Vivre sa vie - Trả giá bao nhiêu để được sống là “mình”?
“Để người đời “mượn” ta Nhưng hãy “dành” ta cho chính mình.”
Một buổi tối mùa đông rất rét, gượng ra khỏi chăn để một mình ra Cricket Project và xem một bộ phim có tuổi đời ngang ngửa… bố mình - Vivre sa vie - một bộ phim chính kịch nổi tiếng của Jean-Luc Godard năm 1962, quả là không phải một sự lựa chọn lý tưởng dành cho một đứa độc thân hướng nội.
Nhưng quả thật đến giờ, xem xong chắc cỡ 2 tuần rồi, mình vẫn không biết nên sắp xếp những cảm xúc của mình như thế nào, vì với kiến thức phim ảnh còn hạn hẹp, chưa thực sự thẩm được hết những chi tiết về bộ phim, nhưng những gì mình cảm chắc có lẽ nên miêu tả ngắn gọn lại là: một khối lượng triết lý đồ sộ được khéo léo gói ghém bằng nghệ thuật trong một giờ ba mươi phút!
Những phân cảnh đầu tiên đã cho mình một ấn tượng mạnh, vì chắc có mình đang xem một thước phim “đo ni đóng giày”, ở một thời điểm không thể thích hợp hơn - quãng thời gian mà mình cũng đang vật lộn làm mọi thứ để “trả mình về với mình”:
Để người đời "mượn" ta nhưng hãy "dành" ta cho chính mình
Như một vở kịch dài, bộ phim chia cuộc đời cô nàng Nana thành 12 chương. Với mình, nửa thời gian đầu phim khá lê thê, với đứa đang quen xem phim Mỹ như mình :)) . Những cảnh lia máy sau lưng lặp đi lặp lại, những đoạn long-shot, góc máy lạ cùng âm nhạc của Michel Legrand khiến mình phải dành nhiều sự tập trung để có thể kiên nhẫn theo dõi.
Câu chuyện kể về Nana, một người đã rời bỏ cuộc hôn nhân không hạnh phúc và những áp lực tài chính. Cô quyết tâm theo đuổi sự nghiệp diễn viên, dù cho con đường đến đỉnh danh vọng của cô đầy những cám dỗ.
1. Cuộc sống đã được sắp đặt hay do ta lựa chọn?

Nana "bán" mình cho những gã đàn ông để mưu sinh
Làm việc tại tiệm bán đĩa than Pathé Marconi cũng không thể giúp Nana thoát kiếp nợ nần hay thậm chí bị chủ trọ “tống cổ” ra ngoài. Lúc này, cô giấu thân phận là phụ nữ từng 1 đời chồng, gặp gỡ những gã trai để mở rộng cơ hội được góp mặt trên màn ảnh lớn.
Những gã bầu sô gạ gẫm cô chụp những bức ảnh thiếu vải dù miễn cưỡng để đổi lấy cơ hội casting. Rồi có những khúc quanh khiến cô thậm chí còn phải “lên phường” uống nước khi “lỡ giẫm chân” vào 1000 francs của người khác, và trở thành gái bán hoa. Đây là lúc Nana nhận ra, cái nghèo đã khiến cô trở thành một con người hoàn toàn khác.
Điều làm mình bất ngờ đó là, mặc dù mình mặc định cái nghèo đã đẩy cô vào hoàn cảnh như vậy, nhưng Nana đã “phản biện” lại mình và khán giả nhẹ nhàng nói với người bạn Yvette:
“Chúng ta đều có trách nhiệm với hành động của mình. Chúng ta tự do mà. Tớ giơ tay lên, bởi vì tớ muốn vậy. Tớ nghiêng đầu sang phải, vì tớ muốn vậy. Tớ không vui, vì tớ muốn vậy. Tớ hút thuốc, vì tớ muốn vậy. Tớ nhắm mắt, vì tớ muốn vậy. Tớ quên rằng mình có trách nhiệm với bản thân, nhưng sự thật là như vậy. Này Yvette, tớ nghĩ chạy trốn là một giấc mơ hão huyền. Thật ra, tất cả mọi thứ đều đẹp. Cậu chỉ cần thực sự chú tâm vào chúng, cảm nhận vẻ đẹp của chúng. Thật đó! Suy cho cùng thì, mọi thứ đều có bản chất của nó. Một gương mặt chỉ là một gương mặt. Mấy cái đĩa thì là mấy cái đĩa. Đàn ông thì là đàn ông. Và cuộc đời, thì là cuộc đời, vậy thôi."
Chủ đề mà mình luôn trăn trở, rằng con người ta thực sự có số phận, hay có ý chí tự do? Có lẽ, là cả hai chăng?
Những triết lý thốt ra từ khuôn miệng của Nana, nhưng cô chẳng thể giấu khỏi ánh mắt đượm buồn của mình. Có lẽ Nana nhận ra rằng cuộc đời cô được sắp xếp như vậy, và Nana lựa chọn tuân theo sự sắp xếp ấy?
2. Tình yêu giải phóng những tâm hồn tù đày

Nana tìm thấy tình yêu của chính mình
“Thương vụ” đầu tiên của cô đào Nana được định đoạt bằng vài tờ giấy sột soạt trong túi người đàn ông nọ với giá trị 5000 francs. Trong suốt cuộc trao đổi, cô luôn né tránh những nụ hôn của vị khách. Phân cảnh này làm mình nhớ tới bộ phim Pretty Woman, hệt như Vivian khước từ nụ hôn của Edwards, bởi dường như tất cả những người phụ nữ đều muốn dành nụ hôn của mình cho người mình thực sự yêu. Nụ hôn như một biểu tượng, một loại khế ước thiêng liêng mà phụ nữ gán cho tình yêu.
Cuộc đời của Nana chỉ thực sự được sang trang sau cuộc trò chuyện tình cờ với triết gia nọ. Từ Ba chàng lính ngự lâm, Nana bắt đầu "vỡ lòng", khai sáng với những Plato, Leibniz,...để rồi nhận ra con suối nguồn cảm xúc sâu thẳm mà mình đã chôn giấu bấy lâu nay. Với mình, cuộc hội thoại này giúp cho mọi sự lộn xộn trong đời Nana được ngay hàng thẳng lối trở lại.
Nana nhận ra sức mạnh ngôn từ có thể giúp cô bày tỏ những cảm xúc ẩn trong mình ra sao. Cô nhận ra rằng, việc lựa chọn từ ngữ đúng có thể giúp cô thực sự tự do thế nào. Cô cũng nhận ra những khái niệm đầu tiên về tình yêu khi triết gia nói với cô rằng:
“Cô nghĩ rằng mọi người đều biết họ yêu gì ngay từ đầu ư? Không, khi ở ngưỡng 20 tuổi, cô chẳng biết gì hết. Cô chỉ thu thập từng mảnh ghép một và từ từ học. Ở tuổi đó, cụm từ “tôi yêu” là một hỗn hợp nhiều thứ. Để thực sự biết mình yêu gì đó, cô cần phải trưởng thành. Và muốn thế thì cô phải kiếm tìm nó. Đây là chân lý cuộc sống.”
Và từ khoảnh khắc đó, là lúc Nana nhận ra, cô đã sống một cuộc đời đi mượn, rằng cô đã có biết bao suy nghĩ nhưng chẳng thể nào thành lời, và rằng cô đã yêu một chàng trai trẻ thích đọc The Oval Portrait của Edgar Allan Poe. Lúc đó cô nhận ra, mình đã sẵn sàng nói mình yêu anh ta, và sẵn sàng từ bỏ sau lưng cuộc sống gái bán hoa để được thực sự theo đuổi hạnh phúc đơn thuần của đời người.
3. Tiếng lòng và cái chết là sự tự do cuối cùng?

Khoảnh khắc Nana chứng kiến cái chết của Jeanne d'Arc trên màn ảnh
Cuộc đời Nana, như một phiên bản hiện đại của nữ chiến binh Jean d’Arc. Phân đoạn Nana thổn thức trước đoạn trích từ phim La Passion de Jeanne d'Arc đã phần nào thể hiện điều này.
Nữ anh hùng Jeanne d’Arc - với niềm tin chính mình là thiên sứ của Chúa được phái xuống trần thế, đã đem lại thành công huy hoàng trong cuộc Chiến tranh Trăm Năm giúp vua Charles VII giành lại ngai vàng và giải phóng nước Pháp khỏi sự chiếm đóng của người Anh.
Tuy nhiên, vì bị quân Anh bắt và kết án tử hình vì tội dị giáo, Jeanne bị thiêu sống tại Rouen năm 1431 và sau này được minh oan, phong thánh vào năm 1920. Đoạn trích trong phim tái hiện lại những giọt nước mắt cuối cùng của Jeanne, với niềm tin mãnh liệt vào sứ mệnh của mình được Chúa ban cho, trước khi bị đày lên giàn hỏa thiêu.
Dù chẳng phải nữ anh hùng, chẳng thể giải cứu nước Pháp, nhưng có chăng Nana cũng đã là một chiến binh khi cô dám theo đuổi, bảo vệ sự tự do của mình, để rồi bị tước đi mạng sống một cách oan nghiệt.
Mong muốn gỡ bỏ danh phận gái bán hoa, Nana đã lựa chọn tuyên bố “giải nghệ” với Raoul, tay dắt mối đã dẫn cô vào đời. Thế nhưng cô không ngờ, hắn đã có ý định bán cô cho một tú ông khác. Sau khi giao dịch thất bại, Nana đã vĩnh viễn ra đi sau cuộc đấu súng của những gã đàn ông.
Cuối cùng, Nana cũng được tự do, nhưng cái giá này liệu có quá đắt với cô? Một ước mơ tìm kiếm tình yêu đích thực, và được nói lên suy nghĩ, tiếng lòng của mình, suy cho cùng cũng chỉ khiến cô bỏ mạng.
Có lẽ, đoạn trích từ The Oval Portrait của Edgar Allan Poe cũng đã phần nào tiên đoán về cái chết của cô.
"Nước da nàng ửng sáng tựa ngọc trai; nụ cười trên môi, ánh nhìn trong mắt, mang vẻ sống động của một sinh thể, dù bất động, nhưng như thể đã lầm tưởng rằng mình vẫn còn sống. Khi những nét cọ cuối cùng được đặt xuống, người họa sĩ bỗng run rẩy trước kiệt tác của mình. Anh đứng lặng, sững sờ trước bức tranh vừa hoàn thành; nhưng ngay sau đó, khi nhìn lại, mặt anh tái nhợt, người run lên vì kinh hãi. Anh thốt lên: ‘Đây chính là sự sống!’ Rồi vội quay sang người vợ yêu dấu—nàng đã chết!"
Nana giống như người phụ nữ trong bức chân dung của người nghệ sĩ, bị mê hoặc và “tiêu hao” bởi ánh nhìn của người khác, cuối cùng nàng đánh mất chính mình. Nhưng có lẽ, đây cũng là sự tự do cuối cùng, một tự do vĩ đại, một lối thoát thực sự để Nana lấy lại những gì thuộc về bản chất của chính mình.
Dù cái chết của Nana khá đột ngột và gây sốc, nhưng làm mình phần nào nhớ tới Princess of Kaguya của Ghibli - khi nàng công chúa Búp măng quay trở lại cõi Niết bàn để thoát khỏi khổ đau. Có lẽ cái chết của Nana là cái kết cần thiết. Nana đã giành giật lại “mình” mà người khác mượn, để cuối cùng được sống một cuộc đời là mình, dù có phải trả giá bằng mạng sống, giống như những gì những phân cảnh đầu tiên đã gói gọn trong 02 câu quotes.
Và ở những giây cuối, âm nhạc mê hoặc của phim lại làm mình chạnh lòng. Nó cứ lặp đi lặp lại khiến mình không biết nói gì hay diễn tả ra sao trước cái kết bi thảm ấy.
Nhưng mình phải cảm ơn Godard vì đã cho mình một mớ những cảm xúc rối bời ấy. Vì sau khi tháo gỡ, mình đã phần nào soi chiếu được những chân lý ấy vào những lựa chọn của cuộc đời mình. Dù có được sắp đặt hay tự do ý chí, mình cũng luôn mong bản thân luôn được “là mình”, giữa muôn vàn cái “mình” được tạo dựng để sinh tồn giữa một thế giới đầy rẫy cạm bẫy.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất