Ở nhà tránh dịch, đọc Ring Trilogy
Đọc qua tựa đề bài viết thì có thể bạn đang nghĩ đến Lord of the Rings của Tôn Kiên. Thực ra đấy chỉ là clickbait thôi. Còn bài viết...
Đọc qua tựa đề bài viết thì có thể bạn đang nghĩ đến Lord of the Rings của Tôn Kiên. Thực ra đấy chỉ là clickbait thôi. Còn bài viết này nói về bộ ba tiểu thuyết kinh dị Ringu (リング) của Suzuki Koji, bao gồm ba cuốn Ring (1991), Spiral (1995) và Loop (1998). Cuốn đầu tiên là Ring đã tạo được tiếng vang mạnh mẽ đến mức đã có rất nhiều những phiên bản điện ảnh làm lại được sinh ra trên cả đất nước Nhật cho tới tận Hollywood, cùng với rất nhiều những reference và parody ở hầu khắp các loại hình media cho tới tận ngày nay. Thực ra thì series Ringu cho đến nay đã có đến năm cuốn sách, nhưng trong giới hạn bài viết này tôi xin chỉ nói đến ba cuốn đầu tiên mà chính tác giả đã từng khép lại thành một trilogy hoàn chỉnh.
Tôi đã muốn viết bài này sớm hơn, để gọi là giới thiệu tới mọi người một bộ tiểu thuyết đáng để đọc trong những ngày tháng nghỉ cách ly. Nhưng mà đợt vừa rồi tôi vừa mới nhận một dự án mới, lại phải cắm đầu vào làm mà không có cả thời gian mà thở, thành ra chưa thể bắt tay vào viết được. Thôi thì có muộn cũng còn hơn không, vì đây là một bộ tiểu thuyết vô cùng xứng đáng để bạn đón đọc.
Cuốn đầu tiên là Ring, cũng là cuốn sách tạo nên tiếng vang toàn thế giới, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam với cái tên Vòng tròn oan nghiệt. Ring cũng là một cái tên cực kỳ hay. Nó có nghĩa là cái vòng tròn ánh sáng mà một cô gái đáng thương nhìn thấy từ sâu dưới lòng giếng trước khi lìa đời. Ring cũng có nghĩa là tiếng chuông của điện thoại—gọi đến cho bạn để xác nhận rằng bảy ngày nữa, bạn sẽ chết. Và Ring cũng là biểu tượng của một vòng lặp, những sự kiện diễn ra và lặp lại mãi mãi, và của vòng luân hồi sinh tử—cũng là một trong số những chủ đề trọng tâm của cả bộ ba Ringu.
Nhân vật chính trong Ring là một anh chàng nhà báo tên Asakawa. Sau một loạt những cái chết bí hiểm và gần như cùng một lúc của một nhóm thiếu niên nam và nữ, Asakawa với giác quan của một nhà báo cảm thấy rằng có điều gì đó phi thường trong vụ này, và quyết tâm theo đuổi nó đến cùng. Cùng với người bạn và cũng là đồng nạn nhân Ryuji Takayama, Asakawa lên đường truy tìm được nguồn gốc của lời nguyền, với mạng sống của anh, của Ryuji và của cả vợ và con của anh đang treo lơ lửng trước vực thẳm.
Suzuki Koji rất biết cách khiến cho độc giả của mình phải bị cuốn theo mạch truyện không ngừng nghỉ. Gần như lúc nào trong đầu của bạn cũng có đến một hay một vài câu hỏi quan trọng cần phải được giải đáp. Câu hỏi này chưa được giải quyết thì câu hỏi sau đã tới. Và một điều quan trọng hơn nữa, đó là những sự bất ngờ hay những cú plot twist trong lời giải đáp của những câu hỏi đó thường rất tương xứng với pacing của chúng. Điều đó có nghĩa là một câu hỏi càng lớn, thời gian giải đáp nó càng lâu, thì sức tác động của nó cũng sẽ càng lớn và tương xứng theo. Chỉ cần đọc qua phần đầu tiên của Spiral—cuốn thứ hai trong trilogy—là bạn đã có thể hiểu được Suzuki Koji có bao nhiêu sạn trong đầu. Và điều đó cũng có nghĩa là bạn hiểu rằng trải nghiệm đọc Ringu không bao giờ là một trải nghiệm mệt mỏi.
Nhắc đến trải nghiệm đọc Ringu, thì thật không ngoa khi nói rằng đó là một chuyến tàu lượn siêu tốc, đưa bạn đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bạn có thể đến với Ringu vì ấn tượng với oan hồn của Sadako Yamamura trong phim ảnh, bước ra từ bên trong màn hình vô tuyến ra ngoài đời thực và nguyền rủa nạn nhân của mình đến chết. Và quả đúng là phải đến 95% những gì xảy ra trong cuốn sách đầu tiên đem đến cho bạn một trải nghiệm mang chủ đề ma quỷ và siêu nhiên như thế. Nhưng sau đó, từ Spiral (cuốn thứ hai) và sau đó là đến Loop (cuốn thứ ba), thì chủ đề của câu chuyện càng ngày sẽ càng chuyển hướng, dần dần chuyển từ kinh dị siêu nhiên cho đến... khoa học viễn tưởng. Suzuki Koji có gần như đầy đủ hết những lời giải đáp khoa học (hoặc là bán khoa học) cho những hiện tượng siêu nhiên xảy ra trong câu chuyện. Không phải tự nhiên mà người ta chết đi đúng 7 ngày sau khi xem một cuộn băng bí ẩn. Và cũng không phải tự nhiên mà điều đó có thể xảy ra giữa hiện trạng của khoa học cuối thể kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Thật khó để có thể nói được về cái mức độ vĩ đại của Ringu mà không spoil mất cái yếu tố bất ngờ có thể coi là đáng giá nhất của nó.
Đọc Ringu, bạn sẽ được nhìn thấy một nơi mà ở đó, những tình huống gần như không tưởng sẽ xảy ra, và bạn sẽ phải đưa ra rất nhiều những câu hỏi về luân thường đạo lý, về khoa học (cụ thể hơn là sinh học), và xa hơn nữa, đó là về những vấn đề triết lý siêu hình học (metaphysics). Đứng trước lựa chọn giữa giải cứu thế giới và cứu mạng những người thân ruột thịt, bạn sẽ chọn gì? Những hành vi của một con virus ở cấp độ tế bào, ví dụ như trong truyện là virus đậu mùa, hay ở ngoài đời gần đây là SARS-COV-2, liệu có lặp lại khi nó được biến hoá thành một thực thể tồn tại như một con người trong xã hội? Và, câu hỏi quan trọng hơn hết cả, đó là nếu như tất cả những sự kỳ quái và hiếm có—hiếm đến mức 0.0000000001% đó—thực sự có thể xảy ra, thì liệu thực sự có tồn tại cái khái niệm gọi là ngẫu nhiên hay không? Sự sống trên Trái đất xuất hiện là do may mắn, hay hay là tất cả mọi thứ đều đã có sự sắp đặt từ trước? Dưới bàn tay của... Chúa?
Đọc Ringu, bạn cũng sẽ hiểu được một chân lý rằng, dẫu cho giá trị của khoa học nói riêng và của thời đại Khai sáng nói chung có khổng lồ đến thế nào đi chăng nữa, thì lý trí và khoa học cũng sẽ chỉ cho bạn biết được rằng mọi thứ hoạt động như thế nào (facts), chứ không thể cho bạn biết cách để diễn giải thế giới và hành động (wisdom). Hay nói một cách khác, thì Ringu chính là một minh chứng rõ ràng nhất rằng không bao giờ có tồn tại một cái khái niệm gọi là Đạo đức khách quan (Objective Morality.)
Thật tiếc là Ringu không được xuất bản đầy đủ cũng như được đón nhận quá nồng nhiệt ở Việt Nam. Nên là nếu bạn thực sự hứng thú với nó, bạn sẽ phải tìm mua bản tiếng Anh của Spiral và Loop trên Amazon nhé.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất