Bài viết chỉ bàn về việc NÊN hay KHÔNG NÊN xây. Còn xây bao nhiêu tiền, đó là 1 câu chuyện khác, không nằm trong phạm vi bài viết. 
Mấy hôm nay trên mạng thấy nhiều bình luận về việc TPHCM muốn chi 1500 tỉ để xây dựng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm. 
Dạo quanh 1 số báo mạng, thấy comment phía dưới đa phần như sau:
Hầu hết nhân dân ta chưa đủ khả năng thưởng thức và cảm nhận dòng âm nhạc bác học này. Tôi e ngại nó sẽ rất lãng phí.
Xin lỗi, tôi dân hai lúa cảm thấy nhạc giao hưởng không hợp với số đông dân Việt, đặc biệt là dân miền Nam. Xin Thành phố đầu tư vào lĩnh vực khác mang lại ích lợi cho cộng đồng hơn. Xin cảm ơn!
Để đăng được bình luận này, em phải đi gần 45 phút mới công ty, trong đó 20 là kẹt xe, ngập nước trên đoạn đường Huỳnh Tấn Phát huyền thoại. Thiết nghĩ nên nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện trước khi nghĩ đến các công trình công cộng chưa thật sự cần thiết.
Sau 1 lúc đọc comment thì thấy, đa phần độc giả có ý kiến KHÔNG XÂY NHÀ HÁT GIAO HƯỞNG, mà tập trung tiền vào xây dựng BỆNH VIỆN, TRƯỜNG HỌC, ĐƯỜNG XÁ v.v.... 
Nghĩ cũng có lí, bởi bệnh viện từ Bắc vào Nam lúc nào cũng quá tải, trường học nhiều nơi không có, đường xá thì ngập lụt liên miên ..... 
NHƯNG .... để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện của tôi.
Tôi ... năm ngoái có đi chơi 1 chuyến để đời với 1 nhóm bạn, gồm Thái, Trung,  Malay, Hàn, Đức, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Anh ... Tôi chỉ nhớ tạm tạm từng đấy nước. 10 ngày rong ruổi trên ô tô, ăn ngủ trên ô tô (sinh viên mà, du lịch giá rẻ he he ), vì thế mà cũng có dịp làm quen, nói chuyện, tâm sự không ít. Và tôi đặc biệt ấn tượng với mấy đứa đến từ các nước Châu Âu. 
Do đặc điểm lịch sử, địa lý, 1 đứa có thể nói 2 3, thậm chí 4 5 thứ tiếng. Cái này không ngạc nhiên lắm. Nhưng cái tôi bất ngờ hơn cả, là khả năng cảm thụ nghệ thuật cũng như sáng tạo nghệ thuật của chúng rất cao. Trong khi tôi chật vật để canh hết góc nọ góc kia, để chụp được 1 bức ảnh gọi là có bố cục với ánh sáng ổn ổn 1 tí bằng cái Iphone 6splus, thì có 1 thằng ku Bồ Đào Nha, nó chỉ cần giơ máy ảnh kỹ thuật số xấu xấu bẩn bẩn, màn hình bé bằng 3 ngón tay, series cách đây hơn chục năm, chụp 1 cái, là đã có 1 bức ảnh rất ổn, ổn hơn nhiều so với cái ảnh phải căn chỉnh mướt mồ hôi của tôi. 
Lúc đầu tôi cứ nghĩ nó phải có thâm niên chụp ảnh kinh lắm rồi, nhưng qua nói chuyện, nó bảo nó chụp theo cảm tính, chứ có gì đâu.
Nghe xong tôi chửi thầm: "Cái thằng có nghề mà cứ thích giấu" :))))
Thế rồi sau khi tham quan xong 1 địa điểm, chúng tôi khoe nhau ảnh chụp được. Thì thế đ' nào, ảnh của hội mấy đứa đến từ EU bao giờ cũng rất đẹp về bố cục và ánh sáng. 
Đọc đến đây, chắc nhiều bạn bảo là tôi chắc ko biết chụp ảnh nên thấy ảnh đứa nào cũng đẹp hơn của mình. Ừ, cứ cho là thế đi ....
Rồi mấy ngày sau đó, bọn tôi nói chuyện nhiều hơn, và phát hiện hội kia có rất nhiều tài lẻ: thằng nào cũng hầu hết chơi được nhạc cụ (piano hoặc guitar), nếu không thì sẽ là biết vẽ, hoặc nhảy .... Có thằng chơi được 2 3 nhạc cụ, mặc dù nó học chuyên ngành Cơ khí .... 
Sau chuyến đó, tôi cứ suy nghĩ mãi ... Mình hát được, múa được, cảm thụ được âm nhạc và hội hoạ .... nhưng những cái đó nó chưa ngấm vào máu được như hội kia. Nó chưa ăn sâu vào trong tiềm thức, để tạo nên khí chất của mình. Nó rất nông và hời hợt .... Còn hội kia, chúng được "tắm" trong nghệ thuật từ nhỏ. Ra khỏi nhà là có những công trình kiến trúc từ thế kỉ trước, bảo tàng nghệ thuật, rồi các bức tượng điêu khắc trên đường phố, rồi được đi xem các buổi hoà nhạc .... Tất cả những cái đó, hàng ngày hàng giờ đập vào mắt chúng, rồi ăn vào tiềm thức chúng. Chúng lĩnh hội, rồi thể hiện ra bên ngoài bằng KHÍ CHẤT của chúng. Bảo sao Tây chúng nó đẹp, đẹp từ ngoại hình, đến thần thái .... 
Bảo tàng Louvre - Pháp
Ừ thì, giáo dục gồm việc giáo dục về: TRI THỨC, ĐẠO ĐỨC, THẨM MĨ, THỂ CHẤT v.v...
Giáo dục TRI THỨC là dạy con người kiến thức khoa học thường thức, khoa học chuyên ngành: toán, lí, hoá, văn, sử, địa v.v.... 
Giáo dục ĐẠO ĐỨC dạy con người ta biết phải trái đúng sai, cách đối nhân xử thế ...
Giáo dục THẨM MĨ giúp bồi dưỡng tâm hồn đẹp, biết yêu cái đẹp, sáng tạo cái đẹp, trân trọng, giữ gìn cái đẹp. 
Trong bối cảnh hiện giờ, khi nước ta vẫn còn ở nhóm nước thu nhập thấp, người người nhà nhà đều muốn có cuộc sống tốt hơn, thì mọi người mới chỉ tập trung vào học TRI THỨC, với mục đích để kiếm tiền. 
Giáo dục ĐẠO ĐỨC vẫn được chú trọng. Nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta chưa định vị lại được các giá trị đạo đức trong bối cảnh hiện tại, dẫn đến việc giáo dục Đạo Đức nhiều khi đánh nhau choang choác. Nhưng thôi, vẫn có ....
Còn giáo dục THẨM MĨ, công bằng mà nói, THIẾU HỤT TRẦM TRỌNG. Con đòi đi HỌC ĐÀN, bố mẹ bảo "sau này có định làm nhạc sĩ không mà học". Con muốn đi HỌC VẼ, bố mẹ bảo "nhà này không có gen làm hoạ sĩ". Con có năng khiếu VŨ ĐẠO, bố mẹ bảo "chân ngắn một mẩu thế kia thì nhảy múa cái gì". Tầm nhìn của bố mẹ, nói thẳng mất lòng, RẤT NGẮN HẠN. 
Ga tàu điện ngầm Formosa ở Cao Hùng
Nói lại chuyện xây nhà hát giao hưởng  
Đây chính là 1 phần của việc giáo dục THẨM MĨ từ phía cộng đồng. Chúng ta phải có nơi để thưởng thức âm nhạc, thì mới có thể nâng cao thẩm mĩ âm nhạc. Cũng tương tự như vậy với HỘI HOẠ và các loại hình nghệ thuật khác. Nước chúng ta còn nghèo, còn lạc hậu, nhưng chúng ta CÓ QUYỀN THƯỞNG THỨC cái đẹp, CẢM NHẬN nó, từ đó SÁNG TẠO nó. Đừng vì chúng ta nghèo, chúng ta còn thiếu trường học, bệnh viện, đường xá, mà TỰ TƯỚC ĐI CÁI QUYỀN LÀM PHONG PHÚ TÂM HỒN của bản thân. 
Cũng giống như việc bạn là cô gái nông thôn, nhưng không phải bởi vì vậy, mà bạn chỉ có thể đi chân đất, mặc quần áo nâu. Hãy cho mình cái quyền được tô son môi, xịt nước hoa, mặc váy đẹp.
Chúng ta đi nước nọ nước kia, xuýt xoa:
"Sao có cái bến tàu điện ngầm mà họ cũng làm đẹp thế?" 
"Sao có cái tượng để trên vỉa hè mà họ cũng làm cầu kì thế?"
"Sao ở nước ngoài họ biểu diễn ca nhạc ở đường phố nhiều thế?"
v.v.....
Đấy là bởi họ BIẾT THƯỞNG THỨC, TRÂN TRỌNG cái ĐẸP. Hoặc nói cách khác khó nghe hơn, đấy là bởi THẨM MỸ của họ CAO đấy.

Vấn đề khác, ừ thì xây nhà hát, nhưng Sao không xây nhà hát Tuồng, Chèo, Cải lương ( nghệ thuật truyền thống), mà lại xây nhà hát Giao Hưởng? 
Đồng ý rằng, Tuồng, Chèo, Cải Lương, Quan họ Bắc Ninh, Xẩm v.v.... là loại hình nghệ thuật dân tộc cần phải bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Và cũng đồng ý rằng, có thể thông qua nghệ thuật truyền thống để giáo dục THẨM MỸ cho người dân. 
Nhưng chúng ta không thể cứ tự bó buộc tầm nhìn của mình ở phạm vi trong nước. Hãy phóng tầm mắt ra xa hơn, hãy tự cho mình cơ hội thưởng thức 1 thứ nghệ thuật tuy không phải của chúng ta, nhưng đối với các quốc gia khác, nó là bảo vật, là tinh tuý. Hãy TỰ CỞI sợi dây trói buộc tâm hồn của mình. Khi đấy, bạn sẽ thấy thật kì diệu. 
Trước đây mình không hề nghe giao hưởng. Nhưng mấy năm gần đây mình nghe, và thực sự ấn tượng cách họ vận hành 1 dàn nhạc, sự phối hợp nhịp nhàng đến tinh tế của từng nhạc công, cũng như công sức họ đầu tư vào nghệ thuật ....
Nếu không chú trọng GIÁO DỤC THẨM MĨ, thì có kết quả gì?
Ngày xưa, có một thằng cha, lười nhác, không chịu cuốc đất cày cấy. Suốt ngày rượu chè bê tha. Một hôm, hắn đào được 1 hũ vàng chôn ở góc vườn. Từ đấy, hắn đổi đời, được ở nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ, năm thê bảy thiếp. Nhưng hắn vẫn giữ cái thói từ thưở hàn vi: ăn cơm thì ngồi xổm trên sập gụ; ăn trầu xong, có cái ống nhổ bên cạnh nhưng không dùng, hắn nhổ toẹt nước trầu ra nền nhà rồi gọi con sen đến dọn, đi ra ngoài hắn khạc đờm rồi bạ đâu nhổ đấy  v.v..... Người ta gọi hắn là .......... ( là gì các bạn tự nghĩ nhé)

Mấy hôm nay, xem Hậu Duệ Mặt Trời phiên bản Việt, mình cứ ước ao. Giá như chúng ta chú trọng GIÁO DỤC THẨM MỸ từ sớm hơn, thì người dân của ta sẽ có những cảm nhận tinh tế hơn, các diễn viên có thể diễn được những thước phim tinh tế hơn, biên kịch cũng làm được nội dung phim đẹp hơn, stylist cũng có những ý tưởng đột phá về trang phục hơn v.v..... Nếu chúng ta được GIÁO DỤC THẨM MỸ tốt hơn, chúng ta sẽ có một bộ phim remake ĐẸP hơn, chứ không phải khập khiễng thế này .... Haizzzzz .....