Dịch covid lại tiếp tục có những diễn biến mới tại Việt Nam, các nhà chức trách lại ra sức hô hào kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Tuy vậy, sự hô hào ở đợt dịch này có một điểm khác biệt nho nhỏ so với các đợt trước, và nó đã bị nhấn chìm dưới hàng loạt những tiêu đề đáng sợ trên truyền thông. Đó chính là Bluezone.
Sự biến mất một cách đầy yên ắng và bí ẩn của Bluezone khỏi tất cả các kênh truyền thông chính thống của chính phủ khiến tôi đặt ra một câu hỏi:
Phải chăng Bluezone đã hết hợp đồng quảng cáo với VTV?

Từ những suy nghĩ ngây ngô, đơn giản về quá trình lây lan của virus SARS-Cov-2

Như đã đề cập từ trước, cho đến nay vẫn chưa hề có bất kì nghiên cứu đáng tin nào khẳng định hay chứng minh được cách thức lây truyền virus SARS-Cov-2 một cách cụ thể. Dù vậy, chúng ta tạm biết được là nó lây qua đường hô hấp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết các giọt hô hấp (như nước bọt khi hắt xì hay ho) hay qua các hạt khí dung (aerosol, được tạo ra dễ dàng chỉ bằng việc nói hoặc thở thông thường) mới đóng vai trò chủ yếu trong việc truyền bệnh. Điều này cực kì quan trọng, bởi vì nếu không biết virus lây nhiễm như thế nào thì làm sao chúng ta có thể ngăn chặn được? (tôi sẽ đề cập đến chủ đề này trong một bài viết tới)
Và chính vì chúng ta vẫn chưa biết rõ về điều đó, việc lấy tầm hoạt động của bluetooth để cảnh báo tiếp xúc gần người nhiễm virus là một suy nghĩ khá ngây ngô, đơn giản. Để so sánh, tôi sẽ giải thích sơ qua như sau:
- Bluetooth là một dạng sóng vô tuyến, nghĩa là nó có khả năng xuyên thấu qua các vật cản vật lý trong một khoảng cách nhất định.
- Virus SARS-Cov-2 lây qua đường hô hấp, với tỉ lệ lây nhiễm tỉ lệ thuận theo thời gian nguồn lây virus tồn tại, tỉ lệ lây nhiễm thay đổi khi có vật cản vật lý, khi có sự chuyển động của dòng khí, nhiệt độ, v.v…
Về lý thuyết thì khoảng cách khả dụng của bluetooth khá phù hợp để cảnh báo. Tuy vậy, vấn đề ở đây là việc lây nhiễm không chỉ đơn giản là có/không mà là một tỉ lệ (suy ra từ một hàm số phức tạp với nhiều biến số). Như vậy, nếu chỉ đơn thuần ở gần mà Bluezone cảnh báo có nguy cơ lây nhiễm là không thực tế lắm. Hơn nữa, có nhiều trường hợp trong thực tế mà nhiều người có thể ở gần nhau cùng một lúc nhưng tỉ lệ lây nhiễm không hề lớn – có thể kể ra như người tham gia giao thông dừng đèn đỏ, nhà vệ sinh công cộng trong các trung tâm thương mại lớn, hay bạo loạn và biểu tình ở Mĩ.
Với việc tình hình thực tế phức tạp đến như vậy, không khó để có thể dự đoán được rằng hầu hết dữ liệu mà Bluezone thu thập được chỉ là “nhiễu” (noise) – có lẽ lượng dữ liệu có nghĩa (meaningful data) chỉ chiếm chưa đến 1%.
À mà nhân tiện nhắc đến dữ liệu thì…

Sự thiếu minh bạch trong quá trình đưa Bluezone vào các biện pháp phòng chống dịch

Sau những màn truyền thông rầm rộ để rồi chìm như chưa có gì xảy ra, tôi không hề thấy bất kì động thái nào đến từ Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông hay BKAV đề cập đến độ hữu dụng của Bluezone cả. Trên trang chính thức của Bluezone cũng không hề có bất kì dữ liệu nào được công bố. Chỉ cần Bluezone cảnh báo được vài ba ca nhiễm thực nào đó là đã quá thành công rồi, vậy tại sao lại không có gì?
Đến lúc này, bất kì một công dân Việt Nam có trách nhiệm nào cũng nên đặt câu hỏi cho những nhà chức trách có thẩm quyền để yêu cầu giải trình. Bởi vì tôi chắc chắn là cần một số tiền lớn để phát triển Bluezone – đó là tiền ngân sách của nhà nước, cũng là tiền thuế của nhân dân. BKAV là công ty đảm trách dự án này nên họ cũng phải chịu trách nhiệm. Trong tình hình dịch bệnh khó lường như thế này, chúng ta không thể nào lãng phí bất kì một nguồn lực nào, cả tài chính lẫn nhân lực. Số tiền đó đáng lẽ ra đã có thể dùng để mua thêm một lượng vaccine nào đó – giải pháp đã được khoa học chứng nhận là có hiệu quả cao – thay vì để làm một cái ứng dụng với độ hữu dụng chẳng hề có nổi một con số.
Và nếu một công dân Việt Nam bình thường như tôi còn có thể thấy được những sự vô lý như trên, có cớ nào mà các cơ quan chức năng lại không đủ năng lực làm điều đó?

Nhưng chưa dừng ở đó, sự thiếu minh bạch còn đến từ những thứ tưởng như nhỏ bé

Tháng 8 năm 2020, trong chương trình Cất cánh được chiếu trực tiếp trên VTV1 có nói về Bluezone cùng với một số thứ khác. Ở trường quay có chiếu cả bình luận trực tiếp từ Facebook nữa. Đáng ra tôi không xem kĩ đâu, nhưng có một điều bất thường mà tôi để ý được – tất cả các bình luận đều có những điểm sau:
- Đều dùng tiếng Việt có dấu đầy đủ
- Đều đúng chính tả
- Đều là câu ủng hộ, động viên hoặc câu hỏi liên quan đến chủ đề
- Rất nhiều câu giống nhau đến từng chữ
Nhưng tất cả có lẽ vẫn chỉ là nghi ngờ không căn cứ cho đến khi chính một người bạn của tôi đã bình luận vào livestream trên Facebook. Và kết quả hoàn toàn chứng minh những nghi ngờ của tôi. Tất cả bình luận đã bị lọc hết nội dung thực và thay vào đó là những câu rập khuôn như tôi đã nói trên.
Hành động này tuy nhỏ nhưng lại mang tính chất tương tự như trộm cắp danh tính (identity theft). Tôi tự hỏi liệu đây có phải là một trong những thủ tục cần thiết của VTV mỗi lần lên sóng hay không? Khi danh tính và sự tương tác của khán giả còn bị giả tạo thì liệu còn gì khác có thể nằm ngoài những thủ tục đó?

Tham khảo