Mình đã lưu lại trong điện thoại của mình kha khá những câu, ý tưởng mình cảm thấy hay từ khoảng 3 tuần trở lại đây. Hôm nay, nhân một ngày đẹp trời, và quan trọng nhất là mình thật sự muốn viết, nên mình chia sẻ những câu mình cảm thấy tâm đắc. Okay, let's go.
1) "Ngủ đủ không giúp bạn thành công, nhưng làm một người thất bại ngủ đủ còn hơn là trở thành một người vừa thất bại vừa thiếu ngủ".
img_0
Ảnh bởi
bruce mars
trên
Unsplash
Câu này mình lấy ý tưởng từ Monster Box. Trong bài viết ấy, tác giả Trần Tiến đề cập đến nhiều tác hại của việc thiếu ngủ. Bản thân mình cũng rất coi trọng giấc ngủ, kể cả giấc đêm lẫn giấc trưa.
Mà cũng trớ trêu lắm. Nếu coi trọng giấc ngủ một cách thái quá và bạn cảm thấy lo sợ mình ngủ không đủ khi vẫn chưa thể chìm vào giấc ngủ, thì bạn lại càng khó ngủ hơn. Cách đây chừng 2 tháng, mình có đọc cuốn "Tại sao chúng ta lại ngủ (Why we sleep)" của Matthew Người đi bộ. Đọc xong mình bị lậm sách nhiều quá. Mình có cảm tưởng giai đoạn ấy mình tôn thờ giấc ngủ như thể nó là một tôn giáo.
Hiện giờ thì mình ngủ ngon hơn, ít bị tỉnh giấc hơn; có lẽ là vì mình không cố gắng phải ép bản thân phải ngủ sớm nữa, nếu chưa ngủ nổi.
Nhìn chung, nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ là một điều tốt. Nhưng, hãy ngủ bằng cả kiến thức lẫn bản năng.
2) "Con người thật ra là bị kìm hãm hơn là được tự do, nhưng có sao đâu".
Câu này thì do mình tự viết, nhưng dĩ nhiên đây chẳng phải là ý tưởng gì mới. Câu này dường như là sự đúc kết của bản thân mình sau khi chiêm nghiệm về triết học, là sự hòa hợp giữa chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa cấu trúc.
Mình không hẳn tin vào số phận; nhưng mình tin rằng khi một người được sinh ra, có tồn tại giới hạn trong những khả năng mà người đó đạt được. Ví dụ, một người sinh ra trong gia đình giàu có, được ba mẹ yêu thương, chăm sóc đủ đầy, hài hòa tại New York thì hẳn sẽ khác rất nhiều với một người được sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em tại một làng quê nghèo ở Ấn Độ về sức khỏe, năng lực, thái độ,...
Câu này giúp tâm trí của mình ổn định hơn khá nhiều, nhất là trước đây khi mình cứ trăn trở mãi "Làm thế nào để mình được tự do?"
3) "Tớ cứ chân thành đấy, làm sao nè".
Câu này nghe hơi thảo mai thì phải :D. Nhưng mà mình viết câu này là để tự nhắc nhở bản thân rằng: Dù mọi người có đối xử tệ với mình thì mình cũng không được lấy đó làm cớ để làm tổn thương lại họ.
Dĩ nhiên, câu này không có ý nghĩa tương tự với câu "Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa". Nâuuuu, sao phải làm như thế. Nhưng ít ra, ta có thể chọn lựa cách điều hòa hơi thở của chính mình để bình tĩnh lại, sau đó ta có thể đưa ra những quyết định, khi ấy có thể những quyết định sẽ hợp lí hơn. Còn quyết định gì thì mình không biết.
4) "Mong muốn trở nên tốt hơn là một điều tốt. Nhưng mong muốn trở nên tốt hơn trong thời gian ngắn là một điều không tốt". 5) "Những hành động nhỏ nhiều khi chưa tạo ra sự thay đổi về chất, nhưng đó chính là sự tích lũy cần thiết về lượng để có thể đạt được chất mới". 6) "Cuộc sống là một loạt những bước đột phá nhỏ không bao giờ kết thúc". 7) "Kiên nhẫn là thái độ đối với sự đợi chờ".
Câu 4), 6) và 7) mình lấy ý tưởng từ Mark Manson thì phải, câu 5) thì từ triết học Mác - Lê-nin.
Cả bốn câu này giúp mình bình tĩnh hơn trong những tình huống mình chưa nhìn thấy thành quả từ những cố gắng của bản thân. Phổ biến nhất chắc là việc tạo dựng và duy trì thói quen.
Câu 7) cũng đã giúp mình bình tĩnh và kiên nhẫn hơn. Nó như kiểu là một qui luật của cuộc sống vậy, nếu bạn tin vào nó, rằng "Những gì quan trọng thì đều diễn tiến rất chậm" và "Cuộc đời vốn chẳng thể như ý mình được, càng vội thì càng hỏng".
8) "Viết là để dọn rác trong đầu".
img_2
Ảnh bởi
Unseen Studio
trên
Unsplash
Câu này mình lấy từ tác giả Hiền Trang, trong một bài viết của tạp chí Tia Sáng.
Khi đọc xong câu này mình kiểu: "Ủa? Chỉ vậy thôi á?", nhưng mà mình dường như như đã tìm được chân lí của việc viết, tạm thời là thế. Đúng vậy. Nó thật đơn giản. Dọn rác trong đầu để cho dòng suy nghĩ mạch lạc hơn. Từ khi biết tới câu này, mình viết nhiều hơn. Viết mà chẳng quan tâm quá nhiều xem mình cần viết như thế nào.
Khi bạn đi học tại giảng đường hay tham dự hội thảo, chuyên đề thì mình khuyên bạn là nên có vở hoặc giấy để ghi chép (Ừm, nếu bạn nghiêm túc muốn nghe giảng viên, diễn giả nói gì). Có vài diễn giả có cách trình bày khiến mình cảm thấy rất khó chịu; như là đánh mạnh vào cảm xúc của người nghe, tiếp cận vấn đề không từ nhiều chiều cạnh. Nhưng nhờ có tờ giấy A4, mình viết ra những câu hỏi mình thắc mắc khi họ nói về một điều A, B gì đó mà mình cảm thấy khó chịu; viết ra rồi mình thấy mình bình tĩnh hơn; và mình còn có chất liệu để đặt câu hỏi và nhận xét cho diễn giả nữa =))). Viết trên giấy khi nghe giảng/trình bày cũng là cách để mình duy trì sự tập trung trong nền kinh tế sức chú ý hiện nay.
Yeah, nên là, cứ viết thôi. Nếu như dọn dẹp căn phòng của bạn là dọn dẹp vật chất; thì việc viết có thể xem như là cách dọn dẹp tinh thần, để khơi thông cho những dòng chảy suy nghĩ lộn xộn của bạn.
9) "Sự không chắc chắn là vô tận. Vì vậy, kiểm tra điện thoại không bao giờ là đủ".
Câu này mình lấy trong Ghi chép về một hành tinh âu lo của Matt Haig thì phải.
Ý nghĩa của câu này cũng đơn giản thôi. Không nên check thông báo và tin nhắn quá liên tục, trừ khi do tính chất đặc thù của công việc mà bạn đang làm.
Với cá nhân mình thì đến hiện giờ mình vẫn loay hoay về tần suất sử dụng hợp lí những thiết bị điện tử là smartphone và laptop. Nhiều khi mình tưởng là nó đang sử dụng mình chứ không phải là mình sử dụng nó.
Mình ở hiện tại cũng không nhắn tin quá nhiều, dù bản thân cũng khá thích nhắn tin. Nhưng mình chỉ thích nhắn khi 2 bên cùng online, và nội dung trao đổi có thể liên tục một cách tương đối chứ không bị ngắt quãng quá nhiều. Vì thế, mình thích phong cách nhắn tin của email. Nghĩ nhiều thật nhiều, nhắn dài thật dài, nhắn xong cũng không có áp lực phải phản hồi gấp cho cả đôi bên, chất lượng nội dung bên email cũng sâu sắc hơn các nền tảng nhắn tin khác.
Mình viết vậy thôi, chứ mình đang không có những người bạn cũng có nhu cầu nhắn tin trao đổi qua email như mình. Mình chỉ sử dụng Zalo để nhắn tin. Mà giai đoạn này chẳng còn đi học tại trường, có ngày mình chỉ lên Zalo 1 lần. Có vài bữa, mình lên xong thấy chẳng có tin nhắn gì mới. Lúc ấy mình cũng buồn, nhưng rồi mình nhận ra "Ờ, mình đã lựa chọn không nhắn tin lặt vặt nhiều rồi thì có gì phải buồn khi không ai nhắn cho mình chứ", thế là mình lại cảm thấy bình thường ^^.
Còn bạn thì sao. Bạn sử dụng phong cách gì khi trao đổi qua tin nhắn?
10) "Chấp nhận cảm xúc. Và chấp nhận rằng chúng chỉ là cảm xúc mà thôi". 11) "Tách rời ý nghĩa ra khỏi cảm xúc".
img_3
Ảnh bởi
Tengyart
trên
Unsplash
Hai câu này mình lấy ý tưởng từ Mark Manson.
Trước đây, mình hành động rất cảm tính, và đối xử với cảm xúc của chính mình rất tệ. Hoặc là nuông chiều; hoặc là đè nèn, chối bỏ nó. Đến giờ thì mình chẳng biết là mình hành động lí tính trước hơn chưa, mà mình cũng không quan tâm lắm.
Cảm xúc có lẽ tồn tại độc lập với những suy nghĩ của chúng ta. Nên, việc phân tích xem vì sao mình cảm thấy như thế nào quá nhiều cũng không tốt cho lắm (nhấn mạnh là "quá nhiều" nhé).
Hiện tại, khi buồn thì mình thường tự nhắc nhở bản thân rằng "Ừ, buồn nhỉ. Mà rồi sao nữa?". Nếu nỗi buồn đó không đủ quan trọng; mình biết rằng đôi khi chẳng phải có một hay một vài nguyên nhân tâm lí, xã hội cụ thể nào đó tồn tại mới có thể khiến mình buồn, mà đôi khi buồn vì sự thay đổi sinh học, thời tiết chẳng hạn; và rồi mình lại tập trung vào hoạt động mình đang làm thôi.
Cảm xúc thật sự quan trọng đấy. Nhưng mà đừng chăm bẵm nó quá :v.
12) "Cố gắng định nghĩa bản thân cũng giống như đang cố gắng cắn vào răng của chính mình vậy". 13) "Bạn cũng hỗn độn như chính vũ trụ".
Hai câu này mình lấy ý tưởng trong cuốn Ghi chép về một hành tinh âu lo của Matt Haig, có lẽ thế.
Đúng thế, có lẽ chúng ta cũng không nên gắn cho bản thân quá nhiều những danh tính, thuộc tính. Cái tên của mình, N.Q.Linh, cũng chỉ là mình "mượn" nó để sống thôi; thậm chí tên còn có thể thay đổi được mà.
Còn mình, mình sẽ định nghĩa bản thân như thế nào? Hướng nội, khiêm tốn, hay cười, tập trung? Kể cả liệt kê thêm thì mình cũng không thấy có cái nào thật sự phù hợp với mình. Vì bản thân mình có cả những thuộc tính, phẩm chất trái ngược nhau, được biểu hiện trong những thời điểm khác nhau. Có lúc mình nói nhiều, nhưng cũng có lúc mình ít nói. Mình hay cười, nhưng cũng có khi mình khóc, hoặc là không thể hiện cảm xúc rõ ràng ra bên ngoài. Mình cũng chẳng phải quá khiêm tốn hay có sức tập trung rất tốt, cũng tạm.
Thay vì định nghĩa bản thân là người như thế nào, hãy định nghĩa bản thân không phải là kiểu người như thế nào. Ý tưởng này hình như là của Diệu Anh. Không chỉ tên người, mà mình nhớ danh từ riêng khá tốt :v. Và nếu định nghĩa bản thân, mình có lẽ không phải là người thô lỗ. Chắc mỗi thế. Chứ mình thấy những tính cách, hành động của mình lúc thế này, lúc thế kia, chỉ là cái nào có khả năng xảy ra cao hơn trong những hoàn cảnh nhất định thôi.
14) "Sách chỉ là trang sức của kiến thức".
Câu này cũng không phải là của mình. Nó gần như là sự sao chép từ một bình luận của bạn nào đó trên Spiderum.
Mình đã thay đổi quan điểm của bản thân khá nhiều về sách và việc đọc sách trong khoảng thời gian gần đây.
Cách đây tầm 2 - 3 tháng, mình nhận thấy hình như mình mắc phải căn bệnh tôn thờ sách thì phải. Hãy tạm gọi với một cái tên như thế. Khi ấy, mình chỉ muốn sở hữu sách là chính; đọc được vài trang cảm giác như được thỏa mãn rồi ấy, xong sinh ra ảo tưởng "Mình sở hữu sách, nên mình sở hữu kiến thức". Nhưng, kiến thức là thứ vô hình; vì thế, ta cũng chẳng thể biết ta có sở hữu nó hay không.
Hiện tại, mình vẫn cảm thấy nếu ngó nhìn qua các sách được xếp trên kệ ở thư viện, nhà sách, hoặc nhìn trên website thì vẫn thích sở hữu những cuốn sách đó nha, dù chưa biết sở hữu xong sẽ đọc như thế nào; nhưng có lẽ mình tự nhận thức được vấn đề của bản thân, và do nhiều thứ thay đổi trong cuộc sống của mình nên mình chẳng thể mua quá vội vàng như trước được nữa. Mình đã xóa các app Tiki, Shopee từ tận tháng 10 năm 2022. Điều này rất tuyệt vời đối với mình; xóa xong rồi mình chẳng còn mua đồ linh tinh nữa, kể cả sách.
Hiện giờ mình chủ yếu mượn sách từ 2 thư viện, Thư viện Khoa học Tổng hợp bên Quận 1 và Thư viện Campus Văn Hiến bên huyện Bình Chánh (mình học ở đó mà :v). Mình cảm thấy việc mượn sách nó giúp bản thân mình có trách nhiệm hơn với việc đọc, và nó cũng phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại của mình. Những quyển mình cho rằng rất cần thiết thì mình vẫn sẽ mua, nhưng có lẽ những trường hợp ngoại lệ đó rất hiếm. Thật vậy, lần gần nhất mình mua sách là cuốn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê trên Tiki. Giáo trình trên trường thì học kì vừa rồi mình được photo, gửi file pdf để đọc chứ cũng chẳng phải mua cuốn sách mới nào.
15) "Cần có ý thức về hành vi vuốt và click màn hình điện tử". 16) "Khả năng tập trung sẽ bị mai một nhanh chóng nếu ta không thường xuyên duy trì". 17) "Không đọc tin tức cũng đếu trở thành người tối cổ được" 18) "Giải trí trên mạng xã hội không phải là cách giải trí đúng nghĩa lẫn đúng đắn"
img_5
Ảnh bởi
Adem AY
trên
Unsplash
Cả 4 câu này đều là do mình tự viết. Đó là những gì mình đúc kết được sau 12 năm kể từ lần đầu tiếp xúc với internet, và 9 năm kể từ khi xài Facebook lần đầu.
Ngoài nghiện mạng xã hội thì trước đây mình cũng nghiện game online. Mình đã từng nghiện Liên minh huyền thoại, từ khi bắt đầu chơi nó vào hè năm 2016 cho đến khi bỏ hoàn toàn vào cuối năm 2021. Mình hiện giờ đã không còn chơi game online. Cũng là một hành trình dài và đáng nhớ đối với mình. Mình phải cảm ơn nó, không có cú vấp đó, mình cũng không thể hiểu bản thân được như hiện tại.
Thỉnh thoảng tập trung làm một điều gì đó xong, mình cảm thấy phấn chấn, và rồi mình lại dẫm vào cái bẫy chết tiệt, đó là thưởng cho bản thân bằng cách đắm mình vào Youtube, và nó không bao giờ dừng lại ở 15, 20 phút. Câu 16) ra đời cách đây vài ngày, khi mình muốn làm tốt hơn nữa trong việc hạn chế sử dụng internet sai mục đích.
Về câu 17) và đọc tin tức thì mình thấy nó rất đúng. Sẽ luôn có những người xung quanh là những cái máy hóng drama chạy bằng cơm, họ sẽ truyền tải tin tức đến bạn mà bạn không cần phải đọc. Họ sẽ kể cho bạn thôi. Với mình thì đó là ông bà ngoại (dù thỉnh thoảng mới liên lạc) và một số người bạn chung lớp khi học trên giảng đường. Khủng bố, thiên tai, bầu cử, ngoại tình,... Chẳng có chuyện nào liên quan trực tiếp tới ta sất. Nếu ta thay đổi được gì thì hãy quan tâm tới nó, còn không thì bỏ qua đi. Ví dụ về chuyện thiên tai tại Thổ Nhĩ Kì nhé, bạn giúp được thì quyên góp đi, hoặc tìm thông tin mà nhắn tin động viên, hoặc làm điều gì đó mà các nạn nhân có thể cảm nhận được. Sự đồng cảm trong suy nghĩ của bạn không giúp được gì cho họ đâu, nó còn gây phiền toái và tốn thời gian của chính bạn.
Hãy cứ yên tâm, sẽ có người kể cho bạn thôi. Tin mình đi. Và nếu có quan tâm thì cũng đừng đọc tin tức, thay vào đó hãy đọc các bài viết phân tích trên tạp chí hoặc những cuốn sách chuyên môn.
19) "Hãy làm một cái gì đó" 20) "Trì hoãn là một điều tất yếu ở con người. Chỉ là ta nên làm gì đó hiệu quả khi muốn trì hoãn". 21) "Chúng ta hạnh phúc nhất khi quyết định theo đuổi một mục tiêu cụ thể và rồi đạt được nó". 22) "Chúng ta không chỉ chọn thứ mình thích, chúng ta còn thích thứ chúng ta chọn". 23) "Sự thiếu quyết đoán là một phần của vòng xoáy tiêu cực, vì nó làm tăng cảm giác mất kiểm soát". 24) "Một khi ngừng chú ý đến tất cả những thứ bạn không thể làm, bạn sẽ bất ngờ với những thứ bạn có thể làm".
Câu 19) mình lấy ý tưởng từ Mark Manson. 5 câu ở dưới thì mình lấy trong cuốn "Vòng xoáy đi lên" của Alex Korb, có câu 20 không phải là trích dẫn nguyên văn mà mình có chỉnh sửa một ít.
Nhìn chung thì cả sáu câu đều dẫn đến một vấn đề, rằng: quyết định ngay đi. Bản thân sự không lựa chọn cũng là một lựa chọn . Nhắn tin thể hiện tình cảm với crush, nhắn đi, hoặc là không nhắn, hoặc là từ từ, hoặc là gì đó. Chọn một cái đi, chứ đừng ngồi im; vì ngồi im là cách sẽ khiến bạn thất vọng nhất trong tương lai, khi nhìn lại những quyết định trong quá khứ.
Và mình cũng chiêm nghiệm ra, thường những thói quen tích cực hay tiêu cực cũng sẽ đi liền với nhau. Thế nên mới có thể gọi là "vòng xoáy tích cực" hay "vòng xoáy tiêu cực". Bạn nghiện thuốc lá, thường bạn sẽ cũng có những thói quen không tốt khác, như thức khuya, bỏ bữa sáng, lười vận động,... Mình chỉ lấy ví dụ đại khái thôi. Mà mình cũng gửi gắm đến mọi người rằng, đừng cố quá. Sự thay đổi từ từ luôn là cách thay đổi bền vững nhất. Đừng bỏ một thói quen xấu bằng cách bỏ đột ngột, sẽ không hiệu quả đâu.
