Lời tựa:                       Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không chỉ là về triết học mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời.                                           Với hy vọng giới thiệu Stoicism đến với các bạn trẻ Việt Nam, xin gửi tới các bạn bản dịch những bức thư quan trọng nhất trong cuốn "Moral Letters to Lucilius", tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Seneca và là một trong bộ ba cuốn sách nền tảng của Stoicism.    
Những bức thư đạo đức là tuyển tập các bức thư của triết gia Seneca về Chủ nghĩa Khắc Kỷ, nhằm trang bị cho con người hành trang để đối mặt và mỉm cười trước sóng gió của cuộc đời, đạt được sự bình thản trong tâm trí. Cuốn sách không chỉ về triết học, mà còn về trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài.                                                         Do không phải anh dịch thuật, nên bản dịch này hoàn toàn tập trung vào việc truyền tải thông điệp và hy vọng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với bản tiếng Anh, để có thể thấy cái hay cái đẹp trong việc sử dụng ngôn từ của Seneca (dù thực ra bản tiếng Anh cũng chỉ là một bản dịch). Một anh bạn người Ý của mình đã chia sẻ Seneca được đưa vào chương trình giảng dạy tại Ý như một bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ. Vì vậy, xin cam đoan tất cả những gì khiến bạn cảm thấy trúc trắc từ bản dịch là bởi khả năng hạn chế của mình, và rất mong nhận được đóng góp của các cao nhân để bản dịch được hoàn thiện hơn. Lưu ý: vì một số lý do như nội dung không còn quá sát và cần thiết với thời hiện tại, mình sẽ không dịch 4 bức số 58, 85, 92, và 95 nhé. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì bản tiếng Anh có sẵn trên Wiki, hay có thể nhắn cho mình mình sẽ gửi bản pdf sách.
Bạn có thể đọc trước giới thiệu về Seneca ở đây:

Bức thư số 124

Bạn thân mến!
Tôi có thể truyền tải sự thông thái của người xưa
cho bạn nếu bạn không chùn bước, nếu bạn không nản chí
trong việc học hỏi những suy nghĩ ấy (trích thơ Virgil)
Nhưng (tôi tin) bạn sẽ không chùn bước, sẽ không để mình bị cản trở bởi những thứ biện luận hay ngôn từ chuyên môn ấy. Tâm trí bạn thông suốt, và nó không chỉ quan tâm đến những vấn đề quá rộng. Nhưng tôi cũng sẽ ca ngợi việc bạn đã gắn kết mọi thứ với quá trình phát triển bản thân mình: lần duy nhất bạn để mất kiên nhẫn là khi nhận ra những kỹ thuật hùng biện, ngôn ngữ ấy sẽ chẳng thể mang lại cho mình bất cứ giá trị gì. Tôi đảm bảo với bạn rằng nó sẽ không xảy ra ở đây.
Câu hỏi của chúng ta ở đây là những thứ tốt đẹp (the good) có thể được tiếp nhận qua giác quan hay qua trí tuệ. Vấn đề này liên quan đến một tranh luận rằng loài vật không có ngôn ngữ và cả đứa trẻ mới sinh không thể sở hữu những thứ tốt đẹp thực sự. Những người coi sự hưởng thụ tiện nghi là thứ tốt đẹp cao nhất (trường phái Epicurean) cho rằng những thứ tốt đẹp là đối tượng của giác quan. Chúng tôi - Stoicism, ngược lại, gắn liền những thứ tốt đẹp với tâm trí, coi nó là đối tượng cho sự hiểu biết của ta.
Nếu thừa nhận giác quan có khả năng kiểm định những thứ tốt đẹp, thì ta sẽ không thể phủ định bất cứ cảm xúc vui sướng tiện nghi nào, vì không có sự hưởng thụ tiện nghi nào mà không kích thích giác quan và làm chúng được thoả mãn. Ngược lại, ta sẽ không bao giờ có thể sẵn sàng đối mặt với đau đớn, vì không có đau đớn nào không mang lại cho giác quan của ta cảm giác tiêu cực. Hơn thế nữa, nếu ta chấp nhận điều đó thì những kẻ quá ham muốn sự hưởng thụ tiện nghi và vô cùng sợ hãi đau đớn sẽ không đáng bị lên án chỉ trích. Nhưng ta không chấp nhận những kẻ háu ăn và nghiện tình dục, và coi thường những kẻ từ bỏ mọi hành động mang tính con người chỉ vì nỗi sợ đau đớn. Nếu giác quan là thứ phân biệt tốt xấu, thì làm sao ta có thể nói những kẻ đó là sai, khi họ chỉ tuân theo cảm nhận giác quan của họ mà thôi? Bởi họ đã giao phó cho giác quan quyền lực quyết định thứ nên được cố gắng hướng tới và thứ nên tránh trong đời. Nhưng rõ ràng ở con người, chính lý trí mới là thứ có thể có quyền đó. Lý trí cho ta cái nhìn rõ ràng về thế nào là một cuộc sống hạnh phúc, hay về phẩm cách, sự ngay thẳng cao quý, và tương tự, những thứ tốt đẹp hay xấu xa. Bằng việc để giác quan có quyền ấy, những người phản đối chúng tôi cho phép phần ít giá trị nhất của con người được quyền đánh giá về những thứ cao hơn nó; vì cảm nhận của giác quan thì không rõ rệt và có thể thiếu chính xác, và có lẽ còn kém nhạy bén ở con người hơn những loài khác (kiểu như mắt nhìn so với đại bàng, diều hâu chẳng hạn). Hãy cứ thử tưởng tượng một người nào đó muốn phân biệt những thứ nhỏ bé bằng cách sờ vào chúng thay vì nhìn bằng mắt. Điều đó cho thấy ta không có giác quan nào có thể chính xác và tập trung như mắt nhìn, nhưng liệu nó có thể phân biệt tốt xấu hay không? Vậy nên bạn có thể thấy người nào muốn dựa vào cách sờ và cảm nhận để đưa ra quan điểm về tốt xấu thì cũng đang chìm sâu trong sự ngờ nghệch và đã quên mất thứ thiêng liêng và con người nhất ở anh ta.
Những người phản đối sẽ nói: "Mỗi dạng kiến thức và mỗi kỹ năng đều có những chi tiết, nền tảng cơ bản có thể được cảm nhận bởi các giác quan, và từ đó mà các ngành khoa học và nghệ thuật được phát triển và mở rộng. Tương tự, cuộc sống hạnh phúc có nền tảng và nguồn gốc từ những chi tiết mà giác quan có thể cảm nhận. Chắc chắn đó chính là quan điểm của các ông rằng cuộc sống hạnh phúc thì có nguồn gốc từ những thứ có thể nhận thấy được".
Quan điểm của chúng tôi là để hạnh phúc thì phải sống thuận theo tự nhiên, và thực ra thứ gì có thuận theo tự nhiên hay không thì rất rõ ràng và có thể dễ dàng nhận thấy, cũng giống như thứ gì đó nguyên vẹn và đồng nhất. Ngay cả những đứa trẻ mới sinh cũng có phần thuận với tự nhiên, nhưng phần ấy tôi không cho là tốt đẹp mà chỉ là sự khởi đầu của thứ tốt đẹp. Họ gắn thứ tốt đẹp thực sự, và cả hưởng thụ tiện nghi, cho cả đứa trẻ mới sinh, và kết quả là dẫn đến sự thừa nhận rằng đứa trẻ mới sinh đã ở tình trạng mà chỉ những con người hoàn hảo mới có thể đạt đến. Tức là họ đang lộn ngược và bắt cái cây đứng bằng ngọn thay vì bằng rễ. Sẽ thực sự sai lầm khi nói rằng bào thai, một thứ mong manh, không trọn vẹn, và chưa có định dạng, thậm chí chưa định giới tính, đã ở trạng thái tốt đẹp. Nhưng liệu có chút khác biệt nào giữa đứa bé mới sinh và bào thai không lâu trước đó còn trong bụng mẹ hay không? Cả hai đều chưa trưởng thành về nhận thức tốt xấu. Một đứa trẻ mới sinh chưa thể tiếp thu về những thứ tốt đẹp, nhiều hơn là một cái cây, hay một con vật không có khả năng giao tiếp ngôn ngữ. Vậy tại sao ta có thể khẳng định sự tốt đẹp không được thể hiện ở cái cây hay con vật ấy? Vì lý trí không có ở trong chúng. Tương tự như vậy, sự tốt đẹp không có ở trong đứa trẻ mới sinh: vì nó cũng thiếu đi lý trí. Chỉ khi lý trí của nó được hình thành thì nó mới có thể nhận biết những thứ tốt đẹp thực sự mà thôi.
Một số loài động vật không có lý trí, một số chưa có, và một số có lý trí nhưng không hoàn hảo. Những thứ thực sự tốt đẹp không thể được tìm thấy trong bất cứ loài nào trong số chúng; vì chỉ có lý trí hoàn hảo mới có đủ khả năng mà thôi. Vậy, đâu là điểm khác biệt giữa những loài ấy? Trong loài không có lý trí, sẽ không bao giờ ta thấy những thứ tốt đẹp thực sự. Trong loài mà chưa có lý trí, thì cũng chưa có sự tốt đẹp (ngay tại thời điểm ta xét đến). Và trong loài có lý trí một cách không hoàn hảo, chúng có thể sở hữu những thứ tốt đẹp, nhưng những thứ tốt đẹp ấy không thực sự hiển lộ và kiên định. Đây là điều tôi muốn nói, bạn của tôi: những thứ thực sự tốt đẹp không thể được tìm thấy ở bất cứ cơ thể nào hay ở bất cứ thời điểm nào của sự tồn tại; nó cũng xa cách đứa trẻ mới sinh như 'cái cuối cùng xa cách cái đầu tiên' (ý ở đây là cách nói ám chỉ sự xa cách nhé, the first and the last ấy) hay như trạng thái hoàn thành so với lúc mới bắt đầu. Vậy nên thứ tốt đẹp thì không có trong cái cơ thể bé nhỏ mềm mại và mới bắt đầu phát triển. Hoàn toàn không, không hơn gì nó không tồn tại trong một hạt giống.
Bạn có thể đặt vấn đề theo cách đó để suy xét. Stoicism chúng tôi thực ra cũng công nhận có thứ tốt đẹp của cây cối và rau cỏ. Nó không hiện hữu khi chồi non đâm khỏi mặt đất. Có một dạng của sự tốt đẹp ở hạt lúa đơm bông. Nó không tồn tại trong thân non hay khi đầu mềm của hạt lúa tách khỏi trấu, nhưng chỉ khi mà hạt lúa đã đến độ gặt trong nắng hè và đã hoàn toàn “trưởng thành”. Không một loài tự nhiên nào có thể cho thấy sự tốt đẹp của nó trước khi đạt đến sự phát triển toàn diện. Vậy nên sự tốt đẹp ở con người chỉ có thể được tìm thấy ở những cá nhân đã toàn vẹn lý trí mình. Sự tốt đẹp đó là gì? Để tôi nói với bạn: đó là tâm trí tự do và ngay thẳng, vượt trên mọi thứ trong cuộc sống và không chấp nhận thấp hơn bất cứ thứ gì khác. Sự tốt đẹp đó thì quá cao so với tầm với của đứa trẻ mới sinh, nên ta sẽ chẳng thể trông đợi ở chúng, hay thậm chí cả ở tuổi thanh niên. Tuổi già có thể được xem là tốt đẹp nếu người ta đạt đến trạng thái đó sau một thời gian dài chú tâm trui rèn. Vì nếu nó là thứ tốt đẹp, nó đáng để ta nắm được (bằng mọi giá).
"Ông vừa nói rằng có một dạng của sự tốt đẹp cho cây cối và rau cỏ. Vậy đứa trẻ mới sinh cũng có thể có dạng khác của sự tốt đẹp". Thứ tốt đẹp thực sự thì không tồn tại ở cây cối và những loài vật không có ngôn ngữ; thứ tốt đẹp trong chúng được gọi là tốt đẹp như một sự gia ân, nói hình tượng mà thôi. "Vậy thì đó là gì?", bạn hỏi. Đó là thứ thuận theo tự nhiên của chúng. Để chắc chắn, sự tốt đẹp không thể được ban cho những loài không có ngôn ngữ; thay vào đó, nó thuộc về những loài được may mắn hơn và có một nguồn gốc tự nhiên cao hơn. Không có sự tốt đẹp nếu không có lý trí. Có 4 dạng tự nhiên ta cần xem xét ở đây, một của cây cối, một của các loài động vật, một của con người, và một của đấng thiêng liêng. Hai loại cuối có chung nguồn gốc tự nhiên bao lâu ta còn xét về lý trí, nhưng khác biệt với nhau ở chỗ một thì tồn tại hữu hạn còn một thì vĩnh hằng. Sự tốt đẹp của một trong số đó - của đấng thiêng liêng - được toàn vẹn bởi tự nhiên; trong khi ở dạng còn lại - con người, nó được toàn vẹn bởi nỗ lực bản thân. Hai dạng còn lại, vì không có lý trí, chỉ hoàn hảo trong trạng thái tự nhiên riêng của chúng, chứ không thực sự hoàn hảo. Đó là vì sự hoàn hảo không đủ tiêu chuẩn, chỉ mang nghĩa là sự hoàn hảo của trạng thái chung của tự nhiên - thứ chính nó mới có lý trí. Những dạng khác cũng có thể hoàn hảo, nhưng chỉ là sự hoàn hảo xét riêng trong dạng của chúng mà thôi. Một loài mà thiếu khả năng cảm nhận hạnh phúc sẽ thiếu khả năng tìm kiếm hay tạo ra hạnh phúc; nhưng chính những thứ thực sự tốt đẹp mới có thể tạo ra hạnh phúc. Một loài động vật không có ngôn ngữ không có khả năng cảm nhận hạnh phúc hay khả năng tạo ra hạnh phúc; vậy nên nó không thể có thứ tốt đẹp thực sự.
Một con vật nhận thức về thực tại chỉ qua những giác quan. Và nó chỉ có thể nhớ lại những thứ trong quá khứ khi trí nhớ của nó được đánh thức bởi một số hiện tượng. Ví dụ, ngựa sẽ gợi lại được trí nhớ của nó về con đường khi nó được mang đến nơi con đường bắt đầu; còn khi ở trong chuồng, nó sẽ không có trí nhớ về con đường ấy, bất kể nó có đi qua bao nhiêu lần đi chăng nữa. Còn khía cạnh thời gian thứ ba, tương lai, không có ý nghĩa gì cho các loài động vật. Vậy, làm thế nào ta có thể cho rằng sự hoàn hảo của tự nhiên có thể được gán cho những giống loài mà khả năng nhận thức về thời gian là không hoàn hảo? Thời gian bao gồm 3 phần: quá khứ, hiện tại và tương lai. Động vật thì chỉ được ban cho nhận thức về phần dễ thay đổi và chóng vánh nhất, hiện tại. Ký ức của chúng về quá khứ chỉ thỉnh thoảng mới có tác dụng, và không bao giờ chúng có thể tự sử dụng nó ngoại trừ khi chúng tiếp cận với một hoặc vài điểm nào đó trong hiện tại gợi nhắc cho chúng. Sự tốt đẹp hoàn hảo của tự nhiên không thể tồn tại trong thứ không hoàn hảo; vì nếu nó có thể, thì ta sẽ phải thừa nhận rằng ngay cả cây cối cũng có thể có nó. Tôi hoàn toàn không phủ nhận rằng những loài động vật không có ngôn ngữ vẫn được ban cho một sự thúc đẩy mạnh mẽ để giành lấy những thứ thuận theo tự nhiên của chúng, nhưng sự thúc đẩy ấy thì không có hệ thống và rời rạc lộn xộn. Thứ tốt đẹp thực sự, ngược lại, thì không bao giờ lại không có hệ thống quy củ hay rời rạc cả.
"Vậy ông giải thích thế nào về điều này?", bạn nói. "Chẳng phải động vật cũng di chuyển một cách rời rạc và không quy củ hay sao?". Tôi sẽ chọn mô tả sự di chuyển của chúng theo cách này nếu bản năng tự nhiên của chúng có khả năng sắp xếp hệ thống, nhưng thực tế là chúng di chuyển thuận theo đặc điểm tự nhiên của riêng chúng. Ta gọi một thứ là không quy củ khi và chỉ khi nó có khả năng sắp xếp quy củ, cũng giống như ta chỉ nói về trạng thái không lo toan với những loài biết lo toan. Không có thói xấu nào ở một cá thể không có khả năng hấp thụ và nhận thức về phẩm cách. Sự dịch chuyển của động vật là kết quả của chính đặc điểm tự nhiên ban cho chúng. Để bạn khỏi băn khoăn về điểm này, chắc chắn có thứ tốt đẹp trong động vật, một dạng phẩm cách, hay sự hoàn hảo, nhưng nó không phải là một dạng phẩm cách hay hoàn hảo ở tầng cao nhất. Những thứ đó chỉ có thể thấy ở sinh vật có lý trí, vì được ban cho nhận thức hiểu biết về nguồn gốc, mức độ, và các phương thức.
Bạn đang băn khoăn không biết chủ đề này sẽ dẫn ta đến đâu, và nó sẽ giúp ích gì được cho tâm trí ta hay không? Để tôi trả lời cho bạn: nó có ích, qua việc rèn luyện và làm tâm trí trở nên thông suốt, và bằng cách giữ cho nó đi đúng con đường trong tương lai. Nó thậm chí còn có lợi trong việc trì hoãn bản thân ta khỏi việc lao nhanh vào những thứ có thể dẫn đến sự suy đồi của tâm trí. Tôi cũng có điểm này phải nói. Không có lợi ích nào lớn hơn mà tôi có thể làm cho bạn bằng cách chỉ cho bạn những thứ tốt đẹp thực sự của chính mình, hay bằng cách chỉ ra sự khác biệt với những giống loài khác và khẳng định vị trí của bạn - như một con người - tức là ở cùng tầng với đấng thiêng liêng.
Tại sao, cho phép tôi hỏi bạn, bạn lại chăm sóc và rèn luyện sức mạnh thể chất của mình? Tự nhiên ban một sức mạnh lớn lao cho các loài động vật, cả thuần hoá cũng như hoang dã. Tại sao bạn chỉn chu sắc diện của mình? Khi đã làm tất cả mọi thứ có thể, bạn cũng sẽ chẳng thể đẹp hơn được một số loài động vật. Tại sao bạn lại dành nhiều thời gian đến vậy để chăm sóc tóc mình? Bất kể là bạn để nó rủ xuống như kiểu của người Parthian, hay túm nó như người Đức cổ, hay để nó một cách hoang dã tự nhiên như người Scythian, ngựa cũng sẽ có cái bờm dày mượt hơn, và cái bờm dựng đứng quanh cổ bất cứ con sư tử nào cũng đẹp hơn rất nhiều. Sau khi luyện tốc độ của mình, bạn cũng sẽ chẳng thể địch lại được với chú thỏ rừng. Tại sao không từ bỏ mọi thứ mà bạn chắc chắn sẽ bị vượt qua, chấm dứt việc cố gắng theo đuổi những thứ không thuộc về đặc tính tự nhiên của bạn, và trở về với thứ tốt đẹp riêng biệt của mình?

Thứ tốt đẹp đó là gì? Chỉ có điều này: một tâm trí thông suốt, không tồn tại sai sót, thứ khiến ta trở nên ngang hàng, sánh với đấng thiêng liêng, thứ có thể thực sự nâng tầm chính nó lên trên những thứ đời thường và không đặt trọng bất cứ thứ gì trên nó. Bạn là một thực thể sống có lý trí. Vậy, thứ tốt đẹp trong bạn là gì? Đó là một lý trí toàn vẹn hoàn hảo. Hãy cố gắng rèn luyện lý trí bạn từ trạng thái bây giờ đến một sự sáng suốt tối cao, và hãy để nó đạt đến sự toàn vẹn ấy. Đừng bao giờ tin mình đã hạnh phúc cho đến khi mọi hạnh phúc của bạn đều xuất phát từ bên trong, cho đến lúc, sau khi nhìn nhận mọi cạnh tranh, ham muốn, sở hữu của người đời, bạn thấy rõ - tôi không nói rằng không có gì mà bạn ưa thích, nhưng không có gì có thể làm chủ trái tim bạn.

Tôi sẽ cho bạn một nguyên tắc tổng quát để có thể đánh giá đúng bản thân mình, để biết liệu mình đã đạt đến sự toàn vẹn ấy hay chưa:
Bạn sẽ sở hữu thứ tốt đẹp thiêng liêng ấy khi bạn hiểu rằng: những kẻ được xem là may mắn thực ra lại là những kẻ kém may mắn nhất trong đời.
Tạm biệt!
A Dreamer
👉 ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ VÀ THỰC HÀNH CÙNG SENECA, BẠN CÓ THỂ ĐẶT MUA BỘ SÁCH NGAY TẠI ĐÂY:
*******************************************************************

THE END

*******************************************************************
Lưu ý: Vì sau khi Spiderum update, thực sự việc copy bản tiếng Anh vào bài viết quá trúc trắc. Vậy nên bạn nào muốn đọc cả bản tiếng Anh có thể tự download sách trong link dưới hoặc tìm trên Wiki nhé.
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)
Các bài viết khác của tác giả: