Không biết chuyện này có thật hay không, bởi bạn cũng biết người ta hay thích thêu dệt ra những câu chuyện lặt vặt cho các văn hào, nhưng hồi trước, tôi có đọc được trong một cuốn sách cũ về cuộc đời Chekhov (sách từ thời người ta còn dịch là Sê-khốp), rằng một lần nọ, khi thấy một sinh viên khóc rưng rức sau khi xem một vở kịch của mình, Chekhov chỉ lãnh đạm bảo, đại khái là:
"Nào phải riêng mình anh khóc khi xem kịch của tôi. Nhưng tôi không viết để thấy giọt nước mắt của mấy người. Cái tôi muốn là cái khác kìa. Tôi chỉ muốn nói thẳng nói thật với mấy người, hãy mở mắt to ra mà xem, chúng ta đã sống tồi và sống tẻ như thế nào."
Và bởi vì đã biết câu chuyện đó trước khi đọc bất cứ tác phẩm nào của Chekhov, nên kể cả khi đọc tới đoạn nhân vật chính trong Verotchka, trong một đêm tháng tám, đứng ngoài hiên nhà, giữa sương mờ, trăng tỏ, hoa tươi, trong cơn say chếnh choáng, anh tự độc thoại với chính mình: “sao trong cuộc đời lại hay gặp được những người tốt thế và thật đáng tiếc là những cuộc gặp gỡ ấy chẳng để lại gì hơn ngoài những kỷ niệm”; hay ở đoạn cuối của Thảo nguyên, cậu bé Iegoruska nhìn vị mục sư và người cậu khuất bóng nơi góc đường, còn lại một mình trong căn nhà xa lạ, cậu nhận ra tất cả những chặng đời đã sống ngày xưa đã trôi qua, để lại đây những chặng đời sắp sống,  và chặng đời mới ấy sẽ ra thế nào, chẳng có ai nói cho cậu biết; kể cả khi đọc tới những đoạn đó, tôi cũng không sao mà rỏ được một giọt nước mắt. Khóc lóc là thừa thãi. Không ai thiết ai phải khóc. Chỉ cần nhớ cho kỹ, chúng ta đã sống thật tồi và thật tẻ.
Hồi trước, phần lớn thời gian, tôi cũng không tin điều này lắm, bởi cuộc đời tôi cũng chẳng tới nỗi nào, hoặc ít ra tôi tự cho là như vậy. Những thứ lấp lánh xanh đỏ và những trò bận rộn vẫn ngồn ngộn trước mắt ngăn không cho tôi nghĩ mình tẻ hay tồi, và trừ những lúc tập tành ra vẻ buồn bã cho giống các thi sĩ thuở xưa, tôi nghĩ mình đã sống tương đối tốt và hạnh phúc. Cho đến khi tôi đọc được câu chuyện Chekhov và anh học trò (cách đây cũng chưa lâu lắm), tôi mới tin rằng mình tồi và  mình tẻ, và mình đừng bao giờ quên điều đó.  Kể từ ấy, mỗi ngày dù bận đến đâu, tôi luôn bắt đầu ngày mới bằng cách đọc một truyện ngắn (vì truyện ngắn là những lát nhỏ đời sống, nếu như tiểu thuyết là một bộ phim thì truyện ngắn như một tấm ảnh, chớp lấy một khoảnh khăc đứt đoạn, lóa lên và tắt ngấm), thường là truyện ngắn của một số tờ báo mà tôi subscribe, đa phần đều là những truyện không vui vẻ gì. Và tuần trước, họ gửi cho tôi The piano teacher’s pupil của William Trevor. Và Hà Nội mấy ngày này trời lâm thâm mưa, giữa mùa hè mà không có nắng.
Và tất cả những cái cớ dài dòng trên kia chỉ để dẫn đến chuyện tôi, mở lại tập Sau mưa của William Trevor, và đọc.
No automatic alt text available.


Một điều mà tôi không chắc chắn, và khi viết ra đây tôi chưa kịp tra cứu gì thêm, là William Trevor có bị ảnh hưởng bởi James  Joyce hay không. Tôi chỉ biết họ cùng là người Ireland, và có người Ireland nào mà không đọc Người Dublin cơ chứ? Vậy nên về sự ảnh hưởng của Joyce, tôi đoán là có. Khi đọc, tôi cũng cảm giác là có, cái kiểu đời vụn ra, lẻ tẻ rơi xuống như những mấu bánh mỳ.
Đời vụn ra, lẻ tẻ rơi xuống như những mẩu bánh mỳ. Đó không hẳn là cách diễn đạt sáng tỏ. Nói thế này thì hơn, kiểu viết của Trevor giống như là, bạn đứng giữa ngã tư, nhìn sang trái, nhìn sang phải, nhìn đằng trước, nhìn đằng sau, bạn thấy xung quanh mình có rất rất nhiều người, người già, người trẻ, người chẳng biết là già hay trẻ, người nam, người nữ, người chẳng biết là  nam  hay nữ, rất nhiều loại người và rất nhiều giống người và ai cũng nhạt nhòa như một chai coke trong nhà máy, bạn chọn đại một người, đi theo họ, đi theo họ về đến tận nhà của họ,  rồi bạn lục tung nhà họ lên, bạn lục tung đời họ lên, bạn mở từng ngăn kéo, từng tủ đồ, ngó đầu vào gầm giường, thò tay vào và kéo ra những gì bí mật nhất. Hóa ra người đó cũng có một bí mật, cái người tầm thường như chai  coke kia mà cũng có một bí mật cơ đấy, mà có thật, và những con người khác ngoài kia cũng vậy, cũng có bí mật, cũng có gánh nặng, cũng có quá khứ đè lên vai, có tất. Đây dường như là cách mà Trevor đã dùng để viết.
Mà kỳ, cái gánh nặng quá khứ đè lên vai các nhân vật đều chẳng phải những xung đột gì quá đỗi to tát, xét cho cùng chỉ là chút lắt leo của một cuộc tình, những lỡ lầm tuổi trẻ, những màn kịch gia đình, một món nợ trị giá đôi ba trăm bảng, nhưng chúng mảnh và nhọn như những đầu kim, đâm một nhát đau điếng  và cái giây phút bị kim đâm đấy không ai ngờ lại trở thành cái giây phút cả thế giới nội tâm sâu hun hút của con người bộc lộ. Chúng ta thể hiện rõ nhất con người mình vào cái lúc bị kim đâm, thật thế.
Đó là truyện một cặp vợ chồng già đã luôn yêu nhau mấy  chục năm, rồi khi người chồng chết đi, bỗng có một bác thợ sơn trang trí nhà cửa đến nói với người vợ rằng chồng bà vẫn còn nợ ông 226 bảng, món tiền mà người vợ nhớ chắc chắn đã rút ra và đưa cho chồng, bà thậm chí nhớ cả cái hôm chồng bà mang tiền ra ngoài để trả cho ông thợ. Nhưng ông thợ dứt khoát là không, chồng bà chưa trả. Và mặc dù người vợ luôn miệng nói ông thợ là một tay lừa đảo, bà cuối cùng vẫn hoàn trả số tiền, bảo vì muốn những ký ức về ông không bị vấy bẩn. Nhưng ở một góc sâu xa nào đó, tôi nghĩ có lẽ nó giống kiểu Maupassant, có lẽ bà cũng biết đã có điều gì không đúng ở đây, một điều gì không đúng thuộc về chồng bà, một điều gì ở ông nằm ngoài những gì bà biết, cái hàng rào vô hình mà bà từng không hay sự tồn tại của nó, một ký ức nơi ông chẳng liên quan gì tới bà, như thể ông là một con người xa lạ.
