Trong tình yêu, việc cãi vã là điều mà dường như ai cũng chấp nhận như một điều không thể tránh khỏi. Một lý do phổ biến nhất được mọi người đưa ra là vì chúng ta khác nhau. Đúng, nhưng điểm khác nhau nào đứng đằng sau những cãi vã ấy? Đây lại là khía cạnh mà ít ai đào sâu tới, mặc dù nó lại có tầm quan trọng đủ để quyết định sự bền vững của một mối quan hệ.

Phụ nữ sợ cô đơn, đàn ông sợ mất mặt. 

Dù nghe bề ngoài thì mỗi mâu thuẫn xảy ra giữa 2 người là vì 1 lí do khác nhau, nhưng khi nhìn nhận tận gốc của vấn đề, tất cả đều là do nhu cầu nền tảng của cả hai không được đáp ứng: Phụ nữ muốn được kết nối, còn đàn ông thì muốn thể diện. Tại sao lại như vậy? Mọi thứ đều được bắt nguồn từ thời xa xưa và được in vĩnh viễn vào bộ não của chúng ta ngay cả ở thời đại phát triển này.
Tự nhiên đã “thiết kế” con đực và con cái một nhiệm vụ riêng. Con đực đi săn mồi, con cái ở nhà chăm con. Vì phải đi tới những nơi nguy hiểm, săn những con mồi to lớn hung dữ, và hoạt động thể chất mạnh mẽ, con đực luôn được tự nhiên ưu ái ban cho những lợi thế về cơ thể để bảo vệ chúng trong quá trình đi săn: da dày hơn, sức mạnh vật lý khỏe hơn, khung xương to hơn. Ngược lại, con cái có da mỏng hơn, sức mạnh vật lý yếu hơn, thể trạng thấp bé hơn. Chính những sự khác biệt này đã hình thành nên nỗi sợ mà chúng ta có ngày nay. 
Là điều rất dễ hiểu khi những cá thể yếu chọn cách tụ tập lại với nhau để sinh tồn, còn những cá thể mạnh thì có thể tự tin một mình một vùng trời. Điều này có thể dễ dàng thấy ở các loài cá bé thường bơi thành đàn, còn những loài cá đứng đầu chuỗi thức ăn thì thoải mái bơi một mình. Như vậy, từ xa xưa con cái đã lựa chọn cách tìm tới những cá thể khác trong bộ tộc, tụ tập lại với nhau để tăng khả năng sinh tồn khi có thú dữ tấn công mà không có con đực bên cạnh. Đó chính là nhu cầu Kết Nối mà phụ nữ có ngày nay. 
Còn con đực, với các lợi thế về thể hình, chúng không có nhu cầu liên kết lại với nhau. Mặt khác, vì chúng chỉ có duy nhất một nhiệm vụ khi ra ngoài là săn mồi, nên nếu không săn được mồi, chúng sẽ trở thành vô dụng. Chúng ta cũng có thể quan sát thấy rõ, trong một đàn động vật (đặc biệt là sói), con đầu đàn luôn là con kiếm được nhiều mồi về nhất cho bầy đàn. Đó chính là nhu cầu về Thể Diện mà đàn ông có ngày nay. 
Khi nhu cầu thiết yếu của mỗi giới bị đe dọa, cố tình hay vô ý, bộ não chúng ta sản sinh ra hệ thống gọi là Chạy-hay-Chống lại (Fight or Flight), hay nói cách khác là lựa chọn né tránh, hoặc phản vệ lại. Khi không né tránh được, thì chúng ta chỉ còn lựa chọn phản vệ, và lúc này những lời mắng nhiếc, cáu bẳn được phát ra, tạo ra sự cãi vã. “Tại sao anh/cô không nghĩ/hiểu được như tôi?”. Kết thúc chương này, các bạn hãy nhớ: Nỗi sợ hãi về mặt kết nối nơi phụ nữ làm dấy lên sự mất thể diện nơi đàn ông, và sự mất thể diện nơi đàn ông lại dẫn tới nỗi sợ hãi về mặt kết nối nơi phụ nữ. 

Không phải vì anh ta không quan tâm.

