Một câu hỏi lớn (với tôi)!

Nếu bạn được yêu cầu trả lời câu hỏi: "Vũ khí nguy hiểm nhất của nhân loại là gì?", tôi trộm nghĩ sẽ có vài phương án trả lời như sau. 1. Bom nguyên tử 2. Vũ khí sinh học 3. Vũ khí hóa học
4. Vũ khí thông tin 5. Vũ khí địa chất 6. Vũ khí thời tiết
3 loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được công nhận bởi công ước quốc tế.
3 loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được công nhận bởi công ước quốc tế.
Theo quan điểm của tôi, không có bất cứ phương án nào trong các phương án trên là câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, trước khi đưa ra câu trả lời của mình, tôi muốn mạn đàm một chút về vũ khí siêu vượt âm.
Sau đây là một câu chuyện kể có chút tự luyến bản thân. Tôi vẫn còn nhớ chính xác là vào năm 2016 khi Liên Bang Nga tuyên bố chế tạo thành công thiết bị lượn siêu vượt âm Avangard, tôi đã bắt đầu suy nghĩ về câu hỏi được nêu trên tiêu đề. Lý do thật đơn giản, thông số kỹ - chiến thuật của Avangard thật sự quá sức khủng khiếp đến mức ngay chính bộ quốc phòng Hoa Kỳ cùng năm 2016 phải tuyên bố một sự thật "khó chấp nhận" rằng: Lực lượng phòng không Hoa Kỳ không có khả năng đánh chặn các loại vũ khí siêu vượt âm như Avangard.
Ảnh sống ảo của "đồng chí" Avangard
Ảnh sống ảo của "đồng chí" Avangard
Nếu lấy giấy bút và làm một vài bài toán chuyển động đơn giản, chúng ta sẽ có một kết quả "lạnh gáy" với "đồng chí Avangard" ở đây.
Vận tốc hành trình của Avangard : v =20-27 mach = 6,6 - 9 km/s Khoảng cách từ Hà Nội tới biên giới (một cách tương đối): S= 300 km Thời gian để Avangard "ghé thăm" Hà Nội: t = S/v= 300/6,66 = 45 s
Đánh chặn tên lửa hay bất cứ bài toán phòng không nào khác không dễ dàng như việc giang cư mận Việt Nam cào phím. 45 giây có được từ bài toán giả tưởng của tôi cũng chỉ đủ để mấy cái máy tính của mấy giang cư mận đó hoàn thành việc tải hệ điều hành. Phát hiện mục tiêu, truyền tín hiệu, xử lý tín hiệu, đưa ra phương án tác chiến, truyền mệnh lệnh tác chiến, nhận mệnh lệnh tác chiến, chuyển trạng thái khí tài, khóa mục tiêu, pha chuyển động không điều khiển của tên lửa, pha tăng tốc của tên lửa.... tất cả các thao tác đó liệu có thể thực hiện trong 45 giây?
Chưa kể rằng tốc độ của tên lửa phòng không hiện tại chỉ phổ biến ở mức 5-7 mach, so sánh với Avangard chẳng khác nào chạy bộ đua với xe độ của dân tổ.
Mang theo những suy tư đó, tôi không ngần ngại đặt ra câu hỏi trước thầy - sỹ quan nghiên cứu khoa tên lửa rằng:
...Việt Nam là quốc gia đi sau và đi chậm hơn các quốc gia khác, vậy cơ hội nào cho Việt Nam trong cuộc đua tốc độ tên lửa này?
Tôi sẽ xem xét việc nhận bản quyền sáng tác đối với câu hỏi này
Tất nhiên tôi đã không nhận được một câu trả lời thỏa đáng. Đến tận ngày hôm nay, tôi cũng không nhận được một câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề chạy đua tốc độ tên lửa. Hiển nhiên tôi hiểu rằng, để giải quyết câu hỏi của tôi không chỉ cần một mà phải là rất rất nhiều trí tuệ thiên tài cùng hợp lực, trong khi đó tôi chỉ có một cái đầu và cũng chẳng có ai cho tôi bất cứ mỹ từ nào về trí huệ.
Nói linh tinh đã đủ, kết phần này, tôi chỉ muốn bình luận rằng: danh sách những vũ khí nguy hiểm (hay theo cách nói hoa mỹ của giới quân sự: "vũ khí chiến lược") sẽ càng dài thêm theo thời gian.
Như vậy nếu chúng ta trả lời cho câu hỏi trên tiêu đề bằng một vũ khí cụ thể, câu trả lời của chúng ta sẽ không còn chính xác vào một ngày nào đó.

Một chút ngữ nghĩa học

Cái ghế là cái ghế nhưng cũng không là cái ghế!
Đó không phải là một câu chuyện cười khi trong một bài kiểm tra triết học, câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi: "chứng minh cái ghế không tồn tại" là câu hỏi: "Cái ghế nào?". Nhận thức, ý niệm tồn tại và phạm trù thực thể,... những cái khái niệm hay ho của bản thể luận, hay dụng ý của phương pháp truy vấn Socrate đã cho tôi một nguyên tắc quan trọng: trước khi nói về một cái gì đó, thì trước hết phải hiểu rõ đối tượng mình nói đến là gì.
Vì vậy, với kiến thức của một kẻ không chuyên ngành ngôn ngữ hay văn học, tôi sẽ làm một phân tích ngữ nghĩa nho nhỏ với cụm từ: "vũ khí nguy hiểm nhất"
Vũ khí - đó là bất cứ công cụ nào có thể đem đến tổn thất cho một thực thể.
Nguy hiểm nhất - chỉ ra mức độ ảnh hưởng, phổ quát, bản chất cao nhất của sự nguy hiểm của đối tượng trên bình diện so sánh với mọi đối tượng khác có cùng công năng.
Viết đến đây, tôi mới chợt nhớ ra rằng vũ khí thông tin vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ và xa lạ với đại chúng. Có thể việc coi các hệ thống thông tin, các thuật toán,... là một loại vũ khí (và rồi sẽ phải hạn chế, giải giáp) sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kinh doanh của các tập đoàn công nghệ - các "chaebol bản quốc tế", nên các khái niệm về vũ khí thông tin đã không được phổ biến chăng?
Dù không đề cập tới khái niệm vũ khí, nhưng đây là một cuốn sách hay về instrumentarian power - quyền lực công cụ
Dù không đề cập tới khái niệm vũ khí, nhưng đây là một cuốn sách hay về instrumentarian power - quyền lực công cụ
Như tôi đã chỉ ra, chúng ta nên hiểu vũ khí là một khái niệm động, có tính phát triển theo thời gian. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi một ngày nào đó khi tỉnh dậy từ "vũ khí" được gắn với nhiều từ "kỳ quặc" hơn. Vũ khí không chỉ là cái hữu hình, hiện hữu mà còn là những tồn tại vô hình, không thể tiếp xúc vật lý thông thường.

Cội nguồn của tất cả

Tôi luôn cảm thấy tự hào về bản thân khi vào một ngày xấu trời vào cùng năm 2016 đó, tôi đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi: "Vũ khí nguy hiểm nhất của nhân loại". Câu trả tôi đang tìm kiếm, hóa ra lại đến từ vật đang lăm lăm trong tay tôi khi đó: cây bút viết!
Đúng vậy! Vũ khí chết chóc và nguy hiểm nhất của nhân loại chính là: chữ ký của những chính trị gia!
"Chiến tranh là sự nối dài của chính trị." Không có bất cứ cuộc chiến nào không phục vụ ý đồ hoặc cảm xúc chính trị của người đứng đầu, của giới tinh hoa chính trị:
Thánh chiến: ý chí của giáo hội Nội chiến: ý chí và tranh đấu lợi ích của các lực lượng chính trị Xâm lược: sự mời gọi của các lợi ích địa - chính trị
Chiến tranh theo tôi dường như luôn có chung một công thức:
Giai đoạn đầu tiên: dung dưỡng các tư tưởng bạo lực, xô-vanh, bành trướng, thù ghét, phân biệt.... Giai đoạn thứ hai: kích động, thống nhất tư tưởng, khởi động cỗ máy (nền kinh tế phục vụ) chiến tranh. Giai đoạn thứ ba: Châm ngòi thuốc súng. Giai đoạn thứ tư: nhặt xác và dựng tượng đài.
Trong bất cứ giai đoạn nào, chúng ta cũng có thể tìm thấy "dấu vết" của những "chữ ký".
Đăng ảnh nhòe thôi không là tôi mấy hôm nữa bị nhòe.
Đăng ảnh nhòe thôi không là tôi mấy hôm nữa bị nhòe.
Nói đến những chữ ký, không đồng nghĩa tôi quy trách nhiệm chiến tranh về bất cứ cá nhân cụ thể nào. Thứ tôi đang kết tội ở đây là nhân loại - giống loài của sự lười biếng luôn tìm kiếm sự giải quyết mâu thuẫn ngắn gọn bằng bạo lực thay vì một con đường dài hơn đó là đàm phán và thấu hiểu lẫn nhau.
Tôi cười vào câu nói: "Muốn có hòa bình, chúng ta phải chuẩn bị cho chiến tranh." Nói như vậy không khác nào coi hòa bình chỉ là một "pha", một "thời kỳ" của chiến tranh. Điều ngược lại, coi hòa bình là bản chất, chiến tranh là hiện tượng mới là điều nhân bản cần phải hướng tới.
Kết luận: Một cây bút nhỏ nhoi khi được đặt xuống, có thể kết thúc sinh mạng của hàng chục triệu người. Mọi tư tưởng về bạo lực, chiến tranh được dung dưỡng đều sẽ lấy đi nước mắt của vô số người mẹ. Vì vậy, vũ khí thực sự cần chúng ta phải "giải giáp" chính là tư tưởng lấy chiến tranh làm giải pháp.