Photo by Alex Iby on Unsplash
Tôi từng đăng vô số meme - ảnh chế trên trang của mình về việc “buông bỏ” những “kẻ độc hại”, hãy để họ ra đi, thiết lập ranh giới với những người “phiền phức” và cân bằng giữa việc duy trì các mối quan hệ đồng thời đáp ứng nhu cầu của chính mình. Nhưng nếu chính bạn lại có tính chất độc hại thì sao? Phải làm gì đây nếu bạn lại chính là "kẻ ai cũng biết là ai đấy" - người mà người khác cần thiết lập ranh giới? Điều gì sẽ xảy ra nếu tác động của bạn thực sự gây tổn hại đến mọi người, mặc dù ý định của bạn là tốt?
Thỉnh thoảng chúng ta có thể dính mắc vào một số hành vi này, nhưng nếu cảm thấy như mình làm những việc này rất nhiều lần, thì đã đến lúc bạn nên tự xét lại chính mình và cân nhắc tìm một nhà trị liệu lành nghề để giúp tìm hiểu tận gốc những hành vi này.  Dưới đây là một số câu hỏi để tự hỏi bản thân mình, xem mình có phải là một Toxic Person - người độc hại không nhé: 

1. Bạn có sử dụng Shaming Language - cách nói làm người khác thấy xấu hổ không?

Nếu từ "nên" xuất hiện thường xuyên trong kho từ vựng của bạn, có lẽ bạn hãy xem xét lại từ này. "Bạn biết những gì bạn nên làm là..." đây là một cách mở đầu câu nói thường có ẩn ý làm người đối diện xấu hổ và có ý nghĩ rằng "tôi biết nhiều hơn". Đó là câu nói hàm ý tiêu cực và tạo ra một sức mạnh khiến người khác thu mình lại và không tin tưởng bạn. Trêu chọc biệt danh người khác và cố gắng hạ thấp họ xuống hoặc làm cho họ cảm thấy tồi tệ cũng là làm người ta xấu hổ. Ngay cả khi ý định của bạn là để thúc đẩy mọi người, điều này có thể không hiệu quả và làm người khác tê liệt. 
Nếu bạn đã là cha mẹ và bạn sử dụng các từ ngữ như "đồ hư đốn", "đồ nghịch ngợm", hay "đồ ngỗ nghịch", tôi chỉ muốn nhẹ nhàng khuyến khích bạn hãy xem xét tách biệt hành động với đặc điểm tính cách và giá trị cá nhân. Nói những điều như "Đó không phải là cách hay", hay "Mẹ yêu con, nhưng mẹ không thích hành động đó" có thể giúp trẻ con (và người lớn trong tình huống tương tự) phát triển ý thức rằng chúng có thể phạm sai lầm và học hỏi từ đó chứ không phải bọn trẻ phải thật hoàn hảo để có được tình yêu của bạn. 

2. Bạn có xu hướng đổ lỗi cho người khác về vấn đề của bạn?

Nếu không có bất cứ thứ gì là lỗi của bạn, hoặc bạn gặp khó khăn trong việc chịu trách nhiệm hoặc là bạn thấy khó mà xin lỗi khi mình mắc lỗi lầm. Đây là điều ta cần xem xét lại hoặc cần nhận thêm sự hỗ trợ từ những nguồn lực xung quanh. Nếu có xung đột xảy ra, ít nhiều hai bên đều có phần sai của mình trong đó và điều quan trọng là chúng ta hãy thực hành chịu trách nhiệm. Chỉ xin lỗi không phải lúc nào cũng đủ; lập một kế hoạch để cố gắng sửa chữa sai lầm và hãy hành xử khác đi trong tương lai. 
Chúng ta cũng phải chấp nhận hậu quả cho hành động của mình nếu chúng ta phá vỡ lòng tin của ai đó. Nếu chúng ta luôn đổ lỗi cho người khác hoặc thế giới bên ngoài cho các vấn đề của mình, điều đó ngăn chúng ta học hỏi từ những sai lầm của mình hoặc không thể cho mình quyền tự chủ tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của chính mình. 

3. Bạn có cố gắng "ra vẻ kẻ cả, biết tuốt" khi có người đến gặp bạn chia sẻ khó khăn hay tin vui của họ không?

Nếu bạn bè, con cái hoặc thành viên gia đình của bạn gặp vấn đề, bạn có nói điều gì đó như "Ồ, anh nghĩ chuyện đó đã tệ lắm rồi sao? Hãy để tôi kể cho anh nghe những gì đã xảy ra với tôi nè", hoặc giả bạn nói "Anhkhông phải là người duy nhất gặp vấn đề, anh biết đấy", hay "Anh có biết mọi chuyện còn khó khăn đau khổ đến dường nào với tôi không?" Điều này không tạo ra niềm tin và sự an toàn trong các mối quan hệ và mọi người sẽ sớm biết rằng họ không thể đến với bạn để chia sẻ khó khăn đau khổ của họ. 
Tương tự như vậy, nếu ai đó đến chia sẻ với bạn một niềm vui hân hoan và bạn chuyển cuộc trò chuyện sang khoe khoang về một trong những thành tựu của bạn (hoặc con cái của bạn), điều này cũng không nuôi dưỡng mối quan hệ. Sự ghen tị sẽ gặm nhấm chúng ta từ trong ra ngoài. Có lẽ nên biến sự ghen tị đó thành nguồn cảm hứng cho những gì bạn muốn đạt được, đó là một khởi điểm tốt để bắt đầu. 

4. Bạn có xu hướng nhận lại nhiều hơn bạn cho đi?

Có phải mọi thứ phải nhất nhất tuân theo "thuận ta thì sống, chống ta thì chết"? Mối quan hệ là phải có qua có lại. Mục tiêu là cho và nhận tình yêu thương một cách tự do. Nếu bạn có xu hướng là người thích được ưu ái, được chiều chuộng cảm xúc, thời gian trò chuyện bên nhau hay thậm chí là không gian vật lý, hãy nghĩ về tác động của điều đó. Những người trong cuộc sống của bạn cuối cùng sẽ cảm thấy như họ đang bị lợi dụng và rồi sẽ lánh xa bạn. 
Một khía cạnh khác là bạn cho đi quá nhiều, nhưng sau đó phẫn uất với mọi người hoặc dùng sự ban phát ơn huệ để thao túng người khác. Có lẽ bạn nói rằng bạn sẽ cho tặng một món đồ cho ai đó nhưng sau đó lợi dụng nó để chống lại họ khi bạn tức giận với họ. Đây không phải là hành vi xây dựng lòng tin và chỉ nhằm để đưa bạn vào vị trí quyền lực, thay vì ở vị trí của tình yêu thương.

Photo by Ahmad Odeh on Unsplash

5. Bạn có nói rằng mình không thích “nữ hoàng bi kịch”, nhưng cuộc sống của bạn đầy ắp những thứ đó?

Bạn đã bao giờ thấy một cửa hàng gọi một sản phẩm gì đó như là "Thời trang của-thời-đại", hay "Đồ ăn ngon-không-thể-tưởng", nhưng chúng thực ra lại chẳng hề như vậy? Điều này có thể giống với tuyên bố không thích “bi kịch hóa” của bạn. Lặp lại cùng một cuộc cãi vã hết lần này đến lần khác là những tấn tuồng độc hại. 
Không chấp nhận một ai đó khi bạn đang nổi điên với họ cũng chỉ là một hình thức bi kịch. Có phải bạn quá xúc động hay cáu kỉnh, có thể do vậy nên làm cho mọi thứ tồi tệ hơn so với thực tế? Đây có thể là một cách cố gắng bù đắp cho sự bất an hoặc cảm giác xấu hổ của chính bạn hoặc cảm giác bạn không đủ tốt. Tìm một nhà trị liệu tốt có thể giúp bạn đi đến tận gốc nỗi đau thực sự và giúp bạn xử lý nó. 

6. Bạn có hay buôn chuyện, ngồi lê đôi mách không?

Một phần của việc tạo những tấn bi kịch là nói sau lưng người khác hoặc kể những câu chuyện về vết thương lòng của người khác. Tám chuyện thiên hạ làm cho chúng ta cảm thấy như chúng ta hòa nhập tốt hơn với những người khác, nhưng thật ra lại khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn. Tôi đã từng thấy một meme - ảnh chế nói rằng "Hãy chú ý đến cách bạn bè nói với bạn về người khác vì đó chính xác là cách họ nói với người khác về bạn". 
Nếu bạn là người đang buôn chuyện, rồi sẽ có một lúc nào đó mọi người bắt đầu đặt câu hỏi liệu bạn có nói về họ như vậy không, và một lần nữa, các mối quan hệ bị tan vỡ là kết quả không sớm thì muộn sẽ đến mà thôi. 

7. Bạn có quá gây chú ý trên mạng xã hội?

Bạn có tìm kiếm sự chú ý, câu like hoặc đăng các tuyên bố mơ hồ cố gắng để có được sự tán dương, công nhận trên trang facebook của bạn? Một status ví dụ như là "Không thể tin rằng con người ta lại thâm hiểm đến như thế. Các thảm họa cứ đổ ập lên đầu mình. #vỡ-cả-tim." Hay "Khoảnh khắc… khi mà bạn biết rằng đó sẽ là một ngày…tồi tệ." 
Mọi người không biết bạn đang nói về điều gì và đó là lời kêu gọi mọi người hỏi han bạn rằng chuyện gì đang xảy ra hoặc cho bạn một sự thông cảm chung. Tốt hơn là liên hệ với bạn bè hoặc nhà trị liệu, tìm ra nỗi đau ở đâu và đối phó trực diện với nó. 

8. Bạn có hay than vãn, phàn nàn nhiều không?

Tất cả chúng ta đều có những ngày khó khăn, nhưng nếu bạn có xu hướng tập trung vào điều tiêu cực hoặc phàn nàn quá mức, điều này cũng có thể có tác động tiêu cực đến mọi người. Bạn chỉ thấy phần tồi tệ nhất của câu chuyện thôi ư? Hay là bạn cứ thường hay nói câu "Ừm đúng vậy, nhưng..."? Bạn có cảm thấy như bạn tuôn tràn năng lượng đến mọi người hay là bạn hút kiệt năng lượng của họ?

Photo by Neonbrand on Unsplash

9. Bạn có “cướp diễn đàn” trong cuộc trò chuyện không?

Nó có thể là bạn đang cố gắng để kiểm soát những lo lắng của riêng bạn hoặc cố gắng làm hài lòng hoặc mua vui cho người khác bằng cách nói huyên thuyên dài dòng. Có lẽ bạn có những lúc khó lắng nghe người khác, hoặc có thể bạn đang nghĩ về những gì bạn sẽ nói trong khi họ đang nói. Nếu bạn nghĩ những gì bạn nói là thú vị hoặc quan trọng hơn, hoặc nếu bạn ngắt lời người khác nhiều lần, đây cũng có thể là một cách để bạn kiểm soát sự bất an. Những trò đùa vô duyên dựa trên giới tính hoặc chủng tộc là cách độc hại để chiếm diễn dàn. 

10. Có phải bạn bè của bạn đang dần lặn mất tăm hơi không?

Có lẽ bạn đã học được cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu của bạn là khôn lỏi, trí trá hoặc thao túng mọi người. Có lẽ bạn không đối xử tử tế hoặc tôn trọng với người khác. Bạn có hạ thấp người khác, trêu chọc biệt danh họ, hoặc khinh thường họ? Có lẽ bạn đưa ra những tuyên bố phán xét quá mức, các lời dọa nạt hoặc nhận xét ngầm gây hấn. Có lẽ bạn thường mắc phải một trong các hành vi được liệt kê ở trên. Nếu bạn thấy rằng nhiều mối quan hệ của bạn tự nhiên đùng đùng kết thúc đột ngột, có thể có một vết thương cần chữa lành ở đó. 
Nhiều trong số những hành vi này có thể được truy trở lại do chấn thương tâm lý hoặc tổn thương do dính mắc tình cảm. Những nguyên nhân này không thể bao biện cho hành vi, nhưng tìm ra vấn đề gốc có thể giúp ích cho sự chữa lành. 
Chúng ta có xu hướng trở nên bạo lực và độc hại bởi vì chúng ta đã từng bị bạo hành và bị ngược đãi. Một nhà trị liệu lành nghề sẽ có thể giúp bạn tìm ra tổn thương và thay đổi những hành vi này. Hãy nhớ rằng ngay cả khi bạn đã là nạn nhân, những hành vi này là thủ phạm của các cảm xúc đó. Một vài chuyện trong quá khứ của bạn có lẽ không phải là lỗi của bạn, nhưng bây giờ bạn là người duy nhất có thể đi trên con đường chữa lành. Thậm chí chỉ cần có nhận thức về các lĩnh vực bạn có thể cải thiện, đó có thể là điểm khởi đầu để thay đổi. Đây là lúc để chữa lành và có các mối quan hệ lành mạnh và phát triển.

Người dịch: Anh Đào Lê - Review: Phạm Đại Bàng
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing 
Về Compassion: www.compassion.vn/about