Các bạn nữ có thấy cảnh này quen thuộc không: khi bạn và anh ấy xảy ra xung đột, anh ấy sẽ nói lại vài câu rồi giận dữ bỏ đi, hoặc giả vờ cắm mặt vào tivi/sách báo/máy tính coi như không nghe thấy bạn nói, hoặc nếu cãi nhau qua tin nhắn thì sẽ im bặt và không liên lạc lại trong một khoảng thời gian. Rồi sau đó các bạn sẽ cho rằng anh ta không quan tâm tới mình nên mới có thể “dễ dàng” bỏ đi/ngó lơ như vậy? 

Oan thay cho các anh, rằng không nhiều chị em hiểu được, phản ứng đó của các anh là hoàn toàn tự nhiên. Và nó cũng hoàn toàn không liên quan gì tới tình yêu của các anh cho các chị cả. Như đã nói ở trên, đàn ông sợ mất mặt, và khi nỗi sợ dâng lên họ sẽ Fight or Flight. Tất cả các lời trách mắng, ca thán của phụ nữ đều làm đàn ông cảm thấy bị mất mặt, ngay cả khi những lời than vãn ấy hoàn toàn không hướng tới đàn ông. Họ cảm thấy bị mất thể diện, bởi họ dịch những lời nói đó của người phụ nữ họ yêu thành những lời như “Anh chưa làm tròn trách nhiệm của một người chu cấp” “Anh là một kẻ thất bại, anh không cho tôi được thứ tôi muốn”. Như vậy hành động bỏ đi hay tạm thời ngưng liên lạc kia chính là hành động Flight – chạy trốn của các anh. Các anh đang muốn né tránh cái cảm giác xấu hổ/mất mặt kia, bởi bộ não nhận định đó là những cảm xúc tiêu cực không tốt cho cơ thể. Tôi xin đưa thêm một ví dụ sau: 
- Anh ơi em lạnh 
- Phòng để điều hòa tận 27 độ còn lạnh cái gì 
Trọng tâm của cô gái muốn nói tới ở đây là thiếu hơi ấm/sự kết nối với người đàn ông mình yêu “Em cần anh”, nhưng bộ não đàn ông của anh ta chỉ chăm chăm nghĩ tới việc “Cô ấy lạnh, tức là mình đã không đảm bảo được cho cô ấy ấm, mình vừa phạm sai lầm”, từ đó sinh ra sự mất thể diện => Fight or flight, và ở đây anh ta đã chọn Fight, tức là nói lại, vặc lại, có lẽ vì đang ngồi trên xe ô tô nên không Flight (chạy trốn) đi đâu được nữa. (Và đây cũng là lí do vì sao khi một người đàn ông bị bắt quả tang đi ngoại tình, anh ta thay vì cảm thấy xấu hổ thì lại quay qua chửi bới, thậm chí đánh đập chính vợ mình. Không phải vì anh ta không biết xấu hổ, mà bởi anh ta quá xấu hổ và mất thể diện, và vì bị bắt quả tang nên không chạy (flight) được, nên chỉ còn cách là đánh (fight) thôi) 
Quay trở lại với ví dụ trên xe ô tô. Phụ nữ thường không hiểu được nỗi sợ này, bởi thứ nhất bản thân họ vốn không có ý chê trách chính người đàn ông, và thứ hai, họ không nhạy cảm nhiều về sự mất thể diện như đàn ông. Chú tôi có mối quan hệ không được tốt đẹp với bố vợ. Khi cô chú rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cô tôi gợi ý cho chú tôi tới nhờ bố mẹ vợ giúp đỡ. Và cô chú đã cãi nhau về việc chú thì cho rằng đó là điều phạm vào lòng tự trọng của chú, và rằng cô đang coi thường sự cố gắng của chú, còn cô thì cảm thấy việc chìa tay ra nhờ giúp đỡ khi mình gặp khó khăn là điều hoàn toàn bình thường, cho rằng chú trẻ con. 

Không phải các chị đòi hỏi quá nhiều

Trời ơi! Nếu không yêu cô thì tôi mua cho cô xe, cho cô ở chung nhà, mua quần áo đồ ăn thức uống cho cô để làm gì? Giờ cô còn đòi hỏi cái gì nữa? 
Câu này chắc hẳn cũng quen thuộc quá phải không? Như đã nói ở trên cũng như ở bài viết Sự khác biệt giữa hai giới và cách cải thiện mối quan hệ, nhu cầu thiết yếu nhất của phụ nữ là được kết nối, chia sẻ để cảm thấy được an toàn. Có những cô gái cố tình nói “Em đói!” chỉ để có cơ hội được ở gần người yêu khi hai người cùng đi ăn, trong khi đó, dưới con mắt của các anh, đó chỉ đơn thuần là nhu cầu về đồ ăn. Có lẽ vì thế mà con gái hay nói “Đi đâu/ăn gì cũng được” khi được người con trai hỏi, bởi nhu cầu chính ở đây là được ở bên cạnh người mình yêu. (Tuy nhiên, một người phụ nữ trưởng thành sẽ biết mình muốn gì, hoặc nếu không họ cũng sẽ cho người đàn ông của mình một câu trả lời cụ thể để giúp người đàn ông đỡ mất thời gian lựa chọn) 
Đàn ông thường cho rằng phụ nữ cũng giống họ, muốn những thứ vật chất, những thứ dùng được, chạm vào được, và nhiệm vụ bản năng của đàn ông cũng là chu cấp cho phụ nữ những thứ đó. Vì vậy, khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, khi đàn ông cảm thấy mãn nguyện và mong đợi những lời khen thưởng, lại là lúc họ bắt gặp sự đòi hỏi về mặt cảm xúc từ phía phụ nữ – điều mà họ không hề nghĩ đến, không được lập trình đến. Vì vậy là lẽ thường khi đàn ông cho rằng những yêu cầu của phụ nữ là không giới hạn và nhiều cái phi lý. Chính vì phụ nữ đánh đồng sự kết nối với tình yêu, nên khi các anh cảm thấy bản thân mình vô dụng khi không đáp ứng được nhu cầu của người yêu và ngắt kết nối, các chị sẽ ngay lập tức gán cho các anh tội “Anh chán tôi rồi chứ gì!” “Anh có con khác rồi phải không?” “Hẳn là anh không yêu tôi nhiều như tôi tưởng nên mới đi là đi được ngay như thế”. 

Sai lầm thường gặp trong một mối quan hệ

Trước khi liệt kê ra những lỗi cả phụ nữ và đàn ông thường mắc phải trong một mối quan hệ tình cảm, tôi xin nói trước ngay từ đầu: Nếu bạn là nữ và bạn đánh vào nỗi sợ mất mặt của đàn ông, bạn sẽ luôn sai ngay kể cả về lí bạn đúng. Nếu bạn là nam và không đáp ứng được nhu cầu kết nối của phụ nữ, bạn sẽ luôn sai dù vô tình hay cố ý. Làm tổn thương người mình yêu chưa bao giờ là đúng cả, dưới hình thức nào đi chăng nữa. 
+ Những sai lầm mà đàn ông thường gặp phải: Sai lầm lớn của đàn ông là làm người phụ nữ của mình cảm thấy cô đơn 
Cô đơn ở nhà: Mặc định coi việc nhà là việc của phụ nữ chính là tác nhân gây ra cảm giác một mình nơi họ. Cảm giác đó sẽ càng tệ hơn khi họ vừa trải qua một ngày mệt mỏi nơi làm việc – nơi không có người bạn đời của mình ở đó, rồi khi về nhà lại phải vất vả làm tiếp, lại một lần nữa chỉ có một mình. Rất nhiều đàn ông không biết ơn, trân trọng và chia sẻ việc nhà với vợ. Những việc nhỏ như cầm cây chổi quét nhà, với đàn ông có lẽ không là gì, nhưng với người phụ nữ, họ cảm thấy như gần gũi hơn với người mình yêu. 
Cô đơn trong những hoài bão: đó là khi người phụ nữ có những hoài bão riêng, ước mơ riêng, nhưng không được người đàn ông nhận ra hay ủng hộ.
Cô đơn sau giờ làm: đàn ông thường cho rằng công việc mình làm vất vả hơn, và mỗi khi kết thúc công việc, trở về nhà, họ thường mặc kệ tất cả và tự hưởng thụ sự thoải mái của riêng mình mà quên đi sự tồn tại và những cảm xúc tồn đọng của người phụ nữ. 
Cô đơn trên giường: khi với các anh, sex chỉ đơn giản là tình dục. Với phụ nữ, sex là làm tình. Sự khác nhau là ở chỗ, tình dục là khi các anh chỉ chăm chăm thỏa mãn dục vọng của cá nhân, mau mau cho xong để được “sướng”. Còn làm tình ở phụ nữ, là khi không chỉ cơ thể, mà cả tâm hồn của cả hai đều được đồng điệu, kết nối. Điều này với phụ nữ thậm chí còn quan trọng hơn rất nhiều so với việc được “lên đỉnh” 
Cô đơn trong sợ hãi: phụ nữ rất sợ những gì thô bạo, bạo lực. Với cơ thể vốn dĩ đã to lớn hơn, giọng nói trầm và khỏe hơn, chỉ một lần lên gân cốt quát tháo ai đó thậm chí không phải là họ, phụ nữ cũng đã cảm thấy run sợ rồi. 
Cô đơn trong thành tựu: khi phụ nữ kiếm nhiều tiền hơn đàn ông, họ thường không nhận được sự ngưỡng mộ hay hoan nghênh, thay vào đó là phản ứng Fight – thể hiện qua sự dè bỉu, mắng nhiếc vô cớ – khi người đàn ông cảm thấy mất mặt vì chức năng chu cấp của mình bị đe dọa. 
+ Những sai lầm mà phụ nữ thường gặp phải: Sai lầm chung của phụ nữ là làm người đàn ông của mình mất thể diện, dù phần nhiều trường hợp là do họ không cố ý. (Tuy nhiên, tôi đã nói ở trên, kể cả vô ý thì khi làm như vậy họ đã sai rồi) 
- Không nói trước với anh ta về những quyết định quan trọng 
- Không để anh ta giúp bạn (đàn ông sinh ra là để giúp đỡ và che chở cho phụ nữ. Bạn tước đi quyền này thì họ sẽ nghĩ rằng bạn cho rằng họ không đủ giỏi để giúp bạn) 
- Chê bai anh ta trước mặt nhiều người 
- Nghi ngờ khả năng phán xét của anh ta 
- Đưa ra những lời khuyên khi không được hỏi 
- Lờ đi lời khuyên của anh ta 
- Đưa ra những yêu cầu vô lý vượt ngoài khả năng của anh ta 
- Lờ đi nhu cầu của anh ta 
- Chỉ chăm chăm vào lỗi của anh ta, thay vì những gì anh ta đã làm cho bạn


Và còn rất nhiều những ví dụ khác, nghe qua thì rất tiểu tiết và chả có gì quan trọng, đặc biệt là với phụ nữ. Tuy nhiên với nam giới, tất cả chúng đều được quy lại thành 1 câu “Anh là đồ ăn hại!”. 
Sai lầm trong cách cải thiện mối quan hệ. 
Phụ nữ thường là những người đầu tiên nhận ra khi một mối quan hệ đang trên đà xuống dốc, và họ cũng thường là những người chủ động cải thiện và sửa đổi mối quan hệ. Tuy nhiên, cách tiếp cận của đa phần phụ nữ thậm chí còn làm mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn. 
Các chị em có nhớ mỗi khi có điều gì đó bức xúc, chị em thường nghĩ ngay tới việc gọi điện ngay cho ai đó để tám, và sau cuộc tám chuyện đó dường như mọi vấn đề đều được giải quyết (mặc dù vấn đề đó đã xảy ra xong rồi). Điều sai lầm của các chị em là áp dụng chính cách này để cải thiện mối quan hệ với người đàn ông của mình: Bắt họ nói chuyện. 

Anh, chúng ta cần ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc về mối quan hệ của bọn mình. 
Với đàn ông, không câu nói nào đáng sợ hơn câu nói đó phát ra từ người phụ nữ. Và rồi tiếp sau đó là những lời phàn nàn, kể lể về những bất mãn, hay những yêu cầu người phụ nữ mong muốn người đàn ông làm cho mình. Tất cả những lời đó chỉ có thể dẫn tới hai kết cục: một là anh ta sẽ đi ra chỗ khác, hai là anh ta sẽ cãi nhau với bạn tới cùng. Fight-or-flight. Phụ nữ đã quên, đàn ông vốn không muốn bày tỏ về cảm xúc của mình, bởi xã hội, văn hóa đã hình thành cho họ một suy nghĩ rằng đàn ông không được thể hiện sự mềm yếu của mình. Thêm vào đó, họ dịch câu nói trên thành “Anh, anh đã gây ra rất nhiều lỗi và giờ ta sẽ ngồi xuống và liệt kê chúng”. Nếu các chị bắt họ ngồi xuống và giãi bày cảm xúc của họ, họ sẽ cảm thấy không được thoải mái, lâu dần sẽ thành khó chịu. Và khi các anh khó chịu hay cảm thấy xấu hổ thì các chị biết cách anh sẽ làm gì rồi đấy. 
Còn đàn ông, khi cảm thấy người phụ nữ của mình đang khó chịu, bực bội hay có chuyện buồn, ngay lập tức bản năng bảo vệ và che chở của họ sẽ được bật lên. Họ sẽ lao ngay tới và làm điều mà họ luôn làm khi chính họ có rắc rối: Giải quyết vấn đề. Họ hoàn toàn quên rằng, vấn đề của phụ nữ nhiều khi nằm ở cảm xúc, chứ không phải ở bản thân vấn đề. 
Tôi còn nhớ khi cô bạn gái của tôi bị stress nặng, tôi hỏi thăm và được biết lí do là cô ấy nộp hồ sơ xin visa mà mãi chưa thấy được gọi. Tôi liền giải quyết vấn đề của cô ấy theo cách 1 người đàn ông thường làm: “Em lo cái đó làm gì. Cái đó bao giờ người ta cho mình thì mình được. Em lo nó cũng đâu gọi em nhanh hơn đâu”. Đàn ông suy nghĩ đơn giản vậy thôi, nếu không làm gì được thì cất nỗi lo ấy vào 1 ngăn tủ (chiếc tủ nhiều ngăn) rồi đóng lại. Nhưng cô ấy là phụ nữ. Cô ấy không nói gì, và kể từ đó cô ấy cũng không tâm sự gì với tôi nữa. Một thời gian sau tôi hỏi thì cô ấy nói “Tại anh cứ nói những cái mà ai cũng nói được. Ai chả biết có lo cũng chả làm được gì, nhưng em lo vẫn lo chứ. Con gái mà. Thà anh không nói gì, hoặc anh chỉ cần ôm em, còn hơn anh nói thế làm em thấy anh không hiểu em”. Lời nói này của cô ấy đã dạy tôi nhiều điều, kể từ đó tôi trở thành một người yêu tâm lý hơn rất nhiều so với trước. 

Đừng chịu đựng, hãy thấu hiểu. 

Khi biết rõ về những khác biệt giữa hai giới, nhiều người cho rằng chúng là cố hữu và chúng ta nên chấp nhận và chịu đựng mỗi khi mâu thuẫn xảy ra, rằng “tính anh ấy/cô ấy như vậy rồi, yêu thì phải chịu thôi.” Nếu cả hai đều làm được việc này mà vẫn hạnh phúc bên nhau tới tận cuối con đường, các bạn quả là tuyệt vời. Tuy nhiên không nhiều người làm được điều đó. Tin vui là có một cách tốt hơn là chịu đựng đó là thấu hiểu. 
Thấu hiểu ở đây bao gồm thấu hiểu bản thân và thấu hiểu đối phương. 
Thấu hiểu bản thân chính là biết rõ được những giá trị cốt lõi làm nên một người yêu tốt của mình là gì, và luôn giữ vững lấy nó. Ví dụ, bạn biết rõ rằng mình sẽ không bao giờ làm tổn thương người yêu bằng những lời chửi rủa, mắng nhiếc. Vậy hãy nhớ tới điều đó khi bạn nóng giận. Khi cái phản ứng tự vệ bật lên, bạn đang chuẩn bị nói lời phản kháng từ sự tấn công của đối phương, hãy nhớ tới giá trị cốt lõi kia và nghĩ rằng “Mình đang làm gì vậy? Điều mình sắp làm đây có phải là mình không?” và ngay lập tức trở lại chính mình. Hãy nhớ, bạn đang làm điều này vì chính bản thân mình, vì BẠN không muốn trở thành một con người xấu xí, không phải vì ai khác. 


Sẽ tốt hơn nếu bạn ngồi viết ra những giá trị cốt lõi mà bạn luôn tự hào rằng bạn có, và những điều mà bạn muốn phấn đấu để trở thành ra giấy và ghi nhớ chúng. Chúng sẽ giúp cho phản ứng Fight trong bạn giảm đi mỗi khi lên cơn tức giận. 
Sau đó là thấu hiểu đối phương. Thấu hiểu rằng, tận sâu bên trong, anh ấy/cô ấy đang quan tâm tới mình, muốn che chở, bảo vệ hay giúp đỡ bạn. Nếu cách quan tâm của anh ấy/cô ấy làm bạn cảm thấy khó chịu, đó là do họ không biết cách thôi. Vì vậy hãy chuyển sự khó chịu của bạn thành sự biết ơn. 
Tôi có một người bạn thân đã kể cho tôi câu chuyện mà cô đã ứng dụng thành công sau khi nghe những chia sẻ của tôi. Câu chuyện như sau: Cô bạn của cô bạn thân tôi sắp tới có một lễ cưới, và bạn tôi được giao nhiệm vụ lên menu đồ ăn cho lễ cưới ngày hôm đó. Cô bạn tôi đương nhiên rất phấn khởi và hào hứng, tỉ mẩn chọn từng món ăn, rồi còn đặt mỗi món ăn ở một nhà hàng khác nhau, vì mỗi nhà hàng thì giỏi một món ăn khác nhau. Điều này làm cô khá đau đầu, vì có quá nhiều người để liên lạc. Anh bạn trai của cô ấy, khi thấy cô ấy căng thẳng vậy, đã nói: “Sao em không đặt luôn bữa trọn gói ấy có phải nhanh hơn không?” Câu nói ấy làm cô bạn tôi rất khó chịu, vì về mặt CẢM XÚC, cô ấy đang rất hào hứng khi được giao trọng trách như vậy, nên cô ấy muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo. Câu nói kia, dù về mặt lý trí thì đúng, rằng đặt trọn gói rõ ràng sẽ nhanh gọn và đỡ mệt mỏi cho cô bạn tôi biết bao nhiêu, nhưng lại như gáo nước lạnh dội vào sự phấn khích và nhiệt tình của cô ấy. Tuy nhiên, nhờ có sự chia sẻ của tôi, cô bạn tôi đủ bình tĩnh để hiểu rằng cô ấy không muốn làm ầm lên, vì cô vốn là một người rất nhẹ nhàng (thấu hiểu giá trị cốt lõi). Cô cũng hiểu rằng, bạn trai cô ấy chỉ đang muốn giúp cô ấy khi thấy cô ấy stress, anh ấy có quan tâm cô, yêu cô thì anh ấy mới như vậy, và cô biết ơn anh vì điều đó (thấu hiểu đối phương). Nghĩ được như vậy, mọi sự khó chịu trong cô bạn tôi tan biến. Cô nhờ anh bạn trai đi mua một số đồ ở siêu thị, và anh ấy lập tức vui vẻ đi bởi anh ấy nghĩ rằng anh ấy đã giúp được phần nào việc cho cô ấy. 
Thật may mắn khi cô bạn tôi lại có thể ứng dụng bài học này một cách tốt đẹp như vậy. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được điều này một cách dễ dàng. Với những người nóng tính hơn, sẽ cần nhiều thời gian hơn để họ điều chỉnh cách suy nghĩ. Tất cả đều cần có thời gian để luyện tập và thành thạo. Có câu này, tôi vẫn phải nói lại: Đàn ông – hãy quan tâm tới cảm xúc của phụ nữ nhiều hơn; và Phụ nữ – hãy biết vuốt ve cái tôi của đàn ông.

Nhân tiện nói qua về việc ngoại tình.

Như vậy là tôi đã gói gọn xong những kiến thức tôi có về nỗi sợ ẩn sâu trong mỗi giới. Tiện đây tôi xin nói qua về việc ngoại tình, bởi nó chính là hậu quả của việc khi nhu cầu của mỗi giới không được đáp ứng. Một người phụ nữ vốn có nhu cầu giao tiếp, kết nối, lại luôn cảm thấy cô đơn, ngay cả khi người đàn ông đã chu cấp chiều chuộng cô hết mực. Tại sao thì xin xem lại các phần trên. Như vậy, khi nỗi cô đơn kéo dài tới quá giới hạn, thì trong vô thức cô ấy sẽ hướng ra ngoài và tìm một người khác có thể cho cô cảm giác an toàn về mặt CẢM XÚC, dẫn tới việc ngoại tình.. Đây là lí do vì sao có nhiều người phụ nữ vẫn ngoại tình khi có một cuộc sống tưởng như là vẹn đầy, sung túc, hạnh phúc, thậm chí ngoại tình với một người kém người đàn ông của họ về mọi mặt như gia thế, vẻ bề ngoài. Và ngay cả khi ngoại tình, chính những người phụ nữ cũng không biết tại sao họ lại như vậy. Và các cô gái sau khi chia tay có xu hướng có người yêu mới nhanh hơn các chàng trai, bởi phụ nữ luôn cần kết nối với một ai đó để có được cảm giác an toàn. 

Nhiều anh lại cứ cho cái việc mình tin tưởng người yêu 100% là đáng tự hào nên người yêu có đi đâu làm gì với ai cũng vui vẻ cho đi không ý kiến. Chính điều này đôi khi làm người con gái dịch thành tín hiệu cho thấy các anh không quan tâm tới họ, từ đó sinh ra sự cô đơn. Nói điều này không có nghĩa các anh lúc nào cũng phải kè kè bên cô ấy, đòi kiểm tra điện thoại các kiểu, mà hãy biết tỏ ra ghen có chừng mực. Người phụ nữ khi thấy người yêu mình ghen lại cảm thấy ấm lòng hơn rất nhiều. (Tuy nhiên, nhớ là phải chừng mực đấy nhé) 
Tương tự với đàn ông. Nếu có một người phụ nữ khác ngoài luồng biết vuốt ve cái thể diện của họ, mà người phụ nữ trong cuộc lại không thể làm được, hoặc không biết để làm, hoặc đã từ lâu quên không làm, rất có thể người đàn ông sẽ ngoại tình. Tôi biết những ý kiến thông thường như đàn ông “ham của lạ”, “thích chinh phục”, “mê sex” … nhưng nếu biết nhìn lại, tại sao vẫn có những người phụ nữ làm cho chồng mình mê mẩn mà không nghĩ tới việc tằng tịu với ai khác? Đó chính là bởi những người phụ nữ ấy luôn biết cách đáp ứng được nhu cầu về thể diện cho người đàn ông một cách khôn khéo.
Tôi không nói chuyện ngoại tình là chuyện …thuận theo lẽ tự nhiên. Tôi phản đối chuyện ngoại tình. Nếu ai đó đem lòng cảm mến người khác, hãy chia tay người cũ rồi đường hoàng đi với người mới. Đừng làm chuyện lén lút sau lưng để rồi khi bị bắt gặp thì bị ê chề. Điểm tôi muốn nhấn mạnh ở đây, rằng cãi vã, chia tay, hay ngoại tình, đều có cái sai ở cả hai bên. Nhiều anh cứ mua cho người yêu rõ nhiều thứ, người yêu nói gì làm nấy, cung phụng cho đã mà không đếm xỉa gì tới nhu cầu cảm xúc, rồi coi đó như đã hoàn thành trách nhiệm, tới lúc bị cắm sừng hay đơn giản là bị đá vì người kia không yêu nữa thì chỉ coi mình là một nạn nhân chứ không nghĩ chính mình đã gián tiếp gây ra hậu quả đó. Tương tự, cũng có nhiều chị, đặc biệt những ai đã kết hôn, thì suốt ngày ca thán chồng, chồng vừa về đến nhà đã thấy mặt bí xị vì không vừa lòng cái gì đó, “Chồng nhà người ta thì thế này thế kia”(<= đây là một trong những câu giết chết lòng tự trọng của một người đàn ông), cả năm không khen nổi chồng lấy 1 câu. Hoặc các chị em QUÁ tài, quán xuyến hết cả việc nhà lẫn việc kiếm tiền nuôi con, làm cho các anh cảm thấy thừa thãi trong chính ngôi nhà của mình thì lúc việc chia tay xảy ra, liệu có ai còn nghĩ được là chính mình cũng góp phần đẩy các anh ra xa? 
Tôi không muốn phân định bên nào sai nhiều hơn bên nào, chỉ đơn giản là cả hai đều có cái sai, sai khi không nhận ra nỗi sợ của nhau, hoặc khi luôn tấn công vào nỗi sợ ấy mà không biết. Cái quan trọng ở đây là mỗi người nhận ra cái sai của mình để sửa đổi cho các mối quan hệ về sau cho tốt hơn, chứ không phải đem cái sai của người kia ra để đay nghiến hay hận thù, bởi không biết chừng chính mình mới là người sai. 
Chúc mọi người luôn luôn thấu hiểu, luôn luôn nhìn thấy điểm tốt của nhau để yêu thương lẫn nhau.
Các bài viết khác cùng tác giả:
Nguồn tham khảo: Why women talk and men walk – Patricia Love and Steven Stosny