Làm thế nào để trở thành người xuất chúng nhất trong một lĩnh vực nào đó?
Với một bộ các kỹ năng, bạn không cần là người giỏi nhất để trở nên xuất chúng. Hãy xem xét trường hợp của các cầu thủ bóng rổ Nhà...
Với một bộ các kỹ năng, bạn không cần là người giỏi nhất để trở nên xuất chúng.
Hãy xem xét trường hợp của các cầu thủ bóng rổ Nhà Nghề Mỹ (NBA). Phần lớn họ đã bắt đầu mài giũa các kỹ năng bóng rổ của mình từ khi còn rất nhỏ. Họ dành nhiều năm trời để luyện tập, tham gia các trại tấp huấn, thi đấu hàng trăm trận để phát triển các kỹ năng ném rổ, dẫn bóng, chuyền, phòng thủ, và các kỹ năng hỗ trợ để có thể thành công trong bóng rổ.
Tuy nhiên, tỉ lệ thành công cho việc trở thành một vận động viên (VĐV) bóng rổ Nhà Nghề Mỹ là cực thấp. Giải đấu có tất cả 30 đội với 15 VĐV mỗi đội, vị chi là 450 người trên tổng số 500,000 VĐV đang chơi tại các giải bóng rổ trẻ. Nhẩm tính thì chỉ có 1 trên 1000 VĐV có thể đi tiếp trên con đường chuyên nghiệp.
Vậy nên hãy thực tế. Rằng bạn sẽ không được chọn vào NBA. Rằng bạn sẽ không trở thành Tổng Thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Bạn cũng sẽ không là nhà văn vĩ đại, kiện tướng cờ vua hay là nhà hùng biện hàng đầu thế giới. Sẽ luôn có một ai đó chăm chỉ hơn, có tài năng thiên bẩm hơn, gặp nhiều may mắn hơn, hoặc là sở hữu tất cả những điều đó.
Cố gắng để trở thành người giỏi nhất ở một lĩnh vực hay kỹ năng nào đó không phải là con đường thông minh nhất để thành công. Thay vào đó, bạn nên nỗ lực để phát triển một nhóm các kỹ năng khác nhau. Giải pháp này được gọi là kỹ năng xếp chồng, một khái niệm được phát triển bởi Scott Adams. Dưới đây là cách thức hoạt động của nó.
Căn Bản
Nhiều năm trước, một người bạn của tôi đang chuẩn bị cho kỳ thi GMAT. Cậu ta hi vọng rằng mình có thể đậu vào một trong số những trường đại học hàng đầu, và việc đạt điểm cao trong kỳ thi là bước quan trọng trong quá trình đó. Lựa chọn số một của anh ta là Stanford, nơi chỉ chấp nhận 6% tổng số các ứng viên. Điều này nghĩa là anh ta cần đạt tối thiểu ở phân vị thứ 94 để có cơ hội được nhận
Đến ngày thi, anh ấy rất lo lắng và hồi hộp. Cậu ta ngồi trước máy tính trong phòng thi và nhìn đồng hồ. Một phút trước giờ thi. Hai mươi giây. Một giây. Bắt đầu.
Sau bốn tiếng căng thẳng, cậu ta hoàn thành bài thi. Tuy nhiên cậu ta cũng không kịp nghỉ ngơi bởi kết quả bài thi xuất hiện ngay sau đó: Cậu ấy đạt phân vị 90 trong phần thi toán và phân vị 95 trong vần thi viết. "Vậy là mình ở phân vị thứ 92 à?". Trái tim cậu ấy trĩu lại. Phân vị 92 là không đủ. Tạm biệt Stanford.
Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ lại, cậu ấy phát hiện một điều khác: Tổng điểm của cậu ta đạt phân vị 98. Gì vậy? Sao điều này lại có thể xảy ra?
Hóa ra phần lớn những cái đầu-toán lại khá tệ với từ ngữ, ngược lại những người giỏi viết lách lại không thoải mái lắm với số thập phân. Vậy là mặc dù bạn tôi không phải là người đạt điểm cao nhất trong mỗi phần thi, anh ta lại một trong số những người có thứ hạng cao nhất khi xét trên tổng điểm.
Đó là cách kỹ năng xếp chồng vận hành. Sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn khi sở hữu nhiều kỹ năng khác nhau nằm trong top 10% so với việc nằm trong top 1% chỉ với một kỹ năng chuyên biệt. Hãy nhìn vào biểu đồ sau:
Hình 2: Trong biểu đồ này, mỗi đỉnh thể hiện một kỹ năng. Lọt vào top 10% (vùng xanh lá) của hai kỹ năng dễ hơn nhiều so với việc trở thành người giỏi nhất của chỉ một kỹ năng. Hai đường cong này không chồng lấn nhiều, nghĩa là phần lớn mọi người khi giỏi kỹ năng này thì sẽ yếu ở kỹ năng kia.
Đọc thêm:
Ví dụ, nếu như thành phố của bạn có một triệu người, và bạn nằm trong top 10% sáu kỹ năng, có nghĩa là 1,000,000 x 10% x 10% x 10% x 10% x 10% x 10% = 1. Bạn là người giỏi nhất trong cả thành phố sở hữu sáu kỹ năng trên. Giờ hãy thay bằng mười kỹ năng khác nhau? Boom, bạn là người giỏi nhất thế giới sở hữu bộ 10 kỹ năng trên.
Lý tưởng nhất là: Các kỹ năng nên độc nhất và bổ sung cho nhau. Hãy tưởng tượng một người giỏi về hùng biện, gây quỹ, viết lách, thuyết phục, xây dựng network, truyền thông đại chúng, và có sức hút cá nhân. Người này có thể là ai? Một chính trị gia xuất chúng. Những chính trị gia thành công nhất không thực sự giỏi về một kỹ năng cụ thể nào, thay vào đó họ trau dồi một bộ kỹ năng phù hợp để giúp bản thân tỏa sáng.
Hình 3: Ở đây hai kỹ năng thường đi đôi với nhau. Hầu hết những người giỏi ở kỹ năng này cũng thể hiện xuất chúng ở kỹ năng còn lại. Do đó bạn sẽ khó nổi bật hơn so với việc sở hữu hai kỹ năng khác biệt nhau.
Nguyên tắc này áp dụng trên tất cả các lĩnh vực. Một nhà văn sở hữu kỹ năng viết văn xuôi hàng đầu, nhiều khả năng sẽ không thành công bằng một người với kỹ năng viết ổn, nhưng lại biết cách xây dựng thương hiệu, có khả năng viết nhanh, diễn thuyết tốt trước công chúng và biết cách giao tiếp, ngoại giao với những nhân vật quan trọng từ các Nhà Xuất Bản.
Sử Dụng Kỹ Năng Xếp Chồng
Diễn giả self-help Gary Vaynerchuk là một ví dụ hoàn hảo về sử dụng kỹ năng xếp chồng. Anh ta có 5.5 triệu người theo dõi trên Instagram, gần 2 triệu người theo dõi trên Twitter, gần 2 triệu Youtube subscribers, và một trang blog mà mọi người xem nó như kinh thánh. Ở những nền tảng trên, bạn có thể tìm thấy nhiều nội dung chất lượng, tuy nhiên chúng cũng không phải quá là đặc biệt. Bí mật khiến cho Vaynerchuk trở nên khác biệt chính là bộ kỹ năng xếp chồng của anh ta: Anh ấy không chỉ viết lách giỏi mà còn hiểu biết về truyền thông, giỏi hùng biện và biết cách làm thương hiệu cá nhân. Điều này đã giúp anh ta trở thành một trong những diễn giả self-help hàng đầu thế giới.
Nguyên tắc trên cũng có thể thấy ở Steve Jobs. Trái tim trong bộ kỹ năng xếp chồng của Jobs là đam mê với thiết kế, font chữ, bao bì và kiến trúc. Ông ấy bị ám ảnh với giao diện và trải nghiệm của sản phẩm. Steve chưa bao giờ người thiết kế giỏi nhất thế giới, nhưng qua thời gian, ông ta đã phát triển sự hiểu biết sâu sắc về một thiết kế thành công. Steve sau đó kết hợp kỹ năng thiết kế của mình với nhận thức về thứ khách hàng mong muốn, kiến thức về công nghệ, đầu óc chiến lược, kỹ năng bán hàng, khả năng thu thập thông tin từ nhân viên và kỹ năng kinh doanh. Cùng với nhau, những kỹ năng này đã giúp Steve và Apple tạo nên các công nghệ tiên tiến cũng như những thiết kế có một không hai.
Đọc thêm:
Đâu Là Bộ Kỹ Năng Của Bạn?
Các kỹ năng trong bộ kỹ năng của bạn nên tương trợ cho nhau, nhưng cũng không được quá giống nhau. Ví dụ, nếu bạn có kỹ năng làm báo nằm trong top 1%, thì cho dù kỹ năng viết lách của bạn nằm trong top 1% đi nữa cũng sẽ không tạo nên quá nhiều khác biệt. Phần lớn những nhà báo hàng đầu đều là những tay viết cự phách. Điểm khác biệt của bộ kỹ năng xếp chồng là các kỹ năng không chỉ bổ trợ cho nhau mà còn đủ đa dạng để làm bạn nổi bật so với người khác.
Những kỹ năng tốt nhất để lựa chọn là các kỹ năng tưởng chừng không liên quan, nhưng hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Ví dụ, các kỹ sư thường không được biết đến là các diễn giả giỏi, vì vậy những ai sở hữu kỹ năng này có lợi thế rất lớn trong sự nghiệp. Con đường hình thành bộ kỹ năng xếp chồng của tôi đã được kể lại ở TEDxTalk với tiêu đề: "Tại sao những câu chuyện lại khiến ta say mê?"
Khi tôi còn nhỏ, bố tôi, một người làm việc trong ngành quảng cáo đã dạy tôi tất cả những gì ông ấy biết về cách kể chuyện (storytelling). Tôi lớn lên cùng niềm đam mê ấy và đã dành nhiều thời gian để học cách tạo nên các câu chuyện. Về sau khi trở thành một sinh viên ngành kỹ thuật, tôi mong muốn hiểu cách mọi thứ được tạo ra. Tuy nhiên khi tìm hiểu về chúng, tôi nhận thấy các chuyên gia chỉ đưa ra những công thức cứng nhắc về cách chế tạo sản phẩm mà không giải thích tại sao. May mắn thay, thông qua công việc thiết kế sản phẩm trực tuyến, tôi đã được học rất nhiều về các kinh nghiệm và tâm lý học trong thiết kế, từ đó tôi có thể tạo ra những câu chuyện có cấu trúc phù hợp với cách hoạt động của bộ não chúng ta. Một thập kỷ trước, tôi bắt đầu đến với Toastmasters để học thêm kỹ năng hùng biện bởi tôi quá sợ hãi về nó.
Tôi chỉ là một trong số rất nhiều người trên thế giới có kiến thức về kể chuyện, thiết kế, và tâm lý học để có thể kết nối cả ba phạm trù trên. Tuy nhiên trong số những người đó, rất ít người sở hữu mindset về kỹ thuật để có thể giải mã vấn đề. Và trong số ít đó, chỉ một phần rất nhỏ là đủ năng lực để diễn thuyết trước đám đông và biến những lý thuyết khô khan thành nội dung một buổi TEDxTalk.
Hình 4: Sự kết hợp các kỹ năng trên là rất hiếm: Thông thường các kỹ sư không biết nhiều về thiết kế và tâm lý học. Một số nhà thiết kế biết về tâm lý học nhưng không nhiều. Rất ít trong số họ biết về diễn thuyết trước đám đông và kể chuyện - những kỹ năng thường đi đôi với nhau.
Hãy làm phẳng đồ thị trên và nhìn từ trên xuống.
Hình 5: Mặc dù tôi không nằm trong vùng vàng-đỏ của tất cả các kỹ năng trên, rất ít người nằm ở vùng giao thoa giữa các kỹ năng đó.
Bài học: Ngưng cố gắng trở thành người giỏi nhất trong một lĩnh vực nào đó nếu bạn không muốn phải thất vọng. Thay vào đó hãy tự hỏi bản thân: Tôi cần làm gì để trở nên nổi bật? Bộ kỹ năng cần thiết nào mà tôi cần phát triển để đạt được điều đó? Và liệu tôi có đam mê với phần lớn - hoặc ít nhất một vài kỹ năng trong bộ kỹ năng trên?
Không cần phải xuất sắc ở một kỹ năng nào đó - những gì bạn cần là thành thạo một bộ các kỹ năng. Khi những kỹ năng đó kết hợp lại với nhau, bạn sẽ là độc nhất.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất