cách nhà mình 20m, gia đình ông tổ trưởng dân phố vẫn sử dụng than tổ ong cho sinh hoạt thường nhật từ đun nước uống, nước tắm cho đến nấu ăn, nấu chè. nhà hai ông bà già còn có hai bé sinh đôi lên bốn tuổi đã quen mùi khói. nhưng đã hơn 60 năm từ thời kháng chiến chồng Mỹ, qua rồi cái lúc
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa! [1]
ở 2018, nếu bạn thương bà thì nên ngăn bà dùng bếp than kẻo bị đột quỵ do hít quá nhiều khí carbon oxit. 
tuy hình ảnh phu gánh than rong  dần mất hút khắp nẻo phố, theo khảo sát gần nhất của Bộ tài nguyên môi trường, vẫn còn hơn 55,000 bếp than tổ ong hoạt động tại Thủ Đô. mỗi ngày, người dân sử dụng 528 tấn than, phát thải khoảng 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí thành phố. và, dự kiến tới tận năm 2020, Hà Nội mới thay thế hoàn toàn bằng bếp "thân thiện". điều kỳ lạ là số lượng người trong nội đô đốt than chiếm tỉ lệ cao hơn (60%) trong phân khúc này. khái niệm bếp thân thiện ban đầu bắt nguồn từ trào lưu dùng than sạch nhưng than vẫn hoài than mà thôi. từ sạch được hiểu rằng than này được sử dụng lâu hơn và có hàm lượng chất bẩn gốc lưu huỳnh, chì, coban ... ít hơn để tránh phát thải ra các khí độc khác trong quá trình đốt. chắc chắn, các phương án thay thế thân thiện như bếp gas, hoặc bếp điện, rồi bếp từ và thậm chí bếp năng lượng mặt trời sẽ là ứng cử viên hàng đầu.
với kiến thức hóa học căn bản, học sinh tầm trung cũng có thể ý thức được tác hại của việc hít khí than (bao gồm CO, CO2, SO2 và ti tỉ bụi độc khác) và tác động ô nhiễm tới môi trường khí. không chỉ bản thân sức khỏe của người dùng bếp than bị ảnh hưởng, mà những người xung quanh cũng chịu chung số phận. phần lớn người dân ý thức được điều này nhưng họ vẫn sử dụng than như là một phần thiết yếu của cuộc sống.
Khí CO sẽ ngăn cản quá trình trao đổi oxi của hồng cầu (hemoglobin). Tùy vào lượng CO trong máu cao hay thấp, người hít phải khí này sẽ có những triệu chứng khác nhau. Nhẹ thì nạn nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, cay mắt, buồn nôn. Nếu nồng độ CO trong máu cao sẽ gây đau đầu dữ dội, nhịp tim tăng nhanh, nạn nhân có thể bất tỉnh, kéo theo đó là những tổn thương ở não. Trường hợp nhiễm độc khí CO nặng hoặc thời gian hít phải khí CO kéo dài trên 30 phút có thể gây chết người. Đã có nhiều vụ ngộ độc khí CO dẫn tới những tai nạn thương tâm do dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm. [2]
tại sao người ta vẫn cam chịu hít khí độc mà không chuyển qua dùng bếp hiện đại?
bởi,
rất đơn giản, 
THAN quá RẺ
một viên than có giá từ 3,000-4,000 đồng, có thể sử dụng trong 3-4h. so với bếp điện với công suất tối thiểu 4000w thì sẽ tiêu tốn 12-16 số điện hàng ngày, vị chi là khoảng 32,000 đồng cho thời gian sử dụng tương đương (tính theo giá điện bậc 4 do số điện mỗi tháng vượt trên 300 số điện). chưa kể, bếp than có chi phí rẻ và bền hơn so với bếp hiện đại. về rủi ro, bếp than dường như an toàn hơn cả khi không bị nổ bình gas hay chập điện gây cháy nhà. về mặt văn hóa, quan điểm "không có lửa sao không có khói" vẫn tồn đọng trong tư duy người Việt. cho nên, hình ảnh lửa không khói vẫn còn quá mới mẻ. từ bún chả, hủ tiếu đến nước phở, những món ăn truyền thống sẽ không còn đậm đà nếu không được đun trên những bếp lửa hồng.
song gần đây, đã có một tín hiệu đáng mừng cho công cuộc cải cách bếp lạc hậu - than khả năng sẽ tăng giá do tình trạng kém lạc quan của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). theo thanh tra Bộ tài chính, năm 2015, lợi nhuận Vinacomin âm 478 tỷ đồng, nợ phải trả vượt 100.000 tỷ đồng. một con số khổng lồ khi mà số liệu chính xác của năm 2018 vẫn chưa được công bố. quả thật, Vinacomin đã minh chứng rằng cứ đào là sẽ có lỗ. một công đôi việc, cả lỗ lấy than lẫn lỗ vốn. 
với sự phát triển của nền tảng thanh toán trực tuyến, chỉ với một cú click chuột, bạn hoàn toàn có thể order một tấn than từ Alibaba với giá $60, thậm chí thấp hơn trong khi chi phí khai thác một tấn than tại Vinacomin, theo báo cáo, đã vượt qua $65-75/tấn chứ chưa nói tới giá bán ra trên thị trường. câu chuyện than trong nhà đào còn đắt gấp rưỡi than từ nước bạn không hề mới. nếu không có thuế nhập khẩu và VAT lên tới 40% để bảo hộ ngành than trong nước, có lẽ ngành than của chúng ta đã sập sàn từ lâu. họ đưa ra một loạt lý do như máy móc đắt tiền phải nhập khẩu, vị trí mỏ than khó khai thác hay có nhiều bất cập thời tiết. rất khó để tìm ra một lời giải thích thỏa đáng để cứu vớt nền công nghiệp trăm năm tuổi này; dù rằng, ông Phó Giám đốc Vinacomin tự tin trữ lượng than đủ dùng cho hàng chục thế hệ nữa. khoan nói đến việc con cháu ta hết than để đốt, nợ vẫn còn đó để gống mình ra trả thì than tặc đã giúp tìm ra tia hi vọng. tình trạng đào than lậu đang diễn ra sôi nổi trên diện rộng thành phố Cẩm Phả và huyện Hoành Bồ. hai ngày trước, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã phát đi thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo giải quyết vấn đề này [3]. biết rằng đào lậu là sai, phá hoại hệ sinh thái khu vực nhưng nếu không lãi, nếu vì mưa phùn, nếu vì than nằm quá sâu, nếu vì máy móc cũ kỹ, thì sao than tặc vẫn ngang nhiên đào tại thiên đường than Quảng Ninh. phải chăng than vẫn có lãi?
Khai thác than ở Quảng Ninh (hatucoal.vn).
kỳ thực, số lượng loại than phân theo dạng thù hình và cấu trúc hóa học chỉ đếm trên đầu ngón tay như than đá, than chì, than vô định hình rồi bồ hóng. nhưng với chế tài hiện nay, người ta đẻ ra tới 70 hay thậm chí 100 loại than để kiểm định. do đó, than cứ đào lên thì kiểu gì cũng đạt chuẩn, nếu không thì cũng đạt chất lượng theo quy định của cấp cơ sở nào đó. tiêu chuẩn than của nước ta thấp hơn so với khu vực rất nhiều. mặc dù có trữ lượng lên tới 31 triệu tấn graphite, nhưng không có một đơn vị nào ở Việt Nam cho ra được một kilogram graphite hàm lượng bốn số chín. các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ còn một phương án là nhập khẩu graphite siêu sạch từ Trung Quốc hoặc mua graphite hàm lượng thấp rồi nhờ nước bạn tinh chế lại. câu chuyện múc dầu thô lên xuất khẩu để rồi nhập khẩu xăng tưởng như đã có nhà máy lọc dầu Dung Quất giải quyết thì nay lại quay lại với ngành than truyền thống. chỉ khác rằng, hiện chưa có đơn vị nào đầu tư nhà máy lọc than. 
ngoài ra, có một tín hiệu đáng mừng cho Vinacomin khi rẽ hướng sang kinh doanh thực phẩm chống lỗ. dạo gần đây, than còn đóng vai trò là gia vị mới trong thực đơn hàng ngày với vị charcoal trong kem, trà sữa và bánh donut [4]. 
nhìn đi rồi ngắm lại, than từng là biểu tượng của quá trình công nghiệp hóa nay lại trở thành gánh nặng của nền kinh tế. than từng là hơi ấm của bà con thôn quê giờ đã chuyển qua hơi độc cho các gia đình ở thành phố. thật khôi hài, chúng ta tìm mua khẩu trang than hoạt tính để tránh hít khí độc, mà phần nhiều đến từ các lò đốt than trên vỉa hè. hít CO suốt gây nhức óc đã đành, các nhà quản lý sẽ còn đau đầu nhiều khi ngăn cản than tiến hóa từ danh sang động từ.
bên cạnh than đá nhiều bụi, than đá ít bụi, than đá in ít bụi và than đá bụi hơi ít, Bộ Khoa học và Công nghệ nên cân nhắc bổ sung than thở để nghiệm thu thành công sản phẩm từ Vinacomin.


[1] trích Bếp Lửa, Bằng Việt (1963)
[2] theo PGS. TS Nguyễn Duy Bảo – nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Báo Mới ngày 4/4/2018.
[3] theo Công văn số 11834/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ : V/v kiểm tra, xử lý phản ánh của báo chí về khai thác, buôn bán than trái pháp luật tại tỉnh Quảng Ninh.
[4] chuyện các vị trên facebook.