• 83% nữ sinh và 79% nam sinh báo cáo đã từng trải qua bạo lực học đường. 
  • 6/10 học sinh cho biết học chứng kiến bạo lực học đường một lần/ ngày. 
  • 64% trong số các em bị bạo hành không thông báo cho gia đình và nhà trường. 


Ở một quốc gia có nền giáo dục phát triển như ở Mỹ, những con số trên như một gáo nước lạnh dội thẳng vào các cơ quan quản lý hệ thống giáo dục. Nhưng đối với các học sinh, phụ huynh có con em phải chịu đựng vấn nạn này hàng ngày thì những con số kia dường như là quá hiển nhiên. Mọi thứ vẫn luôn là như vậy, chỉ có điều người ta không nhận ra hoặc không muốn nhận ra. 
Vấn đề bạo lực học đường không phải là quá mới mẻ nhưng sự nhức nhối của nó chưa bao giờ thực sự nguôi ngoai. Và ít có những chương trình giải trí, phim ảnh nào dành cho giới trẻ lại đề cập thẳng tới vấn đề này như 13 Reasons Why. Tại sao mình lại nói dành cho giới trẻ? Vì những quan điểm, động cơ trong series này đều xuất phát từ chính những học sinh trung học thay vì là quan điểm của những người lớn cố nhồi nhét vào một bộ phim. Và chính sự gần gũi về mặt thế hệ này tạo nên sự thành công về mặt truyền tải thông điệp của 13 Reasons Why.
Nội dung chính của bộ phim kể về Hannah Baker, một học sinh trung học tại trường Liberty. Hannah đã tự tử và để lại 13 cuốn băng cassette nói về những lý do tại sao cô làm như vậy. Có thể bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi ở những phút đầu tiên, hay một hai tập đầu, mọi người đề cập rất ít tới vụ tự tử và dường như họ đã “vượt qua” được cú sốc tinh thần này. Nhưng cho mình xin lỗi một lát, “mọi người” ở đây là những học sinh tại trường, những phụ huynh, những thầy cô giáo hoạt động trong trường. Bạn sẽ chỉ thấy sự đau buồn và mất mát thật sự ở Clay Jensen, nhân vật chính, người đã được Hannah gửi lại những cuốn băng và ở bố mẹ ruột của Hannah mà thôi. Sự bàng quan này là điều rất thực tế, “people move on”. Nhưng đây lại chính là lý do đã đẩy Hannah vào việc tự sát.
Suốt dọc chiều dài series, 13 cuốn bặng dần tiết lộ các chi tiết về cuộc sống trung học của Hannah và tất cả những người xuất hiện trong đó đều là một phần lý do vụ việc xảy ra. Người xem, nếu như đang còn là học sinh trung học tại Mỹ, sẽ phần nào thấy được những điều này xảy ra ngay tại nơi mình học tập hay tệ hơn là chính bản thân mình trong đó. Chụp và phát tán ảnh hở hang, những tin đồn đầy công kích, những lời đàm tiếu về quan hệ của nạn nhân với người khác, đó là những điều mà một nữ sinh 17 tuổi phải hứng chịu. Thế nhưng những điều này chưa cho người xem thấy được mức độ nghiêm trọng của sự việc mà phải đến cuốn băng cuối cùng, điều đã đánh gục tinh thần của Hannah mới xảy ra. Trong một bữa tiệc, Hannah đã bị cưỡng hiếp bởi Bryce Walker, một nam sinh học cùng trường. Đây mới thực sự là đỉnh điểm của mọi sự việc và là lý do chính gây nên cái chết của cô. Chỉ riêng việc nghe Hannah kể lại vụ việc đã đủ khiến Clay, người bạn có tình cảm với cô, hay ông bà Baker, cha mẹ cô, hay bất kì ai thực sự quan tâm tới Hannah tan nát cõi lòng. 
“I recorded 12 tapes, I started with Justin and then Jessica, who each broke my heart. Alex, Tyler, Courtney, Marcus, who each helped to destroy my reputation. On through, Zach and Ryan who broke my spirit.  Through tape number 12, Bryce Walker, who broke my soul”
Điều đáng nói là những dấu hiệu về sự ra đi của Hannah đã luôn ở đó, nhưng ít ai đủ quan tâm để nhận ra. Trong chi tiết ở cuốn băng cuối cùng, Hannah đã nghĩ tới một hy vọng mong manh cuối cùng, là “cơ hội cuối cùng” của cô để có thể tiếp tục sống. Cô quyết định tới gặp thầy Porter, thầy giáo tư vấn tại trường, một vị trí tiếp xúc trực tiếp với học sinh và giải quyết cũng như đưa ra lời khuyên cho các vấn đề của họ. Hannah đã bằng mọi cách có thể để chỉ ra rằng một vụ hãm hiếp đã được diễn ra, một tên tội phạm đang thực sự học trong trường, rằng cô đang “thôi quan tâm về cuộc sống” và muốn nó “dừng lại”. Thế nhưng với vị trí của mình, thầy Porter đã chỉ làm tròn bổn phận, đưa ra những lời khuyên máy móc. Và Hannah biết mình đã hết hy vọng, mọi thứ kết thúc với cô.
Điểm đặc biệt là cái chết của Hannah được xây dựng có phần rất nhẹ nhàng ở cách thế giới xung quanh phản ứng với sự việc. Cả loạt phim không hề có nhiều những hình ảnh căng thẳng hay đẩy sự nghiêm trọng của vụ việc lên. Mọi thứ diễn ra như một dòng chảy cả sự ra đi của Hannah chỉ như một viên sỏi ném xuống dòng chảy đó mà thôi. Nhưng vấn đề trách nhiệm sẽ đổ lên ai? Thầy cô giáo tại trường? Bạn bè cùng học? Hay gia đình của chính Hannah? Có lẽ là tất cả, như một nhân vật trong phim đề cập:”We all let her down”. Thứ trách nhiệm vô hình mà lại quá lớn này chỉ có thể được gánh vác bởi cả xã hội. Đã đến lúc thôi đổ lỗi và cùng nhau thể hiện sự quan tâm tới mỗi người hơn, cùng chia sẻ nhiều hơn. Phải không, Hannah?