Dòng văn học trinh thám những năm 90 của thế kỷ trước không thiếu những nhân vật thám tử đại tài. Trong đó, thám tử Hercule Poirot của Agatha Christie có lẽ là cái tên hiếm hoi sánh ngang với thám tử Sherlock Holmes huyền thoại của Sir Arthur Conan Doyle.
Là một big fan của Agatha Christie, tất nhiên mình cũng yêu thích nhân vật thám tử bà đã tạo nên. Trong đó có 3 cuốn mình đặc biệt yêu thích.
Mỗi cuốn có cách kể chuyện khác nhau. Điểm chung là đều vô cùng hấp dẫn, khiến mình phải trầm trồ sau khi đọc xong.

1. Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông

Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông (tiếng Anh: Murder on the Orient Express) là cuốn sách đưa mình đến với Agatha Christie và say mê nhân vật thám tử Hercule Poirot của bà.
 Cuốn Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông mình mua lâu rồi, nhìn bìa là biết ngay.
Cuốn Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông mình mua lâu rồi, nhìn bìa là biết ngay.
Trong truyện, Hercule Poirot vừa hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng và chuẩn bị lên đường trở về Anh. Trước khi về, ông dự định sẽ nghỉ chân vài ngày tại Istanbul nhưng một bức điện tín triệu hồi ông về gấp. Đó là lý do ông có mặt trên chuyến tàu tốc hành phương Đông.
Vì đang là mùa đông nên thông thường, chuyến tàu này sẽ vắng khách. Nhưng chuyến tàu hôm ấy lại chật kín. Chỉ còn duy nhất một chỗ trống do một hành khách vắng mặt. Hercule Poirot được xếp lấp vào chỗ đó.
Sáng hôm sau khi Poirot lên tàu tốc hành phương Đông, án mạng xảy ra.
Nạn nhân là một thương gia người Mỹ. Ông ta bị đâm liên tiếp 11 nhát dao. Điều kỳ lạ là những nhát dao không đồng nhất. Có nhát đâm bằng tay phải, có nhát bằng tay trái, có nhát mạnh, có nhát yếu ớt.
Trước sự thỉnh cầu của người bạn Bouc, giám đốc điều hành chuyến tàu, Hercule Poirot nhận điều tra chân tướng vụ án. Từng hành khách trên tàu được mời đến để thẩm vấn. Mọi người đều có chứng cứ ngoại phạm được chứng thực bởi ít nhất hai hành khách khác.
Điều này ban đầu đã làm thám tử người Bỉ bối rối. Nhưng với những tế bào chất xám siêu việt, nhà thám tử dần xâu chuỗi các dữ kiện, tìm ra kẽ hở trong lời khai của các nhân chứng và phá giải vụ án thành công.
Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên mình đọc nên không khỏi trầm trồ vì sự tài tình của Agatha Christie trong việc xây dựng câu chuyện. Bà đã tung manh mối về hung thủ ngay ở chương đầu tiên. Nhưng mãi khi đọc hết cả cuốn sách, lật giở lại, mình mới phát hiện ra tình tiết gợi ý.

2. Chuỗi án mạng A.B.C

Mình thích Chuối án mạng A.B.C (tiếng Anh: The A.B.C murders) hơn Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông. Nhưng vì là cuốn đầu tiên mình đọc của Agatha Christie nên mình ưu ái xếp ở trên. Đọc Chuỗi án mạng A.B.C, mình thật sự khâm phục sự sáng tạo của bà.
 Chuỗi án mạng A.B.C là cuốn tiểu thuyết Hercule Poirot hiếm hoi xuất hiện án mạng liên hoàn.
Chuỗi án mạng A.B.C là cuốn tiểu thuyết Hercule Poirot hiếm hoi xuất hiện án mạng liên hoàn.
Câu chuyện được kể trên góc nhìn của đại úy Hastings, người bạn thân lâu năm của Hercule Poirot, cũng là người đồng hành cùng thám tử người Bỉ trong phần lớn tiểu thuyết của Agatha Christie. Nói nôm na, vai trò của đại úy Hastings giống như bác sĩ Watson trong Sherlock Holmes vậy.
Từ Argentina trở về Anh, đại úy Hastings lập tức ghé thăm người bạn già Hercule Poirot của mình. Sau một hồi ôn lại chuyện cũ, vị thám tử người Bỉ đưa cho bạn mình đọc một bức thư nặc danh được đánh máy của một gã tên là A.B.C. Trong thư, gã này cho biết sẽ gây án tại một địa điểm bắt đầu bằng chữ A và thời gian cụ thể, thách thức Poirot so tài với hắn.
Cả đại úy Hastings và thanh tra Japp tại Scotland Yard đều nghĩ bức thư nặc danh chỉ là trò chơi khăm của gã điên nào đó cho đến khi vụ án mạng thực sự xảy ra. Vị trí, thời gian gây án đều giống như thông tin ghi trong thư. Nạn nhân là một bà lão bán tạp hóa có tên bắt đầu bằng chữ A. Bên cạnh nạn nhân có một cuốn lịch trình tàu hỏa đang mở ở trang có chữ A.
Khi Poirot, đại úy Hastings và cảnh sát còn đang điều tra vụ án đầu tiên thì một lá thư nặc danh khác của A.B.C được gửi tới. Giống như lá thư đầu, vụ án thứ hai xảy ra. Lần này địa điểm xảy ra án mạng và tên nạn nhân bắt đầu bằng chữ cái B. Gần nạn nhân cũng tìm thấy một cuốn lịch trình tàu hỏa mở ở trang có chữ cái B.
Tương tự, vụ án có chữ cái C và D liên tiếp xảy ra.
Chuỗi án mạng A.B.C là một trong những tiểu thuyết trinh thám viết về sát thủ liên hoàn hiếm hoi của Agatha Christie. Nhưng nó hoàn toàn khác biệt so với những cuốn trinh thám về sát thủ liên hoàn mình từng đọc. Mình thích nhất một câu Poirot nói khi phá giải chuỗi án mạng A.B.C đầy hóc bùa này, câu nói này bao quát toàn bộ ý tưởng của chuỗi vụ án:
“Khi nào ta khó nhận ra một vụ án đơn lẻ nhất? Đó là khi nó nằm trong chuỗi vụ án có liên quan đến nhau”.

3. Vụ ám sát ông Roger Ackroyd

Sự nghiệp văn chương của Agatha Christie có không ít tuyệt tác. Vụ ám sát ông Roger Ackroyd (tiếng Anh: Murder of Roger Ackroyd) chính là một trong số đó.
Vụ ám sát ông Roger Ackroyd được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Agatha Christie về nhân vật thám tử Hercule Poirot
Vụ ám sát ông Roger Ackroyd được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Agatha Christie về nhân vật thám tử Hercule Poirot
Thám tử Hercule Poirot lúc ấy đã lui về “ở ẩn”, sắm vai một người nông dân trồng bí ngòi tại làng King’s Abbott. Người kể chuyện lần này là bác sĩ Sheppard.
Câu chuyện khởi đầu bằng vụ tự tử của bà Ferrars, một góa phụ giàu có. Người làng kháo nhau rằng bà tự sát vì bị một kẻ nào đó tống tiền do biết bà đã đầu độc chồng mình 1 năm trước và đang quan hệ bất chính với ông Roger Ackroyd, cũng là một người giàu có tại làng King’s Abbott.
Ngày hôm sau, tại dinh thự của mình, ông Roger Ackroyd cũng bị sát hại ngay trước khi ông chuẩn bị mở đọc lá thư trăn trối của bà Ferrars tố giác kẻ đã tống tiền mình.
Trước sự thỉnh cầu thống thiết của Flora Ackroyd, cháu của nạn nhân, Hercule Poirot bất đắc dĩ phải “tái xuất giang hồ” để tìm ra hung thủ. Khi bức màn bí mật đằng sau cái chết của ông Roger Ackroyd được vén lên, hung thủ lại là người mà độc giả ít ngờ tới nhất (ít nhất là đối với mình).
Trong Vụ ám sát ông Roger Ackroyd, từng câu chữ, cách diễn đạt của người kể chuyện, bác sĩ Sheppard, đều có thể trở thành gợi ý để phá giải vụ án. Đó là cái độc đáo của cuốn tiểu thuyết trinh thám được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của Agatha Chrisite. Từ đó làm nổi bật sự tài trí của thám tử Hercule Poirot.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc bài viết này. Mình là Thắng Vũ.
Bài viết gốc: