Tiếp tục series khó ở sau khi đọc sách, hôm nay tui sẽ bàn về cuốn đầu tiên trong Series Tâm lý tội phạm của Lôi Mễ "Vụ án Độc giả thứ 7"
Cảnh báo Spoiler: Bài viết sẽ tiết lộ rất nhiều tình tiết trong cốt truyện
Tâm lý tội phạm là series truyện trinh thám khá nổi tiếng của Lôi Mễ gồm 6 cuốn:
1. Độc giả thứ 7 2. Đề thi đẫm máu 3. Cuồng Vọng Phi Nhân Tính 4. Sông Ngầm 5. Ánh Sáng Thành Phố 6. Tâm Nguyện Cuối Cùng
Tui va vào cuốn "Độc giả thứ 7" một cách khá tình cờ nên không hề biết rằng đây chỉ là 1 trong 6 cuốn trong series. Tui cũng chưa đọc 5 cuốn kia nên không biết thứ tự đọc thế nào. Danh sách trên tui lấy từ 1 trang thương mại điện tử nên không rõ sắp xếp có chuẩn không nha. Bỏ qua vụ hơi hoang mang vì thứ tự đọc (vì hiện giờ chuyện đó với tui không quan trọng lắm), mời bạn tới với bài review đánh giá chi tiết.

1. Điểm cộng của tác phẩm Độc giả thứ 7

Độc giả thứ 7 có lối kể chuyện xuất sắc mang tính đặc thù của dòng tiểu thuyết trinh thám. Tức là nó có khả năng khiến bạn chong đèn tới hai ba giờ sáng, lần mò từng trang giấy trong tình trạng mí sụp tới nơi để ráng đọc nốt coi kết thúc thế nào. Quả thật, Lôi Mễ đã làm rất xuất sắc ở mảng này. Tiết tấu tình tiết vụ án được tiết lộ từ từ, mập mờ có, gây sốc có. Tuy hung thủ hơi dễ đoán nhưng về tổng thể cả câu chuyện vẫn vô cùng bánh cuốn.
Điều thứ nữa tui thích ở tác phẩm này là cách tác giả mô tả những hành vi nhỏ của từng nhân vật. Từng lời thoại, hành vi đều thể hiện rõ nét tính cách, tâm lý của nhân vật đó khiến họ trở nên sống động như một diễn viên đang thể hiện trên sân khấu hay bộ phim vậy.

2. Điểm trừ của tác phẩm Độc giả thứ 7

Vấn đề lớn nhất trong Độc giả thứ 7 chính là logic của vụ án. Tui chưa đọc nhiều tác phẩm trinh thám và cũng không tìm hiểu sâu về mảng này nên không rõ những lỗ hổng đó có thể chấp nhận được hay không. Lấn cấn hơn nữa là sau khi đọc xong tui đã tìm hiểu về tác giả Lôi Mễ và nhận được thông tin rằng ông " từng là sĩ quan cảnh sát cấp phòng (sở) giảng dạy bộ môn Hình pháp học tại một trường cảnh sát trực thuộc Bộ Công an Trung Quốc". Khi biết chuyện đó tui kiểu rất (???) Để giải thích sự lấn cấn của mình tui sẽ đi theo từng vụ án theo thứ tự dòng thời gian trong truyện.
Giới thiệu sơ lược: Phương Mộc là sinh viên của một trường đại học liên tiếp xảy ra những vụ án mạng bí ẩn tưởng chừng như không hề liên quan. Bằng thiên phú đặc biệt của bản thân, Phương Mộc dần vẽ lên chân dung hung thủ và dần đi tới sự thật nghiệt ngã.

#1: Vụ án sinh viên Chu Quân chết trong nhà vệ sinh kí túc xá

Đây là vụ án đầu tiên nên hung thủ hành xử khá bộp chộp. Sau khi đợi đến giờ tắt đèn, hung thủ rình nạn nhân (có thói quen đi vệ sinh muộn) và siết cổ cậu trong nhà vệ sinh nam. Hung thủ đã theo dõi kĩ thói quen của nạn nhân cũng như các sinh viên khác trong kí túc xá để lựa chọn thời cơ hành động thích hợp nhất. Cá nhân tui thấy vụ này phụ thuộc vào may rủi hơi nhiều. Tuy đã tới giờ tắt đèn nhưng việc sinh viên đi vệ sinh, đi chơi,... vào giờ đó có xác suất không hề nhỏ. Vì vậy việc hung thủ không bị ai bắt gặp lượn lờ gần hiện trường gây án khá là may mắn. Tuy nhiên đây là vụ án đầu tiên nên tui vẫn thông cảm được.

#2 Vụ án Lưu Vĩ Lệ chết do bị đẩy từ tầng 24

Lưu Vĩ Lệ được giáo sư giao nhiệm vụ tăng ca để photocopy tài liệu tại phòng photocopy của trường vào nửa đêm. Khi Lưu Vĩ Lệ đang làm việc thì hung thủ tới ngỏ ý muốn giúp đỡ. Thế là... a lê hấp.
Xét từ quan điểm cá nhân của tui, nếu bị bắt phải tăng ca đêm khuya thì tui sẽ khóa chặt cửa phòng. Ai đề nghị giúp đỡ tui cũng từ chối (đặc biệt người giúp đỡ còn là nam và không quen biết nhiều).

#3 Vụ án Cổ Phi Phi và Tống Bác chết cóng trong đêm tuyết lớn

Mục tiêu của hung thủ trong vụ án này là Cổ Phi Phi. Tống Bác chết đơn thuần vì ở cùng hiện trường với nạn nhân lúc đó. Đây chính là vấn đề lớn nhất của vụ án. Hung thủ dù được mô tả là người khỏe mạnh thì vẫn chỉ là một sinh viên người trần mắt thịt không có võ công hay dị năng gì. Thay vì tìm cách thủ tiêu Cổ Phi Phi đơn độc thì hung thủ ra tay một cách cồng kềnh đúng lúc có sự xuất hiện của bạn trai nạn nhân @_@ Đọc đoạn này tui có cảm giác giống như đang xem mấy phim kinh dị buff hung thủ để hắn thản nhiên cầm chày đi xử từng người và nạn nhân chỉ biết chết lặng, run rẩy không chống trả được gì. Bằng chứng rõ nhất là sau khi đánh ngất Tống Bác, hắn vác Phi Phi đi, đến khi quay lại thì Tống Bác đã tỉnh lại và suýt bò trốn được. Vụ án này độ hên xui còn cao hơn vụ số 1. Đến vụ án số 3 rồi thì thật khó dùng lý do chưa có kinh nghiệm để giải thích hành vi của hung thủ.

#4 Vụ án Trần Hi bị chặt đầu ngay giữa vở kịch trên sân khấu

Trong vụ án này hung thủ tráo manocanh thành nữ diễn viên Trần Hi, tráo rìu đạo cụ thành rìu thật. Trước con mắt của 3000 khán giả, hắn chặt đầu cô rồi chạy lên nhà vệ sinh tầng 2, cởi quần áo giấu đi, tự trói chân tay ra phía sau bằng dây rút và tự đập đầu vào cột để khiến mọi người nghĩ hắn bị đánh bất tỉnh.
- Vấn đề số 1: Toàn bộ thành bại của vụ án này phụ thuộc và ý định bất chợt của nam diễn viên chính muốn chạy lên nhà vệ sinh tầng 2 để tập lời thoại ngay giữa vở kịch. Có như vậy thì hung thủ mới có thể đánh ngất, cướp quần áo và lên sân khấu diễn thay được. Đáng lẽ chỉ bằng tình tiết này thôi thì Ngô Hàm (nam diễn viên chính) phải trở thành đối tượng tình nghi lớn nhất. Thế nhưng mọi người từ bạn bè tới các điều tra viên đều vô cùng thông cảm với anh chàng này, không hề mảy may nghi ngờ một chút nào.
- Vấn đề số 2: Đội điều tra bỗng nhiên mù ngang. Hung thủ tự đập đầu vào cột làm chảy máu thì ở trên cột ắt sẽ để lại dấu vết máu hoặc ngoại lực tác động mạnh. Hắn giấu quần áo cởi ra vào thùng nước (giống kiểu bồn đựng nước dội toilet) - một mẹo đến sinh viên trong truyện còn nghĩ ra được nhưng các điều tra viên lão làng tuyệt nhiên không thấy. Tóm lại, để vụ án này thành thì đội điều tra bị giảm IQ đáng kể mới không tìm thấy những chứng cớ vô cùng quan trọng xung quanh hiện trường diễn viên nam bị đánh ngất và trói lại.
- Vấn đề số 3: thiết lập nhân vật. Ngô Hàm được xây dựng là một sinh viên nghèo nhập học theo diện vừa học vừa làm. Cậu vừa ra sức học tập, vừa làm chân chạy vặt lao động chân tay trong kí túc xá. Một nhân vật phải tằn tiện mới đủ sống mà lại có thể tham gia vào đội kịch. Cần phải nhấn mạnh rằng đây không phải là đội kịch trường thông thường mà là một đội kịch vô cùng nổi tiếng, được đầu tư hoành tráng nên yêu cầu gia nhập chắc chắn rất khắt khe. Để được giao vai nam chính trong vở kịch quan trọng đêm giao thừa, Ngô Hàm ắt phải luyện tập trong thời gian dài, phải tham gia rất nhiều vở kịch để đi từ vai nhỏ lên vai chính. Đây là điều rất phi thực tế khi xét tới bối cảnh nhân vật này vừa học, vừa làm, lại vừa có mối quan hệ tình ái mờ ám với nhân viên phụ trách kí túc xá.

#5 Về động cơ giết người của Ngô Hàm

Ngô Hàm là một kẻ vặn vẹo về tâm lý nên hắn luôn tự ti và nhạy cảm đến cùng cực và luôn cho rằng những người khác coi khinh mình. Tạm không bàn sâu về nguyên nhân sâu xa này thì nguyên nhân trực tiếp khiến Ngô Hàm nảy sinh sát ý là vì một bức thư. Ngô Hàm có quan hệ tình ái với cô quản lý kí túc xá hơn hắn 16 tuổi tên Tôn Mai. Một ngày nọ Tôn Mai phát hiện mình có bầu nên thông báo ý nhị tới hắn bằng cách viết thư rồi kẹp trong quyển sách nọ. Tôn Hàm không biết nên đem sách trả cho thư viện. Sau khi biết Tôn Mai kẹp thư trong sách, Tôn Hàm đã tìm kiếm những người mượn cuốn sách đó sau mình vì nghi ngờ kẻ đó biết bí mật động trời có thể uy hiếp mình (thư viện có thẻ mượn sách kẹp vào mỗi cuốn).
Động cơ này nhìn qua thì rất hợp lý vì Tôn Hàm muốn giết người diệt khẩu. Nhưng vấn đề quan trọng là hắn không thể biết được người đọc lá thư đó có từng tiết lộ bí mật cho người khác chưa. Nếu có người thứ 3 biết về bí mật đó thì việc thủ tiêu nạn nhân không chỉ vô nghĩa mà còn khiến hắn bị liệt thẳng vào diện tình nghi vì có động cơ giết người. Hắn cũng không thể (và thực tế cũng không hề) tra tấn nạn nhân để dò hỏi xem họ có tiết lộ cho ai không.

#6 Về nhân vật chính Phương Mộc

Cá nhân tui thấy nhân vật chính này quá phế so với cách mô tả và đề cao của những nhân vật xuất hiện trong truyện. Đặc biệt cậu còn được một điều tra viên dày dặn kinh nghiệm nhận xét là có "thiên phú" trong việc đọc hiểu tâm lý tội phạm, được phá lệ để đọc toàn bộ ghi chép của cảnh sát về vụ án. Tất cả những điều đó mang tới những dòng suy luận hung thủ là người tàn ác, độc địa, tự ti, hận thù, cay nghiệt,... như thế nào. Và... hết. Tất cả những gì Phương Mộc làm được chỉ ở mức suy đoán mông lung hoặc bỗng nhiên cảm thấy đồng điệu tâm hồn với hung thủ. Nhân vật này mang đến cho tôi cảm giác tác giả muốn diễn tả tâm lý hung thủ nhưng không tìm được phương pháp nào phù hợp. Thông thường vai trò này thường được các điều tra viên đảm nhận nhưng câu chuyện diễn ra ở kí túc xá sinh viên nên phải chuyển đỡ sang nhân vật Phương Mộc. Bởi thế mới sinh ra một nhân vật nghe thì nguy hiểm nhưng lại chỉ là thùng rỗng kêu to.
Nghe đồn Phương Mộc còn đóng nhân vật chính trong các phần truyện còn lại. Hy vọng nhân vật này được phát triển tốt hơn trong những phần sau.