Tìm hiểu về kinh tế học - Phần I: Niềm tin và nợ công
Có một câu truyện đùa về kinh tế học mà mình được nghe kể như thế này. Nếu như cả quốc gia là một chiếc máy bay thì kinh tế học như...
Có một câu truyện đùa về kinh tế học mà mình được nghe kể như thế này. Nếu như cả quốc gia là một chiếc máy bay thì kinh tế học như động cơ máy bay, là một trong những bộ phận rắc rối, phức tạp và tinh vi nhất của chiếc máy bay. Nhưng đó không phải là vấn đề lớn nhất, vấn đề lớn nhất là mọi người, bao gồm phi công, phi hành đoàn, hành khách trong máy bay, đều nghĩ rằng họ biết được cái động cơ đó nó hoạt động như thế nào và họ bắt người thợ phải sửa theo ý họ.
Nhưng thật ra kinh tế học bắt đầu không khó như vậy. Kinh tế học xoay quanh vấn đề sau: tài nguyên thì có giới hạn và xã hội phải làm sao để phân phối tài nguyên giới hạn đó một cách hiệu quả nhất. Kinh tế học bắt đầu từ việc tìm ra giải pháp cho vấn đề đấy và rồi nó trở nên phức tạp hơn khi xã hội loài người phát triển và trở nên phức tạp. Bạn biết đấy, càng có nhiều người thì càng có nhiều rắc rối.
Chúng ta cần lưu ý là trong định nghĩa dùng từ hiệu quả - efficiency, chứ không phải là hợp lý - reasonable, và nó càng không phải là hợp lòng dân - popular. Tuy nhiên thế nào là hiệu quả? Hiệu quả có thể hiểu là giúp cho nền kinh tế phát triển tốt nhất. Như vậy khái niệm hiệu quả ở mỗi quốc gia là khác nhau vì thứ tốt nhất cho đất nước này chưa chắc đã là tốt nhất cho quốc gia kia. Ta có thể thấy trường hợp một chính sách thiên về sự hiệu quả hơn sự hợp lý là phạt tiền người vi phạm giao thông ở Phần Lan trong một bài viết trước ở Spiderum, theo đó bạn càng giàu thì bạn bị xử phạt càng nhiều tiền, dù một người nghèo hơn mắc cùng lỗi đó sẽ bị phạt ít hơn. Rõ ràng người giàu sẽ cảm thấy bất công, cứ như họ bị phân biệt đối xử vì họ giàu. Nhưng chính phủ Phần Lan làm như vậy là để cố gắng giảm khoảng cách giàu nghèo và phân phối của cải trong xã hội một cách hiệu quả.
Tuy nhiên đó không phải là trường hợp phổ biến, thường thì những người làm chính sách sẽ cố gắng đưa ra chính sách sao cho nó vừa hợp lý vừa hiệu quả. Nhưng xu hướng của đa số các chính trị gia thì lại cố gắng làm sao để chính sách nó hợp lòng dân để được người dân bầu cho mình, và do đó họ hay hứa hẹn những thứ hão huyền, những thứ nghe hợp tai, như việc ép công ty Mỹ phải quay lại mở nhà máy tại Mỹ của Trump. Nếu một ngày nào đó bạn nghe đến từ "chính sách hợp lòng dân" thì bạn hãy nhớ phương châm này của chính phủ Singapore:
"Chính phủ phải làm những gì đúng đắn, chứ không phải những gì hợp lòng dân."
Tất nhiên là nếu một chính sách vừa đúng đắn và vừa hợp lòng dân thì quá tuyệt.
Bài viết này xoay quanh nền kinh tế Việt Nam và chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu một vài vấn đề mà mọi người hay nhắc đến.
Nền kinh tế vận hành bằng niềm tin
Không, đây không phải là một câu nói mỉa mai gì cả, đây là một câu khẳng định. Hẳn ai trong số chúng ta cũng sẽ quen một người luôn nói rằng xã hội này giờ không tin ai được, rằng buôn bán kinh doanh phải lừa lọc mới khá được, buôn bán mà chân thật thì chỉ có lỗ. Và rồi bạn mở báo VNExpress lên đọc và lại thấy một bài viết về nạn lừa đảo. Bạn cảm thấy bi quan cho xã hội. Bạn cảm thấy rằng sống trung thực thì chỉ có thiệt?
Bạn hãy lạc quan lên vì thực ra chính sự trung thực trong con người đã giúp tạo nên xã hội hiện đại này. Chính niềm tin của con người với nhau đã tạo nên một xã hội thịnh vượng như hôm nay.
Chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu về vấn đề này bằng việc tìm hiểu về lịch sử ngành ngân hàng. Ngành ngân hàng đã có từ thời xa xưa nhưng nó khá nhỏ lẻ và không có hệ thống rõ ràng, thường là tư nhân. Sau này thì người Do Thái bắt đầu phát triển một hệ thống ngân hàng, hay là ngân hàng thương mại, ở Trung Đông để phục vụ cho việc giao thương. Ngành ngân hàng ở Tây Âu thì bắt đầu trở lại sau thời La Mã để phục vụ cho các cuộc thập tự chinh.
Đây là bản đồ của quân thập tự chinh đi từ Âu sang Á. Với thời đó, đây là chặng được dài, nếu đi biển thì mất 6 tháng để tới, đi đường bộ thì có lẽ lâu hơn. Khi quân đội Thập Tự Chinh đến được Jerusalem, họ tất nhiên cần tiền để chi tiêu, và nhà vua thì cần tiền để trả lương cho bộ máy cai quản. Nhưng làm sao để vận chuyển tiền được? Rõ ràng nếu mang một lượng lớn tiền, mà bấy giờ chủ yếu là vàng và bạc, lên thuyền hay đi đường bộ đều quá nguy hiểm: họ có thể gặp cướp hoặc tai ương như bão, dịch bệnh hoặc bị ăn trộm mất. Nếu bạn là một thương gia đến phương Đông sinh sống thì phải làm sao? Bạn không thể xách một túi tiền theo được. Để giải quyết vấn đề, một hệ thống gửi và rút tiền đã được lập ra. Theo đó trước khi rời nước Pháp, bạn sẽ gửi vàng vào trong hệ thống ngân hàng của nhà thờ, và sẽ được nhà thờ đóng dấu chứng nhận lên một tờ giấy. Bạnsẽ giữ kĩ tờ giấy đó, mang theo mình trên chuyến hành trình dài đằng đặc, và khi đến nơi bạn sẽ đến chi nhánh ngân hàng địa phương, đưa tờ giấy đó ra và lấy tiền của mình. Nghe thật đơn giản?
Nhưng bạn nên biết đây là thế kỷ XII và bấy giờ không hề có luật pháp chặt như bây giờ. Nhà Thờ có đủ sức mạnh và uy quyền để không trả tiền cho bạn, họ có thể nói dối rằng đã có thảm họa xảy ra và họ đã mất hết tiền, họ có thể đuổi bạn đi mà không cần lý do. Rốt cuộc thì bạn làm sao chống lại họ được? Bạn chỉ là một thương gia, và bạn đang ở một xứ lạ, cách xa quê hương 8 tháng đi đường, bạn có thể còn không biết nói tiếng địa phương, bạn là một kẻ da trắng lạ mặt đang ở một quốc gia phương Đông và nhà vua có thể không có ở đó để giúp bạn, quan tòa thì dễ dàng bị đút lót bởi những kẻ lắm tiền ấy. Thậm chí họ có thể gửi lại bạn vàng giả. Có quá nhiều điều kiện thuận lợi để chi nhánh ngân hàng địa phương nuốt tiền của bạn và tống bạn ra đường ăn xin.
Nhưng họ đã không làm thế, bạn đưa giấy chứng gửi tiền, một mẩu giấy nhàu nát có con dấu của nhà thờ, và anh nhân viên khi nhìn thấy tờ giấy đó, và sau khi kiểm tra danh tính bạn kỹ lưỡng, gửi bạn lại đúng số vàng đó. Và là vàng thật.
Họ đã không gian dối. Và nhờ sự không gian dối đó mà hệ thống đã nhận được sự tin tưởng của người dùng, của vua chúa và quan chức, để mà tồn tại hơn trăm năm trời, cho đến khi Hiệp Sĩ Dòng Đền bị xóa sổ vào năm 1307.
Hệ thống ngân hàng bắt đầu như thế. Nó bắt đầu từ việc những người làm ngân hàng xây dựng uy tín để khách hàng của họ yên tâm mà gửi tiền vào. Chỉ mới hơn 100 năm trước, mối lo lớn nhất của người đi gửi tiền là liệu tôi có thể rút tiền ra được không. Bây giờ bạn đi gửi tiền thoải mái, hầu như không bận tâm gì và thứ bạn quan tâm thường là lãi suất tiền gửi có tăng hay không. Bạn không nhận ra điều đó vì bây giờ có quá nhiều thứ đã được xây nên để đảm bảo lòng tin của khách hàng, bao gồm hệ thống pháp luật, cảnh sát, tòa án, hệ thống thông tin. Nhưng mọi thứ vẫn chỉ xoay quanh một thứ là: niềm tin. Hãy tưởng tượng xem bạn đi du học ở London và bạn sẽ mở tài khoản ở ngân hàng HSBC. Bạn sẽ bỏ vào đó 100 000USD. Nhưng sao bạn dám bỏ tiền vào đó? Cái cô nhân viên cầm tiền của bạn không biết bạn là ai. Bạn cũng không biết cô ấy tên gì, có thể còn chẳng phát âm được cái tên lạ hoắc ghi trên bảng tên cô ấy. Cô ta thì không nói tiếng Việt. Người da đen, tóc xoăn, khác hoàn toàn bạn. Còn bạn đang ở cách nhà cả ngàn cây số, đứng giữa một tòa nhà toàn người lạ và giao tiền cho người lạ. Tại sao bạn dám giao tiền cho họ nếu bạn không tin rằng bạn sẽ rút tiền ra được? Và rút ra được hết nếu bạn muốn!
Một ví dụ khác của niềm tin mà bạn có lẽ không nhận ra, đó là tiền. Và điều thú vị của nó là tiền chỉ có giá trị khi bạn đem ra dùng nó, nghe hơi lạ tai nhưng bạn có thể lấy tờ 100.000VND này cất vào ngăn kéo khóa lại và không bao giờ đụng đến, thì như vậy có phải nó chẳng hề có giá trị gì?
Đây là tờ tiền mệnh giá 500.000VND. Câu hỏi đặt ra là: điều gì khiến tờ tiền có giá trị là 500.000VND? Tự bản thân tờ giấy này không có giá 500.000VND, nhà in chỉ mất vài trăm đồng để in ra một tờ như thế. Cái giá trị của nó có được là do nhà nước nói như vậy. Theo đúng nghĩa đen đó là chính phủ nói với bạn như sau:
"Ngân hàng Nhà Nước tuyên bố tờ tiền có màu abc, kích thước xyz, in theo phương pháp mnp, làm từ vật liệu efg với thông số kỹ thuật bla bla bla sau có giá trị 500.000VND và mọi người hãy dùng nó như thể nó có giá trị 500.000VND."
"Ngân hàng Nhà Nước tuyên bố tờ tiền có màu abc, kích thước xyz, in theo phương pháp mnp, làm từ vật liệu efg với thông số kỹ thuật bla bla bla sau có giá trị 500.000VND và mọi người hãy dùng nó như thể nó có giá trị 500.000VND."
Và bạn tin vào chính phủ chứ? Bạn có thể nói là không tin nhưng khi bạn dùng 500.000VND để thanh toán ở siêu thị, tức là bạn đang tin vào chính phủ. Cái giá trị 500.000VND của đồng tiền này phụ thuộc vào chính phủ và niềm tin của người dân vào chính phủ giúp nó lưu hành được. Để dễ hiểu hơn, hãy tưởng tượng một ngày đẹp trời bạn thức dậy và chính phủ biến mất (ok đây là ví dụ để giải thích kinh tế học, tôi không có làm loạn gì đâu đấy), vậy thì theo bạn chuyện gì sẽ xảy ra với tờ tiền 500.000VND? Nó sẽ thành giấy vụn. Không ai còn xài nó nữa cả, cái tờ 500.000VND vốn có thể giúp bạn ăn một bữa hải sản xả láng ở Hà Nội bỗng nhiên không còn giá trị. Đó là lý do những đồng Reichsmark của Đức Quốc Xã không còn sử dụng được sau năm 1945, hay sau năm 1975 tờ giấy bạc ở miền Nam bỗng thành giấy vụn, hay những tờ Xô Viết ruble cũng biến mất sau năm 1991. Nếu tự bản thân tiền có giá trị thì nó phải tồn tại bất chấp chính phủ còn hay không, giống như vàng bạc châu báu vậy. Vàng thời nhà Nguyễn vẫn còn xài được đến giờ, bất chấp bao nhiêu thay đổi trong chính quyền.
Nhưng đã có trường hợp nào mà người dân không tin vào chính phủ và không xài tiền của quốc gia mình. Có, đó là khi người ta nghĩ rằng tiền này không còn giá trị. Khi ta nói giá trị của tiền, ta phải quy ra vật chất. Tiền chỉ là vật trung gian để trao đổi hàng hóa và do đó chúng ta không cần tiền mà chúng ta cần những thứ tiền mang lại. Nếu bạn có 5 tỷ nhưng không được xài chúng thì cuộc sống của bạn cũng chẳng khác gì cuộc sống của bạn lúc không có 5 tỷ. Như vậy nhà nước in tiền và đảm bảo giá trị trên giấy của nó, bạn tin vào nhà nước và dùng tiền đó để mua hàng, nhưng giá trị thật của tiền thì lại không ai đảm bảo được, nó dao động. Giá trị thật của tiền luôn bị mất bởi lạm phát. Ví dụ năm 2010 một cân chuối có giá 5000VND, 5 năm sau một cân chuối đã tăng giá lên 15000VND, giá trị của tiền đã giảm đi gấp 3 lần. Lạm phát là chuyện bình thường và tốc độ của lạm phát tỷ lệ nghịch với niềm tin của người dân vào đồng tiền. Khi lạm phát tăng quá nhanh thì người dân cũng nhanh mất niềm tin vào tiền.
Và chuyện đó xảy ra ở Việt Nam khoảng gần 10 năm trước, vào thời kì khủng hoảng kinh tài chính ở Việt Nam do kinh tế thế giới bị khủng hoảng, lúc đó lạm phát lên đến 27% năm 2008, tụt xuống rồi lại nhảy lên 22% vào năm 2011, cao nhất cả Đông Nam Á.
Thời kì đó tiền đồng tụt giá không phanh và ai cũng đổ xô đi bỏ tiền đồng qua xài USD, và vì tiền là bộ mặt của chính phụ nên ta hiểu ngầm là người dân tin vào chính quyền Mỹ hơn chính quyền Việt Nam (ok không phản độn gì đâu, kinh tế học đấy). Ví dụ vào năm 2010, 100.000VND, tương đương với 5USD, mua được cho bạn 10 ký gạo, nhưng đến năm 2011 để mua 10kg gạo bạn cần 150.000VND nhưng vẫn chỉ cần 5USD, vậy theo bạn thì bạn nên cầm USD hay cầm VND? Vì tiền đồng mất giá nên người dân không tin vào tiền đồng, tức người dân không tin vào nhà nước, nên người dân đi tích trữ USD, ngay cả doanh nghiệp cũng chuyển qua thanh toán bằng USD thay vì tiền đồng trên chính đất nước Việt Nam. Điều này lại càng làm trầm trọng thêm vấn đề, ban đầu tiền mất giá, vàkhi người dân không tin vào nó và không dùng nó nữa thì giá trị của nó càng tụt hơn nữa.
Đây là điều nguy kịch vì người dân Việt mà không tin vào tiền Việt thì nó không chỉ gây rối loạn nền kinh tế mà còn làm mất uy tín chính phủ. Nhà nước giải quyết vấn đề này bằng cách tung ra nhiều văn bản cấm thanh toán, giao dịch bằng ngoại tệ nhưng không thể cấm người dân tích trữ USD được, nếu không muốn xảy ra bạo loạn. Việc tích trữ USD của người dân khiến dự trự ngoại tệ của nhà nước khánh kiệt vì người dân đem hết tiền đồng ra ngân hàng đổi qua USD. Cuối cùng Ngân hàng Nhà Nước phải tung ra mức lãi suất gửi tiền tiết kiệm theo hướng khuyến khích người dân đổi USD qua lại tiền đồng. Và đó là lý do chúng ta có lãi suất tiền gửi ngân hàng như trong hình dưới đây:
Như vậy bạn thấy đấy, hàng nghìn tỷ đô chảy qua chảy lại trong nền kinh tế toàn cầu chỉ dựa vào hai chữ "niềm tin" mà hoạt động: niềm tin vào luật pháp, vào các thể chế xã hội, vào công nghệ, vào con người với nhau. Và điều đó đúng ở khắp nơi, ngay cả trong giới xã hội đen hay buôn ma túy. Nếu những tên trùm ma túy không tin tưởng nhau, họ sẽ bắn giết thanh toán băng đảng và như thế tự làm suy yếu nhau, như cuộc chiến ma túy ở Mexico đã cho thấy.
Cho nên khi ai đó nói với bạn rằng những tập đoàn lớn toàn lừa đảo, ăn cắp để giàu lên, các quốc gia giàu có chỉ toàn dùng thủ đoạn lừa đảo, thì bạn hãy hiểu rằng người đó không biết nền kinh tế vận hành bằng gì cả.
Vấn đề niềm tin vào nền kinh tế sẽ được nhắc xuyên suốt trong các phần sau.
Vấn đề nợ công
Nợ công là một vấn đề thu hút được sự chú ý của nhiều người trong vài năm đổ lại đây, nhất là lúc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp bùng nổ. Vấn đề này được lan truyền nhanh hơn khi các tấm hình ghi "Mỗi người Việt Nam hiện đang gánh 20 triệu tiền nợ" được chia sẻ lan nhanh khắp Facebook, các bài viết về áp lực nợ công cũng liên tục xuất hiện trong 2,3 năm đổ lại. Các bài viết xoay quanh việc nợ công dính trần 65% của GDP (tức nếu nền kinh tế có tổng giá trị là 100 tỷ USD thì nợ của quốc gia là 65 tỷ USD) và bàn việc có nên nâng trần nợ công lên hay không. Bạn có thể đọc một trong những bài mới nhất ở đây trên VNEconomy.
Nhưng tại sao tỷ lệ nợ công ở Việt Nam chỉ mới 64-65% tính trên GDP mà mọi người đã lo lắng, trong khi Hoa Kỳ có nợ công cao bằng GDP, tức 106%, Bỉ là 105%, Singapore, quốc gia giàu nhất nhì Đông Nam Á là 111%, và Nhật Bản là 237%, nhưng họ không lo vỡ nợ?
Trước hết chúng ta phải hiểu là nợ cũng là một phần tại sản quốc gia, nếu ai học kế toán và biết về công thức kế toán sẽ rõ. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta nghe đến nợ là chúng ta cảm thấy nó rất xấu, tốt nhất là sống không nên bị nợ nần. Nhưng ở quy mô làm ăn lớn, nợ là thứ quan trọng, không có công ty nào là có đủ hết vốn để duy trì hoạt động và đầu tư, các công ty luôn cần vay nợ, dù đó là Google hay Microsoft hay FPT. Ở mức độ quốc gia cũng tương tự và tùy vào chính sách phát triển mà một quốc gia có thể có nhiều hay ít nợ, nếu họ có những chính sách tốt thì một đồng nợ sẽ sinh ra ba, bốn đồng lời, còn tệ thì chỉ làm đủ để trả nợ. Thường thì mọi người hay nghe đến việc nợ công cao là sợ, và dân gian ta hay nói là "nợ ngập đầu"nhưng thực ra khi một quốc gia quản lý nợ tốt thì quốc gia đó thậm chí không cần phải cố giảm nợ mà tăng nợ cũng được.
Nợ quốc gia chỉ trở thành một vấn đề khi:
-Quốc gia đó không thể trả được nợ.
-Khi chủ nợ nghĩ rằng quốc gia đó không thể trả được nợ.
Nghe đơn giản phải không? Nhưng nếu bạn nghĩ một chút thì bạn sẽ nhận ra điều này: một quốc gia có thể vay bao nhiêu cũng được miễn là quốc gia đó có thể trả nợ, tức việc vay nợ không bị giới hạn bởi mức 65% GDP hay bất kì mức nào. Nếu người Nhật có thể duy trì nợ công ở mức 237% tổng GDP thì tức là họ vẫn có thể trả được nợ, người Mỹ cũng thế, tuy nợ của họ là 106% GDP, tức khoảng 15 nghìn tỷ USD, họ vẫn có thể trả được nợ, do đó họ không lo về nợ công. Còn Việt Nam tính đến năm 2016 là nợ 52.9 tỷ USD nhưng đã nhanh chóng gặp nguy cơ không thể trả được. Như vậy so sánh quy mô nợ giữa hai quốc gia là sai lầm, nếu so sánh hãy so sánh khả năng trả nợ.
Tuy nhiên khi so sánh trả nợ, chúng ta cũng phải lưu ý nợ trong nước và nợ nước ngoài. Khi chính phủ huy động vốn cho một dự án, chính phủ có thể vay tiền người trong nước hoặc các tổ chức quốc tế thông qua trái phiếu hoặc các khoản vay. Do đó nếu nói người dân Việt Nam mỗi người đang gánh 20 triệu tiền nợ công là không chính xác lắm vì trong 20 triệu đó có vài triệu là tiền người Việt nợ người Việt. Thường chính phủ chỉ lo nợ nước ngoài vì nợ trong nước họ có thể quỵt được hoặc in tiền trả. Nghe thật buồn cười nhưng thật sự thì viễn cảnh chính phủ vỡ nợ nước ngoài còn ghê hơn nhiều viễn cảnh chính phủ quỵt tiền dân, người dân có thể bực mình đấy, nền kinh tế có thể bị tác động xấu nhưng rồi nó sẽ ổn định lại và người dân, với lòng yêu nước, sẵn sàng hùn tiền giúp chính phủ hoặc cho luôn chính phủ tiền vay. Nhưng với chủ nợ nước ngoài chính phủ không thể in tiền trả được vì phải trả bằng ngoại tệ nên bằng mọi cách chính phủ phải trả cho được. Nếu chính phủ quỵt (default) thì sau này hầu như sẽ không vay nổi được, có thể hiểu là không còn tiền để làm tàu điện, xây cảng, xây đường hay bệnh viện. Vấn đề đáng buồn là ở Việt Nam là chính phủ chủ yếu nợ nước ngoài, ít nợ trong nước và cách tính nợ của chính phủ là kiểu tính né tránh, giảm nhẹ vì chính phủ không tính nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công mặc dù nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp này như Vinashin, Vinalines, là....của chính phủ:
"...ở Việt Nam, Bộ Tài chính lại không đưa nợ DNNN vào nợ công, chỉ tính đến nợ của chính phủ và bộ máy công quyền. Theo đó, với cách tính này, nợ công của Việt Nam chưa bao gồm nợ của các DNNN. Tuy nhiên, khối DNNN – vốn là khối chiếm giữ khối tài sản quốc gia lớn, cát cứ các lĩnh vực kinh doanh quan trọng (điện, dầu khí, khoáng sản, tài chính, viễn thông…) nên nợ của nhóm này cũng rất lớn. Ví dụ như trường hợp của Vinashin, dù nợ của Vinashin không được tính vào nợ công, nhưng khi Tập đoàn này mất khả năng thanh toán trên thị trường quốc tế, Chính phủ đã không thể lờ đi trách nhiệm trả nợ của mình, bởi nếu không gánh trách nhiệm đó thì mức tín nhiệm của TPCP sẽ bị hạ xuống thấp, lãi suất TPCP buộc phải tăng lên mà vẫn không thể phát hành đủ để bù vào bội chi ngân sách hàng năm."
Nguồn: Tri Thuc Vietnam
Điều đó có nghĩa là nợ công ở Việt Nam trên thực tế lớn hơn nhiều so với những gì chính phủ công bố.
Chúng ta cũng nên xem xét trường trái phiếu Hoa Kỳ. Giả sử chính phủ Mỹ cần tiền cho một dự án lớn và họ cần tiền lớn, do đó họ sẽ đi vay. Chính phủ sẽ đưa ra trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau và tất nhiên là các mức lãi suất khác nhau. Bạn là một nhà đầu tư, và bạn quyết định mua trái phiếu ngắn hạn 3 tháng, lãi suất 1% với giá 1 triệu USD. Điều đó có nghĩa là sau 3 tháng bạn lấy lại 1 triệu USD cộng thêm 10.000USD tiền lời. Về mặt chính phủ Mỹ, họ cầm 1 triệu USD của bạn, làm ăn thu nhập được 1.5 triệu USD sau 3 tháng, rồi họ trả 1.01 triệu USD cho bạn và giữ 491 ngàn USD còn lại. Như vậy khi bạn mua bạn đã giúp tăng nợ công của chính phủ Mỹ lên thêm 1 triệu USD nhưng bạn không quan tâm là chính phủ Mỹ đang nợ hàng nghìn tỷ, bạn chỉ quan tâm rằng số 1 triệu USD kia cùng với tiền lãi sẽ về lại bạn. Nếu cứ dùng tiền nợ mà sinh ra lời thì chính phủ Mỹ không cần lo gì việc nợ ít hay nhiều. Thị trường trái phiếu Mỹ là thị trường cực kì hấp dẫn vì chính phủ Mỹ có uy tín rất cao, mọi người có thể yên tâm mua trái phiếu kỳ hạn 20-25 năm mà không sợ bị mất tiền, đó là lý do các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài, kể cả chính phủ Việt Nam lẫn Trung Quốc, bỏ ra hàng nghìn tỷ USD để mua trái phiếu Hoa Kỳ, và như thế, góp phần làm cho nợ công Mỹ tăng lên. Như vậy nợ công ở Mỹ không phải là gánh nặng của đất nước này, mà nó cho thấy sự hấp dẫn của môi trường tài chính ở nước này.
"Theo thống kê Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam đang nắm giữ tối thiểu 12 tỷ đôla trái phiếu chính phủ Mỹ. Số nợ Mỹ do “ta cho vay” tăng 3,5 lần trong giai đoạn từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014. Việt Nam hiện nằm trong top 50 nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ.Thực tế, Việt Nam cho Mỹ vay bao nhiêu thể hiện sức mạnh của Việt Nam nhiều hơn là gánh nặng nợ của Mỹ. Nhờ vị thế đồng tiền thanh toán chính cùng hệ thống kinh tế chính trị ổn định, đôla Mỹ từ lâu đã là đồng tiền dự trữ chính trên thế giới."
Nguồn: Cafef.vn
Ngoài ra tuy người Mỹ nợ đến 18 nghìn tỷ USD trong năm 2015 nhưng một nửa trong số đó, khoảng hơn 9 nghìn, là nợ trong nước, tức người Mỹ nợ nhau, và chỉ có 9 nghìn là nợ nước ngoài, cho nên người Mỹ không lo chút gì về vấn đề vỡ nợ.
Nhìn lại kinh tế học
Khác với trường phái kinh tế học của Marx, trường phái kinh tế học ở Tây Âu và Mỹ quan tâm nhiều đến việc phân phối tài nguyên và coi lịch sử loài người hình thành dựa trên các hoạt động phân phối tài nguyên, tức mua bán trao đổi hàng hóa, chứ không phải qua đấu tranh giai cấp. Mặc dù nền kinh tế thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ thời Adam Smiths nhưng những vấn đề cốt lõi của nó vẫn còn đó: làm sao để phân phối tài nguyên hợp lý, tức làm giảm khoảng cách thu nhập giàu nghèo, giúp người nghèo tiếp cận được với các tài nguyên để họ vươn lên thoát nghèo. Ngay cả khi con người đã tạo ra những sản phẩm ảo như trò chơi điện tử hay bitcoin hay công ty mạng thì chúng ta vẫn định nghĩa chúng là tài sản và vẫn dùng các nguyên tắc đã học trong kinh tế học để phân phối chúng, chúng ta cung cấp dịch vụ Internet giống như là chúng ta cung cấp nước sạch cho người dân.
Trong bài viết sau chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về các mặt khác trong một nền kinh tế.
Tài chính
/tai-chinh
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất