Trong cuộc sống, bạn đã bao giờ gặp được hai người giống như nhau cả về ngoại hình lẫn tính cách? Và hãy nhớ lại trong suốt quãng đời của bạn,  liệu có cuộc nói chuyện nào mà bạn tham gia đều giống nhau? Câu trả lời chắc chắn là không.


Điều đó cũng đúng với những với những câu nói mà bạn gặp trong đời. Cũng giống như con người, chúng đều có một số phận riêng và đều là độc nhất. Tuy vậy, mỗi lần đọc lại, bạn sẽ thấy rằng cảm ngộ mỗi lần là khác nhau, cũng như Heraclitus từng nói “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” -  ("We both step and do not step in the same rivers. We are and are not.”)
Mỗi câu nói giống như những một người bạn trong cuộc sống. Và người bạn tốt sẽ giúp bạn vượt qua những thời điểm sóng gió trong cuộc đời.

1. “Muốn cải thiện thì cần thay đổi, muốn hoàn hảo thì cần cải thiện nhiều lần” - Winston Churchill

Tiếng Anh: “To improve is to change, so to be perfect is to have changed often”.
Câu nói này có nội dung gần giống với lý thuyết cải tiến (kaizen) của người Nhật, và nó đã được chứng minh trên thực tế. Bạn có thể không truy cầu sự hoàn hảo, nhưng chắc chắn rằng bạn luôn cần sự thay đổi. Và đôi khi, hoàn cảnh ép buộc bạn phải thay đổi.
Mọi thành công lớn bắt đầu từ những sự nhỏ bé. Jeff Bezos khởi nghiệp Amazon khởi nghiệp trong nhà để xe của gia đình, Jack Ma xây dựng Alibaba từ hai bàn tay trắng, việc kinh doanh đầu tiên Richard Branson là bán tạp chí sinh viên. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết “hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân” (thiên lý hành trình thủy vu túc hạ). Bước đầu tiên của thành tựu chính là thoát ra khỏi vùng an toàn và sự an nhàn của bản thân.

2. “Chẳng thà mình không nói, để người ta tưởng mình ngu, còn hơn mở miệng ra, để người ta không còn nghi ngờ gì nữa” - Mark Twain

Tiếng Anh: “It's better to keep your mouth shut and appear stupid than open it and remove all doubt”
Mark Twain, trong một buổi tiệc, ngồi cạnh một người phụ nữ xinh đẹp. Theo phép lịch sự, ông đã khen người phụ nữ “Cô thật xinh đẹp”.
Người phụ nữ đó không hề cảm kích mà còn cao ngạo nói rằng “Rất tiếc là tôi không thể nói lời khen tương tự như thế dành cho ông”
Mark Twain chỉ bình thản đáp “Không sao, cô có thể giống như tôi nói 1 lời nói dối là được rồi”
Người phụ nữ nghe xong, xấu hổ cúi mặt xuống bàn mà không nói được lời nào.
Một câu nói dễ hiểu và đơn giản nhưng chứa đựng trí tuệ to lớn. Abraham Lincoln có một câu với ngụ ý tương tự: “tốt hơn là im lặng và vờ làm một thằng ngốc, còn hơn mở miệng để người ta không còn nghi ngờ gì về điều đó nữa”. (Better to remain silent and be thought a fool than to speak out and remove all doubt)
Chúng ta mất 3 năm để học nói, nhưng cần cả đời để học cách im lặng. Biết lúc nào nên nói và khi nào cần im lặng là một nghệ thuật. Im lặng để lắng nghe, im lặng để trấn tĩnh, và im lặng để suy nghĩ. Trên mạng xã hội, người ta hay bàn về khẩu nghiệp. Thần khẩu hại xác phàm hay họa từ miệng mà ra không còn quá xa lạ trong thời nay khi người ta ganh đua khẩu khí, tửu lượng và nhà cửa. Nếu bạn biết một bậc thầy của nghệ thuật giao tiếp và diễn thuyết, hãy hỏi họ làm thế nào để trở thành bậc thầy trong việc sử dụng “cách im lặng”. Bạn sẽ nhận được câu trả lời.
Học nghe trước khi học nói, và sau cùng là học cách im lặng. 

3. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” - Khổng tử

Tiếng Hán: 己所不欲勿施於人
Tương truyền, một ngày đẹp trời, có đệ tử hỏi Khổng Tử:
- Nhân là gì vậy thưa sư phụ?
Khổng Tử đáp:
- Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.
Nguyên nghĩa của câu này có thể hiểu là “điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Cái gì mình không thích người khác làm với mình thì đừng làm nó cho người khác, cũng có nghĩa là “nhân” - yêu người khác như yêu bản thân mình. Nhân là chữ đầu tiên trong “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” và cũng được xem là cảnh giới cao nhất trong nho học của Khổng giáo.
Benjamin Franklin có một câu với ý tương tự: “Tìm kiếm những điều tốt đẹp ở người khác, và những điều không tốt ở bản thân mình”, hoặc “Khi đánh giá kẻ khác, thì cũng nên nhìn lại bản thân mình” ("Search others for their virtues, thyself for thy vices").
Lấy một câu chuyện làm ví dụ, vua dầu mỏ Rockefeller là một trong những người giàu nhất lịch sử. Cho đến nay người ta còn tranh cãi nhiều về cách kinh doanh của nhà tài phiệt này, nhưng không ai nghi ngờ tài năng của ông ta.
Standard Oil đã từng là một trong những công ty lớn nhất thế giới, điều hành bởi Rockefeller. Một ủy viên công ty đã ra quyết định sai lầm, dẫn đến công ty bị thiệt hại 2 triệu mỹ kim. Vào những năm cuối của thế kỷ 19, đó là một số tiền khổng lồ.
Edward Beford là một ủy viên của công ty được Rockefeller triệu tập ngay sau đó. Khi Beford bước vào văn phòng của Rockefeller, ông ta thấy vua dầu mỏ đang cúi mặt xuống bàn, bận rộn ghi chép trên một mảnh giấy. Beford đứng yên lặng và không muốn cắt ngang. Cuối cùng, Rockefeller nhìn lên và chậm rãi nói với Beford: “Chắc hẳn anh đã biết về tổn thất mới đây của chúng ta. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này”. “Và trước khi tôi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra đây vài dòng”, Rockefeller tiếp tục.
Beford nhìn lên bàn và thấy tờ giấy ghi chú của Rockefeller. Tiêu đề của nó là dòng chữ “Những ưu điểm của _____”. Và phía dưới là một danh sách dài các gạch đầu dòng những đức tính tốt, trong đó bao gồm 3 thương vụ mà các quyết định của Beford đã mang về cho công ty gấp nhiều lần số tiền đã tổn thất.
Beford sau này nói, “tôi không bao giờ quên bài học đó. Nhiều năm sau, bất kỳ khi nào tôi nổi cáu với người khác, tôi đều bắt mình phải ngồi xuống, nghĩ và viết ra ưu điểm của người khác hết mức có thể. Khi tôi viết xong, tôi có thể nhìn vấn đề một cách khách quan nhất và lúc đó thì tôi cũng bớt nổi cáu rồi. Không thể nhớ nổi đã bao nhiều lần thói quen này giúp tôi tránh được những sai sót mà bất kỳ nhà điều hành đều mắc phải - đó là mất bình tĩnh.”
(Nguồn: Reported in Bits & Pieces, September 15, 1994)
 Có lẽ khi Rockefeller viết trên mảnh giấy về Beford, ông ta đã không nhớ về lời dạy của Khổng tử. Nhưng trong hành động, thì chắc chắn đã ẩn chứa thông điệp mà Khổng tử truyền dạy. Nhìn thấy ưu điểm của người khác là thể hiện của năng lực, nhưng cách đối xử với người khác là phản ánh sự tu dưỡng. Thành công nhờ năng lực, nhưng thành nhân nhờ tu dưỡng.

3. “Điều gì không đánh bại được bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn” - Nietzsche

Tiếng Đức: “Was mich nicht umbringt macht mich stärker”
Hãy nhớ lại lần gần đây nhất bạn cảm thấy sợ hãi là khi nào? Và đó là trước điều gì? Bạn đã làm gì để vượt qua hay chế ngự nó?
Mỗi người đều có nỗi sợ của riêng mình. Có những nỗi sợ vô hại và có những nỗi sợ mang đến nguy hiểm thật sự - đó là khi sự sợ hãi trở thành nhược điểm.
Sự sợ hãi bắt nguồn từ nhận thức. Con người ta sợ đau đớn, sợ nguy hiểm, sợ thay đổi và sợ thất bại. Cảm giác mất mát hoặc không thoải mái là những nguyên nhân chính gây nên sự sợ hãi. Khi sợ hãi, người ta do dự, trì hoãn và cố thủ trong vùng an toàn. Chúng ta trong cuộc sống thường nhật thường phải đối mặt với nhiều nỗi sợ, sợ nói chuyện trước đám đông, sợ thất nghiệp khi chuyển việc, sợ thất bại khi khởi nghiệp, sợ khi bị từ chối tình cảm,... Khi sợ hãi, người ta thường cố thủ trong vùng an toàn và viện cớ, cũng giống như nhân vật ông chủ cửa hàng pha lê trong tiểu thuyết Nhà giả kim, người có ước mơ đi hành hương đến đất thánh nhưng từ chối bỏ lại cửa hàng đang kinh doanh doanh phát đạt. Ông ta không thể vượt qua nỗi sợ của chính mình và người đọc đã không thể nhớ được tên ông.
Đối nghịch với nỗi sợ hãi là lòng dũng cảm. Dũng cảm cũng là đức tính mà Aristotle cho rằng cao quý nhất và đứng trên tất cả. Nhà hiền triết Hy Lạp tin rằng tính điển hình của lòng dũng cảm được thể hiện trong việc đối mặt với cái chết dưới bàn tay của kẻ thù trên chiến trận. Phô trương sức mạnh thể chất và vượt qua nỗi sợ hãi - đặc biệt là nỗi sợ cái chết, và nỗ lực tấn công hoặc chống trả thường được xem là dấu hiệu của lòng can đảm. Quan điểm của Aristotle là có lý, bởi mọi nỗi sợ hãi thông thường trước cái chết đều trở nên nhỏ bé. Người ta sẽ hành động khi bị dồn vào đường cùng. Tuy nhiên, đa phần chúng ta - những người bình thường trong xã hội - sẽ không phải đối mặt thường xuyên với cái chết và hơn nữa, cũng không cần phải ra chiến trận mới có thể thể hiện lòng dũng cảm.
Muốn rèn luyện sự dũng cảm hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt. Khi bạn phải ra hành động hay đưa ra quyết định quan trọng, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi thực hiện, tuy nhiên hãy ghi nhớ: Điều gì không đánh bại được bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn. Bạn có thể không hành động nhưng không được để sự sợ hãi lấn át lý trí.
Kết luận:
Trong đời người, ai cũng có lúc phải đối mặt với số phận của chính mình. Thầy của tôi đã dạy “nan nhẫn, năng nhẫn, nan hành, năng hành”. Nếu khi nào cảm thấy khó Nhẫn hãy Nhẫn, khó làm hãy thử làm. Nếu làm được thì sẽ phát hiện rằng “liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”. Nếu không thể thành tựu thì cũng như Hector người thành Troy, như Kinh Kha người nước Vệ, đều không phải cảm thấy hối tiếc.

5. “Thế giới không đủ lớn để Alexander chinh phục, nhưng cái quan tài thì đủ” - Juvenal

Tiếng Anh: “The world was not big enough for Alexander the Great, but a coffin was”
Alexander đã chinh phạt hầu như toàn bộ vùng đất mà con người thời đó biết đến trước khi qua đời [1], mọi nơi mà ông đặt chân tới đều trở thành lãnh thổ của ông. Sau khi ông chết, đất đai của ông bị các tướng lãnh phân chia cát cứ. Một người dù lúc còn sống dù có quyền lực đến đâu, tài sản giàu có đến mức nào thì lúc chết cũng chẳng thể mang theo. Trước cái chết, mọi người đều công bằng. Nói vậy để biết rằng thời gian của đời người là hữu hạn. Và khi một người vẫn còn sống thì hãy nên quý trọng sinh mạng và làm những điều có ý nghĩa.   
Nếu bạn có thời gian, hãy thử dành một vài tiếng ban đêm trong một ngày nào đó để vào phòng cấp cứu ở bệnh viện. Bạn sẽ thấy rằng có một cuộc sống khỏe mạnh và không bệnh tật đã là một điều đáng quý.

6. “Vấn đề không nằm ở việc điều gì sẽ xảy đến với bạn, mà trong cách bạn đối mặt với chúng” - Epictetus

Tiếng Anh: “It's not what happens to you, but how you react to it that matters”
Tất cả mọi người đều có những khó khăn trở ngại riêng trong đời. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, bạn giàu có đến mức nào, bạn luôn phải đối mặt với thử thách, vì đó chính là cuộc sống. Và trong mọi thử thách đều có cơ hội. Ít nhất, thì đó chính là cơ hội để rèn luyện “cảnh giới tinh thần”.
Ắt hẳn chúng ta đều đã nghe qua thành tựu của các vĩ nhân, nhưng ít người để ý rằng họ đều rèn luyện từ những việc nhỏ nhặt. Không phải ai cũng có thể trở thành vĩ nhân. Nhưng mọi người đều có khả năng làm chủ chính mình. Khi sự cố ập đến, người ta thường bị cảm xúc chi phối làm mất đi khả năng xử lý vấn đề một cách thấu đáo. Cách mà bạn đối mặt với vấn đề là thể hiện của cảnh giới tinh thần, và cũng là cách biết được bạn là dạng người nào trong xã hội.
Ngày nay, người ta thường phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống. Các vấn đề như học hành, thi cử, công việc, gia đình làm người ta bận tâm. Chúng tác động lên cảm xúc và phổ biết nhất, dễ làm người trở nên nóng giận. Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: “Khi các vị thần muốn hủy diệt một người, họ làm cho người đó điên lên” (Those whom the gods wish to destroy they first make mad). Tuy vậy, việc “cả giận mất khôn” là điều có thể phòng tránh được qua việc hàm dưỡng. Hơn nữa, đông y cũng cho rằng, khi một người tức giận, trong người đó chứa đầy độc tố. Khoa học hiện đại cũng chứng minh việc tức giận gây ra những tổn hại về sức khỏe cho con người. Vì vậy, học cách làm chủ cảm xúc cũng là một phương pháp gián tiếp để bảo vệ sức khỏe bản thân.

7. “Thượng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi. Trung sĩ văn Đạo, nhược tồn nhược vong. Hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo” - Lão Tử

Dịch nghĩa: “Bậc thượng sĩ nghe Đạo, chăm chỉ thực hành. Người trung sĩ nghe Đạo, cái được cái mất. Kẻ hạ sĩ nghe Đạo liền cười lớn, không cười thì đó không phải là Đạo thật sự.”
Nguyên văn:   
上士聞道,勤而行之
中士聞道,若存若亡
下士聞道,大笑之。不笑不足以為道
Nguyên đây là câu nói dành riêng cho giới tu luyện. Ngụ ý rằng kẻ sĩ bậc thượng biết rằng gặp được chính Đạo không dễ dàng gì, thời gian của đời người là hữu hạn, bây giờ không hành động thì còn đợi đến khi nào nữa; do vậy không gì có thể ngăn trở họ tinh tấn tu tập.
Kẻ sĩ bậc trung nghe Đạo, vẫn hiểu Đạo nhưng lại bị những lợi ích, tri kiến tầm thường ngăn trở. Dẫn đến việc việc tu tập bị gián đoạn, tập cũng được mà không tập cũng chẳng sao. Loại người này tuy ngộ tính không cao nhưng dù sao vẫn có hi vọng.
Kẻ sĩ bậc hạ là dạng người cuối cùng, loại người này khi nghe Đạo liền phá ra cười lớn, nếu không cười thì đó chắc chắn không phải chân Đạo. Dạng người này ngộ tính thấp kém, luôn cho rằng chỉ những lợi ích vật chất thiết thân thực tại mới là đáng quý, còn lại đều là những thứ vô bổ không có lợi ích. Nếu có ai nói với họ về chính Pháp, chính Đạo thì họ liền phản bác, trong tâm họ cho rằng người kia quá ư hồ đồ và ngu muội.
Đối với người tu luyện mà nói, sự khác biệt căn bản nhất của kẻ sĩ bậc thượng, trung, hạ nằm ở “ngộ tính”. Căn cơ hơn kém nhau có thể không ai biết, nhưng ngộ tính thì hiển lộ rõ ràng.
Đối với người đời, nếu phải phân biệt, thì sự khác biệt lớn nhất nằm trong khả năng nhận thức. Người thượng đẳng, tức người có lòng dạ ngay thẳng, chính trực, họ chịu được những gian khổ của đời người, biết suy xét và có thể tiếp thu ý kiến của người khác một cách trực tiếp, đánh, mắng, chửi không làm họ bận tâm. Họ đón nhận sự thật bằng lòng hoan hỉ. Nói cách khác, khả năng nhận thức của họ không bị giới hạn bởi ngoại cảnh.
Người trung đẳng, tuy không thể chịu đựng được những ủy khuất một cách trực tiếp như người thượng đẳng nhưng họ có khả năng suy xét vấn đề. Họ có thể tiếp thu ý kiến một cách gián tiếp. Nói đơn giản, khả năng chịu đựng của họ có hạn, nói thẳng sự thật với người này không phải là cách giao tiếp tốt nhất, mà phải dùng lối nói ẩn dụ, nói giảm, nói tránh. Khả năng nhận thức của họ bị tác động bởi phương pháp truyền đạt của người khác.
Người hạ đẳng, thì lòng dạ eo hẹp, không thể tiếp thu ý kiến và để tâm những điều vụn vặt. Họ không thể chịu đựng được sự chỉ trích hay phê bình và phản ứng lại một cách tiêu cực. Nếu có người nói không tốt về họ, họ để bụng và không bao giờ quên.
Kết luận: 
Trong cuộc sống, ắt hẳn chúng ta sẽ gặp 3 dạng người trên. Tuy nhiên, phân biệt họ lại không hề dễ dàng. Sẽ có những người hạ đẳng nhưng cố tỏ ra là người thượng đẳng, và không ít lần người thượng đẳng bị nhầm lẫn là người hạ đẳng. Người xưa có câu: “Họa hổ, họa bì, nan họa cốt. Tri nhân, tri diện, bất tri tâm”. Thời gian sẽ giúp bạn thấu rõ chân tâm. Tuy vậy, nếu để đến lúc “giậu đổ bìm leo” thì hậu quả đã nhãn tiền. Vậy nên, rèn luyện phép nhìn người từ sớm không bao giờ là vô ích. Và hơn thế nữa, hãy rèn luyện để trở thành người thượng đẳng.

8. “Nếu thời gian là thứ đáng giá nhất, phí phạm thời gian hẳn phải là sự hoang phí ngông cuồng nhất” - Benjamin Franklin

Tiếng Anh: “If time be of all things the most precious, wasting time must be the greatest prodigality”.
Ai cũng biết thời gian là quý giá, nhưng họ lại không biết nó đáng giá đến mức độ nào. Có một câu rằng: “nếu muốn biết giá trị của một năm, hãy hỏi một sinh viên vừa thi rớt; nếu muốn biết giá trị của một tháng, hãy hỏi người mẹ đang chờ đứa con sắp chào đời; nếu muốn biết giá trị của một ngày, hãy hỏi một người lính sắp rời tiền tuyến về với gia đình; nếu muốn biết giá trị của một phút, hãy hỏi một người đang hấp hối; nếu muốn biết giá trị của một giây, hãy hỏi vận động viên chạy nước rút suýt đoạt huy chương vàng”. Thực tế, đây chỉ là một lối nói cách ngôn - và trừu tượng - vì dù có hỏi thì chúng ta cũng khó có thể nhận được câu trả lời chính xác. Và hơn nữa, đặt câu hỏi cho một người đang hấp hối trong mọi trường hợp đều không phải là hành động khôn ngoan.
Bạn có thể thấy rằng trong ví dụ trên, giá trị của thời gian khác nhau do xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau. Và do đó, nó không áp dụng chung cho tất cả mọi người. Điều đó đúng, tuy nhiên chỉ đúng một nửa. Điều có thể áp dụng cho mọi trường hợp đó là “cảm thức về thời gian”. Hiểu được cảm thức về thời gian của một người thì sẽ biết được mức độ quý trọng thời gian của họ đến đâu.
Những đất nước phát triển nhất hầu hết là những quốc gia có cảm thức về thời gian cao nhất. Đức, Nhật Bản và Thụy Sĩ có thể xem là những ví dụ điển hình. Bạn có thể đã nghe qua về cuộc hẹn của người Đức, những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ và lời xin lỗi của người Nhật khi tàu điện chạy sớm 25 giây. Ở các quốc gia này, cảm thức về thời gian không còn nằm trong phạm trù cá nhân mà được nâng lên thành nguyên tắc vận hành của xã hội, và cao hơn nữa là một nét văn hóa. Phải thừa nhận rằng cảm thức về thời gian nói chung của người Việt chưa cao. Tuy nhiên mọi thứ đang dần thay đổi.
Nếu muốn biết cảm thức về thời gian của một người, hãy nhìn vào cách người đó sử dụng thời gian của họ. Vậy, bạn đánh giá cảm thức thời gian của bạn đang ở mức độ nào? Nếu bạn cho rằng thời gian là một trong những thứ đáng giá nhất thì phí phạm thời gian chắc chắn là sự hoang phí ngông cuồng nhất. Đừng hỏi vì sao thời gian lại đáng giá mà hãy hỏi thứ gì đáng để sử dụng thời gian và nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian bằng cách nào.
Nếu chỉ nhìn vào một cuộc hẹn, thì người đến sớm (hoặc đúng giờ) cho thấy mức độ quan trọng của cuộc hẹn đó với họ. Nếu nhìn vào một người không bao giờ trễ hẹn, thì sẽ thấy cảm thức của họ đối với thời gian. Do đó, không nên trễ hẹn với những người này. Vì sao ư? Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Ngẫm lại, bạn đã trễ hẹn bao nhiêu lần?

9. “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu” - Abraham Lincoln

Tiếng Anh: “Give me six hours to chop down a tree and I will spend the first four sharpening the axe”. 
Nếu ai đã học về kinh tế, đều biết rằng có 4 giai đoạn trong quản trị. Đó là xác định vấn đề (mục tiêu), lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát. Mỗi giai đoạn có một chức năng riêng, trong đó, xác định vấn đề được xem là giai đoạn quan trọng nhất. Câu nói của Abraham Lincoln đã chỉ ra 2 giai đoạn trong quản trị học, đó là xác định vấn đề (mài rìu để chặt cây) và lập kế hoạch (thời gian dành cho chặt cây và mài rìu). Đều là 2 giai đoạn của việc chuẩn bị.
Benjamin Franklin có một câu với đại ý tương tự “Thất bại trong sự chuẩn bị, là chuẩn bị cho sự thất bại". (By failing to prepare, you are preparing to fail). Binh pháp cũng nói “binh tướng tuy chưa động nhưng lương thảo phải đi trước”. Chuẩn bị tốt chưa chắc dẫn đến thành công nhưng không chuẩn bị thì chắc chắn sẽ thất bại. Sự chuẩn bị mang đến cho người ta sự tự tin, tính chủ động và sự hiệu quả. 

10. “Know thyself” - Ngạn ngữ cổ Hy Lạp

“Know thyself” được khắc trên đền thờ của thần Apollo tại Delphi.
Lão Tử có câu rằng: “Hiểu người khác là thông minh, hiểu bản thân là trí tuệ, làm chủ người khác là năng lực, làm chủ bản thân là sức mạnh thực sự”. Plato cũng nói với hàm ý tương tự: “chiến thắng bản thân là chiến công vĩ đại nhất” (Self-conquest is the greatest of victories).
Mới đọc qua thì đây đích thị là những câu nói sáo rỗng. Đã qua rồi thời đại mà các nhà hiền triết rao giảng về các giá trị đạo đức, niềm tin và cách sống của con người. 2500 năm đã qua kể từ thời đại của Lão Tử hay Plato, ngày nay phi thuyền đã khám phá các tinh cầu khác, công nghệ điện tử được áp dụng trong mọi vấn đề của đời sống và trí tuệ nhân tạo đang dần được ứng dụng thay thế công việc của con người. Vậy, còn nói chi những điều cũ xưa ấy? Nói thẳng ra, dù vật chất có phát triển đến đâu thì con người vẫn luôn là trung tâm. Và những mối bận tâm thường nhật nhất không đến từ những điều xa xôi mà luôn bắt nguồn từ sự thỏa mãn tâm trí.
Trong cuộc sống, người ta so sánh về mọi thứ, xe chạy có phần nhanh hơn, quần áo mặc có phần đẹp hơn, nhà cửa to hơn, con cái giỏi hơn, công việc tốt hơn, ngoại hình đẹp hơn, chơi thể thao giỏi hơn... Con người hay so sánh với người khác, nhưng lại ít khi so sánh với chính bản thân mình. Nếu phải so sánh, thì thắng người khác không bằng thắng bản thân mình, hơn người khác không bằng vượt qua chính mình.
Trước khi nói về chiến thắng bản thân, thì thử hỏi thắng bản thân là thắng gì? Người ta không thể nói về chiến thắng khi còn chưa biết ai là địch thủ. Tôn tử Binh Pháp viết “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại.” [1] Điểm cốt yếu ở đây là, cùng là “biết”, nhưng cái “biết” ở mức độ nào. Khởi điểm đầu tiên của chiến thắng đó là biết mình. Sau cùng mới là biết người. 
Vậy cũng nói, để chiến thắng bản thân mình thì phải hiểu mình. Hiểu chính mình là cái học đầu tiên của người trí thức. Hiểu chính mình cũng có nghĩa là biết được điểm yếu, điểm mạnh của mình. Một người hiểu mình có thể phát huy tố chất của họ đến mức tối đa và hạn chế được sự mất mát xảy ra. Điểm yếu của bản thân thường dễ nhận biết hơn điểm mạnh, vì rằng điểm yếu thường được bộ lộc rõ ràng còn điểm mạnh thường ẩn giấu.
Trên thế giới, pháp luật nhiều nước quy định 18 tuổi là độ tuổi trưởng thành, và người từ đủ 18 tuổi có thể tự chịu trách nhiệm pháp lý, vì ở lứa tuổi này khả năng làm chủ hành vi và nhận thức của một người được xem là đầy đủ và chín chắn. Tuy vậy, nếu để xác định một độ tuổi cụ thể để đo lường về khả năng hiểu biết chính mình của một người thì lại là vô chừng. Phần đông chúng ta sẽ hiểu về chính mình nhiều hơn theo thời gian, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ. Bởi vậy, nhiều người cho rằng tuổi tác thực ra chỉ là một con số và người trưởng thành thực sự là người biết dùng mình hay biết sử dụng và phát huy tài năng của mình vào đúng việc, đúng vị trí trong xã hội.
Kết luận:
Chúng ta đều đã đọc về cuộc đua giữa Rùa và Thỏ của Aesop. Thỏ vì ham chơi nên Rùa đã giành chiến thắng. Điều đáng nói là, chiến thắng của Rùa có nguyên nhân quyết định từ sự chủ quan của Thỏ, chứ không phải do năng lực của Rùa. Thỏ có lẽ đã không coi Rùa là đối thủ. Trong cuộc sống, nếu gặp một đối thủ thực sự, chắc chắn “Rùa” sẽ không bao giờ được hưởng vinh quang, trừ khi “Rùa” hiểu được chính bản thân mình. Nói như Aristotle: "Hiểu mình là khởi đầu của trí huệ" (Knowing yourself is the beginning of all wisdom) 
Nếu bạn đã đọc đến đây thì chắc hẳn bạn là người luôn mong muốn hoàn thiện bản thân. Người tu luyện có một câu rất hay rằng “hướng nội là pháp bảo của người tu luyện”. Hãy nhìn vào chính mình và tìm trong chính mình.
 Đế Hương (20/2/2019)
Tham khảo
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Alexandros_%C4%90%E1%BA%A1i_%C4%91%E1%BA%BF
[2] 知彼知己,百戰不殆;不知彼而知己,一勝一負;不知彼,不知己,每戰必殆 (Tôn Tử binh pháp)
First public on Spiderum.com