------dạy HỌC------
Mình cố tình để tiêu đề như thế vì mình nhận ra việc dạy là qúa trình tích luỹ kiến thức và phát triển bản thân hiệu quả nhất. Mình...
Mình cố tình để tiêu đề như thế vì mình nhận ra việc dạy là qúa trình tích luỹ kiến thức và phát triển bản thân hiệu quả nhất. Mình học là "1 kiến thức" nhưng khi trao đi thì mình cần có rất nhiều kiến thức khác để dựa lưng để truyền tải và giải thích được "1 kiến thức" đó. Mình là một người dạy nghiệp dư và chỉ dạy những kỹ năng mình đang có, đủ kinh nghiệm chia sẻ nhưng vẫn gặp vài trường hợp làm mình phải học lại.
- Giải thích về khái niệm và đưa ra ví dụ. Người học chưa có kiến thức hay khái quát được vấn đề nên trách nhiệm của người dạy là truyền đạt một cách sinh động, dễ hiểu nhất và đưa ra ví dụ. Nhưng quá trình từ việc hiểu trong não sang giải thích, truyền tải bằng lời là không đơn giản. Nhiều trải nghiệm rất ư là trừu tượng hoặc nhiều định nghĩa có nhiều tầng nghĩa mà bạn không thể rút gọn trong 1, 2 câu được. Sự thật là mình không thể giải thích được những tác động tích cực của thiền nếu chưa bao giờ làm qua, và để diễn giải bằng lời sau khi trải nghiệm cũng không dễ. Đơn giản đó là việc hít vào thở ra nhưng nó cũng có những xúc cảm khác trên thân và tâm mà khó để miêu tả rõ nếu không đào sâu nghiên cứu.
- Kiến thức cần được xác minh. Mình rất sợ sẽ đưa thông tin sai, không chính xác nên mình luôn cần tự học và nghiên cứu khá nhiều để kiểm tra lại, đối chiếu các thông tin. Nói đơn giản là việc mình dạy tiếng Anh và khi phát âm thì mình luôn cần đối chiếu lại nhiều từ đơn giản vì mình muốn đảm bảo mọi thông tin đều chính xác. Mình hiểu hậu quả nghiêm trọng của việc phát âm sai từ đầu hay nhầm lẫn khái niệm, thông tin từ việc đi học. Đương nhiên quá trình kiểm tra thông tin không thể đảm bảo 100% tuyệt đối chính xác nhưng mình sẽ hạn chế những sai lầm nghiêm trọng.
- "Các bạn có câu hỏi gì không?" - đây là câu mình vừa vui khi nói cũng như vừa lo vì mình lo có những câu hỏi không giải đáp được hay câu hỏi hóc búa quá, nhưng hơn cả là mình vui vì đươc đào sâu thêm kiến thức. Ví dụ như việc mình thường được hỏi về sự khác nhau giữa các từ mà trước đây mình không phân biệt rõ được , khá mơ hồ thì nhờ vào các bạn học sinh mà mình được đi tìm kiến thức.
- Nhận ra những thiếu xót, lỗ hỏng của bản thân. Mình hiểu những "nỗi sợ", "lo lắng", "không chắc" của mình là vì mình biết nền tảng kiến thức của mình chưa vững và đủ độ bám để vươn cao lên, nên làm mình tìm hiểu nghiên cứu học hỏi nhiều hơn. Mình chưa bao giờ thấy việc học cần thiết như lúc đi giảng bài, bạn không học tốt và nghiên cứu hời hợt thì bạn sẽ nhận ra hậu quả rõ rệt lúc bạn giải thích gì đó. Đó không phải là nhận định từ người ngoài rằng bạn không giỏi, mà nó xuất phát từ chính bản thân bạn, từ chính sự "không an toàn" của bạn.
- Mình nhớ lâu hơn kiến thức. Nếu mình học thứ gì mới thì luôn cố giải thích cho người khác và sự hỏi đáp qua lại làm mình hiểu kiến thức sâu hơn. Kiến thức nếu chỉ trong não thì sẽ dễ bị sự tự phục làm che mờ, tạm chấp nhận kết quả mà không đào sâu. Nhưng khi bạn giải thích mà cảm giác người ta không hiểu, "ánh mắt của sự lạc trôi" sẽ khiến bạn phải nói nhiều hơn đến khi cảm nhận được "ánh mắt sáng và sự à". Quá vi diệu phải không khi càng chia sẻ thì mình càng nhận được nhiều hơn và hãy thử giảng bài cho một người bạn trong mùa thi nhé. Kiến thức mà bị giấu, bị nhốt để xài một mình thì không phát huy được tác dụng đâu, có khi còn bị nhốt kín không mở được lúc cần đó.
Nguồn: @williamnavarro từ trang unsplash.com
Mình hy vọng ai cũng có thể giải phóng được kiến thức và tìm ra sự tự do trong việc học như bức ảnh trên. Nhớ nhé, Học, học nữa, học mãi, học chết bỏ !
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất