Dẫn nhập

Chúng ta thường hay gọi chiến dịch kéo dài 12 ngày đêm chiến đấu chống lại hàng loạt máy bay ném bom của Mỹ cuối tháng 12 năm 1972 bằng cái tên “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”. Lý do là bởi vì tầm vóc của chiến dịch này cũng quan trọng không kém gì trận Điện Biên Phủ năm xưa. Thắng lợi cuối năm 1972 đã đóng vai trò quan trọng trong việc buộc phía Mỹ phải từ bỏ việc tiếp tục can thiệp quân sự trực tiếp vào miền Nam Việt Nam và phải đồng ý ký Hiệp định hòa bình Paris.
Với phía Mỹ, họ gọi đây là “Chiến dịch Linebacker II”, và về bản chất thì nó là sự tiếp diễn của “Chiến dịch Linebacker” vốn đã diễn ra suốt từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1972. Điểm khác biệt lớn nhất là thay vì tiếp tục sử dụng các loại máy bay ném bom chiến thuật, lần này Mỹ sẽ huy động lượng lớn các máy bay ném bom chiến lược B-52. Mục đích của chiến dịch quân sự này là dùng sức mạnh và biện pháp không hạn chế đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại chiến dịch này, Mỹ đã huy động loại máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất của họ là pháo đài bay B-52 làm nòng cốt để ném bom rải thảm huỷ diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong suốt cuộc Kháng chiến chống Mỹ và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử. Từ ngày 18 đến 30 tháng 12 năm 1972, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ thời kỳ từ 1969 đến 1971 trước đó.
Cuộc ném bom tuy có gây những tổn thất nặng về cơ sở vật chất cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng đã không làm thay đổi được lập trường của ta về nội dung cơ bản của hiệp định hoà bình. Bên cạnh đó, chiến dịch này cũng gây ra làn sóng bất bình lớn của người Mỹ, dư luận và chính giới của các nước trên thế giới - thậm chí trong đó có cả nhiều đồng minh của Mỹ. Uy tín của Nhà Trắng tiếp tục suy giảm nghiêm trọng, và với việc phải đối mặt với sức ép chính trị từ nhiều phía, Tổng thống Richard Nixon đã phải đã phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch vào ngày 30 tháng 12, đề nghị nối lại đàm phán tại Paris. Tại đây, Mỹ chấp nhận ký kết Hiệp định Paris trên cơ sở dự thảo mà trước đó họ đã từ chối ký kết.
Cũng cần phải nói thêm rằng thất bại trong chiến dịch này thực sự là một đòn đả kích nặng nề và là cú “chốt hạ” vào tinh thần của giới quân sự Mỹ sau nhiều năm sa lầy ở miền Nam Việt Nam. Đây là một chiến dịch phía Mỹ đã chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, phương thức chiến đấu và đặc biệt là sử dụng sở trường của mình để chống lại sở đoản của đối phương. Thế nhưng cuối cùng họ vẫn thất bại, dù có vô số lợi thế. Còn về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chiến thắng này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi vì nó đã đập tan tham vọng cuối cùng của Mỹ trong việc giành lấy một kết quả có lợi để gây sức ép lên bàn đàm phán.
Vậy cuộc quyết đấu lịch sử cuối tháng 12 năm 1972 ấy đã diễn ra như thế nào?

Mục tiêu của các bên

Sau thất bại của Việt Nam Cộng hòa trong chiến dịch Lam Sơn 719, quân đội Nhân dân Việt Nam tại miền Nam liên tục mở các cuộc tấn công vào các căn cứ và vị trí chiến lược của Việt Nam Cộng hòa qua chiến dịch Xuân Hè 1972. Qua đó mà kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của quân đội Mỹ đã thất bại. Nhằm giữ thể diện của một siêu cường quân sự và để rút quân trong danh dự, Mỹ đã tiến hành chiến dịch đánh bom lần cuối này với ý định "đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá", giảm bớt sự hỗ trợ quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho chiến trường miền Nam.
Còn về mặt trận ngoại giao, thì rõ ràng tâm điểm của các bên là Hội nghị Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam giữa bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Thế nhưng sau gần 4 năm đàm phán, hội nghị vẫn bế tắc khi các bên không thể thỏa thuận được những điều khoản.
Để nhanh chóng tìm ra một “lối thoát” cho cuộc hòa đàm đang lâm vào bế tắc, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã thay mặt phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra một bản dự thảo trong một cuộc tiếp xúc kín với phía Mỹ. Sau gần một tuần thương lượng thì đến ngày 12/10, phía Mỹ cơ bản đã chấp nhận những nội dung chính trong bản dự thảo, đồng thời thỏa thuận thời gian biểu cho việc ký kết Hiệp định và chấm dứt chiến tranh. Theo đó thì đến 18/10, Mỹ sẽ chấm dứt ném bom trên bộ và ngừng rải mìn phong tỏa các cảng miền Bắc Việt Nam. Sau đó thì vào 20/10, Lê Đức Thọ và Henry Kissinger sẽ ký tắt Hiệp định ở Hà Nội. Ngày 26/10, bốn bên sẽ ký chính thức Hiệp định ở Paris và đến 27/10 thì ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Mặc dù sau đó phía Mỹ đã yêu cầu lùi lại thời gian biểu trên xuống vài ngày nữa, nhưng với thiện chí và mong muốn nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, phía Việt Nam đã nhượng bộ và chấp nhận. Tuy vậy, cuối cùng thì bản thỏa thuận ngừng bắn tháng Mười đó đã không được phía Mỹ tôn trọng và thực hiện. Cuộc đàm phán một lần nữa rơi vào bế tắc. Việt Nam Cộng hòa ra sức phản đối bản dự thảo hiệp định, theo đó Quân đội Nhân dân Việt Nam được giữ những vị trí của họ tại miền Nam. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho rằng Hoa Kỳ làm vậy là để rũ bỏ trách nhiệm với họ. Nixon không muốn mang tiếng là đã bỏ mặc Việt Nam Cộng hòa, nên phía Mỹ đòi thay đổi lại nội dung cốt lõi nhất của dự thảo hiệp định, đó là về quy chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Ngày 20/11, Henry Kissinger thay mặt Nhà Trắng đưa ra yêu cầu đòi sửa lại 69 điều trong bản dự thảo. Theo đó, về cơ bản thì Mỹ muốn “có đi có lại”, tức là nếu họ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng phải như vậy, và như thế thì đương nhiên chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn sẽ tồn tại. Trước những yêu sách phi lý này, lẽ tất nhiên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không đồng ý, bởi như thế cũng gần như hạ mình xuống ngang với phe xâm lược là Mỹ.
Ngày 23/11/1972, khi gặp Lê Đức Thọ, Henry Kissinger đã đọc bức điện của Nixon ngầm đe dọa ngừng đàm phán, ném bom trở lại. Tuy nhiên Lê Đức Thọ đã khẳng khái đáp lại: "Chúng tôi đã đánh nhau với các ông mười mấy năm và cũng đã đàm phán 5 năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng mới đi đến giải quyết; không thể dùng đe dọa với chúng tôi được đâu".
Đến cuối tháng 11, Quân ủy Trung ương Việt Nam nhận định rằng khả năng Mỹ sử dụng B-52 ném bom Hà Nội và Hải Phòng là gần như chắc chắn. Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các Tham mưu phó: Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B-52. Nhiệm vụ công tác chuẩn bị phải xong trước ngày 03/12.
Trong khi đó thì cuộc đàm phán ở Paris có vẻ suôn sẻ trở lại, khi phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận kiềm chế và nhân nhượng một số điểm trong bản dự thảo. Tuy nhiên mọi thứ lại bế tắc khi phía Mỹ một lần nữa lật lại vấn đề cốt lõi: quy chế của lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và nêu vấn đề khu phi quân sự. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản ứng bằng cách thu hồi các nhượng bộ từ các buổi họp trước đó và đưa ra đòi hỏi mới, trong đó có việc lật lại vấn đề cơ bản về trao trả tù binh Mỹ. Số là từ tháng 10, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đồng ý trao trả tù binh Mỹ vô điều kiện trong vòng 60 ngày sau khi ngừng bắn. Nhưng nay thì ta lại muốn gắn việc trao trả tù binh với việc thả hàng ngàn tù chính trị tại Nam Việt Nam.
Ngày 5/12, Nixon điện cho Kissinger và có nói rằng: "Hãy để một chỗ hở ở cửa cho cuộc họp tiếp. Tôi có thể sẵn sàng cho phép ném bom ồ ạt miền Bắc Việt Nam trong thời gian nghỉ ngơi đó”. Đêm 12/12, Chánh văn phòng Nhà trắng Heizman thừa uỷ quyền của Richard Nixon gửi một bức điện cho Kissinger có đoạn viết: "Chúng ta cần tránh làm bất cứ điều gì có vẻ như là chúng ta phá vỡ thương lượng một cách đột ngột. Nếu xảy ra tan vỡ thì phải làm như là do họ chứ không phải do chúng ta. Trong bất cứ trường hợp nào, Hoa Kỳ không được chủ động cắt đứt cuộc nói chuyện. Chúng ta cần yêu cầu hoãn cuộc họp để tham khảo thêm". Tuy cố tình trì hoãn ở hậu trường, nhưng khi tuyên bố chính thức, Mỹ đã đổ lỗi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không chịu "đàm phán nghiêm chỉnh". Do vậy, nhiều tài liệu phương Tây vẫn cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bỏ họp trước, và chiến dịch ném bom của Mỹ là để khiến Việt Nam "biết điều" mà chấp nhận họp lại. Đến 13/12 thì mọi đàm phán rơi vào bế tắc hoàn toàn.
Ngày 14/12, Nixon họp với Kissinger cùng tướng Alexander Haig và chủ tịch Hội đồng tham mưu truởng liên quân - đô đốc Thomas Moorer để thông qua lần cuối cùng kề hoạch Chiến dịch Linerbacker II. Mục tiêu của Mỹ khi thực hiện chiến dịch này là duy trì nỗ lực tối đa để phá hủy tất cả các tổ hợp mục tiêu chính ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng, trong đó phá hủy đến mức tối đa những mục tiêu quân sự chọn lọc tại vùng lân cận của Hà Nội/Hải Phòng. Linebacker II cũng loại bỏ các rất nhiều các hạn chế trong các chiến dịch trước đó ở Bắc Việt Nam. Mục tiêu của Linebacker II cũng vẫn là mục tiêu của Linebacker nhưng với cường độ, sức công phá và mật độ lớn đến mức khủng khiếp để buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận điều khoản của Mỹ, đồng thời tỏ rõ cho Nguyễn Văn Thiệu thấy rằng Hoa Kỳ đã cố làm hết trách nhiệm bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa, thay vì rút lui mà không chiến đấu. Cũng trong ngày 14/12, Nixon gửi một tối hậu thư cho Hà Nội: trong 72 giờ đồng hồ để quay lại ký theo phương án Hoa Kỳ đề nghị, nếu không sẽ ném bom lại Bắc Việt Nam.
Thực chất thì về mặt quân sự hay chính trị thì chiến dịch này cũng không còn cần thiết, vì lúc đó Mỹ đã quyết tâm rút quân. Washington biết rất rõ rằng chỉ với một cuộc ném bom thì không thể bắt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhượng bộ một vấn đề cốt lõi mà phía ta đã chiến đấu vì nó gần 20 năm, dù cuộc ném bom ấy có ác liệt đến đâu. Ngược lại, chiến dịch này sẽ còn gây hại ngược đến Mỹ khi càng khiến dư luận trong nước và thế giới bất bình hơn. Chiến dịch này gần như chỉ có mục tiêu là để thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ cuối cùng đối với đồng minh Việt Nam Cộng hoà mà thôi.
Ngày 15/12, Lê Đức Thọ và Henry Kissinger chia tay nhau ở sân bay Le Bourger để lần lượt về Hà Nội và Washington. Ngày 16/12 khi họp báo, Kissinger đã đổ lỗi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kéo dài đàm phán. Tối 18 tháng 12, khi Lê Đức Thọ vừa về đến nhà (sau khi ghé qua Moscow và Bắc Kinh) thì cũng là lúc những trái bom đầu tiên từ B-52 trong Chiến dịch Linebacker II rơi xuống Hà Nội.
Với chiến dịch này, dĩ nhiên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã có những phương án để đối phó. Thực tế là ngay từ nhiều năm trước đó, ta đã chủ động chuẩn bị trước với việc phải đối đầu với B-52 trên bầu trời Hà Nội. 5 năm trước, vào ngày 29/12/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo việc này với tướng Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng tham mưu trưởng, rằng:
"Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội."
Từ tháng 5/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không đặt vấn đề: "Tỷ lệ B-52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?". Sau mấy tuần, câu trả lời đã được đưa ra, theo đó thì ta đã đặt ra ba mức thiệt hại là N1, N2 và N3. Cụ thể thì N1 đồng nghĩa với việc Mỹ thiệt hại từ 1-2% số B-52 tham chiến, N2 nghĩa là Mỹ thiệt hại 6-7% và N3 thì là trên 10%. Nếu tỷ lệ thiệt hại của B-52 bằng hoặc vượt quá 10%, Mỹ sẽ không thể chịu đựng được và sẽ phải dừng chiến dịch. B-52 là vũ khí chiến lược mạnh nhất của không quân Mỹ, được vận hành bởi các phi công được tuyển chọn và đào tạo kỹ lưỡng, nếu bị thiệt hại quá 10% thì Mỹ khó mà thay thế được. Hơn nữa, cần nhớ rằng B-52 là vũ khí chiến lược để đối phó với siêu cường là Liên Xô, một nước có quy mô hệ thống phòng không lớn gấp vài chục lần so với Việt Nam, trang bị cũng hiện đại hơn nhiều. Nếu B-52 bị thiệt hại trên 10% trước một đất nước có hệ thống phòng không ít ỏi như Việt Nam thì hiển nhiên đó là một thất bại của Mỹ. Và đương nhiên nếu tiếp tục chiến dịch thì Mỹ sẽ không còn đủ lực lượng B-52 để đối phó với Liên Xô.

Tương quan lực lượng

Để thực hiện chiến dịch Linebacker II này, Washington đã huy động một lực lượng quân sự khổng lồ. Theo đó, gần một nửa số B-52 của toàn nước Mỹ đã được huy động (197/400 chiếc), thực tế xuất kích 741 lần nhưng 12 phi vụ bị hủy nên còn 729 lần. Gần 1/3 số máy bay chiến thuật được huy động (1077/3041 chiếc), thực tế xuất kích 3920 lần. Cùng với đó là 6 tàu sân bay cùng nhiều tàu chỉ huy - dẫn đường, tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu radar, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu khác. Tham gia vào chiến dịch này là hai Tập đoàn không quân số 7 và 8 cùng Không đoàn đặc nhiệm 77 với hàng trăm máy bay hỗ trợ các loại.
Tất cả những vũ khí và phương tiện chiến tranh kể trên đều thuộc loại hiện đại và tối tân bậc nhất của Mỹ thời đó. Hơn nữa, hầu hết chúng đã được cải tiến và nâng cao hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất từ 1964 - 1968. Ở chiều ngược lại, lực lượng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực sự khiêm tốn hơn rất nhiều.
Về Phòng không, vào thời điểm đó chủ lực để đối phó với B-52 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có 6 Trung đoàn tên lửa SAM-2. Đây là tên lửa đất đối không, do Liên Xô viện trợ và trang bị cho ta từ năm 1965. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên từ năm 1969 trở đi Liên Xô đã hạn chế viện trợ quân sự cho Việt Nam, trong đó có cả tên lửa SAM-2. Sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Không quân Mỹ ra miền Bắc, ta chỉ còn độ vài ngàn tên lửa SAM-2. Con số này nghe ra thì có vẻ nhiều, nhưng để phân chia cho toàn bộ các trận địa tên lửa để chống máy bay địch thì thực ra rất thiếu thốn. Và thực tế là về cuối chiến dịch, hầu hết các trận địa tên lửa đã phải rất tiết kiệm đạn, bắn từng quả một và ưu tiên dùng để đánh B-52; thậm chí còn có những bệ phóng tên lửa bảo vệ Hà Nội không còn một quả SAM-2 nào.
Lực lượng Không quân của ta cũng cực kỳ khiêm tốn khi mới chỉ có 2 Trung đoàn máy bay tiêm kích được trang bị MIG-21, nhưng hầu hết các Phi công chưa được huấn luyện chiến đấu ban đêm và nhất là chưa có kinh nghiệm đối đầu B-52. Thêm nữa, trong số các sân bay quân sự ít ỏi của ta thì chỉ có Nội Bài đạt chuẩn cấp I. Còn lại các sân bay khác đều chỉ là cấp II và III; hơn nữa, tất cả các sân bay chính quy này trong chiến dịch đều bị không quân Mỹ ném bom và đánh phá ác liệt làm hỏng hết các đường băng. Bởi vậy, trên thực tế thì ta chỉ có vài sân bay dã chiến bí mật có đường băng làm bằng đất nện. Do đó về lý thuyết thì dùng máy bay MIG để bắn hạ B-52 gần như là điều không thể.
Bên cạnh hai vũ khí chủ lực là tên lửa SAM-2 và máy bay MIG-21 thì ta còn có nhiều Trung đoàn Pháo cao xạ và hàng trăm trận địa súng tầm thấp của lực lượng dân quân tự vệ. Ngoài ra cũng cần kể đến vài chục đại đội thuộc lực lượng radar cảnh giới bố trí rải rác khắp miền Bắc. Thế nhưng công bằng mà nói, những trang bị và vũ khí mà Phòng không - Không quân Việt Nam sử dụng hồi ấy không phải loại hiện đại, tiên tiến nhất mà Liên Xô hay các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa viện trợ. Đó là chưa kể đến việc lực lượng của miền Bắc còn bị phân tán, xé lẻ do yêu cầu nhiệm vụ: Vừa tham gia chi viện mặt trận phía Nam, bảo vệ huyết mạch giao thông vận tải Quân khu Bốn,... lại vừa phải sẵn sàng đánh trả các cuộc tập kích của Không quân Mỹ.
Cơ quan đầu não trực tiếp chỉ huy của ta là Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, được đặt trong một hang đá gần Hà Nội; dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó chỉ là một căn phòng nhỏ, khiêm tốn, thắp sáng bằng điện máy nổ, đèn măng-xông và thậm chí phải dùng cả những chiếc đèn bão tù mù. Tuy cũng có một số máy móc cần thiết, nhưng thực chất việc tổ chức chỉ huy vẫn dựa vào sức người để tính toán và quyết định là chính.
Ở chiều ngược lại, phía Mỹ có cả một guồng máy chiến tranh khổng lồ để phục vụ cho chiến dịch này. Chỉ tính riêng căn cứ xuất phát cho các loại máy bay chiến thuật, Washington đã huy động tới 6 sân bay ở Thái Lan và 6 tàu sân bay ngoài khơi Thái Bình Dương. Riêng để chuẩn bị cho việc cất cánh của B-52, Mỹ đã sử dụng hai căn cứ đặc biệt là Utapao ở Thái Lan và Andersen trên đảo Guam. Ngoài ra, hầu hết các căn cứ hậu cần và kỹ thuật của Mỹ ở châu Á như Clark và Subic ở Philippines cùng Okinawa ở Nhật Bản cũng được trưng dụng.
Nói tóm lại, nếu chỉ xét về góc độ các loại vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật, hậu cần và tiềm lực quân sự thì rõ ràng lực lượng phòng thủ của Việt Nam thua xa về cả chất lượng lẫn số lượng. Chính cựu Tổng thống Richard Nixon sau này đã viết trong cuốn “No more Vietnams” rằng: “Trong lịch sử nhân loại, chưa hề có một quốc gia nào chiếm ưu thế hơn hẳn về vũ khí như Hoa Kỳ so với Bắc Việt Nam.”
Thế nhưng chiến tranh không thể được quyết định hay chỉ dựa vào ưu thế trang bị - bởi nếu vậy thì có lẽ Mỹ đã không sa lầy đến 20 năm ở Việt Nam. Những bài học ở miền Nam Việt Nam cố nhiên là rất sâu sắc, nhưng có lẽ như thế vẫn chưa đủ để Mỹ thôi hy vọng có thể đạt được một kết quả có lợi trong chiến dịch này. Họ tự tin cũng không phải vô lý, nhưng đáng tiếc sự thật lại hoàn toàn trái ngược, khi lực lượng phòng thủ của miền Bắc Việt Nam đã dội cho Washington một gáo nước lạnh cắt da cắt thịt vào những ngày cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội.

Hai bên sẽ tham chiến ra sao?

Nói đến lực lượng tham chiến của Mỹ trong chiến dịch Linebacker II thì không thể không nói đến con át chủ bài của họ: máy bay ném bom chiến lược B-52. Chúng được xem là loại phương tiện tấn công đường không hội tụ những thành tựu mới nhất của nền công nghiệp quân sự hàng đầu thế giới. B-52 có kích thước khổng lồ với chiều cao hơn 12m, dài gần 50m, sải cánh hơn 56m và nặng trên 200 tấn. B-52 có tới 8 động cơ phản lực cực khỏe nên có khả năng bay cao tối đa tới 17km và đương nhiên có tầm bay rất xa. Nó cũng có khả năng mang theo lượng bom rất lớn (hơn 30 tấn bom mỗi chiếc, gấp 15 lần số bom mà máy bay ném bom hạng nặng chủ lực của Mỹ thời thế chiến 2 là B-17 có thể mang theo). Do đó, B-52 còn được mệnh danh là "Pháo đài chiến lược", hoặc đơn giản hơn là "Pháo đài bay".
Trong một phi vụ oanh tạc, máy bay B-52 thường đi thành nhóm ba chiếc theo đội hình mũi tên, trên độ cao 9–10 km và ném khoảng gần 100 tấn bom (mỗi chiếc ném hơn 30 tấn) với mật độ dày đặc xuống một khu vực khoảng 2,5 km². Mỗi một quả bom tiêu chuẩn là khoảng 250kg và mật độ bom rơi là khoảng 130 quả trên 1 km². Như vậy tức là khoảng cách trung bình giữa hai hố bom cạnh nhau là khoảng 80m. Với mật độ ném bom cao như vậy, xác suất hủy diệt sinh mạng và phá hủy công trình trong dải bom của B-52 là cực cao. Các chuyên gia quân sự Mỹ tính rằng một nhóm 3 chiếc B-52 có sức mạnh lớn hơn 30 máy bay cường kích tập trung lại. Đó là chưa kể mỗi khi đi ném bom, B-52 không bay đơn lẻ mà thường tập trung lại thành nhiều nhóm - có những phi vụ thậm chí có đến hàng chục B-52 cùng rải bom. Ngoài ra, không thể không kể đến một lực lượng hùng hậu các loại máy bay trinh sát điện tử làm nhiệm vụ gây nhiễu radar và các loại chiến đấu cơ để bảo vệ.
Bên cạnh đó, Không quân Mỹ còn có được lợi thế khi nắm được chi tiết về hệ thống tên lửa SAM-2, vốn là vũ khí chủ lực của Hà Nội để phòng thủ trước B-52. Số là trước đó, trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Israel đã tịch thu được hơn 20 hệ thống SAM-2 nguyên vẹn bị quân Ả Rập bỏ lại khi rút chạy, nhờ vậy Mỹ đã nắm được tường tận chi tiết của hệ thống này. Năm 1969, đến lượt 1 hệ thống radar cảnh giới P-12 của Ai Cập bị Israel bắt giữ nguyên vẹn, toàn bộ kết quả phân tích được chuyển giao cho Mỹ. Tức là ngay từ đầu năm 1970, các loại radar phòng không chủ yếu của miền Bắc Việt Nam đều đã bị nắm bắt, và Mỹ đã chế tạo ra các thiết bị gây nhiễu rất hiệu quả.
Với Không quân Mỹ, sức mạnh của họ không chỉ nằm ở khí tài quân sự, mà còn ở hệ thống gây nhiễu cực mạnh. Chiến dịch Linebacker II gần như cũng có thể được coi là một cuộc chiến tranh điện tử - khi đây là chiến thuật chủ yếu của Mỹ. Họ sử dụng các phương tiện điện tử hiện đại và có công suất lớn trên các máy bay nhằm làm nhiễu loạn toàn bộ hệ thống thông tin và vô hiệu hóa các loại radar của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà trận “Điện Biên Phủ trên không” kéo dài 12 ngày nhưng hầu hết diễn ra vào ban đêm. Không quân Mỹ cho rằng trong đêm tối thì lực lượng Phòng không - Không quân của ta sẽ không thể quan sát mục tiêu bằng ống kính nhìn xa và mắt thường. Cộng với việc hệ thống radar bị gây nhiễu và bị vô hiệu hóa, thì họ sẽ tha hồ mà tác oai tác quái.
Để kiểm chứng khả năng của hệ thống gây nhiễu, rạng sáng ngày 16/4/1972, bắt đầu từ 2 giờ 15 phút, Mỹ huy động 20 máy bay B-52 và 170 máy bay cường kích rồi ném ba trận bom lớn xuống Hải Phòng. Thành phố bị hủy hoại nặng ở nhiều chỗ, hàng trăm dân thường đã bị bom Mỹ giết hại. Hai trung đoàn tên lửa bảo vệ Hải Phòng đã phóng tới 93 quả tên lửa SAM-2 nhưng không hạ được chiếc B-52 nào do radar bị làm nhiễu quá nặng.
Với một loạt các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật, không quân Mỹ tự tin rằng hệ thống phòng không của miền Bắc Việt Nam sẽ không thể chống trả được. Mỹ tin rằng B-52 chỉ có thể bị rơi do thời tiết, hoặc do trục trặc kỹ thuật chứ quyết không thể bị bắn rơi vì hỏa lực của Phòng không – Không quân Việt Nam, cuộc tập kích của B-52 vào miền Bắc Việt Nam sẽ chỉ như “một cuộc dạo chơi” với tổn thất ở mức tối thiểu. Nixon thì hy vọng rằng con át chủ bài B-52 và những trận bom rải thảm hủy diệt sẽ giúp ông ta khuất phục được Việt Nam, Hà Nội sẽ phải đầu hàng hoặc ít nhất cũng phải nhân nhượng trước những điều kiện có lợi cho Mỹ.
Các chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây thì đều dự đoán rằng: Tính từ khi các loạt bom rải thảm đầu tiên trút xuống Hà Nội và Hải Phòng thì cùng lắm chúng ta sẽ chỉ chịu được ba ngày đêm là cùng. Báo chí Mỹ cũng nhanh chóng tung tin và vẽ ra những thảm kịch hãi hùng như: “Hà Nội sẽ là tử địa!”, “Các nhà lãnh đạo Bắc Việt sẽ phải đứng trước một bản án nghiêm khắc dành cho kẻ chiến bại!”, “Hà Nội sẽ không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc chấp nhận các yêu cầu của Mỹ!”
Đối mặt với vô vàn khó khăn như thế, vậy lực lượng Phòng không - Không quân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ứng phó ra sao?
Ở thời điểm năm 1972, SAM-2 là loại tên lửa phòng không duy nhất có trong trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Vốn được sản xuất từ giữa thập niên 1950, nên rõ ràng nó đã trở nên tương đối lạc hậu và còn bị lộ bí mật công nghệ cho đối phương. Liên Xô thì đã thay thế SAM-2 bằng những hệ thống mới hơn như SAM-4, SAM-5 hay SAM-6. Thế nhưng do chính sách hòa giải với Mỹ nên Liên Xô đã không viện trợ những loại tên lửa mới này cho Việt Nam. Không quân Mỹ sẽ không phải lo phía Việt Nam được trang bị những hệ thống tên lửa phòng không kiểu mới mà Mỹ chưa biết cách khắc chế. Đã không có tên lửa phòng không kiểu mới, lực lượng phòng thủ của ta cũng thiếu thốn về số lượng tên lửa SAM-2, như đã nói ở trước.
Nhìn chung, bởi yếu thế hơn hẳn cả về công nghệ lẫn số lượng, ta khó có thể trông chờ vào ưu thế vũ khí để chống lại Mỹ. Để tìm cách khắc chế con át chủ bài B-52, Phòng không - Không quân miền Bắc Việt Nam cần phải tìm ra những chiến thuật mới, và có lẽ quan trọng nhất chính là làm sao để chống lại chiến thuật gây nhiễu của Mỹ. Làm được điều đó thì mới có thể mong sử dụng SAM-2 hiệu quả. Đương nhiên là về mặt lý thuyết, SAM-2 tuy đã lạc hậu nhưng vẫn đủ khả năng bắn hạ B-52. Nhưng làm sao để nhắm trúng mục tiêu thì cần phải trông vào radar dẫn đường. Do đó, việc “vạch nhiễu tìm thù” cho SAM-2 trở thành mục tiêu tối quan trọng.
Từ cuối năm 1968, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã cử nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật, trong đó có một bộ phận của tiểu đoàn trinh sát đi cùng các tiểu đoàn tên lửa vào nam Quân khu Bốn và tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn theo dõi, nghiên cứu nhận dạng và tìm cách đánh máy bay B-52.
Qua theo dõi trong hai mùa khô năm 1968 - 1969 và 1969 - 1970, nhóm cán bộ phát hiện có một loại radar máy bay B-52 không gây nhiễu được. Trên cơ sở đó, cuối năm 1971, một tổ cán bộ nghiên cứu đề xuất một công trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật: Dùng loại radar không bị máy bay B-52 gây nhiễu ghép nối với đài điều khiển phục vụ tên lửa đánh B-52.
Hệ thống radar cảnh giới quốc gia và sân bay ở miền Bắc Việt Nam năm 1972
Hệ thống radar cảnh giới quốc gia và sân bay ở miền Bắc Việt Nam năm 1972
Tháng 1 năm 1972, tổ nghiên cứu hoàn thành bản vẽ thiết kế, sau đó chuyển đến Tiểu đoàn 76, Trung đoàn tên lửa 257 lắp ráp thành bộ khí tài mới. Tháng 6 năm 1972, Cục Kỹ thuật cung cấp bản vẽ và một số mẫu cho nhà máy Z119 thuộc Cục Quân giới để lắp ráp 6 bộ khí tài mới. Các bộ khí tài mới mang ký hiệu KX. Cùng với bộ khí tài KX, các tổ radar cũng nghiên cứu khả năng vạch nhiễu ở các loại radar khác, nhằm phát hiện được mục tiêu B-52 vốn rất mờ nhạt trong dải nhiễu.
Cuối năm 1972, Cục Quân khí - Quân chủng phòng không - không quân tiếp nhận một số radar K860 của Trung Quốc về để sửa chữa. Đây là loại radar có băng sóng 10 cm và băng sóng 3 cm vốn được trang bị đồng bộ cho pháo cao xạ tầm trung 57mm. Các băng sóng 10 cm thì đối phương dò được, phá nhiễu và tấn công lại, riêng băng sóng 3 cm thì hoàn toàn mới, quân Mỹ chưa biết. Thế nhưng hầu hết các radar K860 khi hoạt động thì băng sóng 3 cm toàn bị hỏng. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Lạc đã phát hiện nguyên nhân băng sóng 3 cm không hoạt động là do mạch điện bị đấu sai. Chính nhờ có sáng kiến, cải tiến của ông mà radar K860 hoạt động tốt với 2 băng sóng, bắt mục tiêu B52 một cách chính xác, nhờ đó dẫn đường cho tên lửa bắn hạ được. Khi đó, Bộ tư lệnh phòng không không quân đã nhanh chóng triển khai ứng dụng cải tiến toàn bộ radar K860 cho các đơn vị tên lửa để đối phó với máy bay B-52.
Tháng 10 năm 1972, tập tài liệu mang tên "Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa" được in, gọi tắt là cuốn "Cẩm nang bìa đỏ", dày 30 trang đánh máy và được bọc ngoài một tờ bìa màu đỏ. Trong cuốn sách là kinh nghiệm phân biệt mục tiêu thật-giả trước màn hiện sóng để bộ đội tên lửa có thể ngắm trúng mục tiêu. Cuốn "Cẩm nang bìa đỏ" cho biết một số chiến thuật quan trọng và tối ưu để phân biệt và bắn B-52 như sau:
Tuy không quân Mỹ gây nhiễu dày đặc nhưng trong mớ hỗn loạn các loại tín hiệu nhiễu trên màn hiện sóng, B-52 không phải là hoàn toàn vô hình. Nếu tinh mắt vẫn có thể phát hiện được mục tiêu B-52 một cách gián tiếp: đó là các đám nhiễu tín hiệu mịn trôi dần theo tốc độ di chuyển của B-52. Tuy mục tiêu không hiển thị rõ rệt để có thể xác định mục tiêu và điều khiển tên lửa chính xác nhưng cẩm nang đã đề ra biện pháp bắn theo xác suất: bắn một loạt đạn tên lửa vào đám nhiễu theo cự ly giãn cách nhất định sẽ có xác suất tiêu diệt mục tiêu khá cao, phương án bắn xác suất này được "cẩm nang" gọi là "phương án P".
Khi mục tiêu B-52 đi thẳng vào đài phát cường độ nhiễu sẽ tăng lên, nhưng tín hiệu mục tiêu cũng sẽ tăng mạnh hơn, mục tiêu sẽ hiển thị rõ nét hơn. Đây là thời cơ có thể bắn điều khiển tên lửa chính xác theo "phương án T", khi đó chỉ cần bắn 1 đến 2 quả tên lửa là B-52 sẽ phải rơi tại chỗ.
Một chiến thuật khác là "phương pháp bắn 3 điểm" dựa trên bộ khí tài hiện có. Khi B-52 bay vào Hà Nội, cường độ gây nhiễu cũng đã bị phân tán. Hướng này bị nhiễu nặng, song ở hướng khác, hai bên sườn, phía trước, phía sau… thì cường độ nhiễu thấp hơn. Các đơn vị tên lửa ở các hướng đó có thể phát hiện được B-52 trên nền nhiễu. Lực lượng của ta đã bố trí đội hình tên lửa đánh bọc lót cho nhau (3 hệ thống bố trí ở 3 nơi thành một khu vực phòng thủ hình tam giác), sao cho mỗi nhóm máy bay Mỹ có thể bị công kích từ nhiều hệ thống tên lửa ở nhiều hướng.
Đối với tên lửa chống radar của Mỹ, ta đã nghiên cứu, vô hiệu hóa bằng cách phát sóng tức thì, tắt máy đột ngột và quay đài anten đi hướng khác. Do đó, tên lửa của địch cứ thế lao theo quán tính và rơi chệch trận địa. Cùng với trận địa chính, ta cũng làm nhiều trận địa giả, sau mỗi lần phóng tên lửa lại nhanh chóng kéo bệ sang trận địa khác. Những quả tên lửa giả được làm bằng cót, phủ sơn trông như thật. Khi tên lửa thật phóng đạn, thì các bệ tên lửa giả cũng đốt rơm, tạo khói mù mịt đánh lừa máy bay Mỹ, khiến địch không nhận ra đâu là trận địa thật. Nhờ vậy trong suốt 12 ngày đêm của chiến dịch, chỉ có một số ít trận địa phòng không bị đánh trúng, lực lượng phòng không Việt Nam vẫn bảo toàn được lực lượng để tiếp tục chiến đấu.
Cuốn "Cẩm nang bìa đỏ" cách đánh B-52
Cuốn "Cẩm nang bìa đỏ" cách đánh B-52
Còn về lực lượng không quân, thời điểm ấy ta chỉ có 71 máy bay các loại sắn sàng hoạt động, trong đó chỉ có 47 tiêm kích (31 chiếc MIG-21 và 16 chiếc MIG-17). Phần lớn phi công không quen bay vào ban đêm, chỉ có 13 phi công MIG-21 và 5 phi công MIG-17 có khả năng bay đêm. Do thua kém quá xa không quân Mỹ về số lượng máy bay, Không quân Việt Nam nhấn mạnh việc sử dụng chiến thuật bất ngờ. Cụ thể thì chiến thuật thường được phi công bên ta sử dụng nhiều nhất chính là bí mật tiếp cận rồi bất ngờ tấn công và lập tức rút lui sau khi phóng tên lửa.
Có thể thấy là lực lượng Phòng không - Không quân của ta đã chuẩn bị nhiều phương án tương đối kỹ càng để đối phó với B-52 của Mỹ. Và trên thực tế thì trước khi trận “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra, theo báo cáo từ các đơn vị địa phương, ta đã vài lần bắn hạ thành công B-52. Cụ thể thì vào ngày 17/9/1967, Trung đoàn H38 đã bắn rơi được chiếc B-52 đầu tiên ở Vĩnh Linh. Ngày 18/3/1971, Trung đoàn H37 bắn rơi được một chiếc B-52 nữa trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Ngày 2/4/1972, Trung đoàn H36 bắn rơi được một chiếc B-52 trong chiến dịch Quảng Trị. Tuy nhiên cả ba lần nói trên, phía Mỹ đều phủ nhận. Số là trước mỗi phi vụ, các phi công B-52 đều được dặn rằng nếu lỡ có trúng đạn thì hãy cố lái máy bay ra biển hoặc về phía những khu rừng già phía Tây để vừa dễ cứu hộ, vừa giấu được bằng chứng.
Tuy nhiên đến đêm 22/11/1972, Trung đoàn H63 đã bắn rơi được một chiếc B-52 ở Nghệ An. Chiếc này đã cố bay về Thái Lan, nhưng khi còn cách Utapao khoảng 640km thì rơi xuống đất. Tổ lái tuy nhảy dù thành công, nhưng xác máy bay bốc cháy thì lần này không giấu được nữa. Rất nhiều nhà báo quốc tế đã có mặt và lần đầu tiên, Washington buộc phải thừa nhận rằng B-52 của họ đã bị Việt Nam bắn rơi.
Như vậy, mọi thứ đã sẵn sàng để cả hai bên bước vào một cuộc quyết đấu lịch sử.

Trận "Điện Biên Phủ trên không"

Chiến dịch Linebacker II chính thức mở màn vào đêm ngày 18/12 năm 1972. Điều này hoàn toàn nằm trong dự đoán khi mà tình báo kỹ thuật của Việt Nam nắm khá rõ các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Vào ngày 18/12, các hoạt động quân sự đều cho thấy khả năng Mỹ sẽ sớm cho ném bom Hà Nội. Từ 5h sáng, Tàu sân bay America đang neo đậu ở phía đông Đà Nẵng đã điện hỏi cấp trên rằng: “Trực thăng hôm nay làm nhiệm vụ cứu hộ ở đâu?”. Đến khoảng trưa, tầm từ 10h đến 11h30, ghi nhận hai lần máy bay không người lái bay rất thấp để trinh sát Hà Nội và Hải Phòng. Cũng trong buổi trưa, một máy bay trinh sát khi bay qua Hà Nội đã điện về căn cứ rằng: “Thời tiết đảm bảo cho không quân hoạt động”.
Đến 14h30 thì có tin khẩn: Các máy bay B-52 ở Utapao và đảo Guam đều đã được tiếp đầy nhiên liệu và lắp bom. Các máy bay chiến thuật cường kích và tiêm kích cũng đã khởi động chuẩn bị. Có thể thấy rằng Mỹ đã đột ngột giảm hoạt động của không quân ở miền Bắc Việt Nam, cho thấy rất có thể địch sẽ đánh lớn ngay đêm đó.
Đến độ 18h thì các radar cảnh giới bắt đầu đồng loạt báo hiện tượng nhiễu với cường độ ngày càng tăng. Lúc 19h thì Đại đội 16 radar phát hiện nhiều B-52 đang bay lên phía Thượng Lào và chỉ 15 phút sau, Đại đội 45 radar khẳng định có nhiều chiếc đang bay ở độ cao hơn 9000m vào bầu trời Hà Nội. Và đến 19h44, quả tên lửa SAM-2 đầu tiên của Trung đoàn H57 được phóng lên, chính thức bắt đầu cuộc quyết đấu.
Trong đêm 18/12, Tiểu đoàn tên lửa 59 thuộc Trung đoàn H61, trận địa ở Cổ Loa là lực lượng đầu tiên bắn rơi B-52. Chiếc B-52 này có mật danh là Charcoal 1, xuất phát từ căn cử ở đảo Guam. Khi tới sát mục tiêu rải bom, nó đã bị trúng đạn và bị bắn hạ, 3 trong số 6 phi công của chiếc này tử trận. Bên cạnh chiếc này, Phòng không - Không quân của ta còn bắn hạ được 2 chiếc B-52 khác, một chiếc rơi tại chỗ, còn một chiếc cố lết về được sân bay Đà Nẵng rồi sau đó được tháo dỡ rồi chất lên tàu chở về Mỹ.
Từ đêm 19 đến đêm 20 và rạng sáng 21, trận chiến dần trở nên ác liệt; và cũng nhờ thế mà ghi nhận những nỗ lực phi thường của các lực lượng phòng thủ bên ta. Các kíp tên lửa cũng thay đổi chiến thuật khi có lúc không đón đánh ngay biên đội đầu tiên trên vùng trời mục tiêu mà dùng nó để xác định đường bay và các điểm lượn vòng. Sau đó thì mới tập trung hỏa lực bắn phá các biên đội đến sau khi những chiếc này bắt đầu thả bom hoặc rút khỏi mục tiêu. Các loạt phóng tên lửa có xác suất trúng đích rất cao khi bắn rơi tại chỗ 6 chiếc B-52 và bắn trọng thương 1 chiếc khác; chưa kể còn hạ được không ít các máy bay tiêm kích. Thậm chí có cả một tình huống khá hy hữu khi có tới cả ba tiểu đoàn tên lửa cùng phóng đạn vào một chiếc B-52 vừa mở khoang bom khiến nó nổ tung. Chớp lửa từ vụ nổ của 30 tấn bom mạnh đến nỗi một máy bay trinh sát của Mĩ hoạt động trên Vịnh Bắc bộ cách đó tới 80 dặm vẫn còn nhìn thấy. Chỉ 2 trong số 6 thành viên kíp lái trên chiếc máy bay này sống sót.
Cũng do chiến đấu ác liệt mà nhiều bệ phóng tên lửa đã hết sạch đạn vì không chuyển kịp đến. Để tiết kiệm, các trận địa đã được lệnh cẩn thận bắn từng quả một và ưu tiên dùng để đánh B-52. Ngay rạng sáng 22/12, một số lượng lớn đạn tên lửa từ Quân khu bốn đã được cấp tốc điều ra bổ sung cho Hà Nội.
Vào nửa đêm 21/12, Bộ tư lệnh Không quân chiến lược Hoa Kỳ (tức SAC) đã hủy lệnh cho B-52 ném bom đợt 2 xuống các mục tiêu ở Hà Nội mà chuyển sang mục tiêu khác ở tít trên phía bắc. Thế nhưng đội hình này cũng vấp phải sức phòng thủ mãnh liệt và buộc phải quay về. Dù đã cho hủy lệnh tấn công đợt hai nhưng SAC vẫn cố tung đợt tấn công thứ 3 tới đánh phá Hà Nội vào 4 giờ sáng ngày hôm sau, lúc mà lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam đã được tiếp đạn đầy đủ. Kết quả là thêm nhiều chiếc B-52 bị bắn hạ tại chỗ hoặc trọng thương phải tháo chạy.
Đến ngày 25/12, Mỹ tạm ngừng ném bom vì lấy cớ nghỉ lễ Giáng sinh. Sáng hôm ấy, Tổng thống Nixon tổ chức họp báo ở Nhà Trắng, tuyên bố rằng việc ném bom diễn ra chính xác và nhân đạo, chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự. Nhưng oái oăm ở chỗ là bản tin trên kênh CNN lại lỡ để chạy nền phía sau bài phát biểu của Nixon là hình ảnh các khu dân cư ở Hà Nội và Hải Phòng bị tàn phá nghiêm trọng. Đến tối sau khi xem lại bản tin, Nixon đã quát mắng John Ehrlichman, trợ lý các vấn đề đối nội kiêm thư ký báo chí Nhà Trắng. Nixon lập tức ra lệnh phong tỏa thông tin về chiến dịch, đặc biệt là các thông tin về thiệt hại của B-52. Những người phát ngôn của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chỉ được phép thông tin về số lượng các phi vụ và các mục tiêu đánh phá không sớm hơn 24 giờ sau khi các phi vụ đã hoàn tất.
Bên phía Việt Nam cũng tận dụng ngày này để tái bố trí lực lượng, sửa chữa khí tài và bổ sung đạn dược. Thêm nhiều tiểu đoàn tên lửa và nhiều trung đoàn pháo cao xạ cũng được điều động để tăng viện cho Hà Nội và Hải Phòng. Bộ Tư lệnh Quân chủng đề nghị trong trường hợp Mỹ đánh lâu dài hơn, Bộ Tổng tham mưu cho phép rút 2 tiếu đoàn hỏa lực 62 và 64 của Trung đoàn 236 ở Vĩnh Linh, Quảng Trị ra tăng cường cho Hà Nội. Cục Kỹ thuật quân chủng tập trung khôi phục các khí tài bị hỏng, bảo dưỡng các khí tài hiện có, đồng thời tiếp tục điều thêm hàng trăm tên lửa SAM-2 dự trữ ra tiếp viện.
Sau 36 giờ nghỉ lễ Giáng sinh, Washington quyết định tập trung lực lượng lớn vào đêm ngày 26/12 hòng “ra đòn quyết định” đánh gục Hà Nội. Từ 22h15 đến 23h42 đêm ấy, Mỹ đã huy động 113 lượt B-52 và 220 lượt máy bay chiến thuật tấn công, ném bom dồn dập với mật độ dày đặc chưa từng có vào hàng loạt địa điểm ở Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên chứ không chia đợt như các đêm trước. Có thể nói đây là cuộc tấn công dữ dội nhất của Mỹ trong toàn chiến dịch.
Đây cũng là trận đánh then chốt có tính quyết định và cũng là trận mà số liệu thống kê máy bay rơi của hai bên mâu thuẫn nhiều nhất. Các tiểu đoàn tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng đã đánh 27 trận, bắn 49 quả tên lửa và ghi nhận đã bắn rơi 8 chiếc B-52, trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ. Phía Mỹ chỉ thừa nhận 1 chiếc rơi tại chỗ và 1 chiếc rơi tại Thái Lan. Một điều thú vị và cũng rất quan trọng là trong buồng lái của chiếc B-52 rơi xuống Tương Mai, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thu được một chiếc cặp trong đó có chứa các tài liệu kế hoạch bay, lịch bay, đội hình bay, mục tiêu đánh phá của B-52 và bản đồ các mục tiêu, lộ trình bay kèm theo. Các tài liệu được gửi khẩn cấp lên Bộ Tổng tham mưu và được giao cho Cục Tình báo tổ chức nghiên cứu, phân tích ngay. Bộ Tổng tham mưu đã giữ bí mật tuyệt đối về chiếc cặp chứa nhiều tài liệu quan trọng thu được trên chiếc máy bay bị bắn rơi và mãi đến gần đây mới công bố.
Sau trận đánh lớn đêm 26/12, những đêm tiếp theo, số phi vụ hoạt động của B-52 sụt hẳn, mỗi đêm Mỹ chỉ cho khoảng 60 chiếc B-52 cất cánh. Đêm 27/12, Không lực Hoa Kỳ huy động 60 chiếc B-52, đồng thời tiếp tục sử dụng 26 chiếc A-7 và 29 chiếc F-4 đánh phá ban ngày để dọn đường cho B-52 tập kích ban đêm. Nhận thấy dấu hiệu “xuống sức” của Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân hạ quyết tâm đánh một trận tiêu diệt lớn. Các đơn vị tên lửa được lệnh bắn không hạn chế, không cần tiết kiệm để có thể đánh rơi nhiều B-52 hết mức có thể, gây thêm sức ép để buộc Mỹ phải chấm dứt chiến dịch. Trong đêm 27/12, phía ta ghi nhận bắn rơi tại chỗ 2 chiếc B-52 và bắn bị thương 2 chiếc khác. Phía Mỹ chỉ thừa nhận có 1 chiếc bị bắn rơi và 1 chiếc bị thương.
Cũng trong đêm ngày 27 tháng 12, lần đầu pháo đài bay B-52 bị hạ bởi một máy bay MIG-21 do Phạm Tuân điều khiển. B-52 tuy chỉ có khả năng không chiến yếu, nhưng nó luôn có đội hình gồm hàng chục chiếc tiêm kích F-4 bay theo để bảo vệ, nên việc công kích là rất khó. Phạm Tuân kể lại: Do B-52 trang bị nhiều mồi nhiệt làm nhiễu đầu dò tên lửa nên ông đã cố gắng áp sát B-52 ở cự ly 2–3 km rồi mới phóng tên lửa, ở cự ly này tên lửa chỉ mất 2-3 giây để tới mục tiêu nên chiếc B-52 sẽ không kịp thả mồi nhiễu. Phạm Tuân bắn liền 2 quả tên lửa rồi giảm tốc, kéo máy bay lên cao và lật ngửa để thoát ly thì nhìn thấy chiếc B-52 nổ, sau đó máy bay lao vượt qua phía trên điểm nổ.
Đêm 28 tháng 12, Mỹ sử dụng 36 chiếc B-52 vào ném bom Đông Anh, Đa Phúc, Yên Viên, Gia Lâm; 24 chiếc B-52 ném bom Đồng Mỏ, Lạng Sơn. Phi công Vũ Xuân Thiều được ghi nhận đã hạ được B-52 trên bầu trời Sơn La, nhưng máy bay bị rơi cùng với máy bay địch và anh tử trận.
Đêm 29/12, Mỹ không vào đánh Hà Nội mà sử dụng 24 chiếc B-52 đánh thành phố Thái Nguyên, 9 chiếc B-52 đánh sân bay Hòa Lạc, 21 chiếc B-52 đánh cụm kho – ga Đồng Mỏ. Do B-52 không bay vào Hà Nội nên ở ngoài tầm bắn của phần lớn các hệ thống SAM-2 xung quanh Hà Nội, chỉ có 3 tiểu đoàn đóng ở ngoại ô phía bắc Hà Nội là có thể tham chiến. Trong đêm ấy, Tiểu đoàn hỏa lực 79 đóng tại trận địa Yên Nghĩa báo cáo đã bắn cháy 1 chiếc B-52 nhưng không rơi tại chỗ.
Đến lúc này, có thể thấy rõ rằng mọi mục tiêu của chiến dịch Linebacker II đã tan thành mây khói. Lợi thế tuyệt đối về khí tài quân sự của Mỹ không tài nào vượt qua nổi hàng phòng thủ của Hà Nội mà ngược lại còn nhận nhiều thất bại nặng nề. Trong tâm trạng thất vọng và cay đắng, Tổng thống Nixon đã buộc phải ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam vào rạng sáng ngày 30/12 và hội đàm lại để ký kết hiệp định. Lý do duy nhất được phát ngôn viên đưa ra là do "có dấu hiệu rõ ràng rằng đàm phán nghiêm túc có thể được nối lại".
Theo hồi ký Henry Kissinger, ngày 6/1/1973, Nixon đã chỉ thị cho Kissinger trở lại Paris, phải đạt cho được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện nào. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sẵn sàng chấp nhận trở lại văn bản đã thỏa thuận vào tháng 10/1972. Vậy là Hiệp định Paris đã được ký với nội dung về cơ bản không khác mấy so với phương án đã được ký tắt trước khi đàm phán bị đình trệ do Mỹ từ chối ký kết. Rốt cục thì Mỹ đã mất hàng chục máy bay để rồi vẫn phải ký vào văn bản mà họ không muốn ký, điều này có nghĩa rằng mục tiêu chủ chốt của họ khi tiến hành Chiến dịch Linebacker II đã thất bại hoàn toàn.

Kết quả chiến dịch và tổn thất các bên

Thiệt hại của Không quân Mỹ theo phía Mỹ công bố là 11 chiếc B-52 đã bị bắn rơi trên lãnh thổ Bắc Việt Nam, 5 chiếc khác rơi tại Lào hoặc Thái Lan. 26 phi công B-52 được cứu thoát, 33 người khác chết hoặc mất tích, 33 bị bắt làm tù binh chiến tranh. Đồng thời không quân chiến thuật Mỹ mất 12 máy bay, 10 phi công chiến thuật tử trận, 8 bị bắt và 11 được cứu thoát. Trong số 28 máy bay cả B-52 và chiến thuật bị bắn rơi, 17 trường hợp do trúng tên lửa SAM-2, 3 trường hợp do bị máy bay MIG tấn công vào ban ngày, 3 do pháo phòng không, và 3 trường hợp không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, số liệu phía Mỹ đưa ra bị nghi ngờ do cách tính thiệt hại của họ có phần mập mờ. Ví dụ, nếu một chiếc máy bay bị thương nhưng vẫn quay về được sân bay, thì Mỹ sẽ không tính chiếc đó bị tiêu diệt, ngay cả khi nó bị hỏng nặng tới mức không thể bay trở lại. Trong chiến dịch, Không quân Mỹ nói với báo chí rằng 17 chiếc B-52 đã bị mất. Sau đó, Không quân Mỹ lại báo cáo với Quốc hội rằng chỉ có 13 chiếc B-52 bị mất. Chín chiếc B-52 trở về sân bay Utapao bị hư hỏng quá nặng để có thể bay trở lại. Số lượng B-52 hư hại quay về được sân bay đảo Guam thì vẫn chưa được biết. Như vậy, số B-52 bị mất (rơi tại chỗ hoặc hỏng nặng không thể bay trở lại) có lẽ là từ 22 đến 27 chiếc.
Theo số liệu của bên ta thì trong 12 ngày đêm có tổng cộng 81 máy bay các loại bị bắn rơi. Trong số đó có 34 chiếc B-52 bị hạ (16 trong số ấy rơi tại chỗ); 23 chiếc là do lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội bắn rơi, 11 chiếc khác do lực lượng phòng không các tỉnh/thành phố khác bắn rơi.
Lực lượng Không quân Việt Nam đã xuất kích 31 phi vụ, trong đó có 27 phi vụ MIG-21 và bốn phi vụ MIG-17, tiến hành tám trận không chiến, tuyên bố bắn rơi 2 chiếc B-52, bốn chiếc F-4 Phantom và một RA-5C. Tổn thất của Việt Nam là ba chiếc MIG-21 bị bắn rơi.
Ngoài số máy bay bị rơi tại chỗ, có 4 chiếc B-52 khác bị trúng đạn hư hại nặng nhưng vẫn bay về được sân bay và 5 chiếc khác bị hỏng mức trung bình. Trong số B-52 bị bắn hỏng nặng, một số chiếc có thể bị hỏng nặng đến mức không bay được nữa, nhưng Mỹ lại không tính là "bị bắn rơi", vì vậy số B-52 bị diệt trong thực tế có lẽ phải cao hơn con số 16 chiếc mà Mỹ công nhận.
Theo ước tính của Mỹ, Việt Nam đã phóng khoảng từ 1000 - 1200 tên lửa trong 12 ngày đêm, nghĩa là dường như dự trữ đạn dược của ta đã gần cạn. Do đó, cũng có một số ý kiến cho rằng nếu Mỹ kiên trì đánh phá thêm vài ngày thì có thể đã giành được chiến thắng. Tuy nhiên theo thống kê của Quân đội nhân dân Việt Nam thì thực chất trong toàn chiến dịch ta chỉ phóng 334 tên lửa SAM-2. Việc Mỹ ước tính sai số tên lửa đã phóng là do chiến thuật "bắn tên lửa giả" của Việt Nam. Theo đó thì tên lửa vẫn nằm trên bệ phóng nhưng lại phát sóng điều khiển tên lửa ra ngoài để làm đội hình tiêm kích bảo vệ B-52 của Mỹ tưởng là tên lửa đang lao tới, phải tìm cách né tránh làm rối loạn đội hình. Mặt khác, trong 12 ngày đêm, ta cũng phục hồi được hơn 300 tên lửa cũ để tái sử dụng, như vậy thực ra kho tên lửa dự trữ của Việt Nam chỉ sụt đi độ hơn 30 quả.
Nếu tiếp tục duy trì cường độ chiến đấu, Phòng không - Không quân Việt Nam vẫn có đủ đạn dược để chiến đấu thêm 20 ngày nữa. Ngoài ra, trong trường hợp kho đạn tại Hà Nội - Hải Phòng cạn kiệt thì có thể tiếp tục huy động thêm hàng trăm tên lửa từ các kho ở Quân khu Bốn để chiến đấu thêm 10 ngày nữa. Đấy là còn chưa kể vào cuối chiến dịch, 200 tên lửa SAM-3 tân tiến hơn đã được chuyển về sẵn sàng chiến đấu. Như vậy, tổng cộng lượng tên lửa dự trữ của Việt Nam có thể kéo dài chiến đấu thêm tới 40 ngày. Ngoài ra, cũng cần phải tính tới trường hợp Liên Xô sẽ đồng ý viện trợ cấp tốc tên lửa cho Việt Nam bằng máy bay vận tải tầm xa. Ví dụ như máy bay Antonov An-12 có thể chở theo 8 quả tên lửa SAM-2 tháo rời, chỉ cần 1 phi đội 10 chiếc là có thể chở sang Việt Nam khoảng 80 quả tên lửa mỗi ngày, nhiều hơn số tên lửa được sử dụng. Trong trường hợp này thì Việt Nam sẽ có đủ tên lửa để kéo dài chiến đấu tới hàng năm, và nếu tốc độ B-52 bị bắn rơi được duy trì ở mức 3 chiếc/ngày thì không quân Mỹ sẽ mất hết sạch B-52 trong vòng 4 tháng, trước khi có thể làm cạn kho tên lửa của Việt Nam.
Tóm lại là dù có làm cách nào đi chăng nữa, thì chiến dịch Linebacker II của Mỹ cũng đã chắc chắn rơi vào ngõ cụt. Tổng thống Nixon cũng chẳng có thể làm gì khác, và đương nhiên cũng sẽ không dại gì mà dốc túi vào một trận chiến không có cơ hội thắng như thế này.
Đây rõ ràng là một thắng lợi oanh liệt của lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam. Thế nhưng trong chiến tranh, không chiến thắng nào mà lại không phải trả giá bằng hy sinh; nhất là khi mục tiêu ném bom trọng điểm của Mỹ lại là Hà Nội. Trong 12 ngày đêm, khoảng 10000 tấn bom đã được trút xuống Hà Nội. Các chuyên gia của Mỹ thì dự đoán ít nhất cũng có đến vài vạn dân thường thiệt mạng. May mắn thay, con số khổng lồ ấy đã không trở thành hiện thực. Thực tế thì thương vong về người dân của ta chỉ bằng gần 10% so với dự đoán của Mỹ nhờ chủ động di tản khỏi thành phố khi chiến dịch bắt đầu. Đầu những năm 1970, Hà Nội có khoảng 600 ngàn người dân, và ngay trước khi cuộc tập kích diễn ra, chính quyền thành phố đã khẩn trương sơ tán được quá nửa. Sau đêm đầu tiên của chiến dịch, lệnh sơ tán càng được thực hiện triệt để hơn nhằm hạn chế tối đa thương vong.
Tuy nhiên, thương vong của ta thấp hơn Mỹ dự đoán không có nghĩa là có thể xem nhẹ. Trong 12 ngày đêm, Không quân Mỹ đã ném bom phá huỷ nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; sát hại 2368 dân thường và khiến 1355 người khác bị thương. Thiệt hại nặng nhất ở Hà Nội là khu phố Khâm Thiên. Loạt bom rải thảm kéo dài nhiều km đã khiến 2265 ngôi nhà bị phá sập hoàn toàn, 278 người chết và 290 người bị thương. Hẳn nhiều người cũng đã không còn lạ gì câu chuyện về ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên, khi cả 7 người trong nhà đều bị bom Mỹ sát hại vào đêm 26/12. Nơi này giờ đã trở thành một đài tưởng niệm với một tấm bia mang dòng chữ "Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ" và một bức tượng bằng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ. Ngoài ra, trong sân bệnh viện Bạch Mai cũng có tấm bia mang chữ "Căm thù" để ghi nhớ về vụ B-52 ném bom trúng nơi này vào ngày 22 tháng 12. Trận bom ấy đã khiến 1 bệnh nhân và 30 y tá, bác sĩ thiệt mạng.
Đối với chiến dịch ném bom này, dư luận ở cả nước Mỹ và toàn thế giới đều lên án rất mạnh mẽ. Trung Quốc và Liên Xô đều thể hiện sự bất bình trước việc tái ném bom của Mỹ, nhưng ngoài ra thì không có một động thái nào khác. Thực tế thì chính dư luận các nước phương Tây lại chỉ trích mạnh mẽ hơn cả. Tại Paris, báo Le Monde so sánh việc này với cuộc ném bom hủy diệt Guernica do Phát-xít Đức thực hiện trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tờ báo lớn nhất của Anh, the Daily Mirror, bình luận: "Việc Mỹ quay lại ném bom Bắc Việt Nam đã làm cho cả thế giới lùi lại vì ghê sợ". Các chính phủ Anh, Ý và Thụy Điển đều đã lên tiếng. Một trong những phản ứng dữ dội nhất là của Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme khi ông đã lên án cuộc ném bom là một tội ác chống lại loài người và không khác gì sự tàn bạo của phát xít tại các trại tập trung. Tại Mỹ, Nixon bị chỉ trích là điên rồ, và thậm chí nhiều người ủng hộ ông cũng quay sang chất vấn sự cần thiết và tính tàn bạo bất thường của chiến dịch Linebacker II.

Kết

Chúng ta thường hay gọi cuộc quyết đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972 này bằng cái tên “Trận Điện Biên Phủ trên không”, và có lẽ không tên gọi nào hợp hơn nữa. Rõ ràng, đây là một thắng lợi quan trọng và đóng vai trò then chốt trong việc buộc Mỹ phải thừa nhận thất bại hoàn toàn trong việc can thiệp vũ lực vào Việt Nam. Cuộc đàm phán bốn bên đã rơi vào bế tắc trước đó nay được khai thông trở lại và Washington đã buộc phải ký kết hiệp định với những điều khoản như ta mong muốn. Đó chính là tiền đề để dẫn tới thắng lợi hoàn toàn trong công cuộc Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975. Và trên hết, trận chiến này một lần nữa khẳng định rằng dù phải đối đầu với một địch thủ nắm vô vàn ưu thế về khí tài quân sự, thì ta cũng có cách để giành lấy chiến thắng một cách oanh liệt nhất.
Một mảnh xác máy bay B-52 bị bắn rơi tại hồ Hữu Tiệp, Hà Nội
Một mảnh xác máy bay B-52 bị bắn rơi tại hồ Hữu Tiệp, Hà Nội