Tôi thích ở một mình vì tôi… yêu quý loài người. Ơ, thật đấy!
Ở đời có 3 loại người Từ kinh nghiệm thực tiễn của một kẻ bình dân có vốn tư duy ít ỏi như tôi, thì ở đời nhìn chung có 3 loại người....
Ở đời có 3 loại người
Từ kinh nghiệm thực tiễn của một kẻ bình dân có vốn tư duy ít ỏi như tôi, thì ở đời nhìn chung có 3 loại người. Loại thứ nhất là những kẻ “thèm người”, không có người là không chịu được. Loại thứ hai là những người không thích giao du với cuộc đời, phong tỏa nên một thế giới của riêng mình, không cho ai khác bén mảng. Thường thì sẽ có một lí do sâu xa nào dẫn đến sự bất cần ấy. Loại thứ ba, là những người bị nhầm với loại thứ hai.
Đặc điểm nhận diện của loại ba tương đối giống với loại hai: Họ thích ở một mình. Nói đúng hơn, những người thuộc loại thứ ba, họ cảm thấy rất ổn khi ở một mình. Ở một mình, ăn một mình, lòng vòng phố một mình, xem phim một mình, café một mình… Nhưng khác ở chỗ, không như loại hai, họ không chán ghét hay cảm thấy cô độc gì giữa cõi người cả, chỉ đơn giản là họ đang tập sống tốt với con người. Con người ở đây bao gồm người khác và chính bản thân mình (ừ đấy, bản thân mình thì không phải là người à?).
Sống được với mình cái đã
Có người bạn của tôi nói: “Làm gì thì làm, chứ đi ăn với đi xem phim thì không đi một mình được, cứ kì kì sao ấy.”
Tôi tạm xếp người bạn này vào loại thứ nhất. Có nhiều lí do để một người thuộc loại thứ nhất luôn cần ai đó đồng hành. Họ sợ “kì” khi đi một mình. Họ sợ buồn. Họ sợ chán. Họ sợ cô đơn. Họ sợ người ta nghĩ mình cô đơn, vv… Họ luôn chừa ra một khoảng trống cần ai đó lấp đầy.
Thực sự thì có những người như vậy, không thể nào yên ổn với chính mình, mà luôn “cần” một ai đó. Vì cần nên họ luôn nhận, thay vì cho đi. Lấy gì mà cho, trong khi chính mình còn không có? Mình không chăm sóc được mình, thì chăm sóc được ai? Mình không an ủi được mình, thì an ủi được ai? Mình không làm vui được mình, thì làm vui được ai?
Còn loại người thứ ba, họ sẵn sàng đi xem phim một mình nếu không tìm được người cùng gu, ung dung đi đánh chén một mình nếu không có ai hạp khẩu vị. Phim vẫn hay và thức ăn vẫn ngon. Họ thấy ổn, hoàn toàn ổn, không thiếu thốn chi cả, không một khoảng trống nào cần lấp đầy cả. Họ thấy đủ với chính mình. Dung hòa được mối quan hệ với bản thân rồi, thì những kết nối với người khác mới vô tư và ở thế cân bằng: Không có anh tôi vẫn sống tốt, tôi muốn đồng hành cùng anh, chỉ vì tôi quý anh.
Nếu một người thuộc loại thứ ba tìm đến bạn, nghĩa là họ muốn dành thời gian cho bạn, họ yêu quý bạn. Chứ không phải họ sợ bị “kì”, sợ buồn hay cô đơn (như loại thứ nhất). Vậy tính ra, chẳng phải họ là những người giàu tình cảm nhất hay sao?
Ừ rồi biết rồi, thế giờ gọi họ là gì đây, cứ loại này loại kia điên hết cả đầu? Loại thứ nhất là người-thèm-người, loại thứ hai là người-chán-người, còn loại thứ ba…
Gọi là người-đơn-độc nhé
Chúa Jesus nói:
Phúc thay cho người đơn độc, họ sẽ tìm được miền cực lạc; vì họ đến từ đó nên họ sẽ quay trở lại đó.
Osho thì nói:
Ai là người đơn độc? Nếu anh ta sống giữa đám đông anh ta sẽ vui, nhưng nếu anh ta sống ẩn dật trong một hang động thì anh ta cũng vẫn vui. Vì anh ta đã học được cách sống với chính mình, vui với chính mình.
Theo hệ thống phân loại ở đầu bài, thì “người đơn độc” ở đây chính là loại người thứ ba. Nếu như loại người thứ nhất chỉ thích có người khác ở bên, loại thứ hai lại tôn thờ chính mình, thì loại người thứ ba có cách yêu con người toàn diện nhất – yêu mình và yêu thế giới.
Thế nên, nếu thấy ai đó cứ thích loay hoay lúi húi một mình, đừng vội kết luận họ mắc chứng “kì thị loài người” nhé. Biết đâu bạn đang vớ được một tâm hồn quá chừng là rộng mở và trìu mến ấy.
(Người viết bài cũng rất trìu mến, thật đấy)
Ảnh: Pascal Campion
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất