Hồi mới viết xong bài những nỗi buồn cho tháng 6, những chiếc cây mình mới bưng về trồng cũng ngày một héo hon rồi chết mất, Trong đó có cả cây khuynh diệp lá táo, cái loài khiến mình yêu thương ngay từ cái nhìn đầu tiên và mất nhiều công sức để truy lùng.
Như một giọt nước tràn ly, mình bỗng thấy buồn khủng khiếp, buồn nẫu tim gan và căn bệnh bấy lâu nay đã cố gắng kìm giữ bỗng chốc quay trở lại. Mình nghĩ về cái chết nhiều hơn, không cách này hay cách kia. Những cảm xúc tiêu cực bỗng nhiêu rõ ràng và nhiều nhặn hơn hết thảy - thậm chí gạt bỏ công sức nửa năm qua đã sống và cố gắng thay đổi chính bản thân mình. Trung thực mà nói, nó bắt đầu diễn ra từ rất lâu rồi. Và thực ra trong nhiều khoảnh khắc, mình cũng đã lờ mờ nhận thức được nỗi buồn của chính bản thân cứ đang dần chất chứa. Nhưng não bộ mình thì lại chẳng hoạt động theo cách bình thường như những người khác. Nó bị chi phối bởi công việc, học hành, lượng áp lực từ cuộc sống đổ về. Và bởi bấy lâu nay đã quen với việc kìm nén, không bày tỏ cảm xúc nữa, mình đã bỏ quên đi nhu cầu tối thiểu về việc nhận thức nỗi buồn. Giống như một cái núi lửa chỉ trực chờ thiên thời địa lợi nhân hoà. Như một mầm cây dại bỗng một ngày xuất hiện trên những chậu cây xanh tốt, sống xen kẽ kí sinh cùng chúng. Chỉ cần một tác động rất nhỏ li ti, nó sẽ bung ra, cùng với rất nhiều thứ mà mình chẳng thể lường trước được. Trường hợp này của mình là những cái cây.
Nhưng rồi loay hoay qua từng đấy thời gian, từ năm này qua năm khác, mình nhận ra việc vượt qua nỗi buồn cũng như việc chăm sóc câu. Sẽ có những phương thức để chăm sóc một cái cây, cũng như những điều mình có thể chiêm nghiệm ra để vượt qua giai đoạn nỗi buồn dai dẳng. Vậy nên, bài viết này là kinh nghiệm đúc kết của mình sau chừng ấy thời gian mình vượt qua nỗi buồn này, cũng như một ngày đẹp trời mình nhận ra cuối cùng mình đã biết cách trồng một cái cây.
<i>Nguồn: Unsplash</i>
Nguồn: Unsplash

I. Thừa nhận cảm xúc bên trong chính bản thân mình

Thời mới về, cây lá táo của mình vẫn còn căng tròn, bạc lá rất thơm và đẹp. Mình vui mừng chuyển em nó sang một cái chậu mới to hơn, rộng rãi hơn, tưới nước và tỉa tót thường xuyên với niềm hi vọng cây sẽ mau lớn và ra chồi mới. Nhưng rồi ngày qua ngày, mình phát hiện ra cái cây của mình cứ dần héo úa. Mình cùng chị chủ vườn đã thảo luận rất nhiều về các nguyên do: sốc nhiệt, thừa phân, giá thể không ổn định, rễ bị thương. Nhưng cho dù thế nào, thì đến cuối cùng chị cũng chỉ nói rằng: cái cây này không thể cứu được nữa. Em đừng buồn, rồi khi nào vườn có cây đẹp chị sẽ gửi tặng một cây mới nhé. Dù sao mùa này trồng cây cũng là khó cho em rồi.
Nhưng bảo ta không buồn thì đâu nghĩa là ta không buồn thật sự? Mình buồn chứ, bởi những nỗ lực mình bỏ ra đã không thể cứu vớt được chiếc cây mà mình yêu thích. Nó dù cho nhỏ tí xíu, nhỏ hơn nhiều việc tháng này KPI không đạt, Sài Gòn tiếp tục bước vào kì lock down, những người xung quanh cũng đang ngày đêm chiến đấu với cơm áo gạo tiền nay đây mai đó, thì đấy đối với bản thân mình vẫn là một nỗi buồn. Khi quan sát chính bản thân - một người mắc chứng trầm cảm, eating disorders dai dẳng, luôn mang với câu hỏi: Tại sao cuộc sống của tôi rất ổn nhưng tôi lại không thể vui lên được - mình cảm nhận thực ra đây là cả một quá trình dài tích luỹ, khiến não bộ đã trở nên tê liệt với buồn đau, lãng đi cơ chế phòng vệ cảm xúc của chính mình và đến một ngày chẳng còn buồn để tâm đến điều đó. Giống như một người bình thường bị thương nhẹ và bỏ qua những vết xây xát ngoài da, nhưng quá nhiều vết thương thì thân thể đã không còn lành lặn nguyên vẹn và đến một lúc nào đấy, chỉ một vết thương nhỏ xíu xiu cũng sẽ khiến cả cơ thể bị nhiễm trùng. Và rồi đến một ngày vết thương ấy, cùng vô số những vết thương khác, sẽ trở thành những cơn đau không thể nào lường trước được.
Không chỉ có mình, mà mình tin, cũng có nhiều bạn trẻ cũng ở trong tình cảnh của mình như vậy. Gặp gỡ nhiều người khiến mình nhận ra, chúng ta đã bỏ quên nỗi buồn quá lâu, lâu hơn chúng ta tưởng. Cách đây khoảng 2-3 năm, mình nhớ cả mạng xã hội đã dậy sóng vì trầm cảm của giới trẻ lần đầu được lên tiếng một cách dữ dội và công khai đến vậy. Thời điểm ấy, dù không thích việc một bộ phận thiểu số chưa thực sự hiểu được định nghĩa chính xác của despression và có xu hướng nghiêm trọng hoá mọi thứ trong cuộc sống, mình vẫn cho rằng bất cứ ai cũng đều có nhu cầu và có quyền lên tiếng về niềm của chính mình. Rồi giai đoạn Covid, 80% newfeed của mình là về healing, chữa lành bản thân, sống tích cực. Về một mặt, mình thấy điều đó tốt. Nhưng mặt khác, như những người trẻ xung quanh, mình bắt đầu cảm thấy áp lực về việc lên tiếng rằng mình đang buồn. Mình sợ hãi việc phải trưng ra bộ mặt buồn bã, dù thực sự đang cảm thấy không ổn, chỉ để người khác không đánh giá chúng ta đang mang lại nguồn năng lượng tiêu cực cho họ. Tiêu cực cũng đồng nghĩa với yếu đuối, với việc bạn bỏ bê bản thân, sống không có ích, nhất là khi thế hệ của bạn đầy rẫy những con người giỏi giang truyền cảm hứng sống tích cực mỗi ngày. Chúng ta gò ép bản thân mình vào khuôn phép mang tên sống khắc kỷ - dù thực chất khắc kỷ chẳng phải là việc gò ép mình bỏ qua những nỗi niềm cá nhân. Và rồi, chúng ta co cụm, kiệt sức bởi quá nhiều thứ ập đến nhưng không được phép giãi bày.
<i>Nguồn: Unsplash</i>
Nguồn: Unsplash
Sẽ chẳng là đúng hay sai ở đây. Chỉ là mình ước rằng, chúng ta hãy coi việc nỗi buồn là một vấn đề bình thường của cuộc sống. Bạn hãy nhớ, bản thể chúng ta đều không hoàn hảo, và chúng ta không sống trong một môi trường hoàn hảo tuyệt đối với đầy đủ những điều kiện lý tưởng. Nói một cách phong thuỷ thì đầu xuôi đuôi chưa chắc đã lọt, nói tâm linh thì hôm nay vũ trụ đang thử thách mình, nói một cách sinh học thì hormone hôm nay thay đổi, nói một cách thời tiết thì mưa hôm nay buồn quá. Chúng ta là những bản thể sống trong một môi trường có quá nhiều yếu tố thay đổi, va chạm, và nỗi buồn cũng như niềm vui nảy sinh cũng là kết quả hiển nhiên của quá trình đấy. Thực chất, cảm xúc của chúng ta dù buồn, vui, hạnh phúc, đau khổ, cũng là một dòng chảy bắt nguồn từ chính tâm thức của mỗi người, mà mình hay gọi là go with the flow. Sẽ có lúc nó lên cao, cũng có lúc nó xuống đáy, nó bình thường và hiển nhiên như trái đất vẫn quay. Bạn có quyền bày tỏ niềm vui cá nhân, thì nỗi buồn cũng vậy, và bất cứ cảm xúc nào của bạn cũng cần được chấp nhận, chia sẻ cũng như nâng niu bởi chính bản thân bạn với không một nỗi xấu hổ nào trong đó. Trung thực với bản thân là điều đầu tiên mình nên làm, cần làm, lẫn phải làm. Bởi nếu chính bản thân chúng ta là người đầu tiên và duy nhất nên chấp nhận chính mình, không lừa dối, phát xét hay nghi kị, cũng không cần bất kì ai phải làm thay điều đó.
Vào thời điểm mình chấp nhận mình đang buồn, cũng là thời điểm mình chấp nhận cái cây của mình chẳng còn cứu chữa được nữa. Mình nhìn cái cây, nhận ra những nỗi buồn của mình đã tích tụ ở đó. Nỗi buồn ấy đã quá sức chịu đựng của mình. Nhiều năm trước, mình còn có thể khóc. Nhưng đã 2 năm nay, mình chẳng còn rơi nước mắt mỗi khi muốn được nữa. Cảm xúc trơ trọi và cạn đáy, như cái máng xối nước mưa bị kẹt lại và mọi thứ cứ ở ngay đó, không chảy tràn xuống được nữa. Mình vẫn đọc nhiều, ngẫm nhiều, vẫn ghi chép mọi thứ mỗi ngày và sống như ý mình muốn. Ấy vậy mà phải rất lâu mình mới có thể thốt lên thành lời: mình đang buồn và thừa nhận nó đang tồn tại trong chính tâm trí của mình. Như cái cây của mình, qua mỗi ngày tích luỹ nguyên nhân, từ việc tưới nước, giang nắng không đúng thời điểm, cái cây đã đến ngày không trụ được nữa và héo úa từng ngày. Và đến một thời điểm khi không còn đủ sức nữa, cái cây sẽ chết, cũng như một phần trong bản thể của mình.

II. Giải toả theo những cách riêng

Hồi còn trẻ mỗi khi buồn, mình hay có kiểu suy nghĩ khá nhiều. Mình không thể ngừng về nó, nhai đi nhai lại, thêm mắm dặm muối để vết thương đã chảy máu. Cùng lúc đó, bản năng của chúng ta cứ mãi tiếp tục vẽ ra thêm nhiều viễn cảnh tồi tệ nhất của tương lai sẽ ập đến - dù nó chưa chắc đã xảy ra. Mình hay gọi nó là trạng thái nghiện ngập nỗi buồn, bởi nó khiến ta vừa đau đớn lại vừa thoả mãn cùng một lúc. Như khi xăm mình, self-harm, mình vừa thấy đau, vừa thấy sợ hãi, nhưng đồng thời lại cảm thấy không muốn thoát khỏi nỗi buồn này. Nó khiến mình cứ liên tục rơi vào trạng thái luẩn quẩn, khiến mình kiệt quệ cả về tâm trí lẫn cơ thể, bỏ quên đi nhiều thứ khác cuộc sống và rơi vào trạng thái bế tắc, loay hoay không biết lối ra ở đâu.
Sau này, khi học cách trồng cây lần đầu, bài học đầu tiên mà chị chủ vườn cây dạy mình là: Bạn không thể trồng cây tốt khi có quá nhiều đất cũ trong đó. Chính xác thì chúng ta không nên tái sử dụng đất của một cái cây cũ cho một cái cây mới. Đất cũ đã tiếp xúc lâu với không khí, chứa nhiều nấm men có hại, vi khuẩn, thiếu hụt chất dinh dưỡng, nên sẽ có khả năng làm tổn thương bộ rễ của cây non. Vậy nên mình vẫn luôn ưu tiên việc bỏ đất cũ đi và trộn giá thể lại từ đầu. Trước mỗi lần trồng cây mới, mình hay đổ bớt giá thể cũ, để chậu thông thoáng, được sạch sẽ và khử khuẩn với ánh nắng, trước khi bỏ vào đó giá thể mới để mầm cây của bạn có môi trường phát triển tốt nhất. Việc này có thể không phù hợp với những người ưu tiên tiết kiệm. Nhưng sau nhiều cân nhắc, mình thấy đây là cách phù hợp với mình khi nhà mình không có đủ không gian lẫn dụng cụ để cải tạo đất.
Nó cũng như bộ não của bạn khi đang buồn vậy. Bộ não chúng ta cũng có giới hạn về không gian lẫn khả năng ghi nhớ và tiếp nhận. Khi bạn đang buồn, những câu chuyện cũ, những kí ức, những suy nghĩ tiêu cực đan xen liên tục ở trong đầu. Và rất khó để bắt nó phải tiếp nhận những thứ gì khác khi dòng suy nghĩ của bạn còn đang hỗn loạn. Thậm chí, nếu không cẩn thận, ngay cả việc tích cực cũng sẽ trở nên vô cùng độc hại với chính mình. Mình đã từng bắt ép mình phải làm những thứ healthy & balance như cách người khác hay bảo để được chữa lành, nhưng mình lại không thể cảm nhận niềm vui và sự tốt lành do nó mang lại. Rồi quá trình ấy lại càng khiến cho mình trở nên chán nản, thất vọng về bản thân nhiều hơn khi nhìn vào gương thấy từng ngấn mỡ, nọng cằm, hay từng mảng tóc rụng vì stress. Vậy nên sau nhiều lần thất bại, mình nhận ra thừa nhận mình đang buồn thôi chưa đủ, mình phải tìm cách giải toả nó ra hết, để đưa bộ não mình về trạng thái rỗng không như chiếc chậu đã đổ hết đất đi.
Để làm được điều này, hãy bắt đầu bằng những việc bạn thích mỗi khi buồn. Từ góc độ cá nhân, mình không hoan nghênh việc giải toả bằng cách đọc sách, nghe nhạc, ăn đồ ngọt. Khi buồn, chúng ta dễ sa đà vào cảm xúc của những cuốn sách, những bài hát có cùng tâm trạng, còn việc ăn đồ ngọt hay fast-food có tác dụng dope cảm xúc của chúng ta tức thời, và sau khi liều doping đó hết tác dụng, cơ thể chúng ta lại càng mong muốn được ăn thêm nhiều hơn. Tệ hơn nữa là việc dằn vặt bản thân bởi việc lên cân, trót ăn quá nhiều nếu là người ám ảnh ngoại hình như mình. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn KHÔNG NÊN làm những điều đó, nếu như điều ấy bạn nhận định là tốt cho bạn. Như trường hợp của mình, thi thoảng mình vẫn dành thời gian đi xem những bộ phim bạo lực, máu me không cần suy nghĩ quá nhiều, hoặc thời điểm giãn cách này là xem chơi game kinh dị. Thi thoảng mình sẽ đọc sách, như cuốn Chủ nghĩa khắc kỷ như một cách suy nghĩ với chữ cho não mệt, rồi đến thời điểm mệt quá không còn nghĩ được nữa.
Nói chung, hãy thử nhiều thứ khác nhau, và chọn ra cách tốt nhất dành riêng cho bạn. Tất nhiên, mỗi người sẽ phù hợp với một hay nhiều phương thức khác nhau. Còn nếu bạn cần gợi ý, thì dưới đây là những cách thức khiến mình thực sự cảm thấy là phù hợp nhất để đưa được não bộ của chúng ta về trạng thái không như vậy:

Thiền định (Meditation):

<i>Nguồn: Unsplash</i>
Nguồn: Unsplash
Ích lợi của việc thiền định thì đã quá rõ ràng. Đối với mình sau gần nửa năm trải nghiệm, thì thiền định thực sự đã mang đến cho mình những lợi ích sau:
- Giúp mình tập trung tốt hơn. Hồi trước, mình hay để bản thân lang thang từ suy nghĩ này đến suy nghĩ khác. Việc thiền định giúp mình nhận ra nhanh chóng những khoảnh khắc "lạc" đó, và từ đấy nhanh chóng quay lại với mạch suy nghĩ chính tốt hơn.
- Giúp mình nhận thức được bản thân. Mình từng là một người rất dễ bị tích tụ căng thẳng và chỉ phát hiện ra khi mọi chuyện đi vào giai đoạn bung bét. Khi căng thẳng, mình nhận ra những phản ứng của cơ thể rất nhanh như căng cơ bắp, nhíu mày, gồng bả vai, nhịp tim đập nhanh đột ngột. Vậy nên, việc thiền định và hít thở sâu giúp mình cung cấp đủ oxy cho cơ thể, từ đó dẫn dắt cơ thể trở lại với trạng thái bình thường.
- Giúp mình tập trung vào hiện tại. Khi thiền, toàn bộ các bộ phận của mình được thả lỏng, do vậy mình rất dễ phát hiện ra những khu vực đang căng thẳng bị căng cứng như khớp hông, chân, lưng. Nhờ phát hiện những dấu hiệu đó, mình học được cách thả lỏng mọi căng thẳng ở các vùng cơ bắp này, nhờ đó thân thể lẫn tâm trí được giải toả tốt hơn.
Nhưng quả thực, thiền định không phải là con đường dễ dàng để đi một mình. Thậm chí mình từng gặp không ít người bị stress với việc thiền, bởi họ không thể có những trải nghiệm như người khác hay bảo (khai mở tâm trí, ổn định dòng cảm xúc, vân vân). Do vậy, với những người mới bắt đầu, mình nghĩ sẽ dễ dàng hơn cho mọi người nếu tìm kiếm được một người có chuyên môn chỉ dẫn. Trong trường hợp bạn muốn tự bắt đầu, thì đây là một vài tips mà mình đã đúc kết được trong suốt quá trình thiền của mình.
1. Với những người mới bắt đầu, bạn nên thiền sau khi đã tập một vài bài khởi động cho cơ thể như yoga, pilates, stretching ngắn. Khi đó, cơ thể lẫn tâm trí đã được đánh thức, nên sẽ dễ dàng hơn cho việc tập trung thiền của bạn. Mình rất recommend 14 days Yoga & Medication Journey của Boho Beautiful - seri kết hợp các bài tập Yoga và thiền cho mỗi ngày. Hoặc các series stretching của Move With Nicole, Yoga With Adriene...
2. Tập hít thở. Mình cho rằng hít thở là một trong những yếu tố nền tảng của việc thiền, bởi nó giúp ổn định luồng không khí được tiếp nhận vào cơ thể, đồng thời là kim chỉ nam, để điều hướng được luồng suy nghĩ của bản thân mỗi khi tâm trí vô thức lang thang và cần sự ổn định lại. Bạn có thể tham khảo về cách hít thở sâu tại video này của Yoga With Adriene
3. Tạo không gian và tư thế thoải mái nhất. Tốt nhất bạn nên thiền ở một nơi yên tĩnh, không gian thoáng, ở tư thế bạn cảm thấy thoải mái nhất (nằm, ngồi, có lót gối hoặc nệm). Mình cũng hay sử dụng thêm một số loại tinh dầu bạc hà, trầm hương để giúp bản thân được thả lỏng tốt hơn.
4. Sử dụng các phương thức hỗ trợ khác như ví dụ như các series về thiền trên Youtube, Netflix, các ứng dụng thiền định Calm, Tide, Headspace.... Cá nhân mình sau một khoảng thời gian trải nghiệm thì vẫn thích Tide nhất, bởi sự đa dạng phong phú về nội dung, có nhiều tính năng cá nhân hoá lẫn giá thành rẻ 69k/ tháng, tương đương với một cốc trà sữa.
5. Thiền ngay những lúc không cần thiền. Khi đã tạo thành thói quen thiền mỗi ngày, hãy thử thiền ngay cả khi đang làm việc hay sinh hoạt cá nhân bằng cách dành hoàn toàn tất cả sự tập trung vào công việc đó. Mình hay tập trạng thái thiền này những lúc làm file cho sếp, viết lách trên Spiderum - nhờ vậy mình từng đạt kỷ lục viết 3,000 chữ trong vòng 2 tiếng đồng hồ khi dành hoàn toàn tâm trí vào việc sắp xếp câu chữ và viết lách. Hoặc khi ăn cơm mình cũng dành thời gian nhai thật chậm để cảm nhận mùi vị, cấu trúc của món ăn. Đây cũng là một kiểu biến thiền trở thành thói quen của cuộc sống, nhờ thế mình có thể tập trung tốt hơn.
6. Sau cùng, xin bạn đừng ép buộc bản thân mình. Bạn cũng không cần tạo áp lực cho bản thân phải đạt ngưỡng thiền như người khác. Hãy quan tâm đến chuyện bản thân được thoải mái và tận hưởng thực sự những phút giây thiền định. Bạn có thể bắt đầu những bước nhỏ thôi, 5 phút mỗi ngày, rồi dần dần tự tăng lên. Đến một giai đoạn khi đã thành thói quen, bạn sẽ nhận ra thiền định không hề giúp các bạn ngừng suy nghĩ hay dập tắt các ý nghĩ trong đầu mình, biến mình trở thành một con người khác đi, nhưng ý nghĩ trong bạn sẽ trở nên rõ ràng hơn, trở thành một dòng thông suốt. Khi đó, điều duy nhất bạn tập trung và nhận thức vào chính là bản thân, chứ không còn để những ý nghĩ tiêu cực, lo sợ dẫn dắt mình.

Viết lách (Journaling)

<i>Nguồn: Unsplash</i>
Nguồn: Unsplash
Viết lách mỗi ngày, ghi lại những dòng cảm xúc của mình cũng là một cách để dễ dàng nhận ra các dấu hiệu của nỗi buồn và phát hiện nó khi cần thiết. Hơn thế nữa, mình tin rằng viết lách cũng là một kiểu thiền định bằng câu chữ mà ở đó, bạn chỉ tập trung cảm nhận nội tại bên trong - những lo lắng, nỗi sợ, cảm xúc cá nhân - chuyển tải nó ra bằng từ ngữ có thể cảm nhận bằng mọi giác quan thay vì cứ để nó lửng lơ trong tâm trí. Việc cụ thể hoá nỗi buồn trở thành một yếu tố vật lý sẽ giúp chúng ta bớt mơ hồ hơn về cảm xúc mình có, đồng thời có cơ hội đào sâu, tìm tòi vào những suy nghĩ sâu thẳm của cá nhân - điều mà rất có thể vì áp lực cuộc sống, công việc, mối quan hệ mà chúng ta đã quên đi mất việc nhận thức nó.
Có nhiều kiểu viết lách khác nhau mà mỗi người có thể áp dụng như: Morning pages (Viết 3 trang giấy vào buổi sáng), Gratitude Journal (Viết 3-5 điều mình trân trọng và biết ơn mỗi ngày), 5-Minute Journal (Viết 5 phút mỗi ngày bằng cách trả lời các câu hỏi có sẵn), Bullet Journal (Lên kế hoạch cho mục tiêu ngắn hạn - dài hạn của bản thân kết hợp ghi chép ngắn gọn), Specialized Journal (Tự biến tấu việc ghi chép cá nhân bằng các hình thức như tranh ảnh, vẽ, thiết kế...)... Cá nhân mình từng rất thích các template của Notion, nên mình có join vào cộng đồng Notion Vietnam để học hỏi thêm nhiều cách sử dụng mới. Nhưng sau một thời gian thì mình vẫn thấy việc viết bằng sổ tay và bút với mình dễ chịu hơn. Ngoài ra, mình cũng tự thiết kế lối journaling của bản thân - kết hợp giữa Bullet Journal, 5-minute Journal.
Viết lách thì không khó, chỉ là không phải lúc nào chúng ta cũng có hứng thú viết lách hay niềm vui duy trì nó nữa. Vậy nên bạn cũng hoàn toàn có thể viết chữ, hoặc ghi chép bằng mọi thiết bị mình yêu thích để việc viết lách trở nên dễ dàng và thú vị hơn. Thi thoảng không còn hứng thú viết, mình chuyển qua quay video, chụp ảnh, viết trên stories Instagram mỗi ngày cảm nghĩ về những gì mình đọc được, làm được, những người mình đã tiếp xúc và lưu vào highlight để đọc lại. Hoặc bạn hoàn toàn cũng có thể tự quay video cá nhân và viết text về suy nghĩ của chính mình nếu bạn là fan của Reels, Tiktok. Hãy chọn ra kiểu viết lách thích hợp với bản thân nhất và cố gắng biến nó trở thành thói quen mỗi ngày. Không quan trọng hình thức thế nào, quan trọng là bạn dành thời gian cho cảm xúc của chính mình, nhìn nhận lại những gì mình trải qua để từ đó nhận thức được vấn đề của bản thân.

Trò chuyện và chia sẻ (Communicate)

Đã có lần, mình đọc được đâu đó bài tâm sự của một cô bé chán ghét phải chia sẻ vì sau mỗi lần thế, cô ấy vẫn thấy mình mệt hơn vì phải khóc nhiều, loay hoay và bế tắc. Mình nghĩ có 2 lí do, một là người bạn ấy của em chưa thực sự đóng vai trò của một người lắng nghe - thông thường, con người có xu hướng an ủi, động viên, cổ vũ tinh thần của người đang buồn, nhưng điều đó không giúp ích được cho nhu cầu thực sự của người đó - được nói, được lắng nghe, được thấu hiểu và bao dung. Hai, rằng thực chất việc đó chỉ là một phương thức giúp em giải toả, trong khi vấn đề của em chưa được giải quyết và không thể nào vui lên được.
Vậy nên, được trò chuyện và chia sẻ mỗi khi buồn luôn là một phương án tốt. Chỉ là từ những gì đã trải qua, mình nhận thấy chúng ta nên cẩn thận hơn trong việc nhận thức mức độ kì vọng của cuộc trò chuyện để từ đó tìm đúng người có thể tâm sự. Nếu bạn đang loay hoay với những vấn đề sự nghiệp hay chuyên môn, hãy tìm những mentor để có thể được lời khuyên hữu ích. Còn nếu đơn thuần muốn được trút bày tâm sự, hãy tìm những người bạn tin tưởng được và trao đổi thẳng thắn với họ rằng lúc này bạn chỉ cần người lắng nghe mà thôi. Cá nhân mình luôn giao tiếp với những người em, người bạn của mình theo hướng này: họ sẽ chỉ có lời khuyên khi họ thật sự cần, còn lại họ có thể tìm đến mình nếu muốn được lắng nghe và tâm sự. Nhờ vậy mình tránh được việc tốn quá nhiều thời gian không cần thiết vào chuyện của người khác, trong khi ở phía ngược lại, bạn bè mình cũng cảm thấy thoải mái để trút bầu tâm sự mỗi khi tìm đến mình. Có những hôm, mình đón những người em của mình, rồi dành 2-3 tiếng để nghe các em tâm sự và khóc. Mặc dù vấn đề không thể giải quyết triệt để nhưng chí ít vào thời điểm đó, các em cũng được cảm thấy thoải mái hơn khi được chia sẻ nỗi lòng.
Nhắc đến khóc, có rất nhiều người cho rằng "khóc không giải quyết được chuyện gì và chỉ thể hiện cho người khác thấy mặt yếu đuối của mình". Nhưng mình nghĩ, khóc, cười,.. đều là những hành động cơ bản rất đỗi con người, chứ chẳng phải biểu hiện hay đại diện cho bất khía cạnh nào của nhân dạng chúng ta. Thậm chí, khóc còn mang lại nhiều ích lợi to lớn, giúp giảm căng thẳng, giảm đau, tự xoa dịu và cân bằng lại cảm xúc bấp bênh. Vậy nên, cho dù bạn là ai, nam, nữ, LGBT+... nếu có cơ hội, bạn hãy cứ khóc đi, đừng ngần ngại. Sau 2 năm không thể khóc được nữa, thì mình thực sự nhớ những ngày tháng có thể khóc một cách thoải mái. :( Mình nhận ra sau mỗi lần khóc, chúng ta thường có xu hướng thấy mọi việc không thay đổi, và đồng thời mệt lử về mặt thể chất lẫn tinh thần. Nếu nhận thức được và khéo sử dụng, thì đây là thời điểm vàng của trạng thái số 0 não bộ, cũng như khi chúng ta đã đổ hết lớp đất cũ đi và cái chậu đã rỗng không. Chỉ là sau đấy, chúng ta nên làm gì gì để không phí phạm trạng thái này vào tay những cảm xúc tiêu cực tiếp tục tiếp diễn mà thôi.

III. Hãy cho bạn những thứ gì tốt nhất.

Chiếc chậu của mình lúc này đã được trút hết lớp đất cũ, làm sạch và rỗng không. Đã đến lúc đổ vào đấy hỗn hợp của đất, phân bón, thuốc chống nấm, sỏi nung.... để làm ra loại giá thể phù hợp và tốt nhất với cây trồng. Lúc này chúng ta cũng vậy. Chúng ta là những bản thể rỗng không, và đang chờ đợi để được lấp đầy. Và những gì bạn có thể làm lúc này là cho bản thân những gì tốt nhất, phù hợp với bản thân nhất. Dưới đây là một vài gợi ý quen thuộc vẫn thường được mình nhắc nhiều trong các bài viết cá nhân, mang lại cho mình rất nhiều lợi ích và vẫn được duy trì đến tận bây giờ:
- Ăn và uống lành mạnh: Như đã nói ở trên, ăn những loại đồ ăn nhanh, đồ ngọt sẽ khiến bạn lên mood tạm thời, nhưng dễ khiến chúng ta lại càng cuồng ăn nhiều hơn. Việc ăn uống lành mạnh sẽ không giúp bạn vui lên ngay tức khắc, nhưng lại là phương án tốt nhất để giữ cho bạn có một nền tảng tốt - cơ thể khoẻ mạnh, làn da đẹp, tâm trạng ổn định, cảm giác không tội lỗi vì đã trót ăn quá nhiều những thứ không lành mạnh.
Do đó, mình thật sự mong mọi người hãy tìm hiểu về eat clean và bản chất của các đồ gia vị - ăn uống, bởi nó sẽ giúp các bạn hiểu rằng mọi thứ trên đời này - kể cả đường, mì chính, và muối đều có giá trị riêng, miễn sao chúng ta ăn ở mức độ vừa phải. Đây cũng là một thói quen giúp ta hiểu được cuộc sống cần sự cân bằng, và ta phải học làm điều đó bằng cách hiểu bản chất của vấn đề. Về dinh dưỡng, các bạn có thể tìm đọc 2 cuốn Tẩy Độc Nhà Bếp - Ăn Gì Để Không Độc Hại của chị Soi. Không chỉ có những thông tin bổ ích về dinh dưỡng, mà chị Soi còn đưa ra những thông tin khoa học về cấu tạo cơ thể con người, các chỉ số quan trọng của thức ăn, để từ đó giúp ta đối chiếu và hiểu mọi thứ dựa trên cơ sở khoa học. Ngoài ra, các bạn cũng có thể đọc cuốn Để Ăn Không Phải Băn Khoăn của tác giả Vũ Thế Thành - người viết đã có 10 năm làm trong lĩnh vực hoá học - quản trị chất lượng, để hiểu rằng thực phẩm ngày nay vốn dĩ không thật sự đáng sợ như ta vẫn nghĩ.
- Ngủ sớm - dậy sớm - vận động nhẹ nhàng: Chúng ta vẫn biết lợi ích của việc ngủ sớm, dậy sớm và vận động. Nhưng chỉ khi bạn thực sự trải nghiệm điều đó, mình mới nhận ra nó mang lại lợi ích to lớn về mặt tinh thần lẫn thể chất. Và khi dậy sớm, bạn sẽ có nhiều thời gian để làm nhiều công việc hơn, tăng năng suất hơn trong ngày. Ánh mặt trời cũng mang lại tác dụng rất lớn cho tâm trạng. Do vậy mỗi lần stress nhiều, mình thường dành thời gian thiền ở khu vực ban công nhà có nhiều ánh sáng và cây xanh nhằm cải thiện lại tâm trạng.
Tập luyện và thể dục thể thao cũng vậy. Hiện nay, có rất nhiều các fitness influencers hoặc ứng dụng tập luyện để chọn lựa theo sở thích. Một vài cái tên có thể điểm tới là Pamela Reif, Chloe Ting, Emi Wong, Growingannanas, Madfit, THENX, Move With Nicole, Dance Tutorials, Nike Training Club... với các bài tập, video hướng dẫn, free plan để bạn dễ dàng theo dõi. Dành 10 phút mỗi ngày để tập vẫn tốt hơn không tập phút nào. Lựa chọn những bộ môn yêu thích như cardio, tabata, hay stretching, pilates vẫn tốt hơn không chọn bất kì bộ môn nào cả.
- Digital Detox: Đây không phải là việc bạn ngưng sử dụng mạng xã hội hoàn toàn. Mình đã từng thử ngưng trong vòng 6 tháng, và khi quay lại, cho dù đã sử dụng tần suất tiết chế hơn, thì mình vẫn bị ảnh hưởng bởi những điều tràn lan trên mạng xã hội. Từ đó mình hiểu rằng: ta không thể nào tách rời hoàn toàn với internet được, nhất là với những ai đang làm trong môi trường digital marketing như mình. Vậy nên hãy tự tạo ra một môi trường internet tốt hơn, bằng cách unfollow hết những trang bạn không thích/ không còn giá trị về mặt content với bạn nữa, và chỉ đặt chế độ first see cho những fanpage mà theo bạn là mang lại nhiều thông tin bổ ích. Việc này khá dễ nếu bạn sử dụng Instagram, Tiktok, nhưng Facebook thì khó chịu hơn nhiều bởi ngoài thông tin, nền tảng này còn tràn ngập những comment chỉ trích, cay nghiệt và chúng ta có xu hướng bị cuốn theo đọc các comment này. Vậy nên, hãy rèn cho mình thói quen nhận thức rằng: Việc đọc và sa đà vào những gì tiêu cực nhất hay tìm cách phản biện lại hoàn toàn không tốt cho tâm trạng lẫn cuộc sống của bạn.
Tất nhiên, chúng ta không phải thánh. Ta bất bình, chửi bới, nguyền rủa khi thấy một mẩu tin về kẻ thủ ác. Ta khó chịu khi thấy những ý kiến sai lệch về nhận thức. Ta muốn đính chính lại những fake news với mong muốn người ta nhìn nhận lại vấn đề. Đó hoàn toàn là những cảm xúc rất đỗi con người. Sự khác nhau nằm ở chỗ ta quyết định làm gì với những cảm xúc đó: Theo thói quen cũ lao vào phản biện, cuốn mình vào tranh cãi, hay share về facebook/ fanpage cá nhân và lên tiếng với lập luận chặt chẽ, lời lẽ văn minh? Tất cả nằm ở lựa chọn của chính bạn. Sau một thời gian Digital Detox, mình rèn được thói quen nếu có ý kiến cá nhân, mình phải dành thời gian ngẫm nghĩ để trả lời các câu hỏi: 1. Vì sao mình lại cho rằng ý kiến đấy là không đúng? 2. Liệu ý kiến của mình có mang lại giá trị gì cho người đọc hay không? 3. Liệu việc nói ra ý kiến của mình có cần thiết trong trường hợp này hay không? Trả lời được hết 3 câu hỏi này cũng tốn kha khá thời gian, vừa giúp mình hiểu thêm về góc nhìn của bản thân, đồng thời giảm đi ý muốn tham gia vào câu chuyện không-phải-của-mình và nhờ đó giúp mình tránh bớt những tranh cãi không cần thiết.
- Kiến thức mới: Cuộc sống luôn đầy ắp những kiến thức thú vị, quan trọng là bạn tìm ra được những thứ phù hợp với sở thích của bản thân. Mỗi cá nhân sẽ có nhu cầu và sở thích khác nhau,
+ Đối với lĩnh vực advertising - marketing, bạn có thể tải ứng dụng Onmic và lắng nghe các sự kiện, trò chuyện về ngành của các anh chị CEO, brand manager của các tập đoàn, công ty lớn tại Việt Nam.
+ Đối với lĩnh vực tài chính cá nhân, bạn có thể học cách quản lý tiền bạc, mua chứng chỉ quỹ, mua vàng online trên các ứng dụng tài chính hiện nay, học về các khái niệm tài chính cơ bản cách đầu tư chứng khoán cơ bản nhất (bạn có thể tham khảo Stockde.banhbeo với nhiều thông tin dễ hiểu và trực quan cho người mới bắt đầu).
+ Đối với lĩnh vực phát triển bản thân, mình không thật sự highly recommend bất kì ai bởi quan điểm của mỗi người là khác nhau, và chúng ta nên tìm đến những người có cùng quan điểm với mình hơn là chỉ trích quan điểm của người khác. Tuy nhiên trong trường hợp muốn một vài gợi ý mới, bạn có thể tham khảo Mark Manson (tác giả cuốn The Subtle Art of Not Giving a F*ck), Psychological facts - Tâm lý học và Xã hội học Việt Nam (không chỉ là tâm lý học, page có rất nhiều content tích cực về phát triển bản thân, thông điệp cuộc sống và các kiến thức xã hội), The Holistic Psychologist (content ngắn gọn, súc tích và tập trung vào việc chữa lành theo hướng tâm lý học phát triển), Queen Or Nothing (thông điệp cá nhân và trải nghiệm chân thực của người viết - một cô gái với tâm hồn rất dỗi dịu dàng), Co-Star (một ứng dụng Horoscope với lời nhắn dành cho bản thân mỗi ngày).
+ Một vài lĩnh vực khác thú vị, như lập trình Python cơ bản (Dũng Lại Lập Trình, Corey Schafer), AI, Power BI (Simplilearn), học cách pha trà (Tiktok và Her86m2), kiến thức chăm sóc da khoa học (da.barrier, bohemian raspberry), nghệ thuật vẽ tranh thị giác Intuitive Art...
Chúng ta cũng không cần phải tìm hiểu quá nhiều vào những điều sâu sắc nếu không thật sự mang lại niềm vui cho mình. Chỉ là hãy đặt mục tiêu mỗi ngày dành ra một khoảng thời gian để tìm hiểu thứ mà từ trước đến nay bạn chưa từng thử. Mình cũng từng có khoảng thời gian 3 ngày để nghiên cứu về mâm đĩa, từ đấy quyết định đầu tư một chiếc turntable chuyên dụng thay cho những chiếc turntable Victrola, Crosley... tuy đẹp nhưng công năng sử dụng kém. Và quá trình tìm hiểu, so sánh, đối chiếu, thậm chí là nghiên cứu thiết kế vật lý của từng chiếc turntable cũng giúp mình vui lên rất nhiều.
<i>Nguồn: Unsplash</i>
Nguồn: Unsplash

IV. Hãy Học Cách Yêu Thương Đi Kèm Với Kỉ Luật

Chuẩn bị xong đất, trồng xong cái cây. Việc tiếp theo đương nhiên là theo dõi tình trạng cây để tưới nước đầy đủ. giữ mức kỉ luật cần thiết với chính bản thân và cây của mình nữa. Lượng nước cần thiết sẽ tuỳ thuộc vào từng loại cây lẫn thời tiết ngày hôm đó. Tưới quá nhiều hay tưới quá ít cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ của cây, nếu không cẩn thận, một ngày nọ bạn lại phải cấp cứu cây vì bộ rễ đã bị hỏng hóc. Thật lòng đây là công đoạn ngốn nhiều thời gian và đau thương nhất của mình, nhất là trong thời điểm thời tiết SG thay đổi liên tục, khi nắng nóng đỉnh điểm, khi lại mưa quá nhiều. Phải qua nhiều lứa cây khác nhau, quan sát thời tiết, lá và độ khô của bề mặt đất mà mình mới bắt đầu tự có kinh nghiệm chăm sóc từng loại cây.
Và mình nghĩ, con người cùng vậy. Đầu óc chúng ta cũng giống như cái cây đó, cần tri thức và suy nghĩ mỗi ngày. Quá nhiều hay quá ít đều không tốt. Tốt nhất, hãy hiểu được mức độ cân bằng của bản thân mình, quan sát và bổ sung nếu thiếu, bớt đi khi thừa. Nếu bạn không thích triết học thâm sâu, hãy tìm các quyển sách với lối diễn đạt giản đơn để đọc cho mình mỗi ngày. Nếu bạn không thích nấu ăn, thì cũng không cần quá ép mình, hãy đảm bảo việc nấu các món đơn giản và tự mình lo cho bữa ăn, vậy là đủ. Đừng cố so sánh bản thân mình với người khác, hay thúc ép bản thân mình như người khác. Bởi xét cho cùng, mỗi người có những sở thích, lối sống, ưu tiên khác nhau. Thay vì cứ cố đạt đến tiêu chuẩn của người khác, hãy hiểu mình cần những gì, mình có thể đi đến đâu, và tự mang lại điều đó theo cách của mình.
Tưới nước thôi chưa đủ. Trong bất kì mùa nào, cây cối cũng có khả năng bị nấm mốc, sâu bệnh xuất hiện trên lá, buộc bạn phải ngồi cắt hết những đoạn lá hỏng để tránh lây bệnh cho các khu vực còn lại. Một số cây nhất là cây gia vị khi ra hoa, ra quả, các cây hoa đến mùa ra hoa, bạn cũng phải nhanh chóng cắt bỏ để cây không bị lụi tàn. Nó cũng như những mối quan hệ trong cuộc sống của chúng ta. Có nhiều mối quan hệ độc hại không cần thiết, hay bản thân bạn phải đứng vai trò của một người giúp đỡ quá nhiều, khiến toàn bộ năng lượng của bạn phải tập trung vào người khác mà quên đi bạn cần những gì. Đôi khi, chúng ta phải dũng cảm và mạnh dạn bỏ đi những điều đó để ưu tiên cho những điều tốt nhất cho cuộc sống của mình. Quá trình này cũng giống như bạn tìm về với con người của chính mình, nhận ra những điều thiết yếu, xây dựng những ranh giới cá nhân để từ đấy tạo được một môi trường phát triển tốt nhất cho chính mình.
Có nhiều người bảo mình rằng, họ không dám làm vậy bởi bạn bè xung quanh sẽ cho rằng họ đang ích kỉ, và họ là người duy nhất giúp đỡ được người ta. Nhưng sự thật là một: đa phần trong trường hợp nếu không có bạn, họ cũng sẽ có thể nhận được sự trợ giúp người khác và hai: mình cho rằng một người bạn tốt là khi họ đã cố gắng hết sức 100% và đến khi không còn phương án nào khác, họ tin tưởng để nhờ tới tới sự trợ giúp của bạn. Ai cũng phải có cuộc sống và vấn đề riêng để tự mình giải quyết, nếu mình chỉ mãi trông chờ vào người khác lắng nghe, giúp đỡ mà không tự cố gắng trước tiên, thì mọi cố gắng đều rất dễ đổ sông đổ bể gây mệt mỏi cho cả hai bên. Đấy là lí do vì sao mình có những người bạn chơi với nhau gần 20 năm nay, dù bình thường ít khi liên hệ nhưng khi họ cần mình hay mình cần họ, cả 2 đều có mặt. Và trong mọi trường hợp thì điều đầu tiên bạn cần vẫn là bản thân luôn sẵn sàng, mạnh mẽ để dù chuyện gì xảy ra, bạn vẫn đủ sức làm điểm tựa cho chính mình cùng người khác được.
Và cuối cùng, để cây luôn trong tình trạng tốt nhất, bạn phải xây dựng lịch trình trồng cây riêng - 2 tuần 1 lần thêm phân, thu hoạch, 2 tháng khi cây đủ lớn sẽ cần thay chậu để rễ cây phát triển tốt hơn. Tưới cây nên tưới vào sáng sớm và chiều, không nên tưới vào buổi tối sẽ úng nước. Vân vân và vân vân. Đối với cây, không nên chăm bẵm quá kĩ sẽ dễ làm sức đề kháng của cây bị giảm. Với một số loại cây đặc thù, mình cần dưỡng theo những cách đặc biệt để "thuần" cây theo khí hậu, ánh sáng, môi trường mình sống. Đại khái rằng trồng cây cũng cần sự kỷ luật rất lớn cho cả người trồng lẫn vườn cây của mình.
Trong quá trình lập sử dụng Instagram storybeering, mình may mắn được lắng nghe nhiều câu chuyện từ mọi người, cũng như được đến nhiều câu hỏi để suy ngẫm. Đặc biệt có câu hỏi mình hay được nghe nhất rằng: "Bản thân mình biết mình cần làm những điều tốt hơn cho bản thân, nhưng mình không biết làm cách nào cũng như không biết tìm có động lực để thay đổi". Thì câu trả lời duy nhất của mình đó là: Kỉ luật tạo ra những điều bạn cần. Cách đây 2 năm, điều này nghe thật buồn cười với một người sống tuỳ cảm hứng và rất ghét khuôn phép như mình. Nhưng đôi khi, để thúc đẩy bản thân lớn lên, chúng ta cần một chút ít kỉ luật cá nhân. Kỉ luật ở đây không phải là việc gò ép, dồn nén bản thân vào việc làm những gì bạn không thích, mà hãy cho mình một mục tiêu vừa phải, có lịch trình cụ thể, với các công việc được hoạch định rõ ràng và cố gắng tìm kiếm niềm vui cá nhân khi thực hiện những điều đó. Mình tin rằng điều này giúp ích cho bạn rất nhiều trong cuộc sống thường ngày, từ sự phát triển của bản thân, lối sinh hoạt, đến công việc đến các mối quan hệ của bạn.

V. Hãy Nhớ, Đây Không Phải Đích Đến, Đây Là Một Hành Trình.

<i>Nguồn: Unsplash</i>
Nguồn: Unsplash
Vậy sau từng đấy thứ, mình đã trồng cây tốt hơn không để cây chết chưa? Câu trả lời là có, và không. Những chiếc cây sau, mình đã tự tin hơn, biết nhìn thân, lá cây để đoán bệnh và tìm ra phương pháp trồng thích hợp hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng một ngày đẹp trời, mấy cái cây của mình không thể chết. Rồi sẽ vẫn có khả năng chúng chết, và khi đó mình sẽ có 2 chọn lựa: hoặc chấp nhận đấy là giới hạn của mình và quyết định không trồng cây nữa, hoặc tiếp tục lặp lại quá trình đó từ đầu sau khi đã rút thêm kinh nghiệm cho bản thân.
Vượt qua nỗi buồn hay quá trình chữa lành của con người cũng vậy. Nhiều người trẻ hỏi mình rằng: tại sao em đã cố gắng, nhưng kết quả lại thất bại, tại sao em không thể hết buồn? Thật ra, nỗi buồn là một phần của cuộc sống này: một trạng thái, một dòng cảm xúc, như vui, hạnh phúc, hân hoan. Cuộc sống này không chỉ tràn ngập sự giản đơn, người giữa người va vào nhau, rồi cũng sẽ có vui vẻ lẫn đau khổ. Cái quá trình này cứ lặp đi lặp lại từ giờ cho đến lúc chết. Nhưng những cảm xúc ấy không định nghĩa ta là ai, giá trị của ta thế nào, mà chính những lựa chọn, quyết định hành động mới là điều làm nên một bản thể tốt hơn mỗi ngày của chính chúng ta.
Và ở một khía cạnh khác, thì nỗi buồn mang đến cho chúng ta nhiều thứ hơn ta tưởng. Nó khiến ta học cách thực sự tận hưởng những điều tốt đẹp giản đơn của cuộc sống. Đấy là sáng đẹp trời nhìn thấy cái cây của mình đã bật mầm sống mới. Là biết rằng cái xe cà phê bên đường hôm nay có món bạc sỉu thật ngon. Là một người tình cờ tặng cho em một món quà nhỏ xinh, chẳng vì dịp gì mà bởi người ta muốn em vui là được. Là những người bạn đáng yêu vô tình có duyên gặp mặt, Nhờ có những ngày buồn dạy cho mình hiểu rằng cuộc sống ở ngoài kia có những niềm vui bé nhỏ, quan trọng là mình có muốn đứng lên và đi tìm nó hay không. Cũng như vượt qua sự e ngại của bản thân để trồng một cái cây, thấy nó đơm xanh, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết và khí hậu để đâm chồi, rồi một lúc nào đấy nở ra những bông hoa tuyệt đẹp. Mình nghĩ chắc đấy là lí do để chúng ta được dạy rằng: hạnh phúc là một quá trình, không phải đích đến. Cái quá trình ấy, với nhiều chông gai và nỗi buồn, nhưng khi vượt qua và học cách chiêm nghiệm được những bài học của riêng mình, thì chờ đợi chúng ta là sự thay đổi và cả niềm vui.

VI. Và Cuối Cùng, Vượt Qua Nỗi Buồn Cũng Như Trồng Những Cái Cây

Mỗi ngày ra vườn, mình thấy những cái cây lớn hơn một chút, nở nhiều hoa hơn một chút. Những chiếc cây chết đã không còn ở đó nữa, nhường chậu cho những cái cây mới sắp về. Thi thoảng, mình hay nhắn tin cho chị vườn mình quen, nghe chị ấy kể về nỗi vất vả để cứu những chậu cây mới. Rảnh rỗi, mình hay ra thu hoạch mấy lá sả chanh, basil treo thơm lừng cả nhà. Mỗi cái cây lại gắn liền với một câu chuyện. Cây khuynh diệp ra đốm lá là lúc đi mua cùng một người bạn lần đầu quen biết. Cây hoa hồng mua tặng mẹ từ hồi 8/3 đã cho ra vài lượt vài chục mầm nở. Và cũng đã một khoảng thời gian dài, lâu hơn mình nghĩ trôi qua.
<i>Nguồn: Unsplash</i>
Nguồn: Unsplash
Trải qua từng ấy thời gian ngập ngụa trong nỗi buồn từ năm nay qua năm khác, thậm chí đến tận thời điểm khi hoàn thành những con chữ cuối cùng, mình mới có thể cảm nhận được rằng cuối cùng, mình đã vượt qua khỏi nỗi buồn cố hữu. Liệu mình sẽ còn buồn nữa không? Mình nghĩ là có. Nhưng rồi thì nỗi buồn đến, thì lần này mình đã không còn loay hoay bỏ mặc bản thân nữa. Mình học cách vượt qua nỗi buồn như học cách kiên nhẫn trồng những cái cây, cũng là học cách yêu thương bản thân lẫn cuộc sống của chính mình. Đến cuối cùng, chúng ta sẽ đều chết bằng cách nay hay cách khác, quan trọng rằng ta đã tận hưởng cuộc sống thế nào. Nỗi buồn hay cái chết ở một khía cạnh nào đấy, dạy cho chúng ta rằng cuộc đời này ngắn ngủi hơn ta tưởng. Nói biết trân trọng sự sống thì nghe to tát quá, mình thì không thích lối diễn đạt vĩ mô ấy lắm. Chỉ là còn sống, mong bạn hãy luôn nhớ, bạn có quyền được chọn lựa, được tận hưởng những điều tốt đẹp và yêu thương chính bản thân mình.
"Yêu thương bản thân là kết quả của ngần ấy năm nhặt nhạnh, chắp vá từng mảnh vỡ, ngần ấy năm quạnh quẽ, lạc trong nỗi hoài nghi của chính mình. Và rồi bạn sẽ không để bất cứ ai làm lung lay, suy suyển niềm tin ấy. Bạn sẽ không để bất cứ người nào phá huỷ nỗ lực suốt bao năm nay" @ranianaim
1. Ngoài viết bài trên Spiderum, thi thoảng mình sẽ đăng vài chiếc review nho nhỏ về đồ uống có cồn, chốn nhậu nhẹt, kể chuyện nhảm chốn công sở và cuộc sống tại Instagram Storybeering. Hãy follow mình nếu bạn có hứng thú, hoặc muốn giới thiệu cho mình những địa chỉ yêu thích của các bạn nhé :3 Cảm ơn bạnnnn. 
2. Có lẽ, đây là một trong những bài viết khiến mình trăn trở và suy nghĩ suốt nhiều tháng trời, cho đến khi thực sự bước qua được giai đoạn này, thở phào nhẹ nhõm và hoàn thành những dòng cuối cùng đúng thời điểm mình mong muốn. Hi vọng bất cứ ai đọc được những dòng này sẽ luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, từ đáy lòng mình cầu chúc điều đó đến tất cả mọi người.
3. Và chúc mừng sinh nhật bản thân mình. Cuối cùng sau 5 năm, mình đã không cần buồn bã khóc lóc trong ngày-đặc-biệt-của-riêng-mình nữa. I'm so hapy and proud of myself <3