Tuyệt nhiên không phải là một bộ phim có chủ đề về ngành PR (Public Relations) - Quan hệ công chúng, nhưng dám chắc bạn sẽ hiểu về định nghĩa PR dễ dàng hơn bất cứ bộ phim về PR nào đã được giới thiệu trước đấy. Chào mừng bạn đến với Inception (Kẻ đánh cắp giấc mơ).
nguồn: Pinterest

Chắc chắn cốt truyện của Inception sẽ khác hoàn toàn và không hề dính dáng gì tới ngành PR, vì đây là một bộ phim hành động khoa học viễn tưởng Mỹ được bắt đầu bằng lời đồng ý chấp nhận nhiệm vụ bất khả thi "ý tưởng khởi nguồn" - cấy ghép ý tưởng của một người vào trong tiềm thức của người khác, hòng chuộc lại cuộc đời của nhân vật chính Dom Cobb, một kẻ cắp chuyên nghiệp chuyên thực hiện các hoạt động gián điệp kinh tế bằng cách xâm nhập vào tiềm thức mục tiêu của anh ta.
Câu chuyện được bắt đầu bằng mối duyên dẫn đến phi vụ bất khả thi khi Dominick “Dom” Cobb và Arthur đột nhập bất thành vào tiềm thức của một doanh nhân người Nhật tên Saito. Tại sao lại là đột nhập vào tiềm thức? Bởi Dom và Arthur là những “người trích xuất”, những người sử dụng một công nghệ thử nghiệm của quân đội cho phép xâm nhập vào tiềm thức của đối tượng để đánh cắp thông tin, hay hiểu một cách nôm na là họ sẽ tìm cách khiến cho đối tượng của mình rơi vào giấc ngủ, rồi dùng công nghệ để chìm vào giấc ngủ cùng người đó nhưng lại có thể xuất hiện trong giấc mơ của đối tượng để trộm đi những thông tin quý giá. Đó là cách ta gọi họ là “Kẻ đánh cắp giấc mơ”. 
Quay trở lại với Saito, sau khi nhóm Dom và Arthur không thành công trong việc trích xuất thông tin vì Dom bị những ký ức về Mal - người vợ đã chết của anh, xuất hiện và phá vỡ giấc mơ, Saito đã đưa ra cho họ một đề nghị nếu thành công, Saito không chỉ tha tội cho họ, mà còn giúp xóa bỏ toàn bộ các cáo buộc giết người của Dom, khiến cho anh có thể về nhà gặp các con của mình sau một khoảng thời gian dài chạy trốn. Đề nghị đó là, nhận thấy việc đột nhập các giấc mơ không chỉ dừng lại ở việc đánh cắp thông tin, nó còn có thể gây ảnh hưởng sâu hơn thế gấp nhiều lần, chính là cách họ có thể gieo ý tưởng của mình vào trong tiềm thức của một người, khiến người đó tin điều đó là sự thật và có thể thay đổi toàn bộ nhận thức, suy nghĩ từ ý tưởng “không phải của mình” đó. Saito gọi đó là “Ý tưởng khởi nguồn”, và ý đây, Saito muốn gieo ý tưởng giải tán công ty vào tâm trí của con trai của chủ tịch một tập đoàn năng lượng, ông Maurice Fisher - người mới qua đời và theo di chúc, Robert Fischer con trai độc nhất của ông sẽ lên thừa kế tập đoàn. 
nguồn: Pinterest
Vậy điều mình ấn tượng nhất với bộ phim này sau tất cả là gì? Bỏ qua tất cả sự kinh ngạc mà nội dung phim cũng như các “easter eggs” đem lại, mình thực sự ám ảnh vì nó, bởi vì cách mà người ta gieo ý tưởng khởi nguồn vào một người làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, thay đổi một mối quan hệ giữa người với người, thay đổi tương lai cả một tập đoàn, điều này thực sự có nét tương đồng với cách PR vận hành.
Tất nhiên là mọi thứ sẽ lộn tùng bậy trong suy nghĩ của mình. Khi mình xem những “người trích xuất” - kẻ cắp giấc mơ - Cobb, Arthur và đồng bọn là những người làm PR, và đang thực hiện chiến lược của mình sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng tất tần tật về đối tượng, để cố gắng “tấn công” vào nhận thức, ý nghĩ của Fischer con - một công chúng tiếp nhận, để đạt được mục đích lớn nhất: tạo mối quan hệ tốt với Fischer - qua việc gặp gỡ và định hướng mối quan hệ đó theo hướng mình muốn trong giấc mơ tức nơi lòng ta mềm yếu nhất, khiến cho Fischer hoàn toàn tin vào mình và từ đó “vô tình” cấy vào suy nghĩ của Fischer một "ý tưởng khởi nguồn" có thể bẻ lái cuộc đời anh ta sang hẳn một trang mới. Fisher sau khi thức dậy đã không còn là Fischer với niềm tin và suy nghĩ trước đây nữa, sự thay đổi tiềm thức tưởng nhỏ bé nhưng đã tạo ra "hiệu ứng cánh bướm" không ngờ, thay đổi tương lai không chỉ của một con người mà còn là của cả một tập đoàn, bẻ lái ảnh hưởng tới toàn thế giới.
PR có lẽ là kiểu vậy, không bao giờ đi một đường thẳng, nói thẳng rành mạch rằng bạn cần yêu mến họ hòng thu về những cảm xúc tích cực theo hướng họ muốn và những đổi thay suy nghĩ theo ý mình, mà họ sử dụng một loạt hành động và lời nói có chiến thật, dưới nhiều khía cạnh, khôn khéo hơn để gây dựng cái gọi là tin tưởng, trở thành người dẫn dắt và tự khắc khiến bạn tin tưởng và muốn nghe theo. Khi ấy, những gì bạn đang nghĩ rằng là bạn tự nhìn thấy được, thực ra là bức tranh hoàn hảo mà người làm PR đã toan tính, nghiên cứu thật kĩ thật tường tận về con người bạn để vẽ nên cho bạn, một bức tranh mà bạn sẽ thích thú khi nhìn thấy, một ý tưởng rất hợp lý mà bạn tâm đắc vô cùng, nhưng thực ra đó hoàn toàn là điều người làm PR khéo léo chỉ cho bạn thấy, nhưng bạn chỉ biết là “bạn thấy”, chứ hai từ “chỉ cho” thì đã được người trong ngành giấu nhẹm đi khỏi bạn rồi.
Thử tưởng tượng nếu Fischer chỉ là một trong một tập công chúng còn đội của Cobb tiếp tục quan hệ gìn giữ lòng tin từ tập công chúng của Fischer, chắc chắn Fischer sẽ có một ngày tin yêu công ti đối thủ của Saito - người đã thuê Cobb xâm nhập vào tiềm thức để thay đổi Fischer, một cách không ngờ vực. Thế là từ vị thế của những kẻ đối đầu, Fischer hoàn toàn có thể trở thành một đối tác bền bỉ của Saito, nếu đội của Cobb là những người làm PR thực sự tài tình. Đó lại là một sức mạnh ngầm đáng kinh ngạc khác của PR, không chỉ tráo đổi được các khái niệm, mà còn là định hướng lại cách nghĩ, niềm tin, quy phục được người khác.
nguồn: Pinterest
Nhưng để nói về mặt tiêu cực của PR, Inception cũng có mối liên hệ. Đó là sự tai hại của những ý tưởng khởi nguồn sai trái, vì chúng ta khó có thể ngờ được một khi đã hoàn toàn tin tưởng vào cái gì đấy, một người có thể cực đoan đến mức độ nào. Lúc ấy, PR lại là một con dao hơi lưỡi, làm đau nhiều người hơn thế. Trong Inception, đó là cái chết của Mal, vợ Cobb vì cô đã quá tin tưởng vào ý tưởng khởi nguồn Cobb gieo rắc cho cô, đến mức cô không còn phân biệt được giữa sự thật và tiềm thức, và đã tự tử để được tìm về mảnh đất hoàn hảo nơi Cobb cấy vào tiềm thức của Mal. Về bản chất, “ý tưởng khởi nguồn” hay PR cũng giống như một tôn giáo, nhưng tỉnh táo mà nói, chưa có phi vụ PR nào đem lại sự tin tưởng dai dẳng và gây ra cái kết tệ như vậy. (Hoặc có nhưng PR đã “bịt mồm” báo chí - một nhánh liên kết hoạt động của ngành PR, giấu đi và khiến ta tin là PR vô hại, chưa từng gây ra chuyện đó chăng?)
Khác với hoàn toàn những bộ phim hướng tới chuyên ngành PR, Inception sẽ không “nặng đô” với những kiến thức và góc nhìn đa chiều về PR như PR kinh tế, PR chính trị, PR và quan hệ với khách hàng, PR cho một cá nhân, các kỹ năng, kỹ thuật PR…, mà Inception sẽ khiến ta bị “thổi bay não” bởi sự ấn tượng tuyệt đối về tầm ảnh hưởng của PR đối với một con người qua những sự liên hệ cực bất ngờ giữa việc “gieo cấy ý tưởng khởi nguồn” và làm PR. Theo cá nhân, đối sánh với bộ phim Up In The Air về chuyên ngành PR, mình thích thú khi khám phá ra định nghĩa về PR qua Inception nhiều hơn là được chỉ ra trực tiếp về PR có phần khô khan, nghiêm trọng qua Up In The Air. Dù có thể quan điểm vừa rồi là không cân xứng, nhưng với mình Inception đã vô tình làm tốt nhiệm vụ PR cho ngành PR đấy chứ?
Là một sinh viên chuyên ngành PR, mình bất ngờ khi nhiều bạn sinh viên cùng ngành dù đã tiếp cận nhiều khía cạnh lớn về các chức năng, công cụ của PR nhưng lại chưa hiểu bản chất của định nghĩa PR. Có lẽ, Inception là một lựa chọn lạ lùng nhưng chắc chắn sẽ đem lại cho bạn một góc nhìn cực kì lý thú về PR bên cạnh việc giải trí tuyệt vời, thách thức phần nào tư duy bản thân. Vậy nên thứ Sáu cuối tuần sắp tới hãy sắp xếp thời gian thôi nào, vì bạn có một buổi hẹn hò với Inception đấy!
Đừng tin vào “Sự thực” và tất cả những gì sau cùng mình muốn nói qua những dòng suy nghĩ về Inception cũng như PR, vì rốt cuộc chúng mình chưa biết ai mới là người đang ở thế giới thật và người đang ở trong mơ. Về Inception còn có nhiều góc nhìn thú vị khác mà bạn có thể tham khảo trên Spiderum, nhưng hi vọng bạn cũng cảm thấy vui khi cùng mình khám phá góc nhìn về PR này của bộ phim. Cảm ơn bạn vì đã đọc tới đây!
Đọc thêm: