Hôm nọ, mẹ thấy tôi cầm cuốn sách Thiền và ăn mì gói, mẹ hỏi tôi có biết ông Đặng Lê Nguyên Vũ không ?

Tôi cười thầm, bảo biết. Mẹ bảo ông ấy giỏi đến thế, gầy dựng được cả cơ ngơi như vậy. Mà đi đâu Thiền rồi bây giờ về nói chuyện như người cõi trên. Tôi hiểu, mẹ tôi sinh nghi khi thấy tôi học Thiền. ( Mà lạ, mẹ nhà người ta lo con mình cờ bạc, rượu chè, hút sách... mẹ tôi thì lo con mình học Thiền) 

Thực ra, việc một người tài giỏi, thông minh, xuất chúng đến đâu, không can hệ gì đến sự giác ngộ. Người ta có thể tài giỏi trong một lĩnh vực gì đó, hay tích lũy kiến thức đồ sộ, nhiều khi lại là trở ngại cho việc giác ngộ sự thật. Bởi giác ngộ nói đơn giản là buông bỏ sự bám chấp, mà càng tích lũy nhiều, cả về vật chất hay tri thức, lại càng khó buông cái bám chấp của mình vào chúng. 

Khi hành Thiền, nếu có thể, bạn sẽ thấy từ lúc nào, chúng ta đã quá bám chấp vào những cảm giác, suy nghĩ, nhận định, ký ức... và quy rằng nó là Ta, là một cá nhân thực sự riêng biệt nào đó. Và sau đó, bạn sẽ nhận ra thực chất, tất cả chỉ là những tiến trình, những tính chất, chúng tồn tại do được nhiều điều kiện hợp mà thành. 

Giống như khi ta đánh chuông, thì tiếng chuông là từ cái dùi, hay từ cái chuông mà ra ? Tiếng chuông là do sự kết hợp của cả dùi và chuông mới được hình thành. Tương tự như khi chúng ta nghe, nhìn, suy nghĩ về một cái gì đó, khi đó, có đối tượng của cái nghe, nhìn, ý thức, và bản thân sự nghe, nhìn, ý thức.

Như vậy, bản thân cái TA của chúng ta, mọi suy nghĩ, chức năng, đều không thể tồn tại nếu như không có một đối tượng để nó có thể nương vào. Như vậy chẳng phải là Ta cũng chính là đối tượng của Ta ? Cái nhìn cũng chính là đối tượng mà nó đang nhìn, bởi nếu không có đối tượng để nhìn, thì sẽ không có cái nhìn nào được hình thành cả. 

Tôi được nghe một ví dụ rất hay, rằng khi ta đang say mê xem một bộ phim hay, ta đắm chìm vào nó, thì lúc đó có còn Ta hay không ? Có còn người xem, và bộ phim hay không ?

Không, thực chất, khi đó, trong Ta chỉ là những gì đang thể hiện trên phim, chúng ta không nghĩ đến chính mình, người bên cạnh, hay nghĩ về mẹ ở nhà, hoặc chú bảo vệ rạp phim. Tất cả diễn ra khi đó, chỉ là những gì đang xảy ra trên phim thôi.

Rồi khi có một cái gì đó kéo ta ra khỏi nội dung phim, điện thoại rung, hoặc người ngồi sau đạp vào ghế, ta không còn chú tâm vào phim nữa, đối tượng của tâm thức ta lúc này đã thay đổi. Đối tượng tâm thức chuyển sang cái điện thoại hoặc suy nghĩ khó chịu về người ngồi phía sau. 

Như thế, tất cả đơn giản chỉ là những quá trình, những sự kiện đang diễn ra, chứ chẳng có một cá nhân nào ở đây cả. Hoặc giả nếu chúng ta đang đọc bài viết này, và có suy nghĩ gì đó nổi lên, thì cũng chỉ là phản ứng của bài viết + những kiến thức, nhận định, ký ức ... ~> những suy nghĩ trong đầu ta về bài viết này thôi. Không khác gì khi cái dùi gõ vào cái chuông để ra tiếng chuông cả, chỉ đơn giản là một tiến trình. 

Nhưng vấn đề của chúng ta, là chúng ta tự nhân bản những quá trình đó. Giống như khi cái chuông tự cho rằng tiếng chuông chính là bản thân nó, là Nguyễn Văn Chuông chẳng hạn. Chúng ta có thấy buồn cười về việc cái chuông nếu biết nhận thức, thì nó nghĩ tiếng chuông là cá tính của nó không ? ^_^ 
Thực ra chúng ta cũng như thế ! 

Chúng ta cũng không khác gì cái chuông đó, tự nghĩ rằng tiếng chuông là tinh hoa của bản thân mình, là cá tính của riêng mình, và thậm chí còn muốn người khác phải khen ngợi tiếng chuông "của mình" nữa. Chúng ta làm đủ trò dựa trên tâm thức này, chê bai tiếng chuông của cái chuông khác, và cho rằng tiếng chuông của mình là tuyệt vời nhất. 

Nhưng tiếng chuông không phải là của cái chuông, nó chỉ do duyên mà hợp. Cái chuông cũng không hẳn là cái chuông, nó chỉ là một thứ kim loại, do nhiều điều kiện, yếu tố hợp lại để thành hình. Nó vốn không khác cái dùi, bông hoa, cái ghế... ngoài kia, cũng do duyên mà hợp. 

Tôi không biết nhiều kiểu Thiền khác nhau, cũng không rõ người khác thế nào, nhưng với tôi, Thiền mà lại mê lầm như cái chuông kia, càng tự cho tiếng chuông là của mình, là hay ho, thì đó không phải là Thiền thực sự. 

Với tôi, đi đứng nằm ngồi, đều là Thiền. Thiền tức là nhìn thấy được sự thật trong mọi thứ. Rằng tất cả chỉ do duyên mà hợp, hết duyên là tan. Rằng mọi thứ cứ đến rồi đi, liên tục không ngừng. Rằng thực sự không có bất cứ cá nhân nào, tất cả chỉ là những tiến trình, tất cả đều Vô Thường, Duyên Sinh, và Vô Ngã.