thực sự mà anh nên chiến đấu cùng, về lý do vì sao mà người phụ nữ già kia sẵn sàng hy sinh mạng sống cùng ngọn lửa đã nuốt trọn những trang giấy của bà. Chỉ là một sự hiếu kỳ nhỏ bé, đã châm lên ngọn lửa kiếm tìm tự do trong anh.
Bất chấp những lời khuyên từ đồng đội rằng “Đừng đối mặt với các rắc rối, mà hãy đốt nó.” Guy đã vụng trộm mang về một cuốn sách, và anh nhận ra điều kỳ diệu mà sách đã mang lại.
“Sách này có những lỗ chân lông. Nó có những đặc tính. Sách này có thể cho vào dưới kính hiển vi. Anh sẽ thấy sự sống dưới ống kính, tuôn chảy, tràn trề vô tận. Càng có nhiều lỗ chân lông, chi tiết sự sống trên từng phân vuông mà ta có thể ghi nhận trên một tờ giấy lại càng chân thật hơn, anh lại càng “có chữ” hơn. Dù sao đó cũng là cách định nghĩa của tôi. Cho biết chi tiết. Chi tiết tươi mới. Văn hay thì thường xuyên chạm vào đời sống. Văn tầm tầm thì chỉ phớt qua đời sống. Còn văn tồi thì chỉ hãm hiếp đời sống và bỏ nàng ta cho ruồi.”
Anh nhận ra cách mà xã hội này đã cầm tù tư tưởng, trói buộc tri thức, và trên hết bài trừ sự tự do của mỗi cá nhân, anh nhận ra mỗi con người đều đang bị bắt nhốt trong cái lồng do chính họ dựng lên, rồi tạo ra một xã hội nơi mà ai cũng phải phục tùng.
“Anh không hạnh phúc. Anh không hạnh phúc. Anh thốt lên những lời đó với chính mình. Anh nhận ra điều này là hiện trạng đích thực của mọi việc. Anh đeo cái hạnh phúc của mình như đeo cái mặt nạ nhưng cô gái kia đã chạy về phía bên kia bãi cỏ đem theo cái mặt nạ ấy và anh không có cách nào đến gõ cửa nhà nàng và xin nàng trả lại nó.”
Cũng giống như “Thành phố chuột” với những tiện ích từ thiên đường đã khiến loài chuột tha hóa, thì nơi xã hội tân tiến nhất đã nhân danh loài người để tha hóa chính mình.
451 độ F là nhiệt độ giấy in sách bắt lửa và bốc cháy, nó như một cột mốc đánh dấu cho sự bắt đầu của việc “tha hóa hành vi”, kéo theo sự đổ nát trong các tập tính xã hội, dần dà đối mặt với nguy cơ đại diệt chủng.
Đây dường như không còn là một cuốn tiểu thuyết kể những chi xa vời nữa, mà nó đã trở thành chính cuộc sống chúng ta.
Một thời đại mà văn học truyền thống mất dần chỗ đứng, nhường chỗ cho những hình thức giải trí hiện đại, việc tiêu thụ thông tin trở nên tối ưu hóa để đáp ứng cho những kẻ “biếng đọc”, những văn bản dài sẽ rút gọn thành những văn bản ngắn, những video dài sẽ rút gọn thành những clip ngắn và cố nhồi nhét càng nhiều thông tin gây chấn động càng tốt. Dường như thứ được dùng để thu hút tâm trí con người không còn là nội dung của thông tin nữa, mà chính là cách mà thông tin đó được đánh bóng.
Con người phụ thuộc vào công nghệ để có thêm nhiều thời gian rảnh, rồi dùng thời gian rảnh đó để buồn phiền và tiêu thụ tin giả.
Trong muôn vàn cách để tìm đến tri thức, chúng ta chọn cách ngồi yên và thụ động tiếp nhận bất kỳ thứ gì được truyền thông mớm cho, nó như một dấu hiệu cho sự khởi đầu của một thế giới “Phản địa đàng”, khi truyền thông dần trở thành nguồn lực chính yếu để chúng ta tiếp nhận thông tin, thì chúng ta sẽ chỉ biết tới những gì mà chúng ta đã được dạy bảo và uốn nắn.
“Trường học sản sinh ra nhiều người chỉ biết chạy, chỉ biết nhảy, chỉ biết giằng, chỉ biết giật, chỉ biết lượn, chỉ biết bơi thay vì người biết tra xét, người phê phán, người hiểu biết, người tưởng tượng sáng tạo, thì dĩ nhiên cái từ “tri thức” trở thành tiếng chửi thề vì nó đáng như vậy.”
“Ai ai cũng phải để lại một thứ gì đó đằng sau lưng mình khi y chết, ông nội tôi nói vậy. Một đứa con, một cuốn sách hay một bức tranh hay một ngôi nhà hay một bức tường đã xây xong hay một hay một đôi giày đã đóng xong, hay một khu vườn đã trồng xong. Một cái gì đó mà tay anh chạm đến sao cho linh hồn anh có chỗ mà về khi anh chết, và khi người ta nhìn cái cây hay bông hoa do anh trồng cây có anh ở đó. Anh làm gì không quan trọng, ông tôi nói, chừng nào anh làm cho một cái gì đó chuyển hóa thành một thứ giống như anh sau khi anh đã rời tay khỏi nó. Sự khác biệt giữa người cắt cỏ suông và người làm vườn đích thực là ở điều này, ông tôi nói. Người ta có thể không biết người cắt cỏ đã từng ở đó; nhưng người làm vườn sẽ còn đó cả đời.”
451 độ F như một tiếng vang cho những câu hỏi hiện sinh mà ai cũng đã từng tự mình thắc mắc, rằng:
“Mình có đang hạnh phúc không vậy?”
“Mình là ai trong cuộc đời này?”
“Mình đang có những giá trị gì và chúng có đáng giá không?”
Vậy thì, nếu như bạn đang có những câu hỏi đấy, bạn có đứng dậy đi tìm câu trả lời không, hay bạn sẽ chọn cách đốt chúng đi?
____