Nối tiếp phần 2 nơi ta đã biết về xuất thân "nửa thấp kém" của Vladimir Đại đế, khi mẹ ông chỉ là 1 nô tì, phần 3 này tiếp tục với cuộc đời của Vladimir Đại đế. Nội dung bài này gồm 2 phần không tương đương nhau.
Cụ thể, nội dung đầu tiên khá ngắn gọn kể về cuộc đấu tranh của 3 anh em hoàng tử sau cái chết của vua cha Svyatoslav I. Phần sau quan trọng và dài hơn, kể về một drama khá lớn khi Vladimir Đại đế đã cướp vị hôn thê sắp cưới của anh trai mình. Không chỉ dừng lại ở đó, bê bối còn lên cao hơn nữa khi đứa con trai của Vladimir ra đời. Mâu thuẫn gia đình khủng khiếp đã - có thể nhiều người không tin - tạo nên một quốc gia, dân tộc riêng biệt mà ngày nay chúng ta gọi là Belarus!

1/ Cuộc chiến kế vị ở Kiev Rus sau cái chết của Svyatoslav I

Như đã biết ở phần 2, vua của Kiev Rus - Svyatoslav I - bỏ mạng trên đường trở về từ chiến trận đâu đó khoảng năm 971-972 trong khi chưa chỉ định người kế vị.
Về việc kế vị Kiev Rus, mình sẽ để một bài khác (ngoài serie này) để giải thích tường tận. Còn ở đây, các bạn chỉ cần biết là Svyatoslav I sẽ truyền ngôi cho các con trai. Có 3 con trai của Svyatoslav I lần lượt tên là: Yaropolk Svyatoslavich (con cả); Oleg Svyatoslavich (con thứ) và dĩ nhiên Vladimir Svyatoslavich (con út).
Ở đây, nếu bạn nào chưa quen đọc sử Nga, hãy để ý rằng người Nga thời trước không dùng họ. Họ chỉ có tên riêng và một tên đệm mang hậu tố -vich để chỉ mối quan hệ với người cha. Ở đây, do các hoàng tử là con của Svyatoslav, nên các bạn sẽ thấy họ đều có tên đệm là Svyatoslavich.
 Yaropolk Svyatoslavich (đáng tiếc không có tranh vẽ về hoàng tử Oleg)
Yaropolk Svyatoslavich (đáng tiếc không có tranh vẽ về hoàng tử Oleg)
Quay lại tình hình Kiev Rus năm 972, vào lúc vua cha mất, 3 hoàng tử đang trị vì ở 3 nơi khác nhau. Hoàng tử cả Yaropolk Svyatoslavich đang ở Kiev - thủ đô của cả Kiev Rus - và do đó dù không có sắc lệnh truyền ngôi, ông vẫn tự coi mình là người kế vị vua cha. Tuy vậy, không dễ gì các hoàng tử Oleg và Vladimir chấp nhận điều này, và họ đã khởi binh đánh lại Yaropolk. Nội chiến ở Kiev Rus nổ ra.
Hoàng tử đầu tiên bỏ mạng là Oleg. Câu chuyện của Oleg như sau: vốn dĩ ở Kiev lúc bấy giờ có 1 cận thần của Svyatoslav trước kia, tên là Sveneld. Lúc này Sveneld gần như là nhiếp chính của Kiev Rus, quyền hành lấn át cả vua Yaropolk. Sveneld có con trai tên là Lut Sveneldich.
Sveneld - nhiếp chính Kiev Rus.
Sveneld - nhiếp chính Kiev Rus.
Tại sao mình lại kể những chuyện trên? Vì họ là những người trực tiếp đóng vai trò trong cái chết lẽ ra có thể tránh được của hoàng tử Oleg. Vốn dĩ ban đầu, quan hệ giữa các anh em hoàng tử chưa căng thẳng tới vậy, không ai có ý đoạt mạng ai.
Thế nhưng, khi hoàng tử Yaropolk cho quân đội Kiev đi tới đánh lãnh thổ của hoàng tử Oleg, quyền chỉ huy được giao cho Lut Sveneldich - con trai của nhiếp chính Sveneld đầy quyền lực. Vào một ngày năm 975, Lut Sveneldich bị quân của hoàng tử Oleg sát hại, gây chấn động đất nước.
Lut Sveneldich bị giết - tranh vẽ từ biên niên sử Nga.
Lut Sveneldich bị giết - tranh vẽ từ biên niên sử Nga.
Giận dữ về cái chết của con trai, nhiếp chính Sveneld đòi vua Yaropolk phải nhanh chóng tiêu diệt lực lượng của hoàng tử Oleg nhằm trả thù. Yaropolk hết sức bảo vệ em trai, nhưng do áp lực quá lớn từ nhiếp chính, ông buộc phải cho quân đội tiến đánh hoàng tử Oleg, nhưng dặn rằng phải bắt sống về.
Thế nhưng, năm 977, quân đội Kiev sau khi bắt được hoàng tử Oleg đã sát hại ông. Yaropolk tức giận đã, đã đưa xác của em mình tới cho Sveneld xem và hét lên: "Nhìn đi, đây là thứ mày muốn!". Từ đó về sau, Sveneld biến mất khỏi ghi chép lịch sử, nhiều sử gia đoán rằng ông đã bị vua Yaropolk giết đi để trừng phạt.
Hoàng từ Oleg bị giết, vua  Yaropolk giận dữ với nhiếp chính Sveneld - tranh vẽ của họa sĩ Taras  Shevchenko
Hoàng từ Oleg bị giết, vua Yaropolk giận dữ với nhiếp chính Sveneld - tranh vẽ của họa sĩ Taras Shevchenko
Như vậy, hoàng tử thứ 2 Oleg đã bỏ mạng. Khi nghe tin này, hoàng tử thứ 3 Vladimir được chép là đã "bỏ chạy ra đại dương". Thế nhưng hóa ra sau đó, Vladimir đã trở lại, mang theo một đội quân đánh thuê hùng hậu được mượn từ Bắc Âu. Năm 978, Vladimir tuyên chiến chống lại Yaropolk và nội chiến tiếp tục.
Từ Bắc Âu, hoàng tử Vladimir vượt biển Baltic, đổ bộ vào chiếm xứ Polotsk (hãy nhớ đoạn này vì sau đây sẽ nói lại). Tiếp đó, Vladimir bao vây Kiev thay vì đánh chiếm nó. Nạn đói xảy ra, và vua Yaropolk phải bỏ trốn khỏi Kiev. Kết cục đâu đó khoảng năm 980, Yaropolk bị bắt được và sát hại. Kiev Rus từ đây thuộc về tay hoàng tử út Vladimir - chính là Vladimir Đại Đế của chúng ta.
Vladimir giết anh trai Yaropolk - thống nhất Kiev Rus (ảnh vẽ từ biên niên sử)
Vladimir giết anh trai Yaropolk - thống nhất Kiev Rus (ảnh vẽ từ biên niên sử)

2/ Vladimir cướp hôn thê của anh trai Yaropolk

Còn nhớ đoạn trên mình nhắc hãy nhớ việc Vladimir chiếm xứ Polotsk chứ? Đây là đoạn mà biên niên sử Nga chép rất kỹ vì ảnh hưởng lâu dài của nó tới các sự kiện sau này, thậm chí được coi là khởi nguồn tạo nên dân tộc Belarus.
Số là ở vùng đất Polotsk (ứng với nước Belarus ngày nay), bấy giờ gia tộc công tước Rogvolod đang cai trị. Đây là một gia tộc quyền thế, và xứ Polotsk của họ cũng là thịnh vượng bậc nhất bấy giờ. Ở đó, cũng có công chúa Rogneda, con gái của công tước Rogvolod. Để thắt chặt mối quan hệ lợi ích giữa triều đình ở Kiev với các chư hầu, Rogneda đã được hứa hôn cho vua Yaropolk.
Công tước Rogvolod trên tem bưu chính của Belarus.
Công tước Rogvolod trên tem bưu chính của Belarus.
Công chúa Rogneda trên tem bưu chính của Belarus.
Công chúa Rogneda trên tem bưu chính của Belarus.
Thế nhưng, tai họa ập đến vào năm 978. Như đã nói ở trên, hoàng tử Vladimir mang quân trở về đánh anh trai Yaropolk. Trên đường đi, Vladimir đánh chiếm xứ Polotsk.
Vốn đã có bản tính đa dâm, háo sắc, Vladimir có ý muốn cướp công chúa Rogneda. Càng có ý hơn khi Rogneda là hôn thê sắp cưới của kẻ thù Vladimir đang chiến đấu. Thế là Vladimir ra yêu cầu xứ Polotsk phải giao nộp công chúa Rogneda rồi ép cô phải cưới mình.
Dù vậy, Rogneda kiên quyết từ chối Vladimir, và nói một câu nổi tiếng được sử sách ghi lại:
"Ta không hôn giày cho tên nô lệ!" - Rogneda
Tại sao câu này lại được ghi lại kỹ? Nếu đọc các phần trước, hẳn các bạn sẽ nhớ đây chính là câu để sử gia Nga kết luận về nguồn gốc nô lệ của Vladimir Đại đế vốn trước đó còn nghi ngờ.
Dù thế nào, thì Vladimir Đại đế cũng đã tức sôi máu, và tiến hành trả thù tàn khốc. Năm 980, sau 2 năm vây thành, Vladimir hạ được Polotsk, đã đốt trụi nơi này, biến 1 vùng đất thịnh vượng bậc nhất bấy giờ trở thành 1 đống tro tàn.
Cuối cùng, trả thù với người đã từ chối mình, Vladimir Đại đế đã cưỡng hiếp công chúa Rogneda trước mặt cả gia đình cô. Xong xuôi, ông sát hại toàn bộ gia đình công tước, chỉ giữ lại duy nhất Rogneda bắt làm vợ. Cùng năm đó, Vladimir cũng bắt được Yaropolk và giết đi.
Như thế, chỉ trong năm 980, công chúa Rogneda đã mất cả gia đình, cả quê hương và cả người chồng sắp cưới!

3/ Mâu thuẫn gia đình hình thành nên dân tộc Belarus

Thế là Rogneda phải trở thành vợ của kẻ đã hủy diệt cuộc đời mình - Vladimir Đại đế. Bằng một cách nào đó, cô đã sinh cho Vladimir rất nhiều con. Trong đó có người con trai cả Izyaslav Vladimirovich là đáng chú ý.
Dẫu đã là vợ chồng, thậm chí có nhiều con, nhưng ngọn lửa căm thù của Rogneda cho Vladimir chưa bao giờ tắt. Vào một ngày năm 987, khi Vladimir ghé qua chỗ Rogneda ngủ, cô đã lẻn vào phòng Vladimir, vung dao toan sát hại Đại đế.
Rogneda ám sát Vladimir, bên trái là con trai Izyaslav (tranh vẽ từ biên niên sử)
Rogneda ám sát Vladimir, bên trái là con trai Izyaslav (tranh vẽ từ biên niên sử)
Nhưng Vladimir đã thần kỳ tránh được mũi đao, vô cùng tức giận. Ông bắt giữ người vợ của mình, dù vậy chưa giết cô ngay. Thay vào đó, Vladimir triệu tập các cận thần của mình, hỏi cách giải quyết. Ấy thế mà kỳ lạ thay, đa phần các đại thần đều bảo vệ Rogneda cũng như con trai Izyaslav, và khuyên Vladimir Đại đế:
"Đừng giết cô ấy, vì đứa con này, hãy trả lại đất đai cha ông họ, và hãy trao nó cho cô ấy và con trai!"
Vladimir ban đầu chưa nghe theo, định tự mình xông vào cầm kiếm xử tử vợ mình. Không ngờ rằng con trai Izyaslav đã dũng cảm đứng ra bảo vệ mẹ - anh rút kiếm ra đỡ lại, chửi mắng cha mình.
Izyaslav rút kiếm bảo vệ mẹ trước lưỡi kiếm của cha (tranh vẽ từ biên niên sử)
Izyaslav rút kiếm bảo vệ mẹ trước lưỡi kiếm của cha (tranh vẽ từ biên niên sử)
Không thể làm gì, Vladimir Đại đế quyết định nghe theo các đại thần. Ông trao lại quyền tự trị cho công quốc Polotsk - vốn là quê nhà của Rogneda. Sau đó, ông đưa 2 mẹ con Rogneda cùng Izyaslav trở về, thực chất là để giam lỏng, suốt đời không cho tới Kiev nữa.
Sự việc những tưởng chỉ là mâu thuẫn gia đình như thế, hóa ra lại là nguồn gốc hình thành nên cả 1 dân tộc. Là vì khi bị đưa về Polotsk giam lỏng, Izyaslav cùng mẹ mình đã tự xây dựng lại quê hương cũ mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào. Hơn nữa, từ đó về sau, họ cũng đoạn tuyệt hoàn toàn mối quan hệ với bất cứ nhánh anh em nào của vương triều Rurikovich (vương triều cai trị Kiev Rus). Sự cô lập đó kéo dài trong hàng trăm năm, và trải qua mọi biến cố lịch sử, xứ Polotsk phát triển theo 1 hướng tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của đất nước. Cuối cùng, nó hình thành nên 1 bản sắc quốc gia, dân tộc riêng biệt với các láng giềng xung quanh - ngày nay chính là dân tộc Belarus. Người Belarus coi khởi nguồn của dân tộc họ là từ xứ Polotsk này, họ coi hoàng tử Izyaslav là "quốc tổ" , bản thân công chúa Rogneda là "quốc mẫu" của đất nước mình!
Tượng đài hoàng tử  Izyaslav ở Belarus ngày nay
Tượng đài hoàng tử Izyaslav ở Belarus ngày nay
Tổng kết lại, phần 3 này đã đưa chúng ta qua cuộc chiến lên ngôi của Vladimir, cùng với vụ drama cướp hôn thê của anh và cách nó hình thành nên 1 dân tộc. Trong phần sau, chúng ta sẽ tới tiếp với 3 câu chuyện khác mà thú vị thay đều liên quan tới phụ nữ (có lẽ vì tính quá háo sắc của Vladimir). Hẹn các bạn ở kỳ tới.