Trước thế kỷ XIX, động vật được đối xử như đồ vật thuộc sở hữu của con người. Tất nhiên bạn không thể giết hại động vật một cách vô tội vạ và không thể ném đá thoải mái vào con chó của hàng xóm; nhưng điều đó chỉ tương đồng với việc ngày nay bạn không thể ném đá vào xe ô tô đậu trước cửa nhà mình. Động vật vẫn được bảo vệ nhưng dưới tư cách vật thuộc sở hữu của con người, và việc bảo vệ động vật trên thực tế chỉ liên quan tới sự tôn trọng dành cho quyền tư hữu.
Sau thế kỷ XIX, khi khoa học đã đạt được nhiều bước tiến mới giúp con người hiểu rõ hơn về sinh vật, mà đặc biệt nhất là Thuyết Tiến hóa cho thấy con người có chung nguồn gốc với muôn loài, tranh luận về phúc lợi cho động vật bắt đầu xuất hiện. Lúc này, các thảo luận về việc động vật là gì, có cảm xúc hay không, nên được đối xử như thế nào… bắt đầu nở rộ. Nhưng khi tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề liên quan tới phúc lợi động vật, người ta bắt đầu tiến tới những câu hỏi triết học khó giải quyết hơn vẫn tồn đọng:
Con người là ai, lấy tư cách gì để quyết định việc nên bảo vệ động vật như thế nào?
Làm thế nào để biết chúng ta đang đứng trên nền tảng triết lý mới kết luận rằng con người là bạn đồng hành của muôn loài; hay trên thực tế vẫn là “bình mới rượu cũ”, đứng trên những triết lý ngạo nghễ cho rằng con người vượt lên vạn vật như một loài thượng đẳng, do đó có thể tùy ý lựa chọn khai thác hoặc bảo vệ động vật theo cách họ muốn, tùy xu hướng của từng thời đại?
Bài viết được chia thành 2 phần chính:
Phần 1 - Con người cũng cần tự bảo vệ chính mình khỏi đồng loại
Phần 2 - Con người cũng phát minh ra “nhân quyền” và “nhân đạo”

1. Con người cũng cần tự bảo vệ chính mình khỏi đồng loại

Đầu tiên, chúng ta sẽ xem xét cách con người vinh danh sự tồn tại của mình như trung tâm của vạn vật, thông qua việc tạo ra khái niệm “thần thánh”. Nhưng khi xã hội loài người hình thành giai cấp và chênh lệch quyền lực, chính con người lại phải tự tìm cách bảo vệ mình trước đồng loại.
Nhiều người nghĩ tới khái niệm thần thánh do con người phát minh ra chỉ để thắc mắc mãi một điều: rốt cuộc thần thánh có thật hay không? Tôi nghĩ rằng những trăn trở không hồi kết như vậy không thực sự có ích cho sự suy tư, nếu không muốn nói sẽ làm rối loạn chúng. 
Sự hình thành của khái niệm thần thánh, theo góc nhìn tôi ưa thích, chỉ liên quan tới việc con người sử dụng ngôn ngữ để tạo ra sự tồn tại của thứ đối lập với động vật (animal), từ đó đặt con người ở khoảng giữa thần thánh và động vật. Ở vị trí này, chúng ta sẽ có được hình dung khá rõ ràng về nhân loại và đích đến của họ: họ có những đặc tính gần gũi với động vật nhưng cũng có những thứ khác xa chúng, họ không phải thần thánh nhưng hướng tới những phẩm chất cao quý của thần thánh và nhận được sự bảo hộ của thần thánh.
Trong suốt nhiều năm, cách con người tạo ra thần thánh, vinh danh thần thánh, rồi sau đó là vinh danh con người với những phẩm chất của thần thánh, hay nói về con người như đứa con cưng của các vị thần, rốt cuộc chỉ để giống loài này tự củng cố thêm niềm tin, sự hy vọng và tính chính danh cho sự tồn tại của mình với tư cách trung tâm của vạn vật. Trong bối cảnh nơi quyền động vật được đẩy mạnh như hiện nay, có thể nhiều người sẽ cảm thấy suy nghĩ “con người cao quý hơn động vật” là kệch cỡm. Nhưng, sẽ ra sao nếu chúng ta quay trở lại thời điểm nơi ngay cả con người, chính họ, cũng khó tự bảo vệ bản thân trước đồng loại?
“Full Metal Jacket” là bộ phim nổi tiếng về đề tài chiến tranh Việt Nam, nói về quá trình huấn luyện lính Mỹ và công cuộc tẩy não rằng đối thủ của họ, những người lính Việt cộng, không phải người. Điều này tương tự với những lời tuyên truyền phổ biến của chính quyền VNCH trước 1975 về lính Việt cộng như “những con khỉ ốm đói 5 thằng đu cành cây không gãy”. Không chỉ trong chiến tranh Việt Nam, phần lớn nạn diệt chủng bắt đầu từ việc một nhóm người nào đó không xem nhóm người kia là người và giết họ mà cảm thấy như đang “loại trừ cỏ rác”. Cổ xưa hơn, các tôn giáo cũng phi nhân cách hóa những người theo tôn giáo khác để đàn áp họ, hoặc những người nông dân phi nhân cách hóa “phù thủy” để thiêu sống họ.
Trong quá khứ, khi con người chưa được bảo vệ chỉ vì họ là người, có rất nhiều tội ác được nhắm vào các nhóm thiểu số.
Trong quá khứ, khi con người chưa được bảo vệ chỉ vì họ là người, có rất nhiều tội ác được nhắm vào các nhóm thiểu số.
Như vậy, khi khái niệm con người bị phá vỡ, đặt trong những bối cảnh xã hội nặng tính bất công, giai cấp và chênh lệch quyền lực, con người dường như bất lực trong việc chống lại chính con người; hơn hết, xã hội không còn đủ sức giải thích lý do tại sao chúng ta cần phải tôn trọng và bảo vệ sự sống của người khác, và đặt quyền đó trên mọi mâu thuẫn lợi ích đang tồn tại.
Ngược trở lại một chút về quá khứ, bên cạnh Chủ nghĩa Nhân văn (Humanism) đã quá quen với những ai quan tâm đến chuyện định nghĩa con người, có hai chủ nghĩa khác cũng xoay quanh vấn đề này. 
Đầu tiên là Chủ nghĩa hậu nhân văn. Trong cuốn sách “Chuyện người chuyện ngỗng”, tác giả Vũ Hoàng Long có đề cập đến Chủ nghĩa hậu nhân văn như là sự tiếp nối, đồng thời cũng là sự phản biện đối với chủ nghĩa nhân văn. Nếu Chủ nghĩa nhân văn đặt trải nghiệm của chủ thể người vào trung tâm của các nghiên cứu về cả tự nhiên và xã hội; thì Chủ nghĩa hậu nhân văn lại chất vấn vị thế trung tâm này của nhân loại. Nó bắt đầu từ những nỗ lực giải cấu trúc chủ thể con người: không còn là thứ độc lập, tự chủ và tách rời hoàn toàn đối với phần còn lại của thế giới.
Thứ hai là Chủ nghĩa Duy nhân (Anthropocentrism) - một chủ nghĩa ra đời sớm hơn và triệt để hơn trong chuyện vinh danh con người. Chủ nghĩa Duy nhân (Anthropocentrism) xem sự tồn tại của con người là độc đáo, đặc biệt và không có ngoại lệ trong vũ trụ. 
Vị trí của con người trong vũ trụ, theo quan điểm của
Vị trí của con người trong vũ trụ, theo quan điểm của
Chủ nghĩa Duy nhân đưa ra những nền tảng lý luận cho thấy sự hợp lý của con người trong vấn đề đạo đức môi trường và tác động của chúng ta đến hệ sinh thái. Nó bao gồm việc vì sao con người có toàn quyền trồng trọt chăn nuôi để tự nuôi sống chính bản thân, cho đến chặt cây phá rừng để xây nhà, đánh đuổi thú rừng bảo vệ tổ ấm, hay xa hơn là cách chúng ta khai thác khoáng sản và tài nguyên thông qua công nghiệp để xây dựng xã hội, cùng nhiều việc khác. Thuyết này xây dựng nên một hệ thống tuyên bố thiên vị nhắm vào thế giới phi nhân loại (những thứ không phải người) và là trung tâm cho lý luận của phe bảo thủ phương Tây.
Công lớn trong việc đẩy mạnh vị thế của người có lẽ đến từ Thiên chúa giáo, cụ thể là Cựu ước. Ở 1:26 Sáng-thế Ký có viết rõ: 
“Rồi Chúa nói rằng, hãy cùng mường tượng ra loài người, tùy theo ý thích của chúng ra: hãy để chúng làm chủ lũ cá trên biển, bầy chim trên không, bầy gia súc, làm chủ cả hành tinh này, làm chủ bất cứ thứ gì từng xuất hiện trên đó”.
Những tưởng đây là lý thuyết cực đoan, đề cao con người quá mức và xem nhẹ thế giới xung quanh, nhưng chúng có thể dẫn tới những thảo luận nhân văn hơn cả chủ nghĩa nhân văn ở một số khía cạnh. Bởi, chúng ta đang sống trong thời điểm con người đã được trao nhiều quyền hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, để rồi chứng kiến hơn 8 tỷ dân thống trị và đàn áp môi trường sống xung quanh với áp lực lớn chưa từng có trong lịch sử, dẫn tới sự ra đời của các diễn ngôn mới bảo vệ quyền của muôn loài. Tuy nhiên, trong phần lớn lịch sử, con người không có nhiều quyền lợi đến thế. Vì vậy, việc mạng người được xem là thiêng liêng và đặc biệt, trên thực tế là những mầm mống đầu tiên cho các phong trào giải phóng nô lệ.
Triết gia Mortimer J. Adler từng nói rằng, việc phủ định đặc quyền của loài người có thể tạo ra sự độc tài. Ông nói: “Những người phản đối việc phân biệt đối xử, cho rằng mọi loài đều bình đẳng và cần được đối xử công bằng trên mọi khía cạnh nhân quyền, trên thực tế không có nền tảng vững chắc nào ủng hộ cho luận điểm của họ”. Ông làm rõ rằng, nếu chúng ta không cho con người những đặc quyền riêng so với những loài khác, thì mọi nền tảng về nhận thức của chúng ta về tự do (liberty) đều sụp đổ.
“Tại sao một nhóm người thượng đẳng không thể biện minh cho hành động nô lệ hóa, bóc lột hay thậm chí diệt chủng những nhóm người thấp kém hơn họ; giống như cách những người khác đang biện minh cho việc dùng động vật để làm làm xe thồ, thức ăn, quần áo hay cách chúng ta tiêu diệt loài nào đó vì cho rằng chúng có hại?”, ngụ ý của ông qua câu hỏi này là, nếu từ chối tin vào việc con người sinh ra đã có sẵn đặc quyền thì có thể khiến chúng ta không có đủ lý lẽ để chống lại các tội ác diệt chủng. Bởi các nhóm người thượng đẳng hơn hoàn toàn có thể sử dụng hoặc tiêu diệt những nhóm người khác, giống như cách loài người có toàn quyền tiêu diệt sinh vật gây hại. Nếu xem người và trâu như nhau, thật khó để bảo vệ con người khỏi nạn nô lệ, khi những con trâu vẫn phải kéo cày.
Một tác giả sách khác là ông Wesley J. Smith cũng cho rằng vì loài người có đặc quyền của riêng mình, nên chính con người sẽ trở thành thẩm phán, tự quyết định xem hành vi của mình là đúng hay không đúng với thế giới tự nhiên. 
Như vậy, ở khía cạnh lập luận cho lập pháp, việc xem con người là giống loài thượng đẳng chưa chắc đã xấu, còn tạo nền tảng để chúng ta có cơ sở đưa ra hệ thống quyền, nghĩa vụ cho chính mình và cho thế giới. 
Ngay cả khái niệm “human rights” (nhân quyền) nổi tiếng hiện tại cũng đang là chủ đề gây tranh cãi khi phân định chuyện đó chỉ là khái niệm pháp lý, hay thực sự có cơ sở triết học.
Do vậy, trong bối cảnh chúng ta được bảo vệ dưới hệ thống luật pháp được xây dựng dựa trên những tiền đề thiên vị cho loài người, trong xã hội công nghiệp với hàng loạt bộ máy cỡ lớn đang khai thác và tận dụng tài nguyên của thế giới để nuôi sống đến 8 tỷ sinh mạng, sẽ rất tiện lợi để nghĩ về những chủ đề như “mọi thứ trên đời này chỉ là một và không có cái gì cao quý hơn cái gì”. Nhưng, điều bất lợi hơn hẳn, là làm thế nào để con người có thể biện minh được cho nỗ lực nuôi sống bản thân xuyên suốt lịch sử - thứ đã và đang được coi là tội ác đối với thế giới tự nhiên? Lý luận thế nào để trao và công nhận quyền con người tối thiểu cho mọi đứa trẻ sơ sinh, đặc biệt khi chúng ta đang coi vị trí của chúng trên thế giới ngang một cái cây, ngọn cỏ, con muỗi hay thậm chí hòn đá? 
Để nói một cách đơn giản, thì Làm thế nào để chúng ta có lập luận bảo vệ những người nông dân khi họ làm thịt gà, dùng trâu cày và diệt chuột từ ngày này qua ngày khác để nuôi sống gia đình của họ? Hay chúng ta sẽ nhìn họ như những kẻ tàn bạo?

2. Con người cũng phát minh ra “nhân quyền” và “nhân đạo”

Tiếp theo, ta sẽ cùng bóc tách khái niệm “nhân quyền” và “nhân đạo” được con người tạo ra để duy trì việc thực thi quyền và nghĩa vụ của mình với đồng loại và cả thế giới. Nhân quyền thực sự là gì? Thế nào là hành vi nhân đạo? Đó là những câu hỏi chúng ta sẽ giải quyết tiếp sau đây.
Chúng ta định nghĩa nhân đạo và tạo ra nhân quyền, áp dụng chúng như nguyên tắc trong tương tác với thế giới xung quanh, đồng thời phủ nhận đặc quyền và sự thượng đẳng của loài người.
Chúng ta định nghĩa nhân đạo và tạo ra nhân quyền, áp dụng chúng như nguyên tắc trong tương tác với thế giới xung quanh, đồng thời phủ nhận đặc quyền và sự thượng đẳng của loài người.
Mặc dù tranh cãi về quyền con người đã bắt đầu sôi nổi từ Thế kỷ XII, nhưng mà cho đến nay, vẫn chưa tồn tại bất kỳ một kết luận triết học cụ thể nào. Trên thực tế, người ta đã dần đồng ý với nhau rằng quyền con người thực sự tồn tại trên các văn bản luật, chứ không chỉ trong sự suy đoán mơ hồ của triết học. 
Ngày nay, Nhân quyền là những gì được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (1948). Nó đã trở thành một định nghĩa pháp lý phức tạp ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Nhưng nhiều quốc gia Hồi giáo cho đến nay vẫn không tham gia vào cuộc vui “nhân quyền”và họ hoàn toàn không phải chịu chỉ trích bằng lý lẽ một cách triệt để. Trong khi đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia đến từ phương Tây với thu nhập cao hơn cả GDP của nhiều quốc gia, cũng không bị truy cứu trách nhiệm dù cách sử dụng lao động của họ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Phốt sử dụng lao động trẻ em của Nike là một ví dụ. 
Bởi bản thân nhân quyền cũng chỉ đang tồn tại như một phát minh của luật học, và luật học cũng tồn tại nhiều hạn chế như những lĩnh vực khác được tạo ra bởi con người. Nếu phạm luật là mắc phải tội ác, thì những hành vi “đi trước” luật pháp, chẳng nhẽ không thể bị xem là tội ác? Ví dụ như cyberbullying vào thập niên 90 - giai đoạn mà internet vẫn còn quá mới mẻ để chính quyền có thể đưa ra những quy định phù hợp.  
Nhân quyền còn gặp nhiều vấn đề khác khi tiếp cận với những tình hình thực tế ở địa phương, hoặc khi được xem như thước đo tối thượng cho mọi vấn đề của xã hội. Chẳng hạn, các bộ luật hôn nhân gia đình theo quy tắc của các quốc gia phương Tây có thể trở thành công cụ đàn áp đời sống văn hóa và tinh thần của những sắc dân thiểu số. Tính chất của chế độ nô lệ, tra tấn và phân biệt chủng tộc bỗng dưng được giảm nhẹ, bởi người ta xem chúng là tội ác chỉ vì chúng vi phạm thứ “nhân quyền” đã được định nghĩa. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng “trực giác” về đạo đức nên được hình thành trong mỗi người từ những lý lẽ xác đáng, thay vì nương tựa vào các khái niệm pháp lý được phát triển một cách rề rà chậm chạp và nhiều thiếu sót.
Chúng ta gặp khó khăn trong việc bảo vệ lẫn nhau dưới tư cách con người, vì cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể giải thích vì sao việc bảo vệ con người nên được xem là hiển nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm hay thậm chí còn tồn tại trước cả luật pháp. Các tranh luận ở thời đại “hậu sự thật” có thể đang làm mỏng hơn nữa những lý luận vốn đã mong manh về chuyện liệu sự tồn tại của con người có nên được xem là đặc biệt. Trong lúc vẫn chưa  rxây dựng được những hệ thống tư tưởng đủ tốt để bảo vệ con người khỏi tội ác của đồng loại nhân loại đã tiến đến những cuộc thảo luận còn phức tạp hơn như chuyện làm thế nào để bảo vệ lợi ích của vạn vật?
Trong bài luận A 'humanely' killed animal is still killed – and that’s wrong, được đăng tải trên Aeon, hai tác giả Anna E Charlton và Gary L Francione đã bàn về sự kệch cỡm của con người khi cho rằng  mình có quyền kết thúc sự sống của những loài khác. Họ quyết định tính nhân đạo của kết thúc đó, và sự nhân đạo đó sẽ thể hiện đạo đức của họ. Sự kệch cỡm này xuất phát từ chính những người đã giết hại động vật, cũng đồng thời là những người tạo ra khái niệm “nhân đạo”. Một lần nữa, con người lại dùng chính sự nhân đạo ấy để biện minh cho việc giết hại động vật của mình  Một cuộc thảo luận về sự sống của động vật nhưng không có sự tham gia đóng góp của bất kỳ con vật nào cũng giống như cuộc thảo luận giữa các chủ nô về chuyện “làm thế nào để giết các nô lệ một cách nhân đạo”.
"Một cách nhân đạo", "một cách có ích", "vì tương lai nhân loại", "sự ban phát sức mạnh"...
"Một cách nhân đạo", "một cách có ích", "vì tương lai nhân loại", "sự ban phát sức mạnh"...
Nhân đạo là như thế nào? Nhiều lập luận phổ biến cho rằng những cái chết không gây đau đớn, chẳng hạn như tiêm thuốc an tử, là một phương pháp nhân đạo. Nhưng, xét ở khía cạnh triết học, thật kỳ quặc khi chúng ta nói với bất kỳ vật sống nào rằng cái chết tốt cho chúng. Dường như tất cả mọi vật sống đều yêu sự sống của mình và cố gắng trốn chạy khỏi cái chết. Chúng thậm chí sẵn sàng chịu mọi đau đớn cốt để sống sót. Chúng tự cắn vào cơ thể để tháo dây bỏ trốn khi bị nhốt. Chúng dùng hết sức lực để chiến đấu hoặc trốn chạy khỏi kẻ thù. Như vậy, trong khi tất cả chúng ta đều không thể chạy trốn khỏi cái chết, thì việc nói với bất kỳ con vật nào đang sống rằng cái chết không phải là điều gây hại với chúng thật sự kỳ quặc. Cái chết vốn đã là thứ đối lập với sự sống, bất chấp chuyện con người cố gán cho cái chết bao nhiêu ý nghĩa cao siêu đi chăng nữa. Sự thật là, chết tức là sự mất đi sự sống và điều ấy là tổn thất với một sinh vật đang sống.
Tuy nhiên, khi thú cưng của mình đang chịu đựng đau khổ, phần lớn chúng ta không thể tự biện minh bằng những lý lẽ đạo đức cao siêu. Chúng ta có thể sẽ đi đến lựa chọn “nhân đạo” vì muốn thú cưng sớm kết thúc cảm giác đau khổ ấy. Việc tự cân nhắc các lựa chọn dành cho những sinh vật khác đã thể hiện việc con người vốn luôn đặt bản thân cao quý hơn giống loài khác. Các cuộc thảo luận của người da trắng về nhân quyền trên toàn thế giới hay thảo luận của con người về việc bảo vệ động vật cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thượng đẳng của loài người. Chúng ta mới là người ngồi họp và suy nghĩ để đưa ra những kết luận liên quan tới sự tồn tại của thứ gì đó không phải con người. Việc ngồi suy tư “liệu con người có thượng đẳng hơn muôn loài” cho thấy sự thượng đẳng chúng ta đang có so với những sinh vật khác. Bởi chúng thậm chí còn chẳng nghĩ tới chuyện đó!
Như vậy, khi tiếp cận với câu chuyện của nhân quyền, giá trị của con người hay quyền hạn của chúng ta lên thế giới (bao gồm các sinh vật khác), tôi hy vọng các bạn hiểu rằng những thảo luận ấy vẫn chưa có kết quả. Cho đến nay, dường như những gì con người lên tiếng bảo vệ đều thể hiện một cách gián tiếp việc chúng có vị thế thấp kém hơn loài người. Bởi chúng được bảo vệ và đối xử như tài sản của con người, phục vụ ý chí của con người và thỏa mãn cảm xúc của con người. 
Có thể thảo luận này sẽ chẳng bao giờ có kết quả, và một ngày nào đó chúng ta sẽ phải chuyển góc nhìn khác để quan tâm tới thế giới. Nhưng chính vì chưa có kết quả, nên chúng ta mới cần sự tham gia cởi mở và tích cực. Vì thông qua những thảo luận này, có thể bạn vẫn không tìm ra chân lý của thế giới hay sự thật tối thượng nào đó về loài người, nhưng bạn sẽ tìm thấy sự cởi mở, đa dạng và rối rắm của thế giới. Để rồi từ đó, bạn sẽ rút ra những kết luận hợp lý, hiệu quả và có ích với cuộc sống thường ngày của bản thân.
Tôi nghĩ những thảo luận triết học tốt là những thảo luận có ích cho con người, hơn là khiến họ trở nên trầm cảm hoặc rối rắm trong lẽ sống. Tôi cũng tin loài người thượng đẳng hơn những sinh vật khác, vì chúng ta đang nắm giữ nhiều quyền và nghĩa vụ hơn chúng trên thế giới này. Tôi không nói rằng điều này tốt hay xấu, tôi chỉ nói rằng mọi thứ là vậy. Do vậy, tôi nghĩ rằng chính vì loài người thượng đẳng, nên chúng ta sẽ cần phải bảo vệ muôn loài và hướng tới cách cư xử như thần thánh.
Còn gì thượng đẳng hơn khả năng yêu thương và bảo vệ mọi thứ đến tận cùng?
Nếu chúng ta đã là giống loài thượng đẳng, hãy chịu trách nhiệm cho những thất bại của mình. Chúng ta thượng đẳng, và chúng ta sòng phẳng.
References:
[1] A ‘humanely’ killed animal is still killed – and that’s wrong - https://aeon.co/ideas/a-humanely-killed-animal-is-still-killed-and-thats-wrong
[2] Are human rights anything more than legal conventions? - https://aeon.co/ideas/are-human-rights-anything-more-than-legal-conventions
[3] Chủ Nghĩa Nhân Văn Thượng Đẳng, Chúng Ta-Chúng Nó Và Vì Sao Đôi Lúc "Người" Không Phải Người - https://mbpedia.com/vi/bai-viet/chu-nghia-nhan-van-thuong-dang-chung-ta-chung-no-va-vi-sao-doi-luc-nguoi-khong-phai-nguoi
Các bạn quan tâm tới cuốn sách Chuyện người chuyện ngỗng của Vũ Hoàng Long có thể tìm hiểu thêm tại đây nhé.