Nguyễn Tuân có vị trí như thế nào trong văn học sử? Để trả lời, có khi phải giả định: nếu không có Nguyễn Tuân thì sao? Câu hỏi này lập tức đưa tôi trở lại một chi tiết trong hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh: sau cách mạng tháng Tám, được Đảng gọi ra Hà Nội lãnh đạo văn nghệ, người đầu tiên Tố Hữu thấy cần phải gặp là Nguyễn Tuân, và đến năm 1948 thì đưa ông lên làm tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam. Vì sao Tố Hữu lại suy nghĩ như vậy? 
Chỉ trong tháng 8-1946, Nguyễn Tuân đã xuất bản liên tiếp Chùa Đàn (Nxb Quốc Văn) và Văn hoá và cách mệnh (Đoàn xuất bản Việt Nam, in ở nhà Cộng Lực, Mai Lĩnh, Xuân Thu). Chùa Đàn thực chất vẫn nằm trong mạch truyện Yêu ngôn trước đó, chịu ảnh hưởng của Bồ Tùng Linh, không có gì đặc biệt quan trọng trong lịch sử nếu như không thêm vào hai phần gây tranh cãi Dựng và Mưỡu cuối. Thật ngu ngốc nếu nghĩ rằng chỉ có Nguyễn Tuân trước 1946, còn sau đó Nguyễn Tuân đã chết. Như Đỗ Long Vân đã nói, giả sử Malraux chết trong cuộc chiến Y-pha-nho, tức là chết như một chiến sĩ cách mạng, thì những tác phẩm của ông sẽ được hiểu theo viễn đồ ấy, nhưng chính những hoạt động của ông sau đại chiến thứ hai đã bắt người ta đọc ông một cách khác. Nếu Nguyễn Tuân dừng văn nghiệp ở 1946, người ta sẽ chỉ thấy ở đó một tài năng yểu mệnh như Vũ Trọng Phụng và Nam Cao. Nguyễn Tuân chỉ có thể là Nguyễn Tuân khi bao gồm cả nửa sau 1946. Và có vị tiền bối đã rất cao thủ khi nhìn nhận Nguyễn Tuân của giai đoạn sau 1946 là Nguyễn Tuân trong quan hệ với cái Khác. Emmanuel Lévinas đã nói sự tồn tại của Otherness là một thử thách với self-assurance, và là một vấn đề về đạo đức. Và một Nguyễn Tuân trong Ngày đầy tuổi tôi cách mệnh, hay sau này là Tuỳ bút kháng chiến và Tuỳ bút kháng chiến hoà bình, vốn bị Trương Chính cho là một Nguyễn Tuân khiên cưỡng, lại mới làm nên cái vị trí đặc biệt của Nguyễn Tuân.
Thử nhìn lại những nhân vật có vẻ giống Nguyễn Tuân ở giai đoạn ấy, như Tchya Đái Đức Tuấn hay Vũ Hoàng Chương, nếu không chết thì cũng dinh tê, còn những người ở lại thì sẽ thành Xuân Diệu hay Chế Lan Viên. Nguyễn Tuân tuy cũng viết những thứ mà sau này bị đem ra làm chứng cớ buộc tội ông làm văn nô, nhưng bên trong vấn đề có thể phức tạp hơn thế. Người như Nguyễn Tuân đúng là có biết sợ thật, nhưng cũng thừa tính cách nghệ sĩ để làm liều nếu bị bức ép. Sự lựa chọn Bắc Việt của Nguyễn Tuân là một sự lựa chọn có lý của nó. Huy Cận có từng đặt một câu hỏi thế này cho Nguyễn Tường Thiết: “cháu nghĩ là người cộng sản không có tâm hồn sao?” Chi tiết đó cũng như chi tiết về những trăn trở của Nguyễn Huy Tưởng xoay quanh sự kiện năm 1956 ở Hungary, cũng như cuộc đối thoại giữa Nguyễn Tuân và John McCain trong Cát bụi chân ai đã cho thấy suy nghĩ của những người ở lại phức tạp hơn là cái nhìn của những người chống đối.   
Dẫu vậy, nếu nói rằng Nguyễn Tuân của trước và sau 1946 vẫn không thay đổi, như Vũ Bằng hay Trương Chính nói, cũng có cái lý của nó. Cách mạng với Nguyễn Tuân cũng chỉ là một dịp “đi xem hội”. Ông thuật lại cái ngày 19-8: “Tôi thấy Việt Minh hạ cờ quẻ ly xuống, rồi treo cờ đỏ sao vàng lên. Tôi nhận ra có sự thay đổi, sự chuyển biến lớn lao thực sự. Tôi cũng thu thú, thế là vào hiệu cắt tóc, cạo râu. Thấy con người mình như sáng sủa lên. Tôi còn cởi bỏ bộ quần áo dài ta, mặc quần soóc, sơ mi vải cứt ngựa, nhập vào dòng biểu tình chào mừng cách mạng.”
Có khi không một lời biện giải nào về vị trí của Nguyễn Tuân đủ sức thuyết phục bằng toàn bộ những đặc quyền được trao từ bên thắng cuộc, những chỉ trích của bên thua cuộc, và những huyền thoại để lại. Nếu Nguyễn Tuân không thực sự có ý nghĩa gì thì vì sao nguyên một tập đoàn hùng hậu các cây bút miền Nam và sau này là cả hải ngoại luôn tìm cách đâm Nguyễn Tuân cho bằng được? Thậm chí ngay ở miền Bắc, những Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Trần Đăng Khoa cũng phải xiên cho ông vài nhát. Chính vì không dễ để đơn giản hoá con người Nguyễn Tuân thành một loại văn nô, bồi bút. Chẳng phải người ta cũng lại truyền tai nhau những huyền thoại như việc Nguyễn Tuân dẫn Trần Đức Thảo lén đi xem hát cô đầu thời điểm đã bị cấm rồi tiếc thương một dĩ vãng đẹp? Chuyện Nguyễn Tuân xem Võ Nguyên Giáp làm diễn giả vụ sửa sai CCRĐ với vẻ phởn phơ cười cợt mà thốt lên từ tiếng Pháp “terrible” rồi nhăn mặt bỏ về (qua lời chứng của Xuân Vũ). Chuyện Nguyễn Tuân đập bàn phản đối bản án cho nhóm Nhân Văn. Vũ Thư Hiên kể chuyện Văn Cao và Nguyễn Tuân được Trường Chinh mời lên uống trà nói chuyện sau vụ NVGP như thế nào. Hay là câu nói bỏ lửng của Nguyễn Tuân khi gặp Đặng Thai Mai. 
Tất nhiên đó chỉ là những chuyện được kể lại, không ai biết có thật hay không. Nhưng cùng là dật sự, người ta lại thích nghe, thích lưu truyền những câu chuyện kiểu trong một bữa tiệc rượu với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Tuân ngửa mặt lên trời nói thằng này còn sống được trên đời là nhờ biết sợ. Người ta chỉ muốn hình dung một Nguyễn Tuân từng ngông nhưng rồi rất hèn như thế mà thôi, không ai thực sự nhìn nhận những con người ấy như những con người.