Có một thuật ngữ được sử dụng nhiều trong thời đại công nghệ 4.0 gọi là "Dấu chân kỹ thuật số" (Digital Footprints) - dùng để chỉ dấu vết người dùng để lại khi sử dụng Internet, ví dụ như Like hay Comment trên các trang mạng xã hội. Hôm nay, mình sẽ dựa vào các "Dấu chân kỹ thuật số" là số Like, Dislike và View trên trang YouTube của VTV24 và VTV4 để có thể thấy được những phát ngôn của các kênh truyền thông chính thống mà một bộ phận nhiều người dân không đồng tình. Bài viết này không mang mục đích chính trị, mà chỉ nhằm giúp người đọc có thêm những góc nhìn mới về những vấn đề xã hội dựa trên việc phân tích dữ liệu trên các trang mạng xã hội - điều mà mới chỉ làm được trong vài năm trở lại đây.

I. Giới thiệu qua về dữ liệu

Tại sao mình lại sử dụng dữ liệu từ kênh YouTube của VTV24 và VTV4? Bởi vì đây là 2 kênh YouTube chính thức của Đài Truyền hình Việt Nam. Mà theo Wikipedia, VTV có nhiệm vụ "tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Quốc hội, góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân". Chưa kể lượt theo dõi lớn trên 2 trang này (gần 500k sub với VTV4 và gần 4 triệu sub với VTV24). Nói qua về các chỉ số mình sử dụng. Chỉ số đầu tiên là tỉ lệ Dislike / (Dislike + Like), chỉ số thứ 2 là tỉ lệ Dislike / View, chuẩn hóa (Standardization - hay nói cách khác là tính z-score) 2 chỉ số trên và tính tổng, sẽ ra được chỉ số mà mình gọi là "Dislike Index", chỉ số càng lớn thì mức độ không đồng tình với chính quyền trong video càng cao. Và mình chỉ lấy những video có số Views đủ cao để đảm bảo tính khách quan.

II. VTV24

Top 15 video với chỉ số Dislike lớn nhất
Top 15 video với chỉ số Dislike lớn nhất
Có một số video có chỉ số Dislike cao nhưng không liên quan gì đến chính sách, phát ngôn của Nhà nước thì mình sẽ không đề cập đến, bao gồm những video có nội dung đụng chạm đến các KOL (người có sức ảnh hưởng) của giới trẻ (Độ Mixi) hay người tham gia chương trình có cách ăn mặc phản cảm (Lê Bống với các chương trình về Euro).
Sau đây là top các chính sách, phát ngôn không nhận được sự đồng tình của nhiều người dân:

1. Việt Nam tiếp nhận 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 của Sinopharm

Với tâm lý bài Trung Quốc sẵn có của người Việt Nam, cộng thêm việc lo sợ chất lượng vaccine của Trung Quốc, không khó hiểu khi thông tin Việt Nam tiếp nhận 500.000 liều vaccine của Sinopharm nhận rất nhiều ý kiến tiêu cực trên các trang mạng xã hội.
Comment từ trang tin tức khác với cùng nội dung video
Comment từ trang tin tức khác với cùng nội dung video

2. Bộ Công an vào cuộc vụ tấn công mạng Báo điện tử VOV

Vụ tấn công mạng Báo điện tử VOV này thì mình không nắm rõ. Sau khi tìm hiểu trên mạng thì có thể là do VOV đã viết một vài bài báo không đúng sự thật nhắm vào bà Phương Hằng nhằm bảo vệ Hoài Linh cho nên đã bị cộng đồng mạng phản ứng bằng cách rate 1 sao trên Google Maps, kèm theo comment chửi bới đe dọa trên Facebook.
Comment từ kênh YouTube của VTV4, thế này là đã lịch sự lắm rồi chứ các kênh khác còn chửi ghê hơn =))
Comment từ kênh YouTube của VTV4, thế này là đã lịch sự lắm rồi chứ các kênh khác còn chửi ghê hơn =))

3. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về sách Tiếng Việt lớp 1 của Bộ sách Cánh Diều

Bộ sách tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều bị nhận nhiều ý kiến tiêu cực từ người dân, và có lẽ là cũng không nhiều người có thiện cảm với vị Bộ trưởng BGD này lắm.

4. Tiêm vaccine COVID-19: Không nên "kén cá chọn canh"

Phong trào anti-vaccine COVID ở một bộ phận người dân kèm theo tâm lý ngại vaccine Trung Quốc dẫn đến chỉ số Dislike cao ở video này.

5. Xuyên tạc, kích động vụ Đồng Tâm: Youtube hợp tác, Facebook giải quyết lâu

Không chỉ mỗi video này mà những video khác của VTV24 và VTV4 về sự kiện Đồng Tâm đều nhận rất nhiều Dislike. Người xem 2 kênh này chủ yếu là những người có niềm tin vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, mà những video về Đồng Tâm lại nhận nhiều Dislike như thế kia, nghĩa là vụ việc có thể không như truyền thông Nhà nước kể lại. Đó là chưa kể đến việc tất cả những video tin tức trên YouTube liên quan đến sự kiện này đều tắt chế độ Comment.

III. VTV4

Top 10 video với chỉ số Dislike cao nhất
Top 10 video với chỉ số Dislike cao nhất
Phần này mình sẽ bỏ qua những video có nội dung trùng lặp với phần trên, VD như những video có nội dung liên quan đến vaccine COVID.

1. Nghĩa vụ quân sự - Môi trường rèn luyện thể chất và ý chí

Bản chất video này từ năm 2018 của VTV24 với số Dislike chỉ bằng 0.15 số Like (một tỉ lệ bình thường), đến gần đây thì được up lại trên kênh YouTube của VTV4 với số Dislike gấp 1.5 lần số Like. Điều này có thể cho thấy những người xem VTV24 hầu hết là có niềm tin vào đường lối, chính sách, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, nhưng chỉ cần qua 1 kênh YouTube khác của VTV với tính chất quần thể thống kê (Population) khác 1 chút thôi cũng đủ thấy được sự khác biệt rõ rệt. Thậm chí nếu qua những kênh tin tức khác như VTC, Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên, ... thì bức tranh toàn cảnh nó còn rõ ràng hơn rất nhiều.
Video này có chỉ số Dislike cao như vậy có thể là do nội dung tuyên truyền về chương trình Nghĩa vụ quân sự đầy sự công bằng, chính trực, xúc động trong khi thực tế đầy rẫy những tiêu cực.
Comments trên VTV4
Comments trên VTV4

2. Lợi dụng báo chí cộng đồng để chống phá Việt Nam

Video này có chỉ số Dislike cao có thể là do báo chính thống của Nhà nước thì đưa một số tin không đúng sự thật, trái ngược với "báo chí cộng đồng".
Comments trên VTV4
Comments trên VTV4

3. Lễ tuyên thệ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Có lẽ nhiều người dân đã không còn niềm tin với chính quyền hoặc đơn giản là không thích vị Thủ tướng mới, cộng thêm Lễ Tuyên thệ nhậm chức được tổ chức vào đúng thời điểm dịch đang bùng phát mạnh ở Việt Nam.

4. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên họp đầu tiên của Chính Phủ nhiệm kỳ 2021-2026

Lí do cũng như video trên.

5. Trực tiếp: Bản tin chào năm mới 2020

Tại sao một bản tin chào năm mới mà cũng có chỉ số Dislike cao như thế? Bởi vì đây là video streaming, cho mọi người tự do comment, nên đã xảy ra mâu thuẫn giữa những nhóm người có quan điểm chính trị khác nhau. Thiết nghĩ mục tiêu thống nhất đất nước, hòa hợp hai miền mặc dù đã thành công về mặt địa lý, nhưng lại thất bại ở khía cạnh con người. Cuộc chiến ý thức hệ vẫn đang còn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay.

6. Đối diện: Phản bác thông tin xuyên tạc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Có lẽ là không còn mấy người tin vào "Chủ nghĩa xã hội" nữa, dẫn đến chỉ số Dislike cao.

7. 75 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

Video nói về sự dân chủ của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên. Thế nhưng bây giờ có lẽ sự dân chủ ấy đã không còn nữa, thế nên chỉ số Dislike mới cao như vậy.

IV. Kết bài

Trên đây là bài phân tích của mình về các vấn đề không có sự đồng tình của một bộ phận người dân Việt Nam với truyền thông chính quyền. Mong rằng sau bài viết này, các bạn có thể thấy được sự thú vị của Data Science, đặc biệt là ở mảng Data Analytic. Với sự trỗi dậy của Big Data, chúng ta bây giờ có thể phân tích những vấn đề xã hội chính trị thông qua dữ liệu, điều mà mới chỉ thực hiện được trong vài năm trở lại đây. Những bạn muốn tham khảo cách mình xử lí data thì mình có để link Github (kèm với dữ liệu) ở phía dưới.
Sắp tới mình sẽ viết thêm nhiều bài viết về khoa học dữ liệu, phân tích insight từ các bộ dữ liệu hay, và cả những chủ đề thú vị khác nữa. Nếu không muốn bỏ lỡ thì hãy follow mình nhé :))