Với tình yêu, chúng ta chỉ là những chú nhím - nhưng điều ấy ổn cả thôi
Vậy là mọi thứ đã kết thúc. Bạn bước đi một mình (hay kể cả mấy mình thì nó cũng có cảm giác như một mình) trên đường, với chiếc quần...
Vậy là mọi thứ đã kết thúc. Bạn bước đi một mình (hay kể cả mấy mình thì nó cũng có cảm giác như một mình) trên đường, với chiếc quần bò cũ và chiếc ba-lô hoạ tiết ngớ ngẩn. Bạn nhìn ra ngoài đường, mọi thứ cứ như đang trôi nổi qua không gian và thời gian, qua những chiều dài và chiều rộng, qua những hình khối tròn vuông tam giác mà bạn không còn khả năng nhận biết. Những khuôn mặt dường như trở nên xa lạ, con tim bạn và cả cơ thể chợt trở thành thứ vật chất mềm yếu và lỏng lẻo nhất: chỉ trong phút giây đó, mọi thứ bạn xây dựng cho chính mình để trở thành một người đàn ông hay phụ nữ độc lập mạnh mẽ quyết đoán gì đó bỗng vỡ tan. Bạn hiện giờ trở về như cái tôi nguyên bản của mình: dễ tổn thương, trần trụi và nhút nhát.
Một cơn đau đớn vì tình chưa bao giờ là điều dễ dàng. Một lời từ chối, một cuộc chia tay, một phát hiện ra rằng vốn dĩ hai người không hợp nhau. Mọi thứ vừa như một thực tế vừa mới đây, lại vừa giống quá khứ xa vời mà bạn vừa bước cả hai chân ra khỏi.
Giờ đây, trong tâm trí bạn chỉ toàn là người đó. Bạn tự sắp xếp một cuộc hẹn đầu với người đó trong đầu. Cách người đó cười, cách người đó chào bạn. Cách bóng lưng người đó xếp cạnh chiếc ghế và bức tường, cách bạn hồi hộp chưa dám bước vào ra sao. Cách người đó nhẹ nhàng nắm lấy tay bạn, lần đầu tiên. Cách người đó cười híp mắt. Cách người đó đi, cho dù đó là dáng đi ngớ ngẩn nhất trên đời. Cách người đó và bạn chia sẻ những thứ sao trăng. Cách mà bạn dần dần, thật chậm nhưng thản nhiên một cách nguy hiểm, chấp nhận người đó vào đời bạn.
Và thế còn nỗi đau thì sao? Cái mà bạn đang cảm thấy ấy. Bạn ghét cái cách người đó làm bạn thất vọng. Bạn ghét những bài nhạc người đó nghe. Bạn ghét những lúc bạn khóc chỉ vì người đó làm bạn cảm thấy lạc lõng. Bạn ghét, và ghét, và ghét.
Nhưng trên tất cả, bạn ghét bản thân mình hơn. Trách móc nó một cách thậm tệ, vì đã cởi mở với một người mà sau đó làm bạn đau đớn khôn cùng. Bạn tự nhìn vào nội tâm tan hoang lúc này của mình và gào thét: Ôi trời đồ ngu! Tại sao! 为什么!!!? Thế gian tình là gì? Có phải nắng nhẹ và mây nhàn nhạt? Có phải ngọn lửa chẳng tàn phai? Nếu là những thứ vật chất hữu hình, tại sao giờ ta không thể cứ xua đi, cứ dập tắt chúng đi? Tại sao bạn phải yêu, phải gần gũi? Tại sao bỗng dưng độc lập, nhẹ bẫng và kiêu hãnh, thì giờ lòng bạn nặng nề như đá đeo?
Bạn chẳng muốn yêu thêm một ai.
Vào năm 1890, nhà triết học Schopenhauer đã kể trong tập những bài luận của mình, 'Studies in Pessimism' một câu chuyện mà cho dù đã qua 2 thế kỷ vẫn luôn có giá trị như một quy luật, một định lý và bản chất của mối quan hệ con người:
''Một nhóm những chú nhím xích lại gần nhau để lấy hơi ấm trong một ngày mùa đông lạnh giá; nhưng, khi chúng bắt đầu đâm lẫn nhau với những cái gai trên mình, chúng bắt buộc phải tách rời. Tuy nhiên cái lạnh lại sắp đặt chúng lại gần nhau một lần nữa, và điều y hệt lại xảy ra. Cuối cùng, sau nhiều lần xích lại và rời xa, chúng phát hiện ra tốt nhất chúng nên giữ một khoảng cách nhỏ với nhau.
Cùng theo cách đó, nhu cầu được hòa nhập xã hội làm cho con người xích lại gần nhau, cuối cùng nhận lại những vết đâm từ hàng loạt những đặc điểm gai góc và không dễ chịu từ bản chất. Khoảng cách khiêm tốn mà họ cuối cùng cũng phát hiện ra lại là hoàn cảnh chấp nhận được duy nhất để có thể chung sống, đó chính là phép lịch sự và vẻ tốt đẹp; và những ai vượt xa hơn khoảng cách ấy được gọi nôm na là - trong tiếng Anh - "to keep their distance", hay "giữ khoảng cách". Với sự sắp xếp này, việc giữ ấm được đảm bảo ở mức khiêm tốn; chính vì thế nên người ta không bị đâm. Người nào có hơi ấm trong mình sẽ chọn ở ngoài, khi mà anh ta không tổn thương ai cũng không bị ai làm cho đau khổ." (Schopenhauer, 1890)
"A man who has some heat in himself prefers to remain outside, where he will neither prick other people nor get pricked himself.''
Bản thân nhà tâm lý học Sigmund Freud cũng trích dẫn câu chuyện về những chú nhím của Schopenhauer trong ghi chú của quyển sách Group Psychology and the Analysis of the Ego (tiếng Đức: Massenpsychologie und Ich-Analyse) vào năm 1921. Freud viết về chuyến đi Mỹ của mình vào năm 1909: "Tôi sẽ tới Mỹ để tìm một chú nhím hoang và giảng một số bài giảng cho chú."
Nước Mỹ đã tặng ông một món quà, đó là chú nhím lớn bằng đồng với biểu cảm dữ tợn cùng những cái gai dài bằng kim loại - chính là con người và bản chất của con người.
Theo tạp chí Journal of Basic and Applied Psychology, trong vòng mười phút trò chuyện, trung bình từ 3 tới 5 người sẽ nói dối. Điều này giúp ta an toàn khỏi việc bị từ chối, bảo vệ thông tin quá gần gũi với ta và lòng tự trọng của ta. Ta cố gắng để không bị gai đâm.
Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu điều ấy có phải là cái kết cho mối quan hệ gần gũi và sự thân mật giữa con người? Liệu bạn có trở thành một chú nhím xù xì, cuối cùng trở nên cô đơn và lạnh lẽo? Điều đó liệu có nghĩa những gì ta làm, những gì ta muốn là sai: được thực sự nhìn thấu và được nhìn thấu bởi ai đó, được trở nên hoàn toàn trần trụi và thật dễ tổn thương với một người, cho dù ta biết rằng điều đó chỉ dẫn tới kết cục ta bị tổn thương?
Và một câu hỏi cuối, liệu tổn thương có quá đáng sợ và là thứ gì nên tránh, hay không?
Câu trả lời, chắc chỉ nằm trong con tim chúng ta, cho dù điều đó có được lãng mạn hóa và trở nên sướt mướt ra sao. Chúng ta, những chú nhím đáng yêu, là người duy nhất biết rõ và nắm trong tay một câu Có hoặc Không thật rõ ràng.
Hoặc bạn có thể là một nhà triết học và nói, thật ra đâu có gì hoàn toàn là có và không!
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất