Có lẽ cũng như mình, nhiều bạn ở đây đã quen thuộc với bộ phim truyền hình "Tể Tướng Lưu Gù", đã từng được đài truyền hình Việt Nam trình chiếu và độ khoảng chục năm trước. Nếu lúc trước, mình thần tượng Lưu Dung, một vị quan thông thái, liêm khiết, luôn lo lắng cho dân cho nước, thì bây giờ, mỗi lúc xem phim, mình lại chú ý đến hình tượng người phụ nữ bên cạnh ông - Lưu Phu Nhân, Hà tiểu thư.
Lưu Dung và vợ.
Về thân thế, trong phim, Hà tiểu thư là con gái Lục Vương, có thể gọi là lá ngọc cành vàng, được ăn học, lại nền nã, xinh đẹp. Mối tình của Lưu Dung và Hà tiểu thư bắt đầu từ cuộc thi đấu cờ kén chồng khi nàng không muốn theo vào hầu vua. Các xây dụng hình tượng nữ nhi chủ động trong việc chọn chồng, không ham mê quyền tước không phải là hiếm trong phim cổ trang. Bài viết này chỉ bàn về một việc mà mãi sau này, mình mới nghĩ đến: nữ quyền và cách đấu tranh nữ quyền.
 Bối cảnh phim xây dựng vào thời vua Càn Long, chế độ phong kiến không xem trọng vị thế của người phụ nữ. Việc nàng mở hội đấu cờ cũng với những cảnh thưởng thơ, thưởng bút cùng chồng, có thể thấy nàng đã được ăn học đến nơi đến chốn.
 Khi Lưu Dung bị Càn Long chơi khăm, để hai người thiếp đến dùng mỹ nhân kế với Lưu Dung, Lưu phu nhân biết được, đã lôi đình lao vào cung cấm "đánh ghen", nhưng lúc nhận ra đó là kế của Càn Long để khiến Lưu Dung cũng "cá mè một lứa" với mình, và khi Lưu Dung chịu chết chứ không nhận hai người thiếp, nàng đã nguyện theo chồng nhắm mắt. Đó chẳng phải là giữ lý giữ tình ngay trong lúc tam bành.
 Sống trong thời đại phong kiến, trai năm thê bảy thiếp là bình thường, nhưng Lưu Dung lại vô cùng tôn thờ vợ, không dám ho he chuyện lập thiếp. Hà tiểu thư đi một nước cờ cực cao, cưới người thiếp theo hầu trong phủ cho chồng. Người tì thiếp đó cũng xinh xắn, nết na, khi Lưu phu nhân dò hỏi lại là người biết nghĩ trước sau, nguyện theo người chồng giỏi giang, thông minh chứ không quan tâm đến kẻ quyền cao chức trọng. Đến khi người thiếp có mang, lại hết lòng lo lắng, chăm nom. Người phụ nữ ấy đẩy chồng mình vào tay kẻ khác, để có thể giữ chồng, giữ thể diện cho chồng (theo quan điểm đương thời), người thiếp lại nhất nhất vâng lời mình, ấy mới thấy cái đức độ, cái tầm nhìn của một người phụ nữ. 
Lúc Lưu phủ sa cơ, nàng tự tay xuống bếp lo việc nội trợ, và thực ra người phụ nữ ấy cũng có tiếng nấu ăn ngon đến Càn Long cũng muốn được nếm thức ăn do bà nấu. 
Đấy, người phụ nữ đó không giương cao "ngọn cờ" bình đẳng giới, bà tự biết nâng cao vị thế của mình, người phụ nữ đó không chăm chăm giữ chồng, bà làm cho chồng vị nể mình, người phụ nữ đó không chê việc bếp núc là "bất bình đẳng" mà hiểu rằng, đó là cách để người phụ nữ giữ lửa cho gia đình. Chẳng phải vô duyên mà Càn Long ghen tị khi Lưu Dung hằng đêm được rửa chân cho Hà tiểu thư.
 Mình tiếp xúc với nhiều bạn nữ trẻ, tất nhiên không phải tất cả, họ cho rằng phụ nữ hiện đại là lao vào kiếm tiền, là sống tự do, phóng khoáng, là vùng lên để đòi hỏi bình đẳng, và họ chối bỏ những giá trị mà xã hội đã từng trong mong ở những người phụ nữ, là cái nền nã, là nữ công gia chánh, là chăm sóc cho gia đình. Tất nhiên quan điểm cá nhân, mình không thể ngăn cản hay phản bác. Chỉ là việc phủ nhận những đặc điểm đó có thực sự là bình đẳng giới, hay chỉ là sự máy móc áp dụng từ ngữ mà quên mất những sự khác biệt về giới tính. Bình Đẳng không phải là Đẳng Thức (mình nghe câu này từ thầy Lê Thẩm Dương). Cá nhân mình nghĩ rằng, thực ra, phụ nữ à, chúng tôi đã sẵn sàng phủ phục dưới chân các nàng để được làm nô lệ, chỉ là các nàng có cao tay để điều khiển chúng tôi chăng?


Khi được hỏi về bình đẳng giới.
P/s: trong tác phẩm Một Người Hà Nội, Nguyễn Khải viết: người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chả ra sao, ôi phải chăng quan điểm đó đã là chuẩn mực từ xưa đến nay, người vợ mà làm cho chồng kính phục, thì nhà cửa chẳng ấm êm, nội ngoại, trong ngoài lấy đó làm gương sáng mà xây dựng gia đình sao.