Rồi truyện về một cặp vợ chồng khác cũng đã luống tuổi,  mỗi năm đều tổ chức sinh nhật cho con trai mình. Nhưng năm nay, chân cừu, súp lơ đều đã làm xong, món rượu gin cũng đã chuẩn bị đủ đầy, nhưng cậu con mãi mà không xuất hiện. Thay vào đó, chỉ có một cậu bạn tới và thông báo, Timothy bị ốm, Timothy sẽ không tới được, rồi cậu cùng ngồi ăn bữa ăn với ông bà già, sửa cái bồn cầu, ăn cắp một món đồ vặt, và đi. Nếu quá khứ có một lỗi gì, thì đây, nó luôn tiêu hao nhầm thứ, nó để lại những bữa tiệc, những món ăn, những ngày sinh nhật, và lấy đi con người, nó để lại hai ông bà già đi dạo trong khu vườn sũng nước sau mưa, biết rằng đã sống đến tuổi này thì chẳng còn gì đáng để phiền lòng thêm nữa, nhưng lại biết nỗi đau ngày hôm nay sẽ còn kéo lê trong những ngày trước mặt.

Và cứ thế, ký ức từng lớp từng lớp xếp chồng chéo lên nhau, đè lên con người, toàn bộ mọi loại ký ức, ký ức của tuổi thơ, tuổi thiếu niên, tuổi hoa niên, tuổi trung niên, ký ức về người, ký ức về vật, những ký ức trong suốt mà nặng trĩu, và ngay cả một lời vu vơ của đứa trẻ lên năm,  rằng “Con sẽ cưới Damian”, mấy chục năm sau ký ức ấy lại hóa hình mà  thành sự thật. Ai nói rằng những đoạn đời thơ ấu không là một viên gạch (hay một viên sỏi cũng được) tạo nên con người đó của sau này, khi đã trưởng thành và già đi?
“Ý tôi là, tôi luôn nghĩ về Thomas Wolfe, bạn biết đấy, nếu bạn có để ý tới phần chú thích bé tẹo dành cho độc giả trong cuốn Look homeward, angel, bạn biết tôi đang nói tới cái gì không? Ông ấy bảo rằng chúng ta là tổng hợp của toàn bộ những khoảnh khắc mà chúng ta đã sống.” – câu thoại mà tôi đã rất yêu thích trong bộ phim Before sunset, tôi chỉ trích dẫn ra đây vì tôi cảm thấy thích nó thôi.
Câu truyện mở đầu của Sau mưa, một người chỉnh đàn dương cầm mù lòa tái hôn khi tuổi đời đã già nua chát chúa. Người vợ mới của ông chính là người mà năm xưa ông đã từ bỏ để lấy người vợ trước kia, người mà giờ đã không còn nữa. Ông đã từng nhìn bằng đôi mắt của người vợ cũ, toàn bộ bầu trời, hoa anh thỏa, gương mặt vàng vọt của  một  người bạn, đôi bàn tay của mẹ ông, những cái đinh, cả những món ăn và những con chó, và giờ đây, ông lại nhìn bằng đôi mắt của người vợ mới. Màu bạc trở thành màu đồng thau, màu xám nhạt trở thành màu xanh hoa lưu ly, cái chụp đèn có thêm một vết nứt và cái tay nắm cửa đã phai nhạt màu. Rồi đây, cái thế giới trong mắt người đã khuất cũng sẽ khuất, những âm thanh cũ sẽ hư hao, những màu sắc cũ gỉ sét, những con người cũ tàn tạ,  nó đã từng và nó sẽ không còn quay lại nữa, bởi “cuộc sống sẽ chiến thắng”.
Nhưng cũng chẳng để làm gì bởi sau khi cuộc sống đã chiến thắng, màu bạc cũng chỉ trở thành màu đồng thau, không tốt đẹp hơn, chẳng tồi tệ đi, vẫn thế thôi, ngày xưa mình đã sống tồi và sống tẻ bao nhiêu thì bây giờ vẫn sống tẻ và sống tồi y như vậy. Chuyện đó chẳng đáng để mà khóc, như Chekhov nói.
Hiền Trang