Richard Harris khi nhận xét về diễn xuất của Ian McKellen đã nói ông “rất xuất chúng về mặt kỹ thuật nhưng lại thiếu đam mê”. Đây là nguyên nhân chính khiến McKellen từ chối đóng vai giáo sư Dumbledore trong Harry Potter, vì ông cảm thấy không nhận được sự chấp thuận từ người tiền nhiệm đã khuất. Nhưng ta hãy tập trung vào cách nói của Richard Harris.
Thi thoảng nghĩ về công việc giáo viên của mình, tôi lại nhớ cách nói đó. Liệu người ta có thể xuất chúng trong nghề nghiệp của họ ngay cả khi không có đam mê? Tôi luôn cố gắng để làm tốt công việc giảng dạy, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy có nhiều cảm xúc dành cho nó. Có lẽ cái cảm xúc mạnh mẽ nhất tôi từng có với nghề giáo là vào mấy tháng đi thực hành nghiệp vụ sư phạm năm thứ ba đại học. Đọc lại những dòng nhật ký giáo sinh ghi ngày đó, tôi thấy được mấy trăn trở của một nhà giáo dục đứng đắn tương lai. Ít hoài nghi và nhiều ngây thơ. 
Công việc giáo viên với tôi hầu như không phải một lựa chọn, mà cũng như ở kia, là một thứ rớt lại sau hết những lựa chọn. Tôi đã thử nhiều thứ với một lòng mộ điệu thuần thành, phần nhiều đến từ cơn hype của mười năm qua: thiết kế đồ họa, truyền thông nội bộ, sáng tạo nội dung. Nhưng sau cùng tôi chốt hạ một câu đùa yếm thế: nghề chọn người chứ chả ai chọn đi làm. Nếu tôi rất giàu, tôi sẽ suốt ngày đi du lịch, đọc sách, viết blog, nói chung là làm những thứ mà chỉ bị ràng buộc bởi một thứ tiêu chuẩn duy nhất đó là tiêu chuẩn của bản thân tôi mà thôi. Tôi đã học trường Đại học Sư phạm vì nghĩ “sao cũng được”, và tôi làm một giáo viên vì đó là một công việc duy nhất, hay trông ổn thỏa nhất, mà tôi có thể làm khi lựa chọn về quê sống gần ba mẹ đã già. Tôi vốn không có cái dũng khí của những người đi vạn dặm, không có cái quyết liệt của những doanh nhân muốn làm chủ cuộc đời. Việc tôi trở về với nghề giáo là kết quả của một sự kém sút đi những hồ hởi nhưng đồng thời là một hiện thực mà tôi không hề phàn nàn. Lại nhớ đến một đoạn nhà văn Dương Nghiễm Mậu trả lời phỏng vấn, khi được hỏi sự nghiệp của mình thành công hay thất bại: “Tôi thấy tôi chưa bao giờ đạt tới cả hai. Tôi không có nghề, tôi chỉ có nghiệp, đã là nghiệp thì làm sao tính sổ. Điều tôi thường nghĩ là tiếp tục”. Một đứa bạn tôi bảo rằng, những người học PhD như nó là vì họ cũng chẳng còn gì khác để làm: Nhảy sang lĩnh vực khác, họ chỉ là một sinh viên năm nhất. Công việc nào cũng vậy, có khi làm mãi sẽ thành quen, và có một số người đi mãi một con đường không phải nhờ họ thừa đam mê làm chất đốt động cơ, mà vì họ giống như một vật liên tục chuyển động thẳng đều khi hợp lực tác dụng lên vật bằng không, như trong định luật Newton.
Chung quy lại, tôi đành phải thú nhận rằng tôi không có đam mê với nghề giáo. Nhưng bù lại, tôi có ý thức thường trực về trách nhiệm, trách nhiệm với học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và cộng đồng. Nhờ đó, tôi luôn nỗ lực làm tốt công việc của mình.
Đôi khi tôi nghĩ đam mê cũng giống như tình yêu, đều là những khái niệm siêu hình. Người ta thường quá theo đuổi những thứ bên trong, hay bên dưới thực tại, mà đánh giá thấp những gì bày ra trước mắt họ. Tôi thích sống như một kẻ khờ trong một xã hội mà những người giận nhau vẫn cư xử nhã nhặn và dù mệt mỏi cũng cố nở nụ cười. Tôi cần một người chồng luôn bày tỏ sự yêu thương bằng hành động và lời nói, bất kể trong thâm tâm anh ta có yêu tôi hay không. Nếu ai đó đến cuối đời vẫn nhất quán trong lời nói và hành động thì chúng ta còn phải chất vấn động cơ hay bản chất của họ để làm gì? Trong quan niệm của tôi, cũng như để làm một người chồng, không nhất thiết phải là một người yêu vợ mà là một người biết cách yêu thương, để làm một người giáo viên, không nhất thiết phải là một người yêu nghề, mà là một người biết làm nghề và có trách nhiệm với nghề. 
Tất nhiên đó cũng chỉ là một trong nhiều quan niệm mà nhiều năm sau chính tôi sẽ có những điều chỉnh, thậm chí phản bội lại. Nhưng những tiết học thì vẫn phải diễn ra đúng giờ, và những bài giảng vẫn phải theo kế hoạch. “Bây giờ chỉ còn kỹ thuật”, N.T.