Bản thân mình chưa phải và có lẽ sẽ không bao giờ là một người lãnh đạo hoàn hảo, vậy nên hãy xem bài viết này như một người bạn chia sẻ kinh nghiệm với bạn, thay vì là một chuyên gia lãnh đạo đang chỉ dạy bạn nhé^^
Với trải nghiệm từng làm lớp trưởng, chủ tịch 2 câu lạc bộ, thành viên ban tổ chức của kha khá dự án, và là người thích quan sát những người lãnh đạo; bài viết này mình sẽ chia sẻ 5 điều (theo mình) sẽ giúp các bạn trở thành một nhà lãnh đạo tồi tệ.

1. Không nhận trách nhiệm về bản thân

Nếu làm lãnh đạo chỉ đơn giản là nhận hết mọi công sức của tập thể về mình, và thất bại thì tìm người khác để đổ lỗi thì đời đã như là mơ.
Trên thực tế, lãnh đạo là người đầu tiên được khen khi có thành tích tốt, nhưng cũng sẽ là người chịu sào khi có sự cố xảy ra. Dù cho lỗi đó rõ ràng là một người khác gây ra, là một người lãnh đạo, ta cũng cần phải tự kiểm điểm lại bản thân vì đã để họ gây ra việc đó.
Có thể là ta đã giao cho người ấy quá nhiều việc, hoặc ta không tận dụng tốt điểm mạnh của người ấy, hoặc ta đã sai ngay từ đầu khi tuyển một người không phù hợp với văn hóa của mình,… Dù là gì đi chăng nữa, việc ta xem lỗi lầm của thành viên như là lỗi lầm của mình sẽ giúp ta thực sự hành động để thay đổi đội ngũ. Chứ nếu ta cứ đổ lỗi cho người khác, phạt họ rồi thôi thì cốt lõi của vấn đề vẫn sẽ nằm ở đấy.
Hơn nữa, việc ta sẵn sàng cùng người khác chịu trách nhiệm sẽ giúp cho những thành viên của ta cảm thấy an toàn. Ngược lại, khi lúc nào cũng bị lãnh đạo công kích và đổ lỗi, họ sẽ phát sinh sự trốn tránh trách nhiệm, và che giấu lỗi lầm của mình. Đây chắc chắn là điều không một lãnh đạo tốt nào mong muốn.

2. Nghĩ mình là nhất

Những người lãnh đạo tồi thường tin rằng mình là người giỏi nhất, ý kiến của người khác là phụ. Để rồi, họ sẽ không thèm nghe bất cứ lời góp ý nào trái với quan điểm của họ, chỉ tuyển những người nghe lời họ, và giết chết văn hóa tổ chức từ bên trong.
Về căn bản, cách để tạo ra một đội nhóm tuyệt vời, theo mình, là tuyển những người có khả năng hơn chúng ta, và c;ú;t ra để họ tự làm việc của họ. Còn nếu ai cũng tệ hơn ta thì làm nhóm làm gì?
Trong cuốn sách “đội nhóm trong mơ”, tác giả Shane Snow có nhấn mạnh một khái niệm tối quan trọng để tạo nên đội nhóm tốt, đó là khả năng khiêm tốn trí tuệ (IH).
Cụ thể, những người có chỉ số khiêm tốn trí tuệ cao là những người sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình nếu họ thực sự sai. Một người lãnh đạo tốt (a.k.a một người có chỉ số IH cao) sẽ không vì cái tôi mà ảnh hưởng tới kết quả của tổ chức.

3. Nói mà không làm

Lãnh đạo hay nói đạo lý thường sống như lồ..ng đèn ông sao. Đùa đấy, nói đạo lý cũng được, nhưng nói mà không làm thì sẽ chẳng ai theo bạn cả.
Thay vì cứ hô hào người khác cống hiến nhiều hơn, hãy là người cống hiến nhiều nhất. Thay vì chỉ chê trách tác phong của đội ngũ, hãy là người luôn đến đúng giờ trong các cuộc hẹn.
Niềm tin không thể được xây dựng từ hư không, mà nó phải bắt nguồn từ vô vàn lần bạn giữ đúng lời mà mình nói ra.
Và phải liên tục. Dù lúc trước bạn có làm đúng lời nói của mình cả trăm lần, nhưng chỉ cần 1-2 lần bạn làm sai thì uy tín của bạn đã giảm đi một nửa rồi.

4. Dựa quá nhiều vào phần thưởng và áp lực bên ngoài

Trong một podcast trên kênh The Diary Of A CEO, Andrew Bustamante - cựu đặc vụ CIA đã chỉ ra bốn cách thường được dùng để khiến người người làm theo ý mình qua từ viết tắt RICE:
Reward: đưa cho người khác điều họ muốn (tiền, t;ì;n;h d;ụ;c,…)
Ideology: hệ tư tưởng - những điều chúng ta tin tưởng và xem nó nằm trong hệ giá trị của mình (tôn giáo, lòng yêu nước, quan điểm chính trị,…)
Coercion: ép buôc người khác làm việc ta muốn thông qua mặt tối của động lực (cảm giác tội lỗi, sợ hãi, hoảng loạn,…)
Ego: Cách mà chúng ta tự nhìn bản thân mình, và cách mà chúng ta muốn người khác nhìn bản thân mình. Ví dụ, mình có thể là một người tự nhìn nhận bản thân là một người vị tha, và mình cũng muốn người khác nhìn mình là một người vị tha; thì khả năng cao là mình sẽ cố gắng hết sức để giữ cái hình ảnh của mình.
Chúng ta có thể xếp hạng 4 yếu tố này từ cao đến thấp về độ ảnh hưởng như sau (các bạn hãy thử tự đoán trước khi lướt xuống nhé):
Thứ nhất là Ideology. Chúng ta khiến họ tin rằng những điều chúng ta muốn họ làm là tốt cho một mục đích hay sứ mệnh mà họ tin tưởng, có thể là gia đình, hay là niềm tin tôn giáo. Bạn có thể thấy các giáo hội hay cuồng giáo (cult) có thể khiến một người chấp nhận c;h;ế;t vì đức tin của mình.
Thứ hai là Ego, sau những điều chúng ta tin hơn cả bản thân mình, là chính bản thân chúng ta. Hãy tìm ra cách họ muốn thế giới nhìn nhận họ, và tinh chỉnh thông điệp của bạn dựa theo đó.
Thứ ba mới đến phần thưởng, và thứ tư là sự thao túng tiêu cực. Hai hình thức này xếp cuối bởi nó không giúp xây dựng niềm tin dài hạn. Người ta có thể theo bạn bây giờ, nhưng đến khi hết phần thưởng hoặc có phần thưởng khác hấp dẫn hơn, người ta sẽ rời đi.
Áp dụng lý thuyết này vào việc lãnh đạo đội nhóm, ta có thể thấy rằng thay vì chỉ tập trung vào thưởng vật chất hay là dùng áp lực để buộc các thành viên làm việc, hãy tác động vào hệ tư tưởng và cái tôi của họ.
Hãy cố gắng khiến các thành viên của bạn tin rằng mình đang thực sự làm một điều gì đó có ích cho xã hội, hoặc cho một phong trào cộng đồng nào đấy mà họ tin tưởng. Hãy cho họ tham gia thật nhiều các hoạt động cùng nhau để họ cảm thấy thuộc về tổ chức này, từ đó họ sẽ xem tổ chức như là một phần căn tính (identity) của họ. Đặc biệt, hãy tập trung vào sự phát triển của các thành viên. Đối với các tổ chức sinh viên, bạn cần đảm bảo các thành viên rèn luyện được kỹ năng mà họ mong muôn.
Làm được những điều trên, người ta sẽ tự động ở lại với bạn.

5. Ôm đồm quá nhiều việc

Nhiều người lãnh đạo (trong đó có cả mình) không cảm thấy an tâm khi giao việc hoàn toàn cho người khác, và thường tự nhúng tay vào tất cả các đầu việc.
Điều này ổn trong thời gian đầu, nhưng sau đó khi khối lượng công việc ngày càng tăng, người lãnh đạo sẽ rất dễ bị kiệt sức. Và việc phải làm nhiều đầu việc cùng một lúc cũng khiến họ không thể tập trung vào chuyên môn của chính mình, từ đó ảnh hưởng đến kết quả của cả đội.
Vậy nên, ta cần chấp nhận tin tưởng những người đồng đội của mình, có thể kết quả sẽ không như ta mong muốn, nhưng về lâu dài sẽ hiệu quả hơn. Mới đầu hãy dành thật nhiều công sức trong việc chọn người, cũng như phát triển kỹ năng cho các thành viên để họ có thể làm việc độc lập.
Mà thực ra, như mình đã nói ở ý hai, ngay từ đầu bạn nên chọn một người giỏi hơn bạn trong chuyên môn của họ, và để họ làm những gì họ muốn, miễn là theo quy định chung của tổ chức. Bạn cứ sợ người khác sẽ không làm tốt, nhưng trong rất nhiều trường hợp họ sẽ làm tốt hơn cả bạn.

Kết

Làm một người lãnh đạo tồi thì dễ, nhưng để trở thành lãnh đạo tốt đòi hỏi một quá trình dài mà đến bây mình vẫn phải rèn luyện. Rất nhiều.
Trên tất cả, có một tinh thần mà mình cần các bạn nhớ, được tóm gọn trong câu nói của Simon Sinek - nhà diễn thuyết nổi tiếng về lãnh đạo tổ chức:
“A poor leader will tell you how many people work for them. A great leader will tell you how many people they work for.”
(Tạm dịch: Một người lãnh đạo tồi sẽ khoe với bạn có bao nhiêu người dưới trướng họ. Một người lãnh đạo tốt sẽ kể với bạn về số người mà họ phục vụ.)