25) "Cách duy nhất để thực sự tự tin chỉ đơn giản là thoải mái với những gì bạn thiếu". 26) "Người tự tin/hạnh phúc sẽ không tự hỏi liệu mình có phải là người tự tin/hạnh phúc". 27) "Bạn hoàn hảo như chính bạn, nhưng đồng thời luôn có thể trở nên tốt hơn".
img_7
Ảnh bởi
KAL VISUALS
trên
Unsplash
Có thể nói cả 3 câu đều là ý tưởng của Mark Manson, chỉ là mình thêm từ "hạnh phúc" vào câu 26) (ban đầu nó chỉ đề cập đến "tự tin").
Bàn về hạnh phúc trước nhé. Bạn thử nhớ lại xem, những lần bạn cảm thấy hạnh phúc nhất, khi ấy, bạn có nghĩ rằng "Mình thật hạnh phúc", "Mình là người hạnh phúc nhất trên đời" không? Nhiều khả năng là không. Khi bạn đang cảm thấy hạnh phúc, bạn chỉ đơn giản là cảm nhận thôi, chứ không cố diễn tả nó. Cũng như ở trên mình viết về kiên nhẫn, thì hạnh phúc cũng gần tương tự như vậy. Hạnh phúc không phải là một trạng thái, nó là một lựa chọn. Và hình như mình bị đãng trí, cho mình hỏi lại: Hạnh phúc là gì?
Về tự tin thì mình cũng không biết chắc nữa. Nhưng từ khi ít quan tâm tới tự tin, thì mình lại tự tin hơn :).
28) "Tìm kiếm các mảnh sự thật trong một tổng thể sai lầm là một kĩ năng quan trọng cần phát triển". 29) "Nguyên nhân và hệ quả không có quan hệ tuyến tính với nhau. Trong hầu hết trường hợp; sự tương tác hàng trăm, hàng ngàn nguyên nhân mới dẫn đến một kết quả nhất định. Ngoài ra, kết quả thường tác động ngược lại lên từng nguyên nhân".
img_8
Ảnh bởi
Ryan Stone
trên
Unsplash
Câu 28) là của Mark Manson, còn câu 29) thì trích trong cuốn Nghệ thuật kiêng khem tin tức của Rolf Dobelli.
Nhìn chung thì hai câu này giúp mình bớt phán xét người khác và các sự việc hơn. Mình thừa nhận rằng mình chẳng hiểu mọi thứ xung quanh đang diễn ra như thế nào cho lắm. Mình chỉ phỏng đoán một số nguyên nhân thôi, và luôn bỏ ngỏ những khả năng khác, thậm chí là đâu đó nhiều khả năng có tồn tại nhưng vượt ra ngoài khả năng tri giác và vốn hiểu biết của mình.
Tóm lại, đa số chỉ là có sự tương quan, chứ chẳng có mối quan hệ nhân - quả đâu; nếu có, thì nó là hàng ngàn nguyên nhân và kết quả có tính chất phức tạp và phi tuyến tính.
30) "Đạt được thành công trong cuộc sống hầu như không quan trọng bằng định nghĩa về sự thành công của bạn". 31) "Chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc trọn vẹn với cuộc sống của chúng ta".
Câu 30) là từ Mark Manson, còn câu 31 là trích từ một cuốn sách trong một bài viết của một bạn nào đó trên Spiderum :v.
Mình vẫn còn khá nhớ một giảng viên đã từng chia sẻ với lớp mình, đại khái rằng: "Luôn tồn tại sự mâu thuẫn bên trong con người, đó là cảm thấy nhàm chán với cái cũ, nhưng lại không muốn tiến tới cái mới vì cảm thấy an toàn với cái cũ". Mở rộng ra, thì hạnh phúc - khổ đau cũng tồn tại kiểu như vậy đấy, tưởng là mâu thuẫn nhưng nó vẫn cứ song hành với nhau. Nếu không có khổ đau, liệu bạn có hạnh phúc không?
Và cũng nghịch lí không kém, rằng ta phải học cách chấp nhận bản thân để có thể tiến bộ, để đi tiếp nhưng đã là con người, thì chắc chắn sẽ có nhiều lúc cảm thấy không thỏa mãn. Đó là cuộc tranh đấu không có hồi kết giữa cảm thấy thỏa mãn hay cảm thấy không thỏa mãn. Nhưng mà kệ nó đi, bạn cảm thấy thỏa mãn hay không thì nó cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn đang còn sống, nhỉ?
32) "Bạn không thực sự có thứ gì cho đến khi bạn sẵn sàng để mất nó".
Câu này mình lấy ý tưởng từ Mark Manson. Mình cũng chưa thật hiểu rõ ý nghĩa của nó lắm, nhưng đến hiện tại vẫn muốn lưu giữ câu này.
Nếu liên hệ câu này với các mối quan hệ lành mạnh thì mình thấy khá đúng. Bạn càng cố gắng giữ ai đó trong một mối quan hệ, bạn càng dễ đánh mất người đó. Hãy để cho cả hai tự do, vì cả hai là những cá thể độc lập. Dĩ nhiên là cũng đừng bỏ bê quá nhé, không duy trì mối quan hệ thì theo thời gian tự thân nó cũng sẽ phai nhạt thôi, dù đã từng thân tới mức nào. Lằn ranh giữa "vừa đủ", "thiếu" hay "thừa" sự quan tâm, mình nghĩ nó cũng mong manh lắm, và mỗi người sẽ có những cách định lượng khác nhau.
33) "Chẳng (mấy) ai bận tâm đến mình làm gì đâu. Họ còn bận nghĩ xem mình và người khác nghĩ gì về họ.
img_9
Ảnh bởi
Owen Cannon
trên
Unsplash
Câu này mình tự viết, nhưng cũng không phải là ý tưởng mới. Có lẽ nó sẽ liên quan nhiều đến Hiệu ứng ánh đèn sân khấu (Spotlight effect).
Câu này mình viết là để tự nhắc nhở bản thân cứ làm những gì muốn làm thôi, đừng quá quan tâm tới biểu hiện của người khác, vì về cơ bản họ còn bận sống trong suy nghĩ của họ. Đến giờ mình vẫn còn khá chật vật, kiểu mặc cảm tội lỗi của mình nó hoạt động mạnh mẽ quá, nên mình rất sợ những ánh mắt của mọi người xung quanh, dù họ đếch nhìn mình :(. Nhiều khi dừng đèn đỏ, kéo cái khẩu trang xuống để uống nước trong chai mà mình cũng cảm thấy ngại nữa (vì không mấy ai uống), hỏi có chán không...
34) "Nhu cầu + nhàm chán = sáng kiến".
Câu này mình tự viết, nhưng phần lớn ý tưởng là từ Mark Manson.
Nói chung thì giờ mình thích nghi khá tốt với cảm giác nhàm chán rồi. Còn sống thì sẽ còn cảm thấy nhàm chán. Và cũng không nhất thiết phải có nguyên nhân tâm lí hay xã hội gì đâu, có thể là do nguyên nhân sinh học hay nguyên nhân nào đó mà ta chẳng thể biết đấy; nên đừng cố tìm hiểu quá.
Nhàm chán, hứng khởi, rồi lại nhàm chán, rồi lại hứng khởi,... Không nhất thiết các quãng thời gian cách đều đâu. Nhưng nó sẽ cứ thay đổi như vậy đó. Chẳng có cái nào tốt hơn cái nào, cái nào cũng cần thiết cả. Khi người bạn Nhàm chán hay Hứng khởi đến, hãy cứ tiếp đón và tìm cách để làm việc nhóm với bạn đó nhé ^^.
35) "Bạn luôn bỏ lỡ, nhưng bạn chọn bỏ lỡ cái gì?" 36) "You can do anything, but not everything".
img_11
Ảnh bởi
Stefan Cosma
trên
Unsplash
Câu 35) mình quên mất lấy ý tưởng từ đâu rồi, còn câu 36) là của David Allen.
Bạn chẳng thể chọn nhiều thứ được. Ba, bốn, năm thứ thì có nhiều quá không? Cái này thì mình cũng không biết. Thế nào là nhiều, thế nào là ít thì mỗi người sẽ có cách định nghĩa khác nhau, nên không có qui chuẩn chung.
Từ khi gần như bỏ hoàn toàn kiểu làm việc đa nhiệm; tâm trạng mình ổn định hơn, làm việc năng suất hơn, mình cảm thấy hạnh phúc hơn (ủa, hạnh phúc là gì nhỉ?).
37) "Ta nên học cách hoạt động cả khi một mình lẫn khi làm nhóm một cách chất lượng".
Câu này là từ ý tưởng của bác sĩ tâm thần Nguyễn Minh Tiến, mình viết lại khi xem qua Youtube CLB Trăng Non. Đó là một video với chủ đề về sự cô đơn thì phải.
Con người là một sinh vật xã hội. "Không thể tồn tại là con người nếu sống một mình đúng nghĩa". Thế nên, còn muốn tồn tại thì phải làm việc nhóm. Nhưng, hoạt động một mình cũng có những giá trị riêng của nó. Ta nên cân bằng giữa hai cách thức này. Nó không phải là tỉ lệ 1:1, hay ở trạng thái tĩnh đâu. Nó cũng khá là phức tạp đó. Nhưng mình muốn chia sẻ rằng, khi bạn sẵn sàng làm việc nhóm thì bạn cũng cảm thấy ổn khi làm vài chuyện khác một mình, và ngược lại.
38) "Chỉ nên nhìn về tương lai trong tối đa 2 tuần".
Câu này mình tự viết. Câu này dường như ra đời cách đây khoảng gần 4 tháng, giai đoạn mà mình bị bao vây bởi những suy nghĩ tự tử rất nhiều. Mình mắc kẹt trong một vòng tròn luẩn quẩn với những người thân của mình. Bất chợt, một câu nói xuất hiện trong đầu mình: "Thôi, cố gắng một tuần nữa đi". Thật sự nó đã rất có hiệu quả với mình. Khi không cảm thấy có áp lực phải sống nữa, thì mình lại chẳng thể tự chết được.
Hiện giờ thì mình đã chuyển ra ở trọ, chứ không ở với người thân nữa. Tâm trạng của mình nhìn chung là ổn định trong hơn 2 tháng nay.
Mình không phải là một người kiên trì theo đuổi các kế hoạch dài hơi. Từ khi bắt đầu tạo lịch trình trên Google Calendar, thì mình cũng chỉ tạo lịch trình của từng ngày đều đặn theo một tuần.
Mình cho rằng không nên nhìn vào tương lai nhiều quá, vì nó là thứ bất định. Nhưng nhìn vào tương lai rất gần thì nên nhé, ngày mai này, một tuần tới này. Mình cảm thấy một tuần thì dường như khá ngắn nên mình mới dùng mốc thời gian là 2 tuần trong câu 38) này. Nhiều khi bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực về bản thân mình trong 5 năm tới chẳng hạn, mình lại nhớ tới câu nói này, và thầm nghĩ "2 tuần vẫn còn đang rất dài đây, tưởng tượng ra 5 năm để làm gì?".
Bản thân câu này không phải là chân lí, nên nó không mâu thuẫn với việc lên những kế hoạch trung hạn và dài hạn nhé. Mình viết vậy thôi chứ mình cũng không có những kế hoạch trung hay dài hạn gì đâu. Nếu có mục tiêu tính trên một năm thì có lẽ là mình muốn tốt nghiệp cử nhân trong năm 2025 thôi, và mình dự định bản thân sẽ đủ điều kiện tốt nghiệp trong khoảng tháng 1, và nhận bằng trong tầm tháng 4, 5 của năm 2025; có lẽ là thế, và mình cảm thấy chỉ vậy đã là quá xa vời.
Okay, mình đã chia sẻ xong 38 câu châm ngôn quan trọng với mình ở hiện tại. Chân thành cảm ơn những bạn đang dừng mắt ở đây, dù các bạn có đọc từ đầu đến cuối hay không.
Hẹn gặp lại mọi người vào những bài viết sắp tới nhé. Chúc mọi người có những ngày nghỉ lễ vui tươi, hạnh phúc, khỏe mạnh ^^.