Yếu tố quan trọng nhất của một TRÍ NHỚ TỐT (lấy ví dụ về việc học ngôn ngữ)
Đọc bài viết này, và bạn sẽ biết cách để không bao giờ quên những thứ bạn muốn ghi nhớ chẳng hạn như từ vựng ngoại ngữ =)))))
Trong cuốn sách Fluent Forever - tác giả của cuốn sách - Wyner Garibel đã kể một câu chuyện về cách thức các nhà khoa học thần kinh trong thập niên 40 - 50 của thế kỉ XX trong việc khám phá hoạt động ghi nhớ của con người thông qua nghiên cứu những chú chuột thí nghiệm.
Đầu tiên họ bắt đầu với giả thiết là các kí ức của chúng ta phải nằm trong những tế bào của bộ não - hay còn gọi là các neurons. Để kiểm chứng điều này họ đã cho các chú chuột thí nghiệm ghi nhớ đường đi trong các mê cung mà họ tạo ra cho chúng và sau đó cố gắng làm chúng quên đi các mê cung này bằng cách cắt bỏ đi lần lượt từng phần của bộ não.
Tuy nhiên, bất kể phần nào trong bộ não của những chú chuột thí nghiệm được cắt bỏ, các nhà khoa học cũng không bao giờ có thể làm chúng quên đi được các mê cung mà chúng đã ghi nhớ. Các nhà khoa học cuối cùng đi đến một kết luận: kí ức của chúng ta không nằm bên trong các neurons.
Sau đó các nhà khoa học đã thử một phương pháp tiếp cận khác - sự liên kết giữa các neuron. Lần này, họ đã đúng. Mỗi một neuron trong hàng trăm tỉ neurons mà chúng ta có trong não, trung bình, sẽ kết nối với 7,000 neurons khác.
Và đó là lý do tại sao các nhà khoa học không thể tìm thấy các mê cung nằm bên trong các neurons của các chú chuột nhỏ bé. Bởi đơn giản các mê cung này đã lan tỏa khắp các neurons trong não. Nói cách khác, mỗi một kí ức mà chúng ta có được, chúng đều phân bố khắp ở trong não bộ của chúng ta thay vì nằm riêng rẽ ở một vùng nào đó.
Khi các nhà nghiên cứu cắt bỏ đi một phần não bộ của những chú chuột, họ chỉ có thể cắt bỏ được một phần nhỏ có liên quan đến kí ức về các mê cung trong não của chúng. Điều này sẽ khiến chúng mất thời lâu hơn để nhớ lại đường đi trong mê cung, nhưng sẽ không bao giờ quên đi hoàn toàn những mê cung này.
Thí nghiệm này không những cho chúng ta hiểu thêm về cơ chế hoạt động của những kí ức trong não bộ con người. Nó còn chứng minh được tầm quan trọng của "các liên kết" trong việc ghi nhớ và bạn cần phải quan tâm đến điều này nếu muốn ghi nhớ hiệu quả. Nói cách cách khác, bạn sẽ không thể nhớ những gì bạn đọc hay học trong khoảng thời gian dài nếu không biết cách khiến những kiến thức này thắp sáng lượng neurons trong não bạn nhiều nhất có thể bởi
"Neurons fire together wire together".
Lấy ví dụ về việc học ngôn ngữ. Chúng ta có thể học ngôn ngữ mẹ đẻ một cách dễ dàng bởi vì một một từ mới mà chúng ta được học từ khi còn bé tí, đều đã tạo ra hàng ngàn kết nối trong não bộ khi lần đầu ta gặp gỡ chúng. Lần đầu tôi được gặp từ "bánh quy" trong tiếng Việt là lần mà ai đó trong gia đình tôi mang về một hộp bánh có vỏ màu bạc, có hình minh họa là mấy chiếc bánh màu vàng đẹp mắt, hình chữ nhật, có lỗ và đường được rắc khắp thân bánh.
Tôi háo hức và gần như không thể chờ được khi cắn miếng đầu tiên vào thứ thức ăn mới lạ này, sau đó là tiếng vỡ vụn của chúng trong miệng tôi và một hương vị bùi, ngậy, ngọt ngào lan tỏa khắp khoang miệng 🤤🤤🤤 Bảo sao tôi lại có thể nhớ được từ "bánh quy" trong ngay lần đầu chúng tôi gặp gỡ như vậy.
Tôi đã được nhìn thấy "bánh quy", chờ đợi "bánh quy", ngửi "bánh quy", nghe tiếng "bánh quy" trong miệng, và tôi yêu thích "bánh quy". Tôi có hàng trăm kết nối để truy cập vào từ "bánh quy" trong não bộ của mình nên thật dễ dàng để nhớ được nó chỉ trong lần gặp gỡ đầu tiên.
Trong ngôn ngữ nước ngoài thì khác, khi nói đến bánh quy, ví dụ trong tiếng Anh, đó là "buscuit", mặc dù tôi đã tra từ điển của từ này, biết cách viết nó như thế nào, nghe phát âm của nó, nhại đi nhại lại vài lần, nhưng tôi lại chẳng thể nhớ được nó cho đến khi viết bài này, bởi tôi chưa từ nhìn thấy "buscuit", chờ đợi "buscuit", ngửi thấy "buscuit", hay nhai "buscuit" trong miệng. "Buscuit" với tôi mới chỉ có mối liên kết "nông" nhất trong não bộ là kết nối về cấu trúc - tôi được nhìn thấy "buscuit" viết như thế nào, phát âm như thế nào nhưng lại không có kỉ niệm nào với "buscuit" cả; trong khi đó tôi với "bánh quy" lại có tầng kết nối "sâu" nhất - các kết nối và trải nghiệm cá nhân.
Hài hước hơn, khi nghĩ đến bánh quy trong tiếng Anh, mặc dù tôi đã được học về "buscuit" từ trước đó, từ mà tôi nhớ đến đầu tiên lại là "cookie", một từ mà trong một lần tôi lướt web và thấy dòng chữ "Do you accept our cookie?", sau đó tôi tra từ điển nghĩa của từ này, và cảm thấy thật thú vị và kì cục khi đang lướt internet mà có ai đó hỏi tôi có muốn chấp nhận bánh quy của họ không - đây chính là một kết nối cá nhân, một cảm xúc tôi có về "cookie" nên dễ hiểu tại sao tôi lại nhớ đến "cookie" đầu tiên thay vì "buscuit".
Nhân đây thì xin giới thiệu đến bạn 4 dạng kết nối trong não bộ hay còn được gọi 4 tầng xử lý thông tin từ nông nhất đến sâu nhất: cấu trúc, âm thanh, khái niệm, kết nối cá nhân.
Chúng cũng hoạt động như các màng lọc bảo vệ con người khỏi biển thông tin chúng ta tiếp cận mỗi ngày. Giống như khi tôi vào cửa hàng tạp hóa để mua một hộp bánh quy, khi tôi lướt qua hàng trăm nhãn hiệu và tên gọi của các loại hàng hóa khác nhau trong khi tìm kiếm từ "bánh quy", não bộ của tôi sẽ chỉ xử lý những từ này ở cấp độ nông nhất - tầng cấu trúc - tổ hợp và thứ tự những chứ cái tạo nên những từ này có khớp với từ bánh quy hay không, nếu không, tôi sẽ gần như quên chúng ngay lập tức để não của tôi không bị quá tải và tập trung vào những việc quan trọng hơn, thêm nữa chẳng có gì vui vẻ hay thú vị khi nhớ tên của hàng trăm thương hiệu và nhãn hàng trong siêu thị.
Ứng dụng điều này trong việc học tập, nếu như khi bạn học một kiến thức mới, và chỉ xử lý chúng ở ba tầng trên cùng: cấu trúc, âm thanh, khái niệm thì chúng ta sẽ rất nhanh quên đi chúng. Bạn phải học cách tạo ra các kết nối cá nhân có thể có với thông tin và kiến thức mới để có thể ghi nhớ chúng trong dài hạn.
Ví dụ khi mới lần đầu gặp từ "bump" - nghĩa là "cụng" trong tiếng Anh, để dễ nhớ từ này hơn, tôi đã lục lọi trong kí ức và tìm kiếm kỉ niệm nào mà tôi có liên quan đến từ này, và may là có.
Đó là chuyện tôi hay bị cụng đầu vào chiếc giường tầng khi còn đang phục vụ trong quân ngũ. Sau đó, tôi lên internet, kiếm hình ảnh một chiếc giường có ga trải giường có họa tiết hình chữ U, và liên kết hình ảnh đó với từ "bump" bằng 3 liên tưởng: giường gợi nhớ đến việc cụng đầu vào gường trong quân ngũ - nghĩa của từ, giường trong tiếng anh là "bed"- chữ b là chữ cái đầu trong từ "bump", họa tiết chữ U trên ga giường gợi nhớ đến chữ cái "u" trong từ này. Tôi có một hình ảnh với ba liên tưởng rất "cá nhân" bởi chính tôi trải nghiệm chúng hoặc tạo ra chúng trong khi học từ "bump". Nói như tác giả cuốn "Fluent Forever", tôi đã không học từ "bump" mà tôi khám phá ra nó. Sau này mỗi khi tôi muốn diễn tả việc tôi bị cụng đầu vào đâu đó trong tiếng Anh, hình ảnh này hiện lên trong đầu tôi ngay lập tức, và một chuỗi các liên kết đi kèm với nó sẽ giúp tôi ngay lập tức nhớ lại từ "bump".
Tất nhiên, cái gì cũng cần văn ôn võ luyện. Tôi còn nhớ từng đọc một câu chuyện về một người đàn ông lạc nhiều năm ở trong rừng và đã quên đi ngôn ngữ mẹ đẻ của mình vì đã quá lâu ông ta không sử dụng nó.
Bạn luôn cần dành thời gian để ôn lại những gì mà bạn đã học nhưng việc này sẽ thú vị hơn nhiều nếu bạn từng "mất công" tạo ra những liên kết rất cá nhân với nó - tôi thường mỉm cười mỗi khi nhìn lại chiếc giường có hoa văn hình chữ u mỗi khi thấy nó trên flash card học Tiếng Anh của bản thân.
Và tôi nghĩ có thể bạn sẽ thất vọng vì việc này có vẻ tốn thời gian, thứ bạn cần là một phương pháp vừa nhanh chóng, vừa hiệu quả, nhưng xin thưa với bạn, chuyện đó không tồn tại, Joshua Foer - một nhà báo khoa học từng phỏng vấn các nghệ sĩ ghi nhớ trong một cuộc thi vô địch trí nhớ ở Mỹ từng nói rằng: Không có con đường tắt nào với việc ghi nhớ cả, trí nhớ phi thường mà các nghệ sĩ ghi nhớ có được chỉ đơn giản là các mẹo và thủ thuật mà họ tạo ra sẵn trong đầu giúp các thông tin đầu vào vô nghĩa như những dãy số, thứ tự những quân bài, ... được xử lý ở cấp độ sâu nhất trong não - các kết nỗi cá nhân - và do đó trở nên có ý nghĩa và họ có thể ghi nhớ được chúng. Hãy ghi nhớ điều này, tạo ra những kết nối có ý nghĩa cá nhân với những gì bạn học, và bạn sẽ ghi nhớ chúng tốt thôi. Lời cuối: Không được lười biếng. 😜
P/s: Nếu bài viết có ích với bạn hãy upvote và chia sẻ trên trang cá nhân của bạn. Nếu được hãy dành ít thời gian cho tôi được nghe ý kiến của bạn về bài viết. Thân.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất