Trước mặt tôi là một chiếc laptop, một chiếc điện thoại, hai quyển sách, một cốc cà phê, và một buổi trưa chớm đông. Tôi đang ngồi ở ban công tầng hai của một quán cà phê vắng khách. Lẽ ra giờ này tôi đang cần mẫn gõ báo cáo cho công việc của ngày hôm qua, nhưng chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cộng với thời gian rảnh rang của ngày thứ Bảy bảo tôi là không cần vội. Tôi lơ đễnh cầm điện thoại lên chụp một tấm ảnh ngờ nghệch của chính mình năm hai mươi tám tuổi, miên man suy nghĩ về dòng trạng thái mà tôi sẽ đăng. “Để caption là “Tuần sau đi sự kiện rồi mà tuần này lỡ tự tay cắt hỏng tóc mái” thì có ổn không nhỉ?”
Tuần sau đi sự kiện rồi mà tuần này lỡ tự tay cắt hỏng tóc mái >.<‘
Tuần sau đi sự kiện rồi mà tuần này lỡ tự tay cắt hỏng tóc mái >.<‘
“Con ơi, về ăn cơm!” – Tiếng gọi từ nhà hàng xóm của quán cà phê chợt vang lên. Giọng của một người cha, khoảng gần bốn mươi tuổi. Tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần thì đã thấy tim mình hẫng đi một nhịp. Như thể thế vẫn là chưa đủ, một dòng xúc động trào lên trong mắt, lăn xuống má. Tôi biết, tôi cũng bất ngờ như bạn khi bạn đọc đến đây vậy.
Thì ra là, câu gọi ấy gần như ngay lập tức đưa tôi trở về một quãng ký ức đã phủ bụi mờ, ngày bố tôi vẫn còn sống. Hơn hai mươi năm trước, tôi từng là một đứa trẻ không bao giờ chán bày trò ra chơi, kể cả chơi với bạn hay chơi một mình. Có những ngày tôi mải mê chơi đồ hàng, nhảy dây, ô ăn quan ở nhà hàng xóm, quên cả giờ cơm. Tiếng mẹ gọi vọng qua con ngõ, to đến mức cách năm cái nhà cũng nghe được: “Lê ơi, về ăn cơm!” “Vâng ạ!!”- Tôi cũng hét lên đáp lời mẹ, và lạch bạch chạy về lấp cho đầy cái bụng đói để nạp năng lượng cho những trò vui con nít của buổi chiều.
Ngày ấy, tiếng gọi “về ăn cơm” là một phần không thể thiếu trong những buổi trưa cuối tuần khi tôi không phải đến trường. Thế giới của những đứa trẻ con trong xóm tôi thời đó chỉ cần quanh quẩn ăn cơm, đi chơi, ăn đòn, đi học, thế là đủ. Tôi nhớ món rau muống luộc, cá kho, cà muối, đậu sốt, thịt đông, canh cua, tóp mỡ – những món ăn cơ bản của một gia đình cơ bản của một vùng quê Bắc Bộ giáp biển cũng cơ bản nốt. Giờ đây, khi thời gian và khoảng cách, cùng với những lo toan bộn bề của tuổi trưởng thành đã làm mờ nhạt tất cả, thì câu mẹ gọi và hương vị đặc biệt của những món ăn ngày ấy lại trở thành một điều thật xa xỉ. Một cảm giác hoài niệm chất chứa cả sự chăm bẵm bao bọc của bố mẹ. Thật lạ lùng làm sao khi mà chỉ một câu nói có thể gợi nhắc tôi nhớ lại chính xác thời gian, địa điểm, mùi vị, thanh âm, cảm xúc của một thời thơ bé.
Cũng tự làm được nhưng mẹ nấu ngon nhứt :&lt;
Cũng tự làm được nhưng mẹ nấu ngon nhứt :<
Người ta thường bảo hãy sống cho hiện tại thay vì nghĩ mãi về quá khứ. Nhưng tôi không dừng được việc ôm ấp những kỷ niệm đẹp của ngày xưa. Bằng một cách nào đó, quá khứ không chỉ là nơi để nhớ về, mà còn là sợi dây nối liền tôi với chính bản thân mình, cho tôi những rung cảm rõ nét nhất, cho tôi biết mình đã và đang sống như thế nào. Con người ta đâu thể cứ thế sống qua ngày mà không nhìn lại những gì đã trải qua. Cảm ơn người hàng xóm đã cho tôi nghe lại một lát cắt của những ngày chìm đắm trong vòng tay yêu thương, vô lo và trọn vẹn đến nhường nào.