Mình bị trầm cảm từ năm lớp 7 và kéo dài ròng rã đến nay đã gần 10 năm. Lần đầu tiên mình được đi khám, được nhìn nhận đúng với những vết sẹo in hằn trên não bộ là năm cuối Đại học. Mình mất 10 năm để có thể hiểu rõ "căn bệnh" của mình, thêm 2 năm làm bạn cùng hàng tá loại thuốc được kê bởi các bác sĩ tâm thần chuyên chữa trầm cảm. Nếu bạn thắc mắc hiện tại tình trạng của mình như thế nào, mình rất hạnh phúc khi có thể đáp lại rằng – Mình yêu từng phút từng giây được sống trên cõi đời này, nhiều hơn hết thảy những giây mình đã sống trước đây.
<i>mình thích đọc sách và làm bánh!</i>
mình thích đọc sách và làm bánh!
Mình cảm thấy, trầm cảm giống như một vòng tuần hoàn của những cảm xúc tiêu cực. Mình biết rõ bản thân đang bị những mảng màu đen kịt nhấn chìm, nhưng càng vẫy vùng, mình lại càng mệt mỏi. Với những người khác, các cuộc cãi vã khiến họ bực dọc, khó chịu, buồn bã. Còn những trận cãi vã không hồi kết của mình với bố mẹ, lại chỉ đẩy mình vào sự vỡ vụn. Mình nghĩ bố mẹ không hiểu mình, nhưng mình ghét bản thân vì không hiểu bố mẹ nhiều hơn. Mình ghét việc mình không phải một đứa con vẹn toàn, mình ghét việc mình luôn gây rắc rối và để bố mẹ thu dọn hậu quả thay mình. Mình ghét bản thân – ghét mái tóc luôn khô cứng, ghét cơ thể xồ xề phải bấu víu lấy đồ ngọt mới giải tỏa nổi đau đớn, ghét sự cố chấp theo đuổi thứ mình cho là đam mê, ghét việc mình chính là người khiến mẹ ngã gục dưới ghế khóc nức nở. Mình ghét tất cả những gì thuộc về mình, và trong đó, mình ghét nhất sự phiền phức cùng mệt mỏi mình đem lại cho bố mẹ.
Ngoài bố mẹ, người mình thân nhất là Gia Hân, cô bạn đồng hành với mình năm lớp 9 và kết thúc tình bạn của cả hai bằng lời trách cứ mình. Mình là lớp trưởng, liên đội trưởng, là cái người quyền lực nhất trong đám học sinh ấy. Sang cấp 2, mình không còn giữ được sự tự tin nữa, bắt đầu nhường cơ hội lãnh đạo cho những người khác. Mình bị người bạn thân nhất đâm sau lưng, rồi trở thành đối tượng bị cả lớp bắt nạt. Cặp sách của mình bị vứt vào thùng rác; những trang vở bị xé vụn của mình được giấu ở khắp mọi chỗ trong lớp và hành lang; nước vắt từ rẻ lau bảng đổ thẳng lên mũ len, áo khoác của mình; mỗi bàn tay ngập trong bụi phấn lau từng nhát từng đường lên tóc mình. Mình không dám nói với bố mẹ, lẳng lặng chịu đựng suốt năm lớp 7 - 8, mình đã quên mất ngẩng cao đầu là như thế nào. Lớp 9, nhờ sự hỗ trợ của một giáo viên bộ môn, mình trở lại cuộc sống học đường "bình thường". Có điều, mình không có bạn hay bất cứ ai có thể nói chuyện, ngồi cùng trên xe bus tham quan – cho đến khi mình chơi cùng Hân, mà trớ trêu thay, tình bạn của mình được vun đắp trong sự giận dỗi của Hân với 2 người bạn thân. Tình bạn của chúng mình khép lại trước sinh nhật 15 tuổi của mình vài tuần. Mình chưa từng ngừng trăn trở về lý do kết thúc của mối quan hệ này, mình bị ám ảnh tới mức giữ chìa khóa xe đạp của Hân đến tận lúc vào Đại học.
Mình từng có hội bạn chơi cùng những năm cấp 3, nhưng mình luôn cho rằng bản thân tách biệt khỏi các bạn. Mình luôn trùng xuống mỗi lần đi chơi, và tủi thân đến không kìm nổi nước mắt chỉ bởi bị tụt lại phía sau 5-6 chiếc xe đạp điện phía trước. Mình nghĩ nhiều quá, mặc cảm nhiều quá! Kể cả khi các bạn mắng ngược lại, bảo rằng mình nghĩ linh tinh; mình vẫn tìm thấy kẽ hở trong mối quan hệ giữa mình cùng cả nhóm – mỗi người đều thân với người này hơn, còn mình không thân với bất cứ ai hơn cả, mình luôn không được rủ đi chơi riêng ngoài các buổi tụ tập chung. Kỳ lạ là, mình không trách các bạn mình, mình lại trách mình cơ. Mình trách bản thân nghĩ nhiều khiến các bạn mệt mỏi ủi an, trách bản thân phiền phức khiến các bạn luôn phải bận tâm, trách bản thân đa sầu đa cảm khiến các bạn không muốn san sẻ với mình thêm nữa. Mình chợt nhớ lại lý do tình bạn tan vỡ, Hân nói mình dối gạt bạn – dù một kẻ như mình, đâu có quyền dối gạt bạn, mình chỉ được phép đối xử với bạn nhiều tình yêu hơn cả bản thân thôi.
<i>và thích chụp ảnh kkk</i>
và thích chụp ảnh kkk
Người ta vẫn bảo, những kẻ tự tử là ích kỷ vì họ để lại nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại. Những người trầm cảm mình biết, hay ngay đến bản thân mình, lựa chọn tự tử là cách thức bọn mình thể hiện tình yêu, tôn trọng, cũng như trách nhiệm với người xung quanh. Mình nghĩ cái chết sẽ chấm dứt nỗi đau đang đè nghiến bố mẹ mình, cái nỗi đau mà mình là tác nhân duy nhất. Mình nghĩ cái chết sẽ giúp cuộc sống của bố mẹ thoải mái hơn, không phải lo cửa sân thượng đã khóa chưa, hay phải bận lòng mình có làm việc tệ hại gì không. Sau đó, mình mới nghĩ đến sự giải phóng cho ưu sầu của mình. Giống như tự tử, mình thường tìm đến cảm giác đau đớn qua việc tự hành hạ. Mình tìm thấy cảm giác tồn tại khi da đầu bị gãi bật máu, hoặc mái tóc bị cắt ngổn ngang. Những nỗi đau thân xác sẽ khiến mình quên đi nỗi đau giày vò ở trong tim. Bởi trách nhiệm mình mang, nên những nỗi đau luôn gói gọn trong phạm vi "của mình" – từ thân thể đến mạng sống, luôn là "của mình".
Đến cả cảm giác thỏa mãn ít ỏi mình có cũng là "của mình", vì hành động của mình chỉ "hữu ích" trong mỗi mắt mình. Đám bạn bắt nạt chê mình béo, mình sẽ ăn nhiều đồ ngọt hơn nữa. Càng béo, mình càng thấy hả hê vì đã khiến bọn kia thất vọng. Mãi khi bệnh nhẹ hơn, mình mới nhận ra mình đã tệ thế nào. Mình biến một cô bé xinh đẹp thành một đứa con gái vừa mập vừa xấu, tính tình khép kín, xa cách với người khác và vô vọng với mọi mối quan hệ từ tình bạn đến tình yêu. Sự mâu thuẫn còn thể hiện trong việc mình tách bản thân ra khỏi mọi người, nhưng luôn mong mọi người có thể làm bạn với mình. Mình ghê tởm con người mình, nhưng luôn mong mọi người chấp nhận và yêu thương mình trong dáng vẻ chân thật nhất. Mình luôn tìm cách gây chuyện, chỉ để một ngày nào đó bố mẹ nhận ra mình đang rệu rã và vỡ vụn từng ngày.
Bác sĩ đầu tiên chữa trị cho mình là tiến sĩ ở viện 103. Bác dửng dưng kê đơn thuốc, trong khi mẹ mình khóc đến ngất đi trong phòng khám xám nghét. Mình li bì cả ngày lẫn đêm sau khi uống thuốc, rồi tỉnh lại giữa tiếng sụt sịt cố nén khóc của mẹ. Mình thiếp đi tiếp, quên mất hơi ấm từ cái hôn lên trán mình của bố. Bố mẹ tìm được bác sĩ có thể chữa trị cho mình mà không làm ảnh hưởng đến việc học. Mình uống theo đơn thuốc bác kê được 3 tháng, Covid ập đến nên bác không thể khám trực tiếp cho mình nữa. Tình trạng mình khi đó rất tệ, mình chỉ ở trong phòng, không tiếp xúc với thế giới xung quanh. Bác sĩ chỉ nghe tình hình của mình thông qua lời kể của mẹ. Một thời gian Covid ổn định hơn, bác chỉ định mình đi test trắc nghiệm trầm cảm lại. Kết quả ghi nhận mình vẫn trầm cảm nặng và rối loạn ngôn ngữ. Mẹ mình và bác sĩ đều kết luận mình cố tình dàn xếp câu trả lời, mình đã nổi giận khi bác sĩ chữa trị mà thiếu đi giao tiếp với mình. Mình ngừng uống thuốc.
Bố mẹ mình, hay đa phần những người lớn tuổi chưa có trải nghiệm tâm lý đều không phân định rõ giữa tâm lý và tâm thần. Bố mẹ chỉ tin vào sự can thiệp của thuốc với bệnh tình của mình, vì kết quả điện não đồ cho kết quả tích cực sau thời gian điều trị bằng thuốc. Mình không phủ nhận tác dụng của thuốc, vì mình không còn nghe thấy tiếng nói trong đầu nữa, nhưng mình hiểu rõ giá trị của tham vấn tâm lý. Nếu mình được tham vấn với chuyên gia tâm lý phù hợp, họ biết cách "gợi" – nhờ đó, mình có thể bộc bạch những cảm xúc, vấn đề giấu kín. Có nhiều tham vấn viên sẽ tỏ ra hiểu câu chuyện của mình, có điều, cách tiếp cận "cô hiểu" ấy không phù hợp với mình. Mình không muốn nói, thậm chí, mình sẽ nói dối và bịa ra cảm xúc, vấn đề chia sẻ cùng. Thứ mình cần không phải một người hiểu mình, mình cần một người lắng nghe mình. Người đó không gắn bó với mình, nên sẽ không phán xét những gì mình kể đúng hay sai. Người đó không có mối liên quan với mình, nên mình sẽ không phải lo sẽ xấu hổ nếu ngày sau gặp lại. Có lẽ vì thế, việc chia sẻ với bố mẹ là bất khả thi.
Bài viết này, có lẽ, sẽ trở thành bài viết rời rạc nhất trong suốt quá trình biết và yêu viết lách của mình. Bởi lẽ, mình không biết nên bắt đầu từ đâu, và cũng không biết khép lại câu chuyện ở mốc thời gian nào. Mình đã viết ra những gì thực sự xuất phát từ tâm trí bản thân, không gọt giũa và phủ lên bên trên những hào nhoáng của ngôn từ. Mình không truyền đạt thông điệp gì, mình chỉ đơn giản sẻ chia câu chuyện của mình – ủi an chính mình và những bạn chung câu chuyện, như cách chị Nga Levi động viên mình hôm nay 😁
một bản nhạc hay, mong chúng ta sẽ sớm tìm thấy hạnh phúc!