Xung đột ý thức hệ hay là sự đối đầu giữa các cường quốc
Những điều chúng ta biết có lẽ chỉ là được phát cho
Nếu dành đôi chút quan tâm đến chính trị thế giới, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những tin tức/bài viết/sách/bài nghiên cứu mang tính chất phê phán, công kích nhằm vào hệ tư tưởng/ giá trị giữa các quốc gia đối địch; đó có thể là phê phán sự chuyên chế hay xoá bỏ tư hữu của chủ nghĩa cộng sản hay lên án chính sách thuộc địa kiểu mới, thói đạo đức giả của chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ v.v. Sự đánh nhau qua lại trên mặt trận tuyên truyền này đã tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực, làm không biết bao nhiêu con người đốt bỏ thứ đã tôn thờ rồi lại đi tôn thờ thứ đã đốt bỏ, sinh ra không biết bao nhiêu thế hệ “bò”, “cừu”, “chó”. Nhưng đã bao giờ bạn nghiêm túc nhìn nhận rằng, những mâu
thuẫn kể trên không phải nguyên nhân cho cuộc đối đầu mà thực chất chỉ là công cụ được sử dụng; rằng, thực ra chủ nghĩa cộng sản không xấu, nó chỉ xấu vì được Liên Xô, Trung Quốc sử dụng, rằng chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ không xấu, nó xấu vì chỉ Mỹ được phép sử dụng. Nghe có vẻ mới? Không hề.
Bạo lực hay chiến tranh là công cụ giải quyết xung đột lợi ích cổ xưa và hữu hiệu nhất (đến nay vẫn vậy). Nhưng loài người với sự phát triển về văn hoá và các mô hình xã hội, cũng sớm nhận ra hoặc bạo lực phải được đặt trong tầm kiểm soát, hoặc không cộng đồng nào có thể tồn tại bền vững. Đó là lí do một mặt xã hội lên án và kìm hãm bạo lực tự phát nhưng mặt khác, trao vinh quang cho việc sử dụng bạo lực có hệ thống (chiến tranh). Theo đó, bạo lực của một xã hội cần được ủng hộ, giải thích bằng các nguyên tắc của tôn giáo, luật lệ, hay bất công cụ gì khác, miễn là nó “cao quý”, “chính nghĩa”, “hợp pháp”; tôi để hết những thứ kia trong ngoặc kép bởi chúng không thực sự tồn tại mà là những ý nghĩa được gán cho.
Xin điểm lại một vài dấu vết của những xung đột trong lịch sử để minh hoạ cho luận điểm trên:
- Từ cổ đại, các huyền thoại tôn giáo được kể lại như một cách lý giải hợp lý cho bạo lực Gilgamesh giết Humbaba (người Summer), Ahura Mazda chống lại Deava (người Ba Tư); Indra chiến đấu với Vritra (người Arya), Yahwe chém Tiamat (người Do Thái), Hoàng Đế đánh bại Si Vưu v.v (người Hoa hạ). Đây rõ ràng chỉ là những câu chuyện ẩn dụ cho sự phát triển và bành trướng của các nền văn minh, nơi mọi thế lực phản kháng đều được coi là thứ xấu xa cần tiêu diệt.
- Nhìn lại lịch sử trung-cận đại của chính Việt Nam, chúa Trịnh dù nắm quyền sinh sát vua Lê nhưng cũng không dám thay đổi triều đại bởi không tìm được cái “chính danh”; thế lực Tây Sơn của Quang Trung đánh Nam dẹp Bắc là vậy nhưng nếu không có sự việc Lê Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh cũng khó để đường đường chính chính thiết lập nhà nước mới; đến lượt mình, Nhà Nguyễn đánh ra Bắc, lấy lòng sĩ phu bằng việc kể tội Quang Trung cướp ngôi nhà Lê. Kỳ thực, đây là sự đối đầu giữa các tập đoàn phong kiến chứ chẳng liên quan thiên mệnh, tài năng hay đạo đức nào cả.
Lịch sử hiện đại thì sao, ví dụ là rất nhiều, nhưng tôi xin quay ngược câu chuyện trong phần mở đầu để chỉ ra rằng xấu hay không phụ thuộc vào phe mà bạn chọn:
1. Nhà nước Cộng sản thì thiếu dân chủ? Sai.
Trước tiên, cần làm rõ rằng Cộng sản - Tư bản; Dân chủ - Chuyên chế mới là các cặp tư tưởng, lý thuyết đối lập nhau, để dễ hình dung hơn, chúng như hai con đường với hai đích đến khác nhau tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều điểm giao cắt. Cụ thể, Cộng sản vs Tư bản là dựa trên học thuyết về phân chia giai cấp dựa trên tư liệu sản xuất tức nhà nước (định hướng) Cộng sản thì do giai cấp vô sản lãnh đạo, theo chủ nghĩa vô sản còn nhà nước Tư bản thì do giai cấp tư sản lãnh đạo, theo chủ nghĩa tư bản. Trong khi đó, Dân chủ vs Chuyên chế lại dựa trên quan điểm về kỹ thuật phân chia quyền lực; trong đó dân chủ là đặc trưng của chính thể Cộng hoà khi công quyền thuộc về số đông – trái ngược với nó là chính thể Chuyên chế, quyền lực chỉ rơi vào tay một hoặc một số ít cá nhân trong xã hội. Cũng bởi vậy, chúng không trực tiếp bài trừ nhau, và có thể được sử dụng để kết hợp tạo nên các mô hình nhà nước như Cộng sản - Dân chủ hay Tư bản - Chuyên chế. Bây giờ, xin trích lại một câu trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (Marx, 1848): “Bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy DÂN CHỦ”. Về mặt lý thuyết, khi Marx nói về chuyên chính vô sản thì sự chuyên chính đó vẫn bảo đảm dân chủ do nó bảo vệ quyền chính trị của giai cấp vô sản (chiếm đa số trong xã hội). Đến đây sẽ có người bảo tôi là “Đừng nói lý
thuyết, hãy nhìn vào thực tế các nước theo chủ nghĩa cộng sản kìa”; nhưng đã nói vậy, có phải bạn đã thừa nhận rằng các công kích thực chất là nhằm vào các thực thể quốc gia đang tồn tại chứ không phải về hệ quan điểm/giá trị không?
Bây giờ là câu chuyện phe phái, mặc dù miệt mài phê phán tư tưởng của Marx, Lênin, Stalin (chống Liên Xô) thì trong chiến tranh lạnh (và kể cả bây giờ) Mỹ vẫn rất cẩn trọng khi nhắc đến tư tưởng Mao Trạch Đông, không phải vì Mao có tư tưởng xuất sắc hơn 3 người đã nêu, mà đơn giản, Mỹ có lợi ích khi “làm bạn” với Trung Quốc.
2. Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ, đạo đức giả hay sự ghen tị?
Mỹ kêu gọi các nước chống biến đổi khí hậu trong khi bản thân không ký vào Cam kết cắt giảm khí nhà kính, lên án tội ác chiến tranh nhưng không phê chuẩn Công ước Roma về Toà án Hình sự quốc tế, Mỹ ngăn chặn hành động quân sự của các quốc gia khác nhưng tại tự mình hoặc dung túng đồng minh tiến hành chiến tranh,… và danh sách ngoại lệ của Mỹ vẫn còn dài nữa. Trung Quốc lên án gay gắt thái độ “hai mặt” đó của Mỹ nhưng đến lượt mình cũng học tập và làm theo với sáng kiến “đường lưỡi bò”, diễn giải UNCLOS theo cách hiểu riêng có lợi cho bản thân.
Tựu chung lại, những xung đột ý thức hệ trên hay nhiều luận điểm khác thực chất chỉ là chiêu bài chính trị nuôi dưỡng tâm lý xung đột, một tấm màn bóng bẩy để nhằm che đậy những lợi ích trần trụi hơn mà thôi.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
Chủ nghĩa CS cũng có nhiều trường phái, nhiều đường lối khác nhau. Nhưng cái CS mà nhiều người hay nói tới, chủ yếu là CNCS do Lenin định hình và tiếp nối đó là Stalin phát triển. Sau khi thành công có được chính quyền bằng vũ lực ở Nga, Lenin đã lập ra QTCS3, với mục tiêu đấu tranh lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa bằng hình thức bạo lực cách mạng, thiết lập nền chuyên chính vô sản. Ngay từ cái mục đích đã thấy rằng không thể không có xung đột ở đây rồi, phải không?
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những đảng CS khác hoạt động tương đối độc lập với cái đường lối cực đoan và bạo lực đó thì vẫn sống khỏe mà không có xung đột nào, như Đảng CS Nhật Bản. Cũng có những Đảng CS cực đoan, dù đã kết thúc chiến tranh lạnh nhưng vẫn đấu tranh với đường lối đó, mục đích đó cho tới bây giờ là Đảng CS Philippines.
Sau khi kết thúc WW2, LX biến những nước Đông Âu do họ kiểm soát thành CS hết, 1 nửa Triều Tiên thành CS, hỗ trợ Mao đánh Tưởng để biến TQ thành CS, sau đó TQCS thì hỗ trợ Việt Minh đánh Pháp/QGVN,... đỉnh điểm là Triều Tiên đánh Hàn Quốc, lúc này Mỹ mới đổi chiến lược, thay vì chỉ hỗ trợ về vật chất thì can thiệp quân sự khi cần thiết. Mỹ đã giữ được Hàn Quốc nhưng đã mất 3 nước Đông Dương. Chiến tranh lạnh chỉ kết thúc khi LX sụp đổ.
Những sự kiện trên đều bắt nguồn từ chủ trương bạo lực cách mạng của Lenin. Cái tư tưởng đó đến bây giờ vẫn được dạy trong Giáo trình triết học Mác Lenin. Vậy thử hỏi, xung đột ý thức hệ là có thật hay không?