Chàng trai đã vượt qua ba ngọn núi, bảy con sông và hai cánh rừng để có thể gặp vị đạo sĩ Biết Tuốt đang ẩn cư ở một nơi hoang dã. Chàng cúi gập mình, khẩn khoản cầu xin ông:
– Thưa ngài, ngài có thể giúp con không, con đang bị nhấn chìm trong nỗi nhớ nhung một người da diết?
– Nhớ như nào? – vị đạo sĩ hỏi lại.
– Thưa ngài, dù nàng không yêu con nhưng ngày ngày con chỉ nghĩ đến nàng, con chẳng thể tập trung vào một việc gì cả, luôn có cái cảm giác nôn nao muốn biết nàng đang làm gì, đang nghĩ những gì, và tâm tư con đủ để chất đầy 30 lá thư một ngày để có thể gửi cho nàng.
– Hãy chạy ra ngoài vào buổi sáng và học cách yêu thương một quả dứa cùng với những hạt đậu! – Vị đạo sĩ điềm đạm trả lời.
– Ôi, đúng là vị đạo sĩ tài ba, nói toàn những thứ thâm sâu! Có phải ý ngài là bảo con hãy chạy tìm nàng vào buổi sáng ngày mai, nói với nàng là con xem nàng như một nữ hoàng với vương miện trên đầu và con yêu luôn những chi tiết nhỏ nhặt từ nàng?
Vị đạo chợt mở trừng mắt, thở dài và quát vào mặt chàng trai như tát nước:
– Ý ta là ngươi nên tập thể dục dưới nắng sáng nhiều vào và ăn thêm những thứ ta bảo, ngươi bị thiếu SEROTONIN, đồ ngu ạ!
Chuyện là gần đây, khi ảnh hưởng của các vấn đề liên quan đến tâm lý cá nhân ngày càng trở nên đáng báo động, tôi tự nhủ bản thân cũng nên nghiêm túc hơn về việc phải điều chỉnh cảm xúc cũng như hành vi của mình trước khi mọi thứ trở nên quá muộn. Sau khi thử khá nhiều cách khác nhau như đi chơi, chụp ảnh hay đọc sách, tôi vô tình tìm thấy được cụm từ “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế” và thật sự có ấn tượng mạnh khi đọc về các biểu hiện của nó. Bản thân tôi có lý do để thấy mình phải tìm hiểu về căn bệnh này, và cũng như cái lần bị khuẩn HP, tôi thường thích tìm hiểu đến chi tiết các vấn đề cá nhân dưới góc nhìn một hệ thống khoa học rõ ràng. Vậy thì còn cách nào hay hơn là google và đóng gói các thông tin tìm được thành một bài blog? Thế là tôi quyết định sẽ viết một bài!
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder – hay OCD) là một chứng rối loạn liên quan đến các hành vi tâm lý. Dấu hiệu phổ biến của bệnh đó là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng. Người bệnh thường dành một quãng thời gian dài để tự giam mình trong việc nghĩ về một người hay vật; hoặc thường lặp lại một cách vô nghĩa các hành vi mà không kiểm soát được chẳng hạn như rửa tay quá sạch hay phải sắp xếp mọi thứ gọn gàng. Chúng ta cần phải làm rõ ở đây là, trạng thái lo lắng khi gặp trắc trở trong cuộc sống cá nhân là phản ứng bình thường hay đôi khi là cần thiết. Nhưng nếu nó kéo dài trong khoảng thời gian dài đến quá mức cần thiết hoặc tệ hơn là gây ra đau khổ vô cớ, thì tốt nhất chúng ta nên tự bật lên cơ chế báo động cá nhân và nghiêm túc thừa nhận sự có mặt của bệnh lý. Đối với bản thân mình, tôi tự đánh giá bản thân cũng đã đến độ phải nên làm gì đó, bởi nếu cứ dành thời gian cho một ai đó rồi tự đau khổ vô cớ như vậy, chả mấy chốc tôi sẽ bị đuổi việc mất :v
Mức độ phổ biến của Rối loạn ám ảnh cưỡng chế? (cuỗm từ wikipedia vì lười viết lại)
Trong nhiều năm các chuyên viên về sức khỏe tâm thần cho rằng rối loạn ám ảnh cưỡng chế chỉ là một bệnh hiếm bởi vì có rất ít người thừa nhận mình mắc bệnh, sở dĩ như vậy bởi vì dù bệnh gây ra nhiều đau khổ nhưng họ lại xấu hổ khi phải nói ra mình bị những ý nghĩ và hành vi lặp lại hành hạ, điều này ngăn cản họ đi chữa bệnh, dẫn đến con số thống kê người mắc bệnh không tương xứng với thực tế. Tính trung bình một người phải tìm đến từ 3 đến 4 bác sĩ trong khoảng thời gian 9 năm mới có được chẩn đoán chính xác và phải mất tới 17 năm để có được các trị liệu hợp lý tính từ thời điểm bắt đầu bị bệnh.
Nghiên cứu của Học viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ (NIMH) cung cấp những kiến thức mới cho thấy tính phổ biến của căn bệnh này. Kết quả của NIMH cho thấy rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng đến hơn 2% dân số, có nghĩa là căn bệnh này phổ biến hơn bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, rối loạn hoảng sợ. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng đến tất cả các dân tộc. Nam và nữ có tỉ lệ mắc bệnh như nhau. Ở Mỹ OCD ảnh hưởng đến khoảng 2,2 triệu người trưởng thành, còn theo một nghiên cứu khác thì con số này vào khoảng 3 triệu người từ 18 đến 54 tuổi chiếm 2,3% trong nhóm tuổi đó, bệnh thường đi kèm với rối loạn ăn uống, các rối loạn lo âu khác và trầm cảm.
Hơn 50% người bệnh OCD khởi phát triệu chứng một cách đột ngột. 50-70% phát bệnh sau khi có các sang chấn tâ, lý như có thai ngoài ý muốn, bị cưỡng bức tình dục, mất người thân…
Các biểu hiện thường gặp của Rối loạn ám ảnh cưỡng chế?
Các biểu hiện lâm sàng về Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường được chia thành 2 dạng chính: các ý nghĩ ám ảnh và các hành vi cưỡng chế. Những “ý nghĩ ám ảnh” thường sẽ lặp lại một cách vô nghĩa trong tâm trí người bệnh. Họ thường sẽ tự giam mình trong đau khổ với các ý nghĩ sợ hãi dai dẳng như sợ một ai đó sẽ rời bỏ họ, sợ lỗi lầm cá nhân gây tổn thương cho người khác, sợ những thứ mình làm sẽ không được chấp nhận, luôn đòi hỏi tính cân đối và chính xác hoặc trở nên nghi ngờ điều gì đó một cách thái quá. Các “hành vi cưỡng chế” là các hành vi thường lặp lại nhiều lần một cách vô thức, nó được xem như một sự đáp trả lại các “ý nghĩ ám ảnh”. Các hành vi này có thể kể đến như: kiểm tra liên tục trạng thái hay thời gian online của một ai đó, lau chùi và giặt giũ liên tục, đếm nhiều lần hoặc thường gò ép bản thân sưu tầm hay tích trữ tài liệu để không phải quên. Ở đây, chúng ta cần phân biệt rõ những hành vi này với những thói quen như đọc sách trước khi đi ngủ hay nghe nhạc khi làm việc, chỉ những hành vi nào thái quá đến mức người bệnh xem nó như là một nghi lễ để chống lại sự lo âu gây ra từ “ý nghĩ ám ảnh” thì ta mới hãy xem nó là một “hành vi cưỡng chế”. Phần lớn người mắc Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ý thức rõ về sự vô lý của những ý nghĩ trên (80% người mắc OCD công nhận ý nghĩ của họ là vô lý), nhưng để có thể vượt qua những ý nghĩ đó hay trạng thái đau khổ mà nó gây, thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đôi khi nó đòi hỏi những người quan tâm phải đi sâu hơn vào các cuộc giải phẩu sinh học não.
Các nguyên nhân dẫn đến Rối loạn ám ảnh cưỡng chế?
Các chất dẫn truyền thần kinh
Nhờ sự phát triển của những công nghệ y học như cộng hưởng từ chức năng (fMRI) hay từ đồ não (MEG), giới tâm thần học đã cơ thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu sâu hơn mỗi tương quan giữa sinh học và tâm lý. Trong các nghiên cứu của mình, nhà tâm thần học Donatella Marazziti ở Đại học Pisa, Ý đã xem xét những thay đổi của hormone có liên quan đến OCD, và đặc biệt, bà tập trung chú ý của mình đến serotonin. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh mang lại cho chúng ta sự nhạy cảm lẫn ý thức cao độ về những gì đang diễn ra xung quanh cũng như cảm giác hạnh phúc trọn vẹn. Việc thiếu serotonin thường khiến người bệnh nghĩ quá lên cho một sự việc nào đó (do không nhận thức rõ về thực tại xung quanh) và từ đó dẫn đến các “ý nghĩ ám ảnh”. Ngoài ra, trong quyển sách “Tại sao đàn ông thích tình dục và phụ nữ cần tình yêu” của mình, Allan và Barbara Pease đã giải thích nguyên do dẫn đến tình yêu “tương tư” thái quá với một người nào đó là sự chênh lệch rõ rệt giữa lượng serotonin quá thấp và oxytocin quá cao. Trong đó, oxytocin là một hormone thần kinh chịu trách nhiệm chi phối các quá trình liên quan đến tình yêu và tình dục. Nó được sản sinh khi con người đạt được cực khoái hoặc khi cảm thấy lãng mạn. Thông thường, lượng oxytocin trong cơ thể phụ nữ sẽ cao hơn khoảng 30% so với nam giới, do đó cũng dễ hiểu nếu chúng ta thấy phái yếu có khuynh hướng “điên lên” vì một ai đó nhiều hơn là phái mạnh. Tuy nhiên, việc đàn ông mắc các hội chứng nghiện liên quan đến tình dục cũng sẽ khiến lượng hormone này tăng cao, từ đó sẽ gây ra mức chênh rõ rệt với serotonin và cũng có nguy cơ dẫn đến Rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Gen
Nghiên cứu trên những cặp sinh đôi cho thấy sự liên hệ giữa căn bệnh này và yếu tố di truyền, theo đó gen ảnh hưởng đến từ 45 đến 65% cặp sinh đôi là trẻ em và 27 đến 47% cặp sinh đôi là người trưởng thành, điều này có nghĩa là nếu một người trưởng thành mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế và họ có anh (chị) em sinh đôi thì nguy cơ người anh (chị) em đó mắc bệnh là từ 27 đến 47%. Ngoài ra có sự khác biệt lớn giữa sinh đôi cùng trứng và khác trứng, cặp sinh đôi cùng trứng cho thấy tỷ lệ cao đáng chú ý, lên tới 80 đến 87% so với cặp sinh đôi khác trứng chỉ từ 47 đến 50%, cần chú ý rằng sinh đôi cùng trứng có sự trùng lặp gien cao hơn
Tính cách
Xét từ góc độ tính cách người cầu toàn dễ bị mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (và nhiều rối loạn tâm thần khác). Tuy nhiên không được nhầm lẫn sự khác biệt cơ bản giữa họ bởi vì không phải người cầu toàn nào cũng bị bệnh này, với những người luôn mong trở thành hoàn hảo sự khác biệt là ở chỗ hành vi mang tính ép buộc thường phục vụ một mục đích có giá trị như là thành công trong công việc, nó khác với những ám ảnh và các hành vi mang tính chất nghi lễ của người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường không đem lại lợi ích thực tế.
Các phương thức điều trị?
Dùng thuốc
Những thử nghiệm lâm sàng gần đây cho thấy loại thuốc tác động lên chất dẫn truyền thần kinh serotonin có hiệu quả cao trong việc làm giảm triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Loại đầu tiên thuộc dòng thuốc SRI (serotonin re-uptake inhibitor) được cho phép để điều trị bệnh này là thuốc chống trầm cảm 3 vòng (tricyclic anti-depressant clomipramine). Các loại thuốc khác cũng thuộc dòng SRI là SSRI (selective serotonin re-uptake inhibitor) cũng được cho phép bởi Cục quản lý Lương thực và Thực phẩm để điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chúng bao gồm: flouxetine (Prozac), fluvoxamine (luvox) và paroxetine (Paxit) còn sertrline (Zoloft) vẫn ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Trị liệu hành vi
Tâm lý trị liệu truyền thống chữa trị thông qua việc tập trung giúp bệnh nhân phát triển khả năng thấu hiểu các rắc rối của bản thân thế nhưng cách này thường không hiệu quả. Tuy nhiên một trị liệu hành vi đặc biệt có tên là “đối diện và đáp trả” lại tỏ ra có hiệu quả với nhiều bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Theo hướng tiếp cận này bệnh nhân cần suy nghĩ kỹ và chủ động lựa chọn để đối diện với vật thể hoặc ý tưởng gây sợ hãi, điều này có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua trí tưởng tượng. Cùng lúc đó bệnh nhân được khuyến khích để kiểm soát hành vi cưỡng chế, người giúp đỡ có thể là bác sĩ trị liệu hoặc một người khác mà bệnh nhân tin tưởng.
Ví dụ như người có hành vi cưỡng chế giặt rũ có thể được khuyến khích đến gần một vật nào đó bị bẩn và cố gắng tránh giặt nó trong vài giờ cho đến khi cường độ lo âu giảm. Điều trị được tiến hành từng bước theo khả năng kiểm soát lo âu và hành vi cưỡng chế của bệnh nhân. Khi quá trình điều trị có kết quả phần lớn bệnh nhân dần dần giảm bớt lo âu do các ý nghĩ ám ảnh gây nên và họ cũng giảm được hành vi cưỡng chế.
Tự chăm sóc và hỗ trợ từ phía gia đình, người thân
Người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế cần có một người để ý chăm sóc, nhắc nhở uống thuốc, họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía gia đình, bạn bè hoặc các nhóm thảo luận. Khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh các thành viên khác cần động viên và khích lệ bất kỳ tiến bộ nào, dù là nhỏ nhất. Tự giúp đỡ theo nhóm đem lại nhiều trợ giúp và khích lệ. Người bệnh được giúp đỡ bằng cách hiểu sâu hơn về căn bệnh. Những người thân trong gia đình cũng cần các hiểu biết rõ ràng và đầy đủ, điều này giúp hoàn thành khóa điều trị tốt nhất có thể và giữ các rắc rối trong vòng kiểm soát.
Các lưu ý cá nhân
Trước khi kết thúc bài viết này, tôi có vài lời muốn làm rõ với các độc giả quan tâm. Thứ nhất, tôi không khẳng định bản thân mình đang mắc hội chứng này, nên bài viết này không phải viết để kể lể hay than van. Tuy nhiên, tôi cũng không phủ nhận là khoảng thời gian kha khá dài vừa qua tôi có gặp các rắc rối về tâm lý cá nhân, và tôi sống đủ lâu với chính mình để hiểu tại sao bản thân lại quan tâm đến hội chứng này như vậy. Nhưng tôi nghĩ việc nhận ra cũng là biểu hiện của việc tôi đang làm khá ổn với các biện pháp của mình. Thứ hai, nếu bạn cảm thấy bản thân cũng xuất hiện các biểu hiện có phần giống với các bệnh nhân thuộc hội chứng này, mong bạn cũng đừng kết luận vội vàng là mình bị bệnh. Hãy đảm bảo việc đó khi bạn thấy nó kéo dài quá mức cần thiết hoặc bắt đầu ảnh hưởng đến các hoạt động đời sống cũng như công việc của bạn. Tuyệt đối đừng nhầm lẫn nó với các hành vi thư giãn cá nhân hay cảm giác “tương tư” một ai đó. Tóm lại, mong các bạn đọc có thể xem đây là một bài chia sẻ khoa học thường thức và cũng coi như một thông báo rằng cái chuyên kênh khoa học của thằng Ti Gơ Nguyễn đang dần “coming back”. Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã đọc ủng hộ!