Từ khi có internet mình mới biết nhiều thông tin cho rằng đi chân đất, tiếp xúc trực tiếp với mặt đất là có lợi cho cơ thể, cho tâm hồn, chứ hồi nhỏ mình đi suốt.
Mình từng biết đến nghề sửa bút máy, sửa bút bi và trực tiếp nhất là vá dép. Hồi đó cái gì cũng thiếu, cũng hiếm, cũng quý, dép cũng vậy. Đa số là dép mủ, kiểu dáng và màu sắc cũng chán ngắt, có là quý rồi. Đường sá thì toàn là đường đất, trời mưa sình lầy mang dép đi dính cả đống đất, đi một đoạn ngắn về phải ngồi đập cho sình rớt ra, chà rửa sạch sẽ rồi cất. Dép mủ mang một thời gian sẽ bị mòn, bị đứt. Đứt ở đâu thì vá ở đó. Mấy người mua bán ve chai thường làm thêm nghề vá dép. Có thể dùng một chiếc dép mủ khác, cắt ra một ít để “hàn” lại chỗ đứt bằng lửa. Mà thường làm nhất là lấy dây kẻm nung nóng rồi móc vào hai đầu để “vá” lại. Vá tới vá lui chiếc dép nặng cả ký, toàn dây kẽm mới mua dép mới.
Đó là thời của các cô chú, anh chị mình. Còn mình cơ bản cũng đầy đủ dép. Có vài lần vá dép, chẳng qua là để trải nghiệm cho vui. Vá xong mang thấy cộm cộm bàn chân, thế là mang dép mới.
Hồi đó ở nhà nội, mình có người chị họ. Mình hay theo chị đi khắp nơi. Khi thì loanh quanh trong nhà, khi thì ra đồng ra ruộng. Đi ra ruộng mà mang dép là đi chậm lắm, cứ trượt tới trượt lui, có khi đứt dép, nên mình tập đi chân đất giống chị cho nhanh.
Không phải dễ dàng, êm ái như người ta hay mô tả về việc tiếp xúc trực tiếp với mặt đất này nọ đâu. Đó là mặt đất đã được dọn sạch, khô ráo và không có gai, không có sỏi đá kìa. Chứ mặt đất bình thường mà đi một ngày thế nào cũng xây xước, đi vài ngày thì đạp gai, đi lâu thì chai chân.
Chân của chị mình và các cô, các chú đều có một lớp chai thật dày do đi chân đất lâu ngày tạo nên. Có khi đạp phải một cái gai nhỏ, chị còn không hay biết. Ngó thấy ngồi xuống rút ra không chảy chút máu nào.
Trở ngại đầu tiên của việc đi chân đất là dơ. Khi bạn không mang dép, thứ bạn tiếp xúc không phải chỉ là đất và cỏ non mềm mà là cứt gà, rơm rác, sình lầy, gai, miểng và đủ thứ bất ngờ khác. Ngay cả khi không có mấy thứ đó thì cũng là một thách thức cho bàn chân. Đất ở nhà nội mình là đất thịt, thứ đất dai và cứng, có nhiều cái u gồ lên như cái bàn mát xa chân vậy. Mà bước đi trên đó không cẩn thận là đau chân lắm. Mỗi bước chân đều phải tỉnh thức, nhẹ nhàng và ý thức rõ da bàn chân mình đang giẫm lên thứ gì. Nếu là gai thì giảm ngay lực lại để nó không cắm sâu vào chân. Ban đầu tập đi chân đất vòng vòng trong nhà, quen rồi thì đi ra sân, sau đó mới là ra vườn, ra ruộng. Ngoài ruộng còn có món đất nẻ, bùn sình khô, đi lên đó mới biết đất thịt êm ái cỡ nào. Cũng có những bãi cỏ non mềm, nhưng đừng nghĩ đó là ngon mà bước thiệt mạnh, bên dưới nhẹ thì là cục đất cứng, nặng thì là gai. Đi trên địa hình nào cũng phải duy trì tỉnh thức hết.
Có một thời gian mình ở nhà nội chơi vài tuần hay một, hai tháng hè gì đó, lúc đó mình đã tập đi chân đất thành công. Mình có thể đi khắp nơi mà không cần dép. Lúc đó mình tự hỏi đến khi nào chân mình mới có được lớp chai dầy, ngầu như chân của các chị, các cô để không sợ đạp gai. Tất nhiên mình chưa bao giờ đạt được thành tựu đó.
Kể nghe có vẻ ghê vậy thôi, chứ trải nghiệm thiệt sự thì nó cũng ghê thiệt.
Ghê nhưng mà cũng hay, mình thích cái cách mỗi bước chân chia làm hai nhịp: dò đường xong rồi mới dẫm chân xuống đất, và bước đi thật nhẹ nhàng. Mình cũng biết ơn giày dép và người mua giày dép cho mình hơn lúc đó. Đi chân đất còn giúp mình không ghê sợ với những thứ đáng ghê sợ trước đó, như cứt gà, gai nhọn. Đạp thì rửa, có khi lau vô cỏ là xong. Đạp gai thì rút ra, cái nào dính vào chân thì nặn ra hoặc lấy kim lể ra. Rồi sau cẩn thận hơn là được.
Mình thấy cái gì cũng có giá của nó. Năng lực càng lớn thì tiếp xúc càng nhiều. Muốn cho bàn chân trực tiếp bước lên những đoạn đường khác nhau, cảm nhận cảm giác đi trên đất nẻ, trên cỏ xanh, trên đất cát, đất thịt thì cũng phải đủ khả năng đối mặt với những điểm yếu, nguy cơ tồn tại trên đó.
Còn đi trên một bãi cát mềm hay một bãi cỏ êm đã được dọn dẹp kỹ càng. Cái đó.. ừ thì cũng hay.
Ngày mai sẽ là lý do thứ 93 trong 100 lý do để sống: Lần đầu tắm biển
28/10/2023