12 Angry men (Source: Facts.net)
12 Angry men (Source: Facts.net)
Bài viết này được lấy cảm hứng dựa trên bộ phim 12 Angryman và cuốn Think Again (Adam Grant). Nếu bạn chưa từng xem bộ phim này, hãy dành thời gian để trải nghiệm hết giá trị mà bộ phim này mang lại, mình tin là đó sẽ là quyết định đúng đắn!

1. Đôi nét về bộ phim

12 angry men được đạo diễn bởi Sidney Lumet chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Reginald Rose, ra mắt vào năm 1957.  Bộ phim kể về câu chuyện một cậu bé đang bị xử vì tội danh giết người tại toà án New York. Nạn nhân chính là người cha của cậu và hung khí là một con dao bấm. Bồi thẩm đoàn gồm 12 người đàn ông được toà lựa chọn trước đó, sau khi nghe các nhân chứng cùng lời khai, sẽ bàn bạc trong 1 căn phòng kín. Nếu kết quả của họ là có tội thì cậu bé đó sẽ bị tử hình. Đặc biệt, buổi họp chỉ kết thúc khi cả 12 người đồng thuận một quyết định có tội hoặc vô tội. cuộc bàn luận bắt đầu với 11 người đồng ý có tội, chỉ riêng một người cho rằng cậu bé kia vô tội. Từ đó dẫn đến những cuộc tranh luận nảy lửa để đưa ra quyết định cuối cùng.

2. Đấu trường lành mạnh

12 người đàn ông bước vào phòng thảo luận với một tâm thế tìm kiếm sự đồng lòng của tất cả về kết quả cuối cùng. Làm thế nào để có thể tái tư duy một kết quả đã được "cộp mác" là cậu bé kia có tội? Câu trả lời chính là tạo ra môi trường của sự lắng nghe và tranh luận mang tính xây dựng để hướng tới mục tiêu chung.
Biết lắng nghe không phải là nói ít lại. Lắng nghe là một bộ kỹ năng về việc đặt câu hỏi và hồi đáp. Nó bắt đầu bằng việc bày tỏ sự quan tâm đến những mối bận tâm của người đối diện hơn là tìm cách phán xét hiện trạng của họ hay chứng tỏ vị thế của bản thân. Lắng nghe một cách chân thành là yếu tố giúp cho đối phương bỏ qua cảm giác sẽ phải chiến đấu và bắt đầu chia sẻ những quan điểm của họ. Hãy thử tưởng tượng, khi cả hai bên bước vào cuộc tranh luận đại diện cho hai chiến tuyến. Khi bên này tấn công là lúc bên kia phòng thủ. Vậy kết quả sẽ chỉ dẫn đến một người thắng và một kẻ thua, và chiến thắng ấy thuộc về cá nhân. Khoảng trống nào cho sự tái tư duy, nhìn lại những lỗ hổng trong luận điểm của mình để giải quyết công việc chung?
Trong bộ phim, chúng ta có thể nhận ra sự căng thẳng giữa họ đơn thuần về lý lẽ, đôi khi có cảm xúc cá nhân chen vào nhưng nhanh chóng trở về vạch xuất phát. Bầu không khí sôi nổi và đầy nhiệt huyết chứ không hiếu chiến hay có động thái gây hấn. Họ bất đồng vì bất lí do nào cả, họ bất đồng vì sự tận tâm cho công việc, quan tâm đến kết quả của một cậu bé 18 tuổi có khả năng lên ghế điện vào ngày mai với những lời buộc tội thiếu chặt chẽ.
Ưu tiên những xung đột tác vụ hơn là xung đột quan hệ
Sau khi xem cách cách nhân vật tương tác với nhau trong bộ phim, tôi nhận ra một điều rằng: làm thế nào mình có thể vừa dễ tính, vừa thích tranh cãi lành mạnh. Dễ chịu có nghĩa là tìm kiếm sự chan hòa trong giao tiếp xã hội, chứ không phải sự đồng lòng về mặt nhận thức. Chúng ta hoàn toàn có thể bất đồng ý kiến với người kháccmà không trở thành một kẻ khó ưa. Mặc dù chính bản thân mình cũng sợ làm tổn thương người khác. Câu trả lời là tôi chọn ưu tiên những xung đột tác vụ lên trên những xung đột về quan hệ. Bởi việc tranh cãi với ai đó không phải là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng, mà chính là dấu hiệu của sự tôn trọng. Nó thể hiện rằng tôi coi trọng quan điểm của họ đến độ tôi muốn tranh luận về nó. Nếu ý kiến của họ không có giá trị với tôi, tôi sẽ chẳng bận tâm về nó.
Những xung đột về quan hệ có xu hướng dẫn đến một kết quả làm việc kém hơn so với xung đột tác vụ. Những cá nhân dễ bị cuốn vào hiền khích cá nhân và quá bận tâm đến việc thù ghét lẫn nhau. Thực tế trong các buổi thuyết trình thời sinh viên của tôi, tôi không dám đặt cho nhóm thuyết trình những câu hỏi chưa được soạn sẵn và nếu tôi làm điều đó, tôi sẽ trở thành người mang động thái gây hấn và sẽ bị "trả thù" trong bài thuyết trình của nhóm tôi. Tôi tin rằng đến bây giờ, tình trạng này vẫn còn diễn ra ở nhiều trường đại học. Quay trở lại với xung đột quan hệ, người ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian để "chữa lành" những vấn đề về quan hệ, trước khi có thể tiến tới xử lý vấn đề công việc. Và thường là quá muộn hoặc có thể giải quyết công việc trong một nỗi hậm hực.

3. Quay lưng với những quan điểm cực đoan, định kiến

Wherever you run into it, prejudice always obscures the truth.
Đây có thể nói là cảnh phim mang tính tính biểu tượng của bộ phim, khi những vị bồi thẩm đoàn thể hiện sự phản đối với những ý kiến không mang tính xây dựng và tràn đầy định kiến đến từ người đàn ông số 10. Sau đây là một số câu nói của nhân vật Juror 10:
“I’ve lived among them all my life. You can’t believe a word they say. You know that. I mean, they’re born liars.”– Juror 10, ’12 Angry Men’. “I’m trying to tell ya… You’re makin’ a big mistake, you people! This kid is a liar!… Listen to me… They’re no good! There’s not a one of ’em who is any good!” – Juror 10, ’12 Angry Men’. “I’ll tell you something. The crime is being committed right in this room.” – Juror 10, ’12 Angry Men’.
Trong cuốn sách Think Again, tác giả Adam Grant cũng đã chỉ ra rằng con người thường ít khi thừa nhận sai lầm hay thiếu sót của bản thân. Thay vào đó, họ sẽ bám chặt vào quan điểm ban đầu và tìm mọi lý do để biện minh cho nó - kể cả khi các bằng chứng phản bác lại chúng ta. Đó chính là những rào cản khiến chúng ta khó có thể "tái tư duy". Thay vì mở lòng và cân nhắc các ý kiến khác, chúng ta dễ dàng bỏ qua hoặc chỉ trích những điều không phù hợp với quan điểm của mình. Điều này làm cho chúng ta mắc kẹt trong những suy nghĩ hạn chế và không thể tiến xa hơn trong quá trình tư duy. Con người biểu hiện thiên kiến hoặc định kiến này khi họ thu thập hoặc ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc theo ý riêng của mình, hay khi họ diễn giải nó một cách thiên vị, thường đi kèm với sự từ chối xem xét các góc nhìn khác. Ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận mạnh hơn đối với các vấn đề liên quan tới cảm xúc, hoặc những đức tin đã ăn sâu vào tâm thức. Người ta cũng có xu hướng diễn dịch bằng chứng không rõ ràng để ủng hộ cho lập trường có sẵn của họ. (Wikipedia - Thiên kiến xác nhận).

4. Khiêu vũ cùng đối thủ

Trong một cuộc tranh luận, chúng ta không cần thuyết phục đối phương rằng mình đúng.
Người đàn ông số 8 bước vào cuộc thảo luận với một tâm thế hoài nghi về những kết luận của bồi thẩm đoàn đưa ra. Ông không chắc là những nghi ngờ của mình là đúng và cũng không cố gắng để bảo vệ luận điểm của mình. Ông chỉ đơn giản đưa ra những câu hỏi cho những tình tiết mà vụ án xảy ra để qua đó tìm kiếm một kết quả thuyết phục. Dần dần những tình tiết, bằng chứng được vị bồi thẩm đoàn này đưa ra để mổ sẻ, phân tích.
Đè bẹp người khác trong một cuộc tranh luận không làm cho họ đồng tình với bạn. Khi tìm cách thuyết phục đối phương, chúng ta thường có cách tiếp cận theo kiểu đối đầu. Thay vì giúp họ suy nghĩ cởi mở hơn, chúng ta lại giỏi chặn đức hoặc trêu tức họ. Càng làm như vậy, đối phương sẽ dùng thể phòng thủ bằng cách thuyết giảng quan điểm của họ và lên án quan điểm của chúng ta, hoặc họ sẽ nói điều mà ta muốn nghe dù họ thực lòng chẳng mảy may nghĩ thế. Ngoài ra, ta thường hay rơi vào một trạng thái nói thao thao bất tuyệt về luận điểm của bản thân thay vì lắng nghe đối phương một cách chân thành. Điều này khiến người nói trở nên mất thời gian để cố chứng minh luận điểm mình đúng, trong khi đối phương đang ở trang thái phòng vệ, bỏ qua những điều ta nói.
Trong một cuộc tranh luận, chúng ta không cần phải thuyết phục đối phương rằng mình đúng. Chúng ta chỉ cần gợi mở cho đối phương về khả năng họ có thể sai. Tính hiếu kỳ tự nhiên của mỗi người sẽ lo nốt phần còn lại. Như đề cập bên trên, để có được sự cởi mở trong suy nghĩ, trước hết cả hai bên phải xây dựng được một môi trường lành mạnh để tái tư duy mà ở trong đó, sự lắng nghe là nền tảng quan trọng. Chúng ta không biết điều gì có thể khiến đối phương thay đổi, nhưng chúng ta có thật lòng muốn biết. Mục tiêu không phải là để đầy người khác làm gì mà nhằm giúp họ phá vỡ vòng lặp cố chấp và nhìn thấy những khả năng mới.
Vì vậy, chúng ta hãy học cách khiêu vũ cùng đối thủ để đối phương không những nhận ra lỗ hổng trong tư duy của họ mà còn khiến cuộc tranh luận giờ đây không còn là một cuộc chiến phải phân thắng thua.