Vậy là cũng chỉ còn vài tuần nữa thôi là các sĩ tử trên toàn cả nước sẽ trải qua kỳ thi quan trọng mang tên Trung học phổ thông Quốc gia. Mình không biết nên gọi là may mắn hay xui rủi khi mình đã có 2 lần trải qua kỳ thi này. Một lần vào năm 2019, mình tham gia thi với tư cách là một học 12 cuối cấp và một lần chỉ mới vào năm ngoái - 2022 khi mình đi thi với danh xưng là một thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT. Dẫu ở cả 2 lần, mình đi thi với những hành trang, mục tiêu và đặc biệt là với một tâm thế toàn toàn khác. Song tất cả đều cho mình những trải nghiệm và bài học khác nhau. Hy vọng rằng những điều mình chia sẻ bên dưới có thể phần nào giúp những bạn sắp sửa tham gia kỳ thi sắp tới nhé.

Đừng xem thường giai đoạn chuẩn bị

Ba mình thường bảo, việc chuẩn bị sẽ quyết định gần như đến 80% kết quả của một cuộc chơi hay 1 cuộc thi nào đó. Và điều này không hề sai. Nói gì thì nói, dẫu về mặt hình thức, đây là một cuộc thi cuối cấp nhưng xét về bản chất sâu hơn thì đó lại là một cuộc cạnh tranh ngầm với từng con điểm, với từng 0,1 hay 0.25. Do đó, nếu bạn không muốn lỡ bước trượt chân thì phải luôn chuẩn bị hành trang thật vững vàng. Đặc biệt là với những bạn đặt ra cho mình những mục tiêu lớn, khâu chuẩn bị chắc chắn là một giai đoạn không thể xem nhẹ.

Thế thì, cần chuẩn bị những gì?

Thứ nhất: hãy chuẩn bị cho bản thân một mục tiêu. Mình nghĩ rằng đây là bước quan trọng nhất trong giai đoạn chuẩn bị nhưng cũng là khâu dễ bị bỏ qua nhất. Mục tiêu sẽ là thứ tác động đến việc bạn lập kế hoạch cũng như tác động đến sự quyết tâm của bạn trong quá trình thi.
Hãy ngồi xuống và tự trả lời cho mình những câu hỏi: Thật sự bạn đi thi thi vì điều gì? Bạn mong muốn gì khi đi thi? Đi thi chỉ để tốt nghiệp, đi thi vì bị ép, hay để điểm cao? Như thế nào cũng được, ít nhất hay xác định cho mình một lý do. Và rồi khi đã có những lý do để bắt đầu, bạn sẽ biết cách để vạch ra một chiến lược ôn thi hiệu quả.
Nhiều người thường dán nhãn rằng đây là: "kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh". Thế nhưng thực tế là, quan trọng hay không thì vẫn phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Có những bạn chỉ đơn giản xem đây là một cột mốc để kết thúc quãng đời 12 năm cắp sách đến trường, còn đối với nhiều người khác, kỳ thi lại như một cánh cửa quan trọng quyết định tương lai phía trước của họ. Vậy nên mới nói, cùng một kỳ thi, cùng một bài kiểm tra, dẫu 2 con người đều được trải nghiệm cùng một nền tảng giáo dục nhưng nếu có những mục tiêu khác nhau thì sẽ có những phần thể hiện khác biệt.
Ở lần thi thứ nhất, mình thật sự đã không nghiêm túc nghĩ về mục tiêu mà bản thân muốn đạt được, mình chỉ đơn giản nghĩ rằng cứ vào thi thì trách nhiệm của mình phải thi cao điểm nhất có thể, mình không vạch ra mức điểm mà mình mong đạt được. Nói thẳng ra thì mình cũng không hiểu tại sao khi đấy mình cần phải học Đại học và phải đi thi. Nghe có vẻ thật thảm hại nhưng vì mình thấy khi đó bạn bè ai cũng thi thế là mình cũng tham gia thi thôi :))
Việc không xác định mục tiêu cũng một phần vì mình sợ nói trước lại bước không qua, mình không muốn mơ mộng cao để rồi tràn ngập trong thất vọng, thế là mình cứ để mọi thứ xuôi một cách tự nhiên, tới đâu thì tới. Tuy nhiên, chính cái nhìn nhận này của mình đã đẩy mình vào một giai đoạn ôn tập chật vật trước kỳ thi, mình đã không có một lộ trình ôn hiệu quả, mình cố gắng nhồi nhét tất cả mọi kiến thức, mình không phân ra cấp độ các dạng bài, mình không biết đâu là phần mình cần đầu tư nhiều thời gian hơn. Kết quả là những cái nên đầu tư nhiều hơn thì mình lại phớt lờ, còn những thứ nên cần giảm đi thì mình lại tập trung quá nhiều. Mình đã không biết mình thật sự cần gì bởi lẽ mình đã không biết bản thân mong muốn điều gì.
Nhưng ở lần thi thứ 2, khi mình đến với kỳ thi với một mục tiêu và một mong muốn hoàn toàn khác. Mình biết mình muốn đạt được điều gì qua kỳ thi, từ đó mình biết được cần làm gì để hiện thực hóa mong muốn của chính mình. Việc hiểu được những động lực của bản thân không những khiến mình có một lộ trình rõ ràng hơn khi bắt đầu, nó cũng khiến mình kiên trì và thật sự nghiêm túc hơn với những mục tiêu mình đã đặt ra. Mình cũng biết cách phân bổ thời gian và biết đề ra chiến lược ôn luyện hiệu quả hơn.
Vậy nên mới nói đừng vội xách tấm bản đồ lên mà chạy khi chưa kịp chậm lại để nhìn nhận xem tấm bản đồ ấy có thật sự phù hợp với bản thân bạn hay không? Và rồi chậm lại một nhịp đề ngẫm xem lộ trình và điểm đích trên liệu có thật sự là điều mà bạn mong muốn hay không.
<i>Photo by Unseen Studio on Unsplash</i>
Photo by Unseen Studio on Unsplash
Thứ hai: sau khi đã tìm kiếm được cho riêng mình một mục tiêu thì không thể quên nhắc đến việc trang bị kiến thức. Sĩ tử đi thi mà không có kiến thức thì cũng giống như binh sĩ ra trận mà lại dùng tay không hay chỉ đâm đầu vào chiến trận với một thứ vũ khí thiếu sắc bén.
Mình biết rằng việc ôn luyện thật sự rất khó khăn và sẽ không ít lần bạn rơi vào tình huống không biết học bao nhiêu cho đủ, càng học thì càng thấy kiến thức không bao giờ cạn. Chắc chắn rồi, với hệ thống thi cử và chương trình thi như quy định của Bộ giáo dục Việt Nam thì bạn sẽ không bao giờ có thể học hết những phần kiến thức trong chương trình thi đâu.
Nếu bạn đang rơi vào trường hợp đó, đừng hoang mang, kiến thức là vô tận. Việc bạn đang tìm cách học triệt để hết mọi kiến thức thì cũng được thôi. Tuy nhiên, liệu bạn có đủ am hiểu và đủ linh hoạt để vận dụng các kiến thức đó lúc làm bài hay không thì lại là một vấn đề khác.
Vậy thì, đối với lời giải cho câu hỏi làm thế nào để biết nên học bao nhiêu cho đủ, thì đáp án lại phụ thuộc vào chính mục tiêu riêng mà bạn đã xác định ở bước đầu tiên. Mỗi cá nhân cần biết đâu là mức điểm mình mong muốn, để rồi xác định được lượng kiến thức cần dung nạp, cũng như có thể xây dựng chiến lược ôn thi phù hợp.
Dễ dàng nhận thấy, trong các môn thi, trừ môn ngữ văn thì các môn khác đều ở dạng câu hỏi trắc nghiệm, và đề thi sẽ đều phân bổ các câu hỏi theo những tầng mức độ dễ khó nhất định. Bạn mong muốn đạt con điểm nào thì nên tập trung ôn thật kỹ và cố gắng làm thành thạo phần dạng bài ở mức độ đó. Điều này nghe thật đơn giản, nhưng thực chất phần này liên quan đến cách thức mà bạn đã tiếp cận môn học trong suốt một năm qua. Mình biết nói điều này bây giờ với các sĩ tử chuẩn bị đi thi cũng đã khá muộn rồi, tuy nhiên, có một điều là, đến giờ phút này, các bạn sẽ không thể phủ nhận rằng việc có được một phương pháp tiếp cận với môn học sẽ quyết định rất nhiều đến hiệu suất làm bài của môn đấy.
Đối với cá nhân mình, trong cả 2 lần thi, mình đều lựa chọn cách học: để làm bài trước hết cần phải hiểu bài. Trước khi bắt đầu giải đề, mình luôn cố gắng nắm chắc phần bản chất nội dung kiến thức, sau khi đã hiểu phần nền tảng và đảm bảo mình có thể dễ dàng xử lý các phần bài cơ bản, mình mới lấy cái gốc đó để vận dụng và giải quyết các bài nâng cao hơn. Điều này không chỉ đúng với các môn tự nhiên như toán, lý mà ngay cả với 1 môn xã hội như văn. Nếu bạn nắm được nguyên lý thì cũng có cách học riêng của nó chứ không phải cầm quyển sách lên và học vẹt từ đầu đến cuối. Cách thức này có lợi rằng mình sẽ luôn có thể hiểu tường tận nội dung một câu hỏi, tuy nhiên, nó thật sự khá mất thời gian vì không phải lúc nào cũng dễ dàng để hiểu được cái cốt lõi của kiến thức được ngay, và đôi khi không phải lúc nào nắm được bản chất thì cũng giải quyết được mọi câu hỏi.
Một điều mình đã không nhận ra ở kỳ thi đâu tiên đó là mình luôn cố làm các câu để lấy điểm 10 (Ở đề thi Toán và Lý). Mình cho rằng nếu ăn điểm được những câu đấy thì kiến thức của mình đã được nâng cao và cải thiện nhiều. Tuy nhiên, thực chất, ngay cả khi mình giải được một câu điểm 10 hay câu ở mức 9+ nó chỉ thể hiện khả năng vận dụng các kiến thức cũng như cách mình tư duy bài toán đã dần được cải thiện, chứ không phải là dấu hiệu để khẳng định mình đã giỏi hơn. Việc mình giải được câu 9+ trong đề này, không đảm bảo mình có thể dùng nó để xử lý câu 9+ trong đề khác. Bởi lẽ, như mình đã từng nói ở trên, người ra đề thi sẽ luôn có cách biến đổi những câu hỏi dưới nhiều hình thức khác nhau, điều đó dễ đánh lừa thí sinh và khiến việc nhận biết dạng bài của câu hỏi trở nên khó khăn hơn.
Vậy nên trong lần ôn thứ 2, khi đã biết mức năng lực cũng như mục tiêu của bản thân, mình không còn ép bản thân phải học tất cả những dạng bài nằm ngoài sự kiểm soát của bản thân (tức là ngoài mục tiêu và ngoài năng lực), thay vào đó mình cố gắng làm chắc những dạng bài để ăn trọn điểm các phần nằm trong khả năng của mình. Mình tập trung vào xử lý phần các câu từ mức 9 điểm trở ngược về trước, vì mình nhận ra đây là những câu mà dù thế nào mình cũng cảm thấy mức năng lực của mình có thể xoay sở để cố gắng làm được, vậy nên mình không muốn mắc lỗi hay đúng hơn là không muốn sai ngu ở phần này.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phương pháp của mình thôi, ở đây bạn vẫn nên cố gắng tìm ra những cách mà bạn có thể thực chiến tốt trong phòng thi. Việc bạn hiểu sâu một vấn đề cũng không đảm bảo hoàn toàn bạn làm được bài đấy, hay ngược lại, bài thi cũng không yêu cầu bạn phải hoàn toàn hiểu bản chất thì mới có thể giải được.
Mình từng biết có những bạn chỉ đơn thuần học các tips bấm máy hay các mẹo để xử lý bài toán, nhưng cũng có thể giải được nhiều câu hỏi khá nhanh. Tuy nhiên, mình nghĩ, tốt nhất vẫn nên song song áp dụng và linh hoạt các phương pháp, đừng để bản thân bị phụ thuộc quá nhiều vào các công cụ hỗ trợ, và cũng đừng nên để bản thân bị trói buộc vào một mô típ tư duy đó là luôn phải đi từ gốc rễ như mình, bởi lẽ, trong phòng thi, sự ứng biến và linh hoạt là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể xử lý được các câu hỏi.
<i>Photo by Thought Catalog on Unsplash </i>
Photo by Thought Catalog on Unsplash
Thứ ba: bên cạnh mục tiêu và một balo kiến thức vững chắc, thì tinh thần là yếu tố đặc biệt quan trọng cần phải chuẩn bị thật tốt.
Đừng xem thường việc chuẩn bị yếu tố này vì nó sẽ quyết định rất lớn đến hiệu suất làm bài của bạn. Việc giữ cho bản thân có một tâm thế bình tĩnh, không bị áp lực, căng thẳng không chỉ là một điều cần thiết trong khi thi mà bạn còn nên cố gắng làm điều này trước khi thi, đặc biệt là vào những giai đoạn nước rút như khi chỉ còn 1 tháng trước ngày thi, hay ngay tại chính lúc này đây.
Mình còn nhớ bản thân trong đợt thi đầu tiên đã từng hoảng loạn và áp lực thế nào. Tầm 1 tuần trước khi thi, mình đã chẳng ăn nỗi thứ gì, mình bị hạ huyết áp, và luôn trong giai đoạn lo âu. Mình cứ liên tục tìm kiếm nhiều đề thi thử nhưng không thể tập trung giải hết trọn vẹn đề thi và rồi khi bị mắc kẹt ở một câu hỏi nào đó, mình lại khóc lóc và tự trách bản thân thật ngốc nghếch. Gia đình mình khi đấy thật sự lo lắng, chỉ mãi đến buổi chiều hôm cuối cùng trước ngày thi, khi được anh trai chở ra biển, ngồi ngắm nhìn bờ biển không hiểu sao mình mới thật sự thấy bình yên phần nào. Nếu không có sự định tâm lại vào buổi chiều hôm đó, có lẽ mình đã không thể làm tốt bài thi trong những ngày thi kế tiếp.
Trong giai đoạn thi, mình cũng tránh việc lên mạng xã hội quá nhiều, vì mình biết sẽ có những tác động ngoại cảnh khiến mình so sánh và liên tục suy nghĩ về việc liệu bản thân có làm tốt hay chưa, hay tại sao khi đó mình lại không làm như thế? Mình biết với bản tính suy nghĩ nhiều và thái quá của bản thân thì mình nên hạn chế việc "phơi mình" trước những yếu tố có thể khiến mình lo âu. Mình luôn cố gắng tự nhắc nhở bản thân rằng cái gì qua cũng đã qua và cần cố gắng giữ một tâm trạng thoải mái cho những ngày thi còn lại.
Ngoài ra, không chỉ nên trang bị một tinh thần thật tốt trong giai đoạn trước và trong khi thi, mà sau khi thi cũng là khoảng thời gian bạn cần giữ cho tâm trí không bị tác động tiêu cực quá nhiều. Những lo âu về điểm số, những áp lực cạnh tranh để dành các suất vào trường Đại học top đầu, tất cả đều có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Do đó, có thể mặc dù đã thi xong nhưng nếu không biết cách để bình ổn tinh thần, thì tâm trạng khi đấy vẫn không khác gì đang phập phồng trên ngọn lửa. Để đạt được sự bình yên, hãy luôn nhớ một điều rằng "Điều gì xảy ra cũng đã xảy ra, bạn sẽ chẳng bao giờ thay đổi được quá khứ". Học cách chấp nhận và chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đón nhận những kết quả sắp tới.
Thật ra, mãi đến lần thi thứ 2, mình mới thật sự nhận ra sự tác động của tinh thần có vai trò quan trọng đến thế nào đến hiệu quả làm bài. Ở lần 2, mình đến với kì thi với 1 tâm thế hoàn toàn khác. Mình rủ bỏ được những lo sợ, những áp lực. Điều duy nhất mình mong muốn khi tham gia kì thi đó là có thể thể hiện và làm tốt nhất có thể, mình tạm ngưng việc so sánh bản thân nhiều với người khác, và thật sự tập trung vào mong muốn chiến thắng chính mình. Mình khi đó chỉ đơn thuần xem kỳ thi như một cột mốc để thử sức và vượt qua những giới hạn của chính mình. Và rồi, dẫu cho kết quả của lần thi thứ hai không tốt như lần 1 nhưng mình đều rất hài lòng vì những gì mình đã nỗ lực và cố gắng.
<i>Photo by Thomas Rey on Unsplash </i>
Photo by Thomas Rey on Unsplash

Kết

Sau 2 lần thi mình nhận ra một điều là, mỗi kì thi không chỉ đơn thuần là một bài kiểm tra năng lực học thuật, mà nó còn thử thách nhiều khía cạnh của một sĩ tử, từ khả năng kiểm soát tâm lý, cách xử lý vấn đề, quản lý thời gian, hay việc ghi nhớ, truy xuất thông tin trong thời gian ngắn... Tất cả những điều này cũng đủ lý giải tại sao một bài thi thông thường không thể phản ảnh hết hoàn toàn năng lực học thuật của bạn, nó không nói lên bạn học giỏi, hay dở, bạn xuất chúng hay kém cỏi. Vậy nên, đừng quá đặt nặng lên kỳ thi và xem nó như một cách thức để thể hiện hoàn toàn bạn là ai. Một khi bạn thay đổi góc nhìn, giảm đi những sức nặng lên kỳ thi, bạn cũng sẽ dần rủ bỏ được những lo âu của chính mình.
Thêm vào đó, cũng đừng nên giữ một cái nhìn quá tiêu cực khi nhắc đến chuyện thi cử. Khi nhắc đến 2 từ này, mình nghĩ tâm lý đầu tiên của nhiều học sinh sẽ luôn là ngao ngán và lo sợ, song chính cũng vì điều này, nên nhiều bạn dễ dàng sinh ra trạng thái muốn né tránh. Cá nhân mình, mình nhận thấy việc thi cử cũng không đến nỗi tệ như thế. Việc có một khoảng thời gian để thử đặt bản thân vào áp lực, để được thử thách trí nhớ và tinh thần không phải là điều quá kinh khủng, thứ trải nghiệm đấy không phải lúc nào trong đời ta cũng có thể trải qua. Vậy nên mình nghĩ hãy cứ trân trọng những thử thách mà bạn phải đối diện và xem nó như một cơ hội để bản thân được rèn giũa nhiều hơn. Nếu đã không thể né tránh, không thể trốn chạy, nếu bạn bắt buộc phải làm một thứ gì đó thì hãy xem đó như một trận chiến của riêng bạn và cháy hết mình với nó.
Chắc là mình sẽ khép lại bài viết bằng một câu chuyện khá là dễ thương mình đã từng chứng kiến ở lần thi thứ 2. Thú thật trước khi đi thi mình đã từng nghĩ bản thân sẽ là người già nhất phòng thi (Đúng nghĩa đen luôn nhé :))). Thế nhưng, thực tế lại không như thế, trong phòng thi của mình khi đó có một anh đã tầm hơn 30 tuổi. Khi giám thị coi thi đến hỏi thì mới biết anh đã có vợ con và một công việc khá tốt, tuy nhiên giờ đây sau khi đã ổn định gia đình, anh mới thật sự có thời gian để theo đuổi những ước mơ hay mục tiêu riêng. Nhìn hình ảnh anh mang theo một chiếc balo nhỏ, và rồi chăm chỉ ôn bài lúc đầu giờ thi, mình thật sự thấy ngưỡng mộ anh rất nhiều. Mình biết còn rất nhiều trường hợp những người lớn tuổi hơn quay lại để tham gia kì thi, nhưng có lẽ đấy là lần đầu mình được chứng kiến hình ảnh đó ngoài đời. Và có lẽ mình sẽ không bao giờ quên nó.
Mình nhận ra rằng không bao giờ quá trễ để bắt đầu làm việc gì đó, đặc biệt nếu đó là những gì bạn mong muốn và khát khao thực hiện. Miễn là khi đã bắt tay làm thì hãy thật sự nghiêm túc và dồn hết 200% công lực vào nó. Hãy làm như thể đó là lần đầu tiên cũng như là lần cuối cùng bạn có thể làm điều đó.
Chúc các bạn gặp may mắn trên hành trình phía trước.
Cảm ơn mọi người đã đọc ^^!