30 ngày tập luyện (không liên tục) nhận được gì?
Có những thứ lúc trước khi thay đồ tập, xỏ giày, bắt đầu bài tập, mình có bao giờ biết được đâu.
Mình vừa thực hiện 1 thử thách tự tạo cho bản thân đó là “workout và viết” trong 30 ngày.
Cụ thể nó như sau:
Nếu ý tưởng này có trùng với 1 ý tưởng / trải nghiệm ở đâu đó thì đó chỉ là sự trùng hợp, vì trải nghiệm cá nhân của mình chưa từng biết đến / nghe qua về cách làm của thử thách này ở đâu cả.
Nhìn lại 30 ngày vừa qua, mình nhận thấy có 1 vài đúc kết khá hay ho (với mình). Hi vọng những ai chưa có lý do bước từ cái giường ra đường / ra phòng tập / ra cái thảm tập /…sẽ có chút động lực hành động, và những ai đang cảm thấy chán nản với việc tập luyện thì sẽ tiếp tục làm việc mà mình đang làm.
Bắt đầu thôi nào!!
1. Việc chia sẻ với mọi người về cam kết của mình làm mình kỷ luật hơn
Trước đây mình từng chia sẻ trong một bài viết:
Cách tốt nhất để giữ lời hứa với bản thân là hãy cho người khác biết cam kết của mình và hành động. Và dĩ nhiên, điều này không chỉ hiệu quả trong công việc, mà còn trong cả việc tập luyện.
“Sao chị có thể tập luyện liên tục được hay thế”
“Vì lỡ đăng lên nói với mọi người rồi, giờ không làm nó kì lắm em 😅”
2. Cách để vượt qua “cơn chán tập luyện”
Lý do của việc “chán tập” có thể đến từ đâu?
- Vì mình cứ tập 1 bài tập / 1 chơi 1 môn trong nhiều ngày
- Vì mình thấy việc tập “quá lớn lao”
Chẳng hạn như mỗi lần tập mình mất 1 giờ, trong đó trải qua nhiều bước: thay đồ tập, lấy nước, di chuyển đến nơi tập, khởi động, rồi mới tập, tập xong lại tốn thời gian di chuyển về, tắm rửa, nghỉ ngơi,...
- Mình cảm thấy mệt và lười. Đơn giản là hôm nay không có hứng để tập
- …
Thử thách này đã giúp mình vượt qua "cơn chán tập” ấy bằng việc:
- Chọn môn mình thích và cảm thấy muốn tập vào lúc chuẩn bị tập (có hôm mình chạy bộ, có hôm tập Cardio ở nhà, có hôm nhảy dây,...). Điều này có nghĩa là mình thay đổi môn tập liên tục.
- Thực hiện tối thiểu mục tiêu đã cam kết. Ở thử thách này là tập tối thiểu 20 phút mỗi ngày. Hôm nào bận hoặc lười thì điều này thật tuyệt vời \m/
- Nghỉ ngơi.
Nghỉ ngơi với mình trong thử thách này giống như 1 “phần thưởng” cho việc chăm chỉ của mình vậy ấy 😅
3. Tập đều > Tập nhiều
"Nhiều' ở đây là nhiều về thời lượng cho mỗi lần tập.
Tập nhiều thì:
một là tốn thời gian (để tập luyện),
hai là mình cần thời gian nghỉ ngơi sau khi cơ thể trong trạng thái tập luyện trong thời gian dài,
ba là mỗi lần nghĩ tới 1 buổi tập dài như vậy, mình khó duy trì được thói quen tập luyện về sau.
Đó là lý do trong thử thách này mình chỉ yêu cầu bản thân tập tối thiểu 20 phút mỗi lần tập.
Một buổi chạy ngắn của mình thường kéo dài 25 - 30 phút. Những bài tập cardio mình từng tập trên Youtube thường tầm 25 phút là có thể khiến mình thở hổn hển, 15 phút thì hơi ngắn hoặc bài phải thật sự “hardcore” thì mới cảm thấy tác dụng.
Vậy cho nên, với mình, 20 phút là phù hợp cho việc tập luyện như 1 thói quen hằng ngày. Có thể không khiến mình quá mất sức, nhưng cũng không ngắn, đủ để mình đốt năng lượng và toát mồ hôi.
4. Áp dụng “lead goals” vs “lag goals” vào thực tế
Hai loại mục tiêu này mình đọc được trong bài tóm tắt cuốn sách “The 4 Disciplines of Execution” của Chris McChesney. Cụ thể hơn là trong nguyên tắc thứ 2: “Discipline 2: Act on the Lead Measures”.
Trong đó, “lead goals” (là 1 con số) là mục tiêu cụ thể sẽ giúp chúng ta đạt được mục đích ban đầu khi thực thi 1 việc nào đó. Thường sẽ là 1 mục tiêu cụ thể, có thể thực hiện được để dẫn tới kết quả mong muốn.
Còn “lag goals” là những mục tiêu không rõ ràng hoặc nghe có vẻ rõ ràng, nhưng mình chưa thể xác định được cách làm để đạt được chúng, đó có thể là thành tựu nào đó mà mình muốn đạt được.
Trong thử thách "Workout và Viết" của mình, “lead goal” chính là việc tập luyện trong tối thiểu 20 phút mỗi lần, không được nghỉ quá 10 buổi. “Lag goals” là dạng mục tiêu như giảm được X kg trong 1 tháng.
Và sự thật là nhờ tập luyện theo yêu cầu của thử thách, mình đã giảm được 1kg, dù không đặt mục tiêu giảm cân khi thực hiện thử thách này.
5. Sức mạnh của việc nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi chính là phần thưởng.
Có tuần mình tập liên tù tì 7 ngày (nếu tính luôn 1 ngày mình nhảy dây và dây bị đứt ở phút thứ 19), thì ngày nghỉ sau 7 ngày đó quả thật là một phần thưởng.
Ngoài ra, việc nghỉ ngơi cũng giúp mình hồi sức và tiếp tục tập luyện ở 1 chặng đường dài hơi hơn. Dự định của mình là tập luyện đến hết cuộc đời. Thật.
Ngắn gọn điều này bắt nguồn từ 3 lý do:
- Tập luyện giúp thân hình mình gọn hơn, tăng sự tự tin của bản thân, công việc suôn sẻ hơn (ngắn hạn)
- Việc tập giúp mình giảm căng thẳng và sáng tạo hơn. Từ đó, mình sống vui vẻ hơn (dài hạn)
- Nó giúp chu kì kinh nguyệt của mình đều đặn hơn (tác động trực tiếp đến sức khoẻ)
Mình không biết là…, cho tới khi…
Mình tận hưởng điều gì khi tập luyện?
Đến phòng tập thì enjoy khi thấy người khác đang “work” và mình cũng “work”.
Tập ở nhà thì trời vẫn cứ sáng, còn mình thì cứ tập.
Sau 1 chuỗi ngày 🍓🍓🍓, hôm nay có điều gì đó thôi thúc mình cần phá vỡ routine hằng ngày.
Bình thường thức dậy, điều đầu tiên mình làm sau khi đánh răng là đọc sách và viết morning pages, nhưng hôm nay mình đã chọn đi bộ vào buổi sớm lúc 6 giờ. Lúc này dòng người đi làm chưa tấp nập, nên cũng bớt nghe tiếng còi xe, ít khói bụi hơn, mình sẽ thấy những người đang đi lấy hàng về để chuẩn bị cho 1 ngày buôn bán, thấy dòng khói nghi ngút ở 1 quán phở, quán cơm tấm nào đó. Về tới nhà mình thấy vui 😊
Kiểu cảm giác ai cũng say mê làm việc của mình ấy. Đúng vậy, được đắm chìm vào “dòng chảy” của thứ mình thích làm là thích nhất.
Có những thứ lúc trước khi thay đồ tập, xỏ giày, bắt đầu bài tập, mình có bao giờ biết được đâu.
Cuối cùng là…
Quan trọng hơn hết là sau challenge này, mình còn tiếp tục tập đều đặn như vậy không.
Mong là cả “thế giới” này (ít nhất là những người xung quanh mình) sẽ luôn dành sự ưu tiên cho sức khỏe và việc tập luyện của mình, cho dù mọi người tập bất kì môn nào (Yoga, chạy bộ, đạp xe, đi bộ, đánh cầu lông,…).
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất