Tôi là người yêu tiếng Anh nhưng căm thù IELTS. Nhưng tôi đã phải thi IELTS ba lần để du học. Hai lần như ý, một lần bất như ý. Một dân chuyên ngữ như tôi mà thi IELTS hỏng là điều khó tin được. Điều này khiến tôi rất hoang mang. Tôi đã phải tìm kiếm khắp nơi để điều tra ra sự thật về IELTS. Thêm vào đó, tôi đã dạy Anh văn  và nghiên cứu về Anh văn hàn lâm 15 năm. Bởi thế, tôi tự tin để nói về chủ đề Anh văn hàn lâm (Academic English) và vấn đề thi IELTS. Hãy xem thêm các bài của tôi trên YOUTUBE để tìm hiểu cách làm bài thi IELTS đạt điểm cao nhất (trong năng lực của mình).

CƠN SỐT IELTS

Luyện thi và điểm thi IELTS đã trở thành một cơn sốt. Ngay cả những cụ già 80 ở quê tôi, những bà quanh năm bán rau muống cũng nhắc đến mấy từ này. Nhưng thực sự hiểu sâu về nó lại không hề đơn giản.

1. Thi IELTS  không có đỗ và trượt. Nó là một tấm giấy chứng nhận năng lực sử dụng và hiểu biết tiếng Anh (skills and knowledge) của bạn ở ngưỡng nào. Đương nhiên chỉ là tương đối chính xác. Chính xác trong mức độ của một bài thi. Đo lương năng lực con người qua một bài thi thì dù chuẩn đến đâu cũng luôn chỉ là tương đối. Do các dịch vụ khảo thí của địa phương (Việt Nam) không đủ tin cậy, IELTS bỗng nhiên trở thành một dịch vụ hốt bạc. Mỗi năm, riêng ở Việt Nam, họ đã kiếm mấy chục ngàn tỷ đồng.

2. IELTS là chứng chỉ chứng mình năng lực ngoại ngữ phục vụ du học. Hẳn nhiều người biết vậy. Nhưng IELTS sốt cũng là do nhiều trường ĐH ở ta đã tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS. Trường Ngoại thương, Ngoại giao, Ngân hàng, Tài chính, Kinh tế Quốc Dân…còn đưa ra quy chế: Hễ có điểm IELTS trên 6,5 thì coi như các điểm thi học kỳ môn tiếng Anh đã được 10 điểm từ năm thứ nhất đến năm cuối. Một số trường top 10 ở Việt Nam còn không chấp nhận khung điểm 6 bậc châu Âu (A2,B1,B2…), họ đòi hỏi phải có IELTS 6.0 mới cho học viên nhận bằng tốt nghiệp cuối khóa.

SỰ THẬT ĐAU LÒNG VỀ IELTS

1. Xét lợi ích lâu dài ngoài việc ăn điểm số, bài thi IELTS không thực sự bám sát các kỹ năng giảng đường ĐH nước ngoài. Tuy bài Writing Task One khá hữu dụng cho cuộc sống học đường nhưng như thế là quá ít ỏi. Những kỹ năng quan trọng khác của sinh viên ưu tú như Summarizing, Synthesizing, Paraphasing, Note-taking, Classifying đã không được chú trọng như bài thi khảo thí TOEFL iBT. Trớ trêu thay, dân mình không khoái thi trên mạng, lại xa lạ với các kỹ năng của TOEFL iBT nên đã đổ xô sang IELTS vì chứng chỉ IELTS lại có thể nhanh chân móc nối được với hơn 3000 trường ĐH trên thế giới. IELTS đã nhanh chân mở rộng biên độ tiếp cận của nó ngay trên nước sở tại và các trường quốc tế. Ép cho TOEFL gần như biến mất khỏi Việt Nam mấy năm nay. Bài thi Task Two trong Writing của IELTS chẳng có liên quan gì mấy đến đời sống giảng đường và việc nghiên cứu học thuật đường dài của người học. Vì đó là một bài thi ngắn tức thời, người thi không đủ thời gian để đưa ra số liệu thống kê, không có điều kiện để đưa dẫn chứng minh họa cho ý tưởng. Bài thi đó rõ ràng không đo được nhiều phẩm chất và năng lực của thí sinh so với bài viết của TOEFL.

2. Giống như người học võ, thời gian để anh ta luyện cơ, xương, gân chiếm quá 2/3 tổng thời gian tu học. Một môn sinh Thiếu Lâm Tự mất 3 đến 5 năm để gánh nước, bổ củi, quét sân để luyện sự dẻo dai và sức bền thể lực. Luyện IELTS hay TOEFL cũng thế, đi đúng hướng là phải tu luyện tiếng Anh cho chắc và vững chứ không phải nhảy bổ vào luyện chiêu thức. Điều này, vì lợi ích kinh doanh, các trung tâm và các thầy IELTS không bao giờ nói ra cho bạn.

3. Ở đâu hứa hẹn đầu ra mấy chấm cũng là tà giáo. Vì đầu ra phụ thuộc đầu vào và phẩm chất của học viên. Học viên lười, tư duy chậm, không nghiêm túc thì không thể bì với học viên chăm và nhanh và nghiêm cẩn trong học tập. Tóm lại hứa hẹn đầu ra, bí quyết siêu việt, chỉ là những câu nói của dân marketing. Thực sự việc học luôn phụ thuộc 70% vào nỗ lực của người học và chỉ 30% phụ thuộc điều kiện bên ngoài.

4. Và bí mật động giời nữa: Luyện thi IELTS chẳng có bí mật gì to tát. Có nhưng ít. Nếu tiếng Anh giỏi, bạn chỉ cần 4 hoặc 2 tuần để luyện là quá đủ. Làm nhiều tự khắc quen, khắc giỏi. Các trung tâm thường cường điệu lên để câu mồi học viên mà thôi. Bạn chỉ nên xem và hỏi về các bí mật thi IELTS khi bạn đã sẵn sàng. Thế nào là đã sẵn sàng? Đó là có nhiều, thuộc nhiều cụm từ học thuật, cách diễn đạt hàn lâm, tiếng Anh tổng quát đã ở ngưỡng B2, B1.

5. Luyện IELTS có thể chia làm hai giai đoạn. Một là giai đoạn học bình thường, thủng thẳng. Hai là giai đoạn học nước rút. Thủng thẳng học thì nên là 2 năm. Nước rút thì nên là một hoặc hai tháng. Hai năm đó bạn phải học thật nhiều tài liệu hàn lâm (các bài báo khoa học, các bài giảng của giáo sư, các bài diễn văn,). Hai năm đó, bạn đọc và nghe thật nhiều, chừng 70% thời gian học. Nói và viết chỉ nên 30% thời gian thôi. Vì sao thế? Vì nghe nhiều thì khắc giỏi nói. Đọc nhiều thì khắc giỏi viết. Làm thế nào cũng được, miễn là có được nhiều cụm từ vựng hay cao cao cấp trong đầu. Và từ đó, bước vào giai đoạn nước rút. Đó là học cách viết bài thi IELTS, cách làm bài nói IELTS, cách xử lý bài đọc IELTS, làm trực tiếp bài thi mẫu, có tính giờ.

___000___

Tôi đã thi IELTS ba lần. Hai lần như ý, một lần bất như ý. Một dân chuyên ngữ như tôi mà thi IELTS hỏng là điều khó tin được. Điều này khiến tôi rất hoang mang. Tôi đã phải tìm kiếm khắp nơi để điều tra ra sự thật về IELTS. Thêm vào đó, tôi đã dạy Anh văn  và nghiên cứu về Anh văn hàn lâm 15 năm. Bởi thế, tôi tự tin để nói về chủ đề Anh văn hàn lâm (Academic English) và vấn đề thi IELTS. Hãy xem thêm các bài của mình trên YOUTUBE.