Gần đây công ty có nhiều bạn trẻ mới vào. Ngồi cạnh các bạn ấy khiến mình có dịp suy ngẫm thêm về công việc :) . Sau một hồi suy ngẫm thì mình có cảm giác với những người đi làm, không kể cũ mới, đôi khi guồng quay công việc diễn ra quá nhanh khiến cho người ta trở nên mơ hồ với một vài điểm mấu chốt :)

Chúng là gì?

I) Không có công việc nào mà không hề có sự đơn điệu/ lặp đi lặp lại

Hãy bắt đầu một cách đơn giản, thử nghĩ nếu có toàn bộ quyền năng, không bị giới hạn bởi bất kỳ điều gì trên thế gian này, bạn sẽ chọn làm công việc của ai?
  • Mark Zukerberg?
  • Barack Obama?
  • Adrew Ng (chuyên gia Trí tuệ nhân tạo)?
  • C. Ronaldo (cầu thủ đá bóng)?
  • Lee Min Ho (diễn viên điện ảnh) ?
Uh, làm những công việc được mọi người ngưỡng mộ, luôn được săn đón như những người nổi tiếng ở trên là nhất rồi. Hãy coi rằng những trường hợp ở trên là đỉnh cao của nghề nghiệp đi, công việc của họ chắc hẳn tràn ngập những điều thú vị và chẳng bao giờ nhàm chán đâu nhỉ?
vector-famous-people

Nhưng có thật vậy không?
Thử nghĩ sâu một chút mà xem. Ở những vị trí cao và với tầm nhìn mang tính dẫn dắt thời đại, bạn sẽ phải thường xuyên đọc báo cáo hằng ngày, họp hành hằng ngày, liên tục tự giả lập trong tâm trí bạn các mô hình tương lai, các phương án có thể xẩy ra. … Zukerberg không thể tránh được các công việc lặp lại đó, chưa nói đến việc phải chuẩn bị cho những việc dù không thích nhưng buộc phải làm như Điều trần trước Quốc hội về dữ liệu người dùng, tiếp tục lên kế hoạch và thực hiện các biện pháp để những điều bất như ý tương tự sẽ không xẩy ra. Obama cũng thường xuyên phải họp hành, giải trình, giải thích, vận động người dân và các chính trị gia khác, nhiều lần phải đối phó lặp đi lặp lại với các tình huống xả súng thảm sát, đe doạ đóng cửa chính phủ, v.v. … Bác Andrew kể cả có tránh được nhiều cuộc họp thì chắc chắn không thể tránh được việc thường xuyên làm báo cáo, thường xuyên chạy thử và tinh chỉnh, debug lặp đi lặp lại vô vàn các mô hình máy học của bác. Các cầu thủ hay diễn viên điện ảnh thì sẽ không cần báo cáo, nhưng chẳng cầu thủ đỉnh cao nào mà không phải lặp đi lặp lại chế độ luyện tập hằng ngày, cũng như chẳng diễn viên nào mà không phải học đi học lại lời thoại, lặp lại các diễn xuất cho thuần thục cả.
Thomas Edison And His Big Bulb

Mình thì chưa biết đến các thống kê chính xác nhưng những tác vụ lặp lại và bị dán nhãn đơn điệu như: theo dõi, thống kê, chạy test, sửa lỗi, đọc các loại quy định/hướng dẫn, đọc các đoạn email/ chat chit dài ngoằng, thu thập thông tin để làm báo cáo và nhận báo cáo, họp hành … ấy chắc chắn chiếm ko dưới 50% công việc hằng ngày của một dân IT công sở :)
Rốt cuộc, hãy nhớ lại Eddison đã nói “thiên tài là 1% sáng tạo và 99% mồ hôi nước mắt”. Và mặt khác, xã hội chúng ta đang đi theo hướng chuyên môn hoá các ngành nghề phải không. Thế thì ai trong chúng ta cũng đang làm các công việc “chuyên môn”, “chuyên” làm đi làm lại những thứ mà chúng ta được thuê để làm phải không?
Như thế, các tác vụ đơn điệu và lặp lại là không thể tránh khỏi.
Và còn bất ngờ hơn,
II. Những thứ đơn điệu hóa ra ko chỉ tất yếu, mà còn rất quan trọng
Đã quá lâu, các phương tiện truyền thông kể cho chúng ta một câu chuyện cổ tích rằng chỉ cần bạn Biết đúng kỹ năng, Thấy đúng vấn đề, Có đúng ý tưởng và Hành động đúng thời điểm là Thành công sẽ đến như một tất yếu. Những thứ đơn điệu hoàn toàn không có mặt trong một câu chuyện thành công.
Trên thực tế,  mọi thứ rất khác, như Eric Ries đã chỉ ra.
“Tại sao nhiều người lại tin câu chuyện này như vậy? Tôi nghĩ có điều gì đó vô cùng lôi cuốn nơi câu chuyện đổi đời thời hiện đại này. Câu chuyện khiến thành công dường như là điều không thể không xẩy ra, chỉ cần bạn làm đúng những thứ cần làm. Câu chuyện cũng hàm ý những quyết định nhàm chán, những lựa chọn cá nhân nho nhỏ không thành vấn đề …Sau hơn chục năm kinh doanh, tôi đã dần loại bỏ được lối suy nghĩ đó. Tôi đã học hỏi được từ cả thành công lẫn thất bại của mình và của người khác rằng chính những điều kém thú vị mới đóng vai trò quan trọng bậc nhất.”
Tạm kết:
 Ít nhất, khi mà AI vẫn chưa thực sự có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống và thay thế con người với tư cách là lực lượng lao động sáng tạo chủ yếu, dù ta làm nghề gì đi chăng nữa thì những tác vụ đơn điệu và lặp đi lặp lại vẫn chiếm phần lớn và chiếm phần quan trọng trong công việc hằng ngày của chúng ta. Đó là sự thật sớm hay muộn ta cũng sẽ phải nhận ra và đối mặt.
 Điều đó làm câu hỏi sau đây trở nên quan trọng:
    “Chúng ta có thể có thái độ như thế nào với các tác vụ đơn điệu này?”
Trong bài tiếp theo, mình thử đưa ra vài hình dung về câu trả lời cho câu hỏi nêu